Âm thanh tre nứa Tây nguyên

TRUNG TÂN - ĐÌNH ĐỐI 15/11/2009 03:11 GMT+7

TTCT - Cùng với cồng chiêng, các nhạc cụ băng Tre nứa như đàn t’rưng, đing năm, đing buốt, goong kram... đã gắn bó từ lâu với thế giới âm nhạc của Tây nguyên, nhiều nhạc cụ tre nứa mới được các nghệ nhân bản làng sáng tạo để Tây nguyên thêm rộn ràng âm sắc.

Âm thanh tre nứa Tây nguyên

TTCT - Cùng với cồng chiêng, các nhạc cụ băng Tre nứa như đàn t’rưng, đing năm, đing buốt, goong kram... đã gắn bó từ lâu với thế giới âm nhạc của Tây nguyên, nhiều nhạc cụ tre nứa mới được các nghệ nhân bản làng sáng tạo để Tây nguyên thêm rộn ràng âm sắc.

>> Xem videoclip lễ khai mạc

Chúng tôi tìm về nhà ông Y Mip Ayun - tên thân mật là Ama Kim - ở buôn Cô Sia (TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc), người đã chế tác và chơi được hàng chục nhạc cụ thật tài hoa và hào sảng bậc nhất phố núi suốt nửa thế kỷ qua.

Ông Ama Pô, đội trưởng đội chiêng buôn Cô Sia, cho biết: “Ở buôn chúng tôi, nhiều người có thể thổi và chơi được cơ bản một số nhạc cụ tre nứa. Nhưng chế tác và thành thạo hàng chục nhạc cụ như vậy thì chỉ có mỗi Ama Kim”.

Từ đing pơng đến chiêng nắp thùng phuy

Năm 1994, lần đầu tiên Ama Kim cùng đội chiêng buôn Cô Sia xuất ngoại, đến với những sân khấu ở Pháp, Thụy Điển, Ý, Bỉ..., ông đã đoạt nhiều danh hiệu, giải thưởng trong nước và quốc tế: nghệ nhân xuất sắc trong Liên hoan văn hóa nghệ thuật Tây nguyên, giải Bông sen vàng Liên hoan hòa tấu âm nhạc dân tộc TP.HCM lần 2, giải nhất môn đánh chiêng của Buôn Ma Thuột năm 1997, huy chương vàng tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng toàn quốc...

Cái đing pơng được ông Ama Kim sáng tạo có bốn tay cầm nối với bảy ống nứa nhằm thay thế bộ chiêng đồng truyền thống.

Theo lời Ama Kim: “Với cồng chiêng, muốn đón khách phải đủ bảy người, chỉ phù hợp với những lễ hội của buôn làng, những hội thi. Còn với đing pơng, bảy khúc nứa tạo âm thanh như của bộ chiêng bảy cái truyền thống nên mỗi gia đình chỉ cần hai người là có thể đánh một bài đón khách tươi vui được rồi”.

Nói rồi Ama Kim cùng Ama Pô ngồi say sưa gõ nhịp trên đing pơng điệu Lời chào buôn làng do Ama Kim sáng tác. “Pơng, pờng pơng pơng, pờng pơng pơng”, thanh điệu “cồng chiêng ống nứa” có khác so với chiêng đồng, âm không cao, kéo dài nhưng lại tạo một cảm xúc dứt khoát, tươi vui hơn hẳn. Người nghe nhận ra ngay không gian hội hè và lòng hiếu khách của buôn làng.

Ama Kim còn chế tác những nhạc cụ dựa trên kho nhạc cụ của các dân tộc Gia Rai, Mơ Nông, Ba Na... như đing arắp m’ô (đặt tên theo tiếng Ê Đê) gồm hai phần cho hai người đánh, kết nối trên tay cầm là các thanh gỗ.

Khi hai người dùng thanh gỗ gõ trên các thanh nứa theo nhịp du dương của bài múa Kông tuôr đón khách, người nghe như thấy được sự mềm mại của những đôi tay và dáng di chuyển của các sơn nữ: “Cái đing arắp m’ô mình “ăn cắp” của người Gia Rai. Nghe nhạc nó hay, mình thích nên tìm đến làng người ta ngồi uống rượu với ông già để ông ấy đánh cho nghe. Nhưng ông ấy không chịu bày cách làm. Mình dùng nắm tay, đột tay, gang tay để đo kích thước ống, kích thước, khoảng cách các lỗ, các đoạn cắt, cách đặt lưỡi gà (thanh rung bên trong của ống sáo)... rồi thu băng lại về tự mày mò. Mình đã chỉnh vị trí các ống nứa, cách gọt trật lỗ hay cách bố trí các lưỡi gà... để âm thanh của nhạc cụ mang âm hưởng dân tộc Ê Đê. Hai thứ nhạc cụ, cái được mình chế tác và cái nguyên gốc rất giống nhau nhưng khi đánh âm thanh sẽ khác nhau” - Ama Kim kể.

Chưa hết, vừa rồi Ama Kim đã đúc được một bộ chiêng từ nắp thùng phuy bằng sắt những tưởng chỉ để treo chơi cho vui, không ngờ khi người nghệ nhân già nện dùi vào chúng, những âm thanh cồng chiêng quen thuộc ngân lên... Ama Kim cho biết: “Chiêng này nhỏ và nhẹ hơn chiêng đồng nhiều, mình đã chỉnh cho âm thanh của chiêng dứt khoát, tươi vui hơn. Nó sẽ góp phần làm phong phú thêm những tiết mục của buôn làng”.

Ama Kim với dàn chiêng do ông chế tác từ nắp thùng phuy - Ảnh: Trung Tân

“Guitar” ống nứa và cây sáo vỗ

Nghe chúng tôi hỏi thăm, nghệ nhân Y Diẵm Ayun (tên thân mật là Aê Ngõt) ở buôn Gram A’ (xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ, Đắc Lắc) lấy trên gác bếp một bọc rất nhiều nhạc cụ tre nứa. Nào là brỗ (đàn bầu), đing năm, dĩng (đàn môi), đing tak tà, buôt choch (sáo)... nhưng đáng chú ý nhất vẫn là đàn “guitar” bằng ống nứa được phát triển từ cây đàn goong kram của dân tộc Ê Đê.

Để làm nhạc cụ này, Aê Ngõt chọn những thân nứa già, mỏng có độ dài ngắn khác nhau, khoét những lỗ tròn, những đường dài trên thân ống làm âm thanh khác đi. Sáu sợi dây đàn làm bằng dây phanh xe đạp hoặc dây thép nhỏ. Thân đàn là một ống nứa già, dài 0,7-1m, đường kính 15cm, phần cật của ống nứa căng sáu dây, trên đầu mỗi dây được đệm những mảnh tre nhỏ để làm ngựa đàn và để điều chỉnh độ cao thấp của âm thanh. Aê Ngõt mất một lúc để chỉnh dây đàn rồi ngồi xếp bằng, hai chân giữ đàn, các ngón tay búng vào dây đàn tạo những âm thanh nghe giòn giã vui tai.

Tác giả của cây sáo vỗ là nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân, một người Hà Nội đã gắn bó với mảnh đất này gần 30 năm, hiện công tác tại Hội Văn học nghệ thuật Đắc Lắc. Sáo vỗ dùng hơi để thổi nhưng không có lỗ bấm, chỉ dùng bàn tay (day, chặn, vuốt, vỗ) để tạo ra âm thanh vừa dìu dặt, du dương, vừa trầm hùng, âm vang sống động...

Vì thế khi biểu diễn trong không gian lễ hội hay trên sân khấu hiện đại âm thanh của cây sáo vỗ dễ hòa nhịp với các loại nhạc cụ Tây nguyên khác. Cây sáo vỗ từng đến các nước châu Âu, gần đây nhất là tại Paris vào năm 2005 trong dịp UNESCO trao bằng công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại”.

Khi đó cây sáo vỗ được nghệ sĩ Y Sanh biểu diễn kết hợp với dàn chiêng lừng danh buôn Cô Sia khiến giới chuyên môn đánh giá cao về sự độc đáo của nó. Theo giáo sư Trần Văn Khê, sáo vỗ là sự kế thừa và phát triển độc đáo vốn nhạc cụ và âm nhạc của người Tây nguyên.

Aê Ngõt chỉnh đàn “guitar” chuẩn bị biểu diễn - Ảnh: Trung Tân

Chiếc “đàn piano của Tây nguyên” đương đại

Nhiều người còn biết đến tên tuổi Trương Ân, nghệ nhân chuyên làm nhạc cụ cho Đoàn ca múa nhạc các dân tộc Đắc Lắc. Từ những ống tre, trúc dài ngắn khác nhau được đồng bào dân tộc thiểu số treo trước hiên nhà, khi gió thổi qua chúng va đập vào nhau nghe lanh canh, lúc khoan lúc nhặt, Trương Ân làm một hàng ống tre trúc liền kề nhau (số lượng nhiều hay ít tùy thuộc không gian diễn xướng), đeo vào người để gõ và gọi là chiêng gió đeo.

Tin bài liên quan

>> >> Phố núi đợi hội cồng chiêng
>> 40 đoàn tham dự Festival cồng chiêng quốc tế
>> Đêm nhạc Âm vang cồng chiêng
>> Cồng chiêng Tây nguyên qua ảnh tư liệu của Pháp
>> Học đánh cồng chiêng
>> Người giữ tiếng chiêng cho đời sau
>> Hội tụ văn hóa cồng chiêng
>> Phố núi đêm khai hội cồng chiêng
>> Khai mạc Festival cồng chiêng quốc tế 2009
>> “Chiêng nhí” vào hội

Nhạc cụ này có thể diễn tấu trên sân khấu cố định hay ngoài trời khi có lễ hội và hòa điệu nhịp nhàng với các loại nhạc cụ truyền thống như cồng chiêng, đàn t’rưng và nhiều bộ gõ có ống cộng hưởng khác.

Nghệ nhân Trương Ân còn cải tiến hàng âm (khi lên cao, lúc xuống thấp) của đàn ching kram truyền thống. Ching kram nguyên thủy chỉ có một hàng thanh tre ngang, mỗi thanh tựa như một phím đàn piano.

Cách đây vài năm, nghệ sĩ Vũ Lân cải tiến thêm bằng cách nâng lên một hàng thanh tre nữa và một hàng ống cộng hưởng ở phía dưới theo chiều thẳng đứng để cùng lúc mở rộng thêm được thang âm cũng như âm vực cho chiếc đàn ching kram cải tiến, nhờ đó có thể chơi được các tác phẩm âm nhạc truyền thống lẫn hiện đại.

Nay trên nguyên tắc ấy, Trương Ân lại nâng lên hai hàng ống cộng hưởng với nhiều biên độ cộng âm phong phú hơn nên loại nhạc cụ này dễ dàng hòa điệu với các nhạc cụ khác, kể cả với dàn nhạc hiện đại. Ching kram từ đó không những độc tấu được mà còn giữ nhịp đệm và hòa tấu trong các buổi diễn xướng âm nhạc hiện đại và hoành tráng. Qua những cuộc liên hoan âm nhạc trong nước và quốc tế, đàn ching kram cải tiến được giới chuyên môn đánh giá cao và xem đó là chiếc đàn “piano của Tây nguyên” đương đại.

Nghệ nhân Trương Ân bên cây “đàn piano Tây nguyên” - Ảnh: Thái Bá Dũng

TRUNG TÂN - ĐÌNH ĐỐI

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận