300 năm, 90 phút, 1 cú thở

VIỆT LINH 18/01/2004 19:01 GMT+7

TTCN - Không có giải thưởng lớn từ những liên hoan phim lớn nhưng Russian ark (1) của đạo diễn Nga Alexander Sokurov vẫn được giới bình luận xem là tuyệt phẩm, vẫn được các đài truyền hình quốc tế phát đi phát lại sau khi đã chiếu rạp, đã phát hành băng đĩa (2). Đơn giản: lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh thế giới, một bộ phim 90 phút được quay chỉ với một cú máy!

Phóng to
TTCN - Không có giải thưởng lớn từ những liên hoan phim lớn nhưng Russian ark (1) của đạo diễn Nga Alexander Sokurov vẫn được giới bình luận xem là tuyệt phẩm, vẫn được các đài truyền hình quốc tế phát đi phát lại sau khi đã chiếu rạp, đã phát hành băng đĩa (2). Đơn giản: lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh thế giới, một bộ phim 90 phút được quay chỉ với một cú máy!

Yêu thích lịch sử từ niên thiếu, Sokurov hoàn toàn choáng ngợp khi lần đầu tiên tiếp cận Bảo tàng Ermitage. Với hơn 3 triệu hiện vật, tranh ảnh được trang hoàng sinh động, có thể nói Ermitage - bảo tàng lớn thứ hai thế giới sau Louvre, vốn là “cung điện Mùa Đông” của sa hoàng ở Saint-Péterbourg - là tấm gương phản chiếu nước Nga.

Bị lôi cuốn bởi dấu vết văn hóa, lịch sử của ngôi nhà huyền thoại, ngay từ cuộc diện ngộ đầu tiên chàng sinh viên điện ảnh Sokurov đã manh nha khát khao tái hiện một Ermitage “toàn cảnh”, không giống các phim tài liệu thông tấn hay phim truyện dàn dựng trước đó.

Ý tưởng hình thành khá lâu nhưng mãi đến năm 2000, nhân lần tham dự Liên hoan phim Cannes với phim Mẹ và con, tận mắt trông thấy tính năng kỳ diệu của máy Sony Steadicam HDW-F 900 (máy quay kỹ thuật số di động - NV), Sokurov mới quyết định phương pháp.

Về kịch bản, Russian ark là cuộc hội ngộ ngẫu nhiên giữa người đạo diễn thế kỷ 21 với nhà ngoại giao Pháp thế kỷ 19 khi cả hai đến thăm Ermitage trong thế kỷ 18! Qua cuộc “du hành” quá khứ - đôi khi là tương lai đối với nhà ngoại giao - họ đã gặp lại hầu hết những gương mặt lớn trong lịch sử nước Nga, từ Pierre đại đế, nữ hoàng Catherine II, các sa hoàng Nicolas… đến đại thi hào Puskin, tiếp xúc cả với những con người đương đại...

Phóng to
Đạo diễn Sukorov trước giờ quay
Câu chuyện dù vậy chẳng quá rắc rối nếu như Sokurov không quyết định phim chỉ quay một cú máy duy nhất! Bất kỳ ai làm điện ảnh đều biết đây là ý tưởng “điên rồ”, bởi ngay chỉ một giờ lướt xem như du khách cũng đã đuối, huống chi phải cầm máy xuyên qua hàng chục gian sảnh với rầm rập diễn viên đủ kiểu hóa trang, đủ kiểu sinh hoạt…

Thế nhưng Sokurov cũng tìm thấy những người “điên” khác, đó là nhà sản xuất Andrey Deryabin và nhà quay phim người Đức Tilman Buttner. Một liên hợp sản xuất Nga - Đức được thành lập, một bộ phim tài liệu - truyện kinh phí thấp được xúc tiến với nỗi đam mê cao ngất và sức lao động khổng lồ.

Để có được cú quay liên tiếp trong cái “thành phố” Ermitage bát ngát, Sokurov và Tilman đã phải ròng rã nhiều tháng tìm kiếm “đồ thị”, phải diễn tập với êkip để không ai “nhảy” vào ống kính trong các cú quay 3600, để học cách trao đổi “im lặng” cho kỹ thuật âm thanh đồng bộ, chính xác hơn, đo lường thể lực của con người. Nhà sản xuất Andrey cũng nhọc nhằn không kém khi phải bài trí cùng lúc 34 bối cảnh, hóa trang cùng lúc 986 diễn viên, đặc biệt bối cảnh dạ vũ với ba dàn nhạc lớn… Điều cả đoàn lo nhất vẫn là sức khỏe Tilman: liệu anh có thể ôm máy về đến đích? Thế nhưng nhà quay phim “máu mê” này lại chỉ lo một nỗi: khí hậu -200C và bông tuyết sẽ làm nhòe ống kính khi máy ra ngoại cảnh!

Sau nhiều tháng kỳ công, phim khởi quay ngày 23-12-2002 - ngày ngắn nhất của mùa đông Nga. Tập hợp từ 4g sáng để khởi quay giữa trưa, cả đoàn phim căng thẳng như bước vào trận chiến bởi không có kinh phí tổng diễn tập: chỉ một sự cố sẽ phải quay lại trong lúc tài chính chỉ cho phép thuê bối cảnh đúng một ngày - ngày nghỉ của bảo tàng!

Không phải vô cớ nhà sản xuất đã ghi hình, phổ biến luôn tư liệu làm phim (making of): phải nhìn thấy công việc của đoàn, thấy “đường đi” nín thở của người cầm máy và êkip phụ tá mới hiểu hết giá trị cuộc phiêu lưu điện ảnh vô tiền khoáng hậu… Đích thị là phiêu lưu, bởi theo nhà sản xuất, phim không có kinh phí bảo hiểm dù nguy cơ rủi ro đầy rẫy. Chỉ riêng ngày 23-12 đã phải hai lần dừng máy do sự cố điện, lần thứ ba thông suốt nhưng đến phút 70 - bắt đầu những cảnh hoành tráng nhất - quay phim bị tê tay!

Trong khoảnh khắc tưởng như mọi công trình đổ biển thì Tilman, bằng một sức mạnh tinh thần kỳ lạ, đã vượt qua, hoàn tất đoạn cuối phim với những hình ảnh tuyệt vời… Cảnh quay chấm dứt! Một “cú thở” chấm dứt! Bủn rủn, xanh mét, Sokurov ôm chầm lấy Tilman giữa tiếng hò reo sung sướng bao quanh…

Trở lại tác phẩm: không cắt cúp nhưng nhờ “đường đi” của máy quay lẫn sự di chuyển hợp lý của nhân vật, Russian ark vẫn có được những khung hình phong phú mà kết quả là chỉ qua vài phút người xem đã không thấy hoặc quên đi tính liên tiếp của cú máy. Kịch bản cũng thông minh khi tìm ra nguyên cớ để người dẫn chuyện có thể vào ra nội - ngoại cảnh hợp lý, xuyên suốt 34 gian phòng một cách tự nhiên. Hỏi vì sao chỉ một cú quay? Cuộc chơi hay cuộc cách mạng? Sokurov bộc bạch: “Đích nhắm của tôi không phải là kỹ thuật dù phải dựa trên nó. Qua cú máy, tôi muốn thể nghiệm một khả năng điện ảnh, muốn mang đến cho Ermitage cái nhìn liên tục giống như lịch sử vốn không ngừng nghỉ…”. Quả thật, với cú quay không ngừng nghỉ, Russian ark đã bao quát toàn cảnh 300 năm một cách ngọt ngào.

Dĩ nhiên một cú máy khó mang tới sự hoàn hảo: ánh sáng không (thể) được chăm chút như vốn phải, nhân vật chấm phá, sự kiện trôi lướt, nhưng rõ ràng, như lời ca ngợi của giới phê bình quốc tế, Russian ark là một dấu ấn trí tuệ, một kỳ công, một “báu vật” mới của kho tàng điện ảnh nhân loại. Phim có nhiều bài học chuyên môn nhưng theo người viết, điều đáng học nhất, ít nhất đối với chúng ta, không phải là kỹ thuật mà là sự công phu trong suy nghĩ, sự dám đi tới cùng khả năng, ước muốn…

----------------

(1) Chữ ark - tiếng Nga có nghĩa là con tàu cứu rỗi (trong truyện cổ), tựa phim vì thế khó dịch sang tiếng Việt.

(2) Phim DVD đã có ở VN.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận