Vấn nạn con nghiện ma túy: Nhìn từ góc độ cộng đồng

TTCT - Hồi đầu tháng 10-2014, báo cáo của Công an TP.HCM ghi nhận trong vòng một năm qua có thêm 7.000 người nghiện, tăng 58% so với năm ngoái.

Mua bán ma túy tại khu vực bến xe An Sương, TP.HCM - Ảnh: Khoa Long

Cũng theo báo cáo đó, con số 19.000 người nghiện là nguyên nhân gây ra 60% số vụ phạm pháp hình sự.

Nhưng những con số này không chỉ để nói về những bất an của xã hội và báo động về chất lượng sống ở các đô thị, mà còn cần được nhìn thấu đáo hơn ở khía cạnh tâm lý cộng đồng để có những hành động trúng mục tiêu, chẳng hạn tập trung sâu hơn cho “hậu cai nghiện”.

Hiểu rõ từng cộng đồng

Trong một thời gian dài trước đây, bài trừ ma túy ở Việt Nam dựa chủ yếu vào công tác tuyên truyền, ít nhiều tạo ra quan niệm nặng nề trong xã hội khi tiếp xúc với người nghiện.

Do một thời gian dài định kiến rằng HIV/AIDS là đáng sợ, hình ảnh người nghiện bị mô tả tiêu cực, hiểu biết về vấn đề này bị che phủ bởi cảm giác sợ hãi trước những điều liên quan, ví dụ như lây nhiễm qua kim tiêm và mối nguy từ người sử dụng ma túy.

Điều này khiến người ta bỏ qua những nhận thức thực tiễn hơn, thiết thân hơn với chính họ như nguy cơ lây nhiễm cao hơn nhiều đến từ dụng cụ cắt tóc hay làm móng tay, lấy ráy tai, hay tình dục lén lút nơi quán bia ôm và tụ điểm matxa.

Những biến thể của việc sử dụng ma túy cũng vậy, không chỉ là loại chích kim tiêm vào mạch máu như thường thấy trên tranh cổ động, mà còn là các loại bột hít vào mũi, thuốc để hút, thuốc viên để uống.

Người dùng ma túy không phải lúc nào cũng dơ bẩn, nghèo khổ như một vài con nghiện khiến người ta chú ý, mà có thể là một cô bé mặc đồng phục trung học, một nam doanh nhân thành đạt, hay một cô gái trông quê mùa làm nghề gội đầu trong tiệm cắt tóc. 

Đấy có thể là một điểm khởi đầu cho nhìn nhận lại và nhìn nhận tổng thể vấn đề rằng người sử dụng ma túy không đơn giản là các cá thể đơn lẻ trong xã hội, mà là một dạng “cộng đồng” có những mối quan hệ xã hội và cấu trúc hoạt động nhất định.

Trước hết là mối quan hệ không thể thiếu giữa họ và các đầu mối mua bán ma túy, tiếp theo là nguồn tiền - việc làm để họ có tiền mua ma túy, và sau đó là mối quan hệ giữa họ với các thành viên khác không nghiện ma túy trong cộng đồng dân cư.

Nhiệm vụ chính của cảnh sát, an ninh và công an khu vực là lần theo người nghiện để bắt và khởi tố người bán ma túy. Khi ngành an ninh làm tốt nhiệm vụ của mình, cộng đồng sử dụng ma túy sẽ thiếu thuốc để dùng, giúp người muốn cai nghiện có thêm động cơ thích đáng để dừng thuốc hoặc tìm đến các giải pháp thay thế hợp pháp như đến các trung tâm cai nghiện thay thế bằng methadone. 

Đi kèm sự thay đổi nhận thức đó là phân định trách nhiệm một cách rạch ròi, từ trách nhiệm của ngành giáo dục trong xây dựng các chiến dịch truyền thông phù hợp cho học sinh và gia đình của học sinh để ngăn chặn tuyệt đối việc có thêm người nghiện ma túy, nhất là ở độ tuổi vị thành niên, trách nhiệm của ngành y tế cộng đồng là phổ cập kiến thức đến đúng địa chỉ, đúng người, trách nhiệm của chính quyền thành phố trong cung cấp đủ nhân lực và ngân sách để bài trừ ma túy trên từng địa bàn.

Những lưới đỡ mềm 

Người nghiện ma túy không nhất thiết phải đưa vào trại cải tạo nhưng người nghiện ma túy gây án ngay lập tức phải bị khởi tố - đó là điều mà tất cả mọi người cần phải ý thức và có thái độ rõ ràng, không sợ mất thời gian để giúp làm sạch xã hội và môi trường sống.

Khi các cộng đồng dân cư “lành mạnh” xuất hiện vấn đề người nghiện, phản ứng thích đáng là kéo họ về gần phía mình để giúp đỡ, chứ không phải là hắt hủi và xa lánh vì sẽ khiến con nghiện thấy gần gũi với “cộng đồng nghiện” hơn là những người thân lành mạnh. 

Một khi nhìn nhận vấn đề như vậy, các giải pháp mềm cần được hiện thực hóa bằng các công cụ hữu ích, đơn giản và dễ tiếp nhận nhất có thể. Trên mạng có sẵn nhiều trang thông tin bằng tiếng Việt giúp cai nghiện tại nhà.

Trách nhiệm của các cơ quan chức năng và ban ngành địa phương là phải sớm đưa ra một hệ thống phương pháp thống nhất và dễ hiểu, dễ thực hiện cho toàn dân, kèm theo là đường dây nóng và người chịu trách nhiệm cụ thể tại mỗi khu vực và địa bàn dân cư, nhất là các điểm nóng.

Mối liên lạc trực tiếp với cán bộ y tế và chuyên gia tâm lý ngay tại địa phương là không thể thiếu được khi cai nghiện tại gia, tránh trường hợp gia đình vì thương con mà sử dụng các loại thuốc hay biện pháp cai nghiện không phù hợp. 

Để tăng hiệu quả cho chính sách này, cần phải thực hiện đồng thời các nghiên cứu lâm sàng và nghiên cứu xã hội học, từ đó dần áp dụng rộng rãi và xây dựng thành chương trình trên toàn quốc. Các chương trình hậu cai nghiện cần được mở rộng và tạo điều kiện tối đa cho tư nhân, các tổ chức phi chính phủ... tham gia.

Những điều vừa kể là phức tạp và vô cùng đồ sộ, không bao giờ là chuyện đơn giản chỉ cần một vài quyết định là có thể giải quyết nhanh chóng, mà là một quá trình điều chỉnh mang tính xã hội lâu dài, đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức từ tất cả các cộng đồng.

Ở Ba Lan, việc ngăn chặn ma túy lây lan là cả một quy trình tổng quát liên quan đến nhiều cơ quan ban ngành, trách nhiệm cụ thể được quốc hội xác định rõ bằng luật và kèm theo là chương trình chi tiết để phòng chống ma túy.

Hiện việc điều phối trong giai đoạn 2011-2016 do một cơ quan đảm trách, với đầy đủ thông tin tư vấn, đường dây nóng điện thoại và trang mạng ở địa chỉ www.narkomania.org.pl. 

Chính sách phòng chống ma túy ở mỗi quốc gia được xây dựng trên cơ sở các nghiên cứu sâu về y khoa và tâm lý xã hội, điều mà Việt Nam đang hoàn toàn thiếu vắng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận