​Hướng đến một chính phủ hiện đại và phụng sự tốt

NGUYỄN ĐỨC LAM 25/05/2015 20:05 GMT+7

Nhiều chuyện bé cỏn con mà cũng phải đưa lên Thủ tướng xem xét quyết định; hàng chục ban chỉ đạo cũng chỉ để chỉ đạo cùng một chuyện; tám bộ ngành cùng quản lý chất lượng “mâm cơm” nhưng vẫn gây lo ngại về vệ sinh, an toàn thực phẩm; “lạm phát” cấp phó... Những trớ trêu và mắc mứu này đã và vẫn đang xảy ra ở Việt Nam.

 

Dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét và thông qua vào kỳ họp khóa 9 (khai mạc ngày 20-5-2015). Người ta hi vọng những quy định mới trong luật này sẽ giúp Chính phủ vận hành một cách tốt hơn.

CÔNG VIỆC RÕ RÀNG

Nguyên tắc lớn nhất trong tổ chức công việc của một tổ chức là từ chức năng, nhiệm vụ cụ thể để phân tích công việc, từ đó xây dựng tổ chức để bố trí con người vào các vị trí. Cũng như thế, cải cách bộ máy Chính phủ trước hết xuất phát từ việc xác định lại một cách rõ ràng: Chính phủ làm gì?

Hiến pháp năm 2013 đã trao cho Chính phủ những quyền hạn quan trọng: là cơ quan hành pháp, Chính phủ không chỉ thi hành chính sách, pháp luật, mà còn làm công việc khó khăn hơn nhiều là khởi xướng, hoạch định chính sách.

Do thực tế Việt Nam, Chính phủ cũng là nơi chủ động đề xuất các sáng kiến lập pháp; soạn thảo các dự án luật để trình Quốc hội thẩm tra, ban hành. Năng lực xác lập ưu tiên của quốc gia là rất quan trọng, đòi hỏi tầm nhìn chiến lược và tính sáng tạo mà không sa vào điều hành hành chính, giải quyết sự vụ. Chức năng hành pháp chính trị này của Chính phủ khác hẳn với chức năng hành chính công vụ của bộ máy giúp việc.

Trong lĩnh vực kinh tế, một chính phủ hiện đại là chính phủ chuyển dần từ vai trò tác nhân kinh tế chính yếu, trực tiếp sản xuất kinh doanh sang vai trò thúc đẩy phát triển, trọng tài kinh tế; tạo điều kiện để thị trường được kiến tạo và vận hành lành mạnh, hiệu quả; ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trong lĩnh vực xã hội, chính phủ đó chuyển từ việc phân phát phúc lợi sang vai trò đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, cung cấp dịch vụ sự nghiệp, đồng thời đảm bảo nguồn dịch vụ khác theo yêu cầu của xã hội...

Sự điều tiết của Chính phủ được đặt trong nhiều giới hạn, chỉ can thiệp khi thị trường thất bại nhằm phân bổ các nguồn lực một cách hiệu quả, công bằng; khuyến khích và tôn trọng tự do cạnh tranh, coi đó là sức ép tự điều tiết tốt nhất của nền kinh tế.

Có những việc Chính phủ không thể chuyển giao cho khu vực tư, nhưng có những việc có thể chuyển giao một phần, và có những việc chuyển giao hoàn toàn. Những gì xã hội làm được, doanh nghiệp làm được thì để xã hội, doanh nghiệp làm, Chính phủ chỉ cần làm tốt việc giám sát, kiểm soát chất lượng đối với các dịch vụ được khối tư nhân cung ứng cho xã hội. Đồng thời, Chính phủ và bộ máy hành chính cũng cần cải thiện chất lượng, đảm bảo tốt hơn những dịch vụ công mà khu vực tư nhân không muốn hoặc không thể đảm nhận.

HÌNH HÀI GỌN NHẸ, HIỆU QUẢ 

Dựa trên việc xác định Chính phủ làm gì thì sẽ dễ dàng hơn khi xây dựng bộ máy Chính phủ.

Chẳng hạn giảm đầu mối (sắp xếp lại tổ chức) cần xuất phát từ việc giảm những đầu việc đáng lẽ ra Chính phủ không cần làm. Nếu không, một đầu mối sẽ phải “gánh” nhiều việc hơn, sự quá tải là không tránh khỏi, hoạt động không hiệu quả như mong muốn. Như vậy, việc nhập các bộ thành “bộ đa ngành, đa lĩnh vực” cần xuất phát từ yêu cầu của công việc, giảm các đầu mối để thật sự tăng tính hiệu quả, hiệu năng của Chính phủ, để mang lại kết quả tốt nhất trong tương quan với đồng tiền thuế đánh trên người dân.

Hoặc là những tổ chức cung cấp dịch vụ công, không có chức năng quản lý nhà nước như trường đại học thì không nên thuộc bộ; hai Viện khoa học Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam... cũng không nên đặt trong Chính phủ mà có thể là những cơ quan độc lập, hoạt động theo luật. Tranh luận về vấn đề này (điều chỉnh trong luật hay không) vừa diễn ra khá sôi động, nhưng nên có hướng rõ ràng chứ “không để lơ lửng trong hệ thống chính trị” như Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng lo ngại.

Từ yêu cầu của công việc, cơ cấu bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ cần được điều chỉnh theo hướng phù hợp với chức năng nhiệm vụ, phạm vi đối tượng quản lý và tính chất hoạt động của từng loại cơ cấu tổ chức trực thuộc, loại bỏ những cơ cấu trung gian. Đồng thời phân biệt rõ các đơn vị giúp bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước với các tổ chức sự nghiệp cung cấp dịch vụ công; xem xét lại tính hợp lý của việc thành lập các tổng cục và tương đương ở một số bộ, cơ quan ngang bộ.

Từ việc phân biệt giữa hành pháp chính trị và hành chính công vụ đã đến lúc học hỏi áp dụng mô hình bộ ở nhiều nước với hình hài như sau: bộ trưởng là chính khách, hoạch định chính sách của bộ; còn công việc hành chính hằng ngày do một tổng điều hành lo. Nhân vật này do bộ trưởng thuê trong khoảng thời gian nhất định ví dụ năm năm, nhưng làm không tốt thì bị sa thải bất cứ lúc nào; tổng điều hành có quyền tự tuyển người với khoản ngân sách nhà nước đã định trước, bởi vậy buộc phải tuyển người giỏi, tuyển ít người, làm theo nhóm cơ động, với đồng lương cạnh tranh.

Hệ thống công vụ chuyên nghiệp, thanh liêm là mục tiêu quan trọng trong việc đổi mới Chính phủ. Hệ thống này phải hiệu năng, chuyên nghiệp, thạo nghề, giỏi triển khai chính sách. Đây là tiêu chí đầu tiên, quan trọng nhất để đánh giá công chức.

Bên cạnh đó cần xây dựng và áp dụng hệ quy chuẩn về đạo đức công vụ trong từng lĩnh vực, làm cơ sở cho một hệ thống công vụ thanh liêm. Việc tuyển chọn, đánh giá, khen thưởng công chức theo chuyên môn, kỹ năng; đào tạo, tập huấn theo các tiêu chuẩn quốc tế cũng đặc biệt quan trọng để dù trong bất kỳ điều kiện nào cũng bảo đảm vận hành dịch vụ công một cách hiệu quả.

Từ yêu cầu của công việc để xây dựng tổ chức, sắp xếp bộ máy, ấn định ngân sách, cũng chính là cách thức ràng buộc chặt chẽ, ai đó có muốn thêm chức, ghế, cấp cũng khó hơn. Như một đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường: “Chúng ta hiện nay đẻ ghế không thật. Các nước tôi thấy đẻ ra một ghế, một chức là không có tiền trả lương. Còn ta bao nhiêu cũng có thể trả lương”.

TRÁCH NHIỆM RÀNH MẠCH

Ở Việt Nam hiện nay, hoạt động của Chính phủ diễn ra trên cơ sở kết hợp chế độ, trách nhiệm tập thể với đề cao trách nhiệm cá nhân. Nhiều người hết sức băn khoăn về nguyên tắc này, vì đặc trưng của hành pháp là chế độ thủ trưởng và không rõ thế nào là “kết hợp”, không biết lúc nào là trách nhiệm cá nhân, lúc nào trách nhiệm tập thể.

Câu trả lời cho câu hỏi “Chính phủ làm gì?” còn liên quan mật thiết đến sự phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và địa phương. Ví dụ về vấn đề chống hàng gian, hàng giả tại địa phương, nếu Chính phủ không quy định đầy đủ, không kiểm tra công vụ thì Chính phủ chịu trách nhiệm, nhưng để bày bán thì đó là lỗi của chính quyền địa phương. Hoặc trong ngành y tế, trách nhiệm của Bộ Y tế là xây dựng chính sách, các quy định, kiểm tra công vụ, còn để xảy ra chích ngừa sai ở cơ sở là trách nhiệm của địa phương. Như vậy, cần khoanh vùng những việc của Chính phủ, những việc của địa phương làm, việc do cấp cơ sở phụ trách, cấp trên chỉ đưa ra quy định và kiểm tra, thanh tra công vụ, không sa đà vào sự vụ cụ thể. 

Bên cạnh đó vẫn có những lĩnh vực không có sự thống nhất bộ nào quản lý, như hạ tầng, khu kinh tế, khu công nghiệp. Nếu xác định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, kể cả ở những lĩnh vực liên ngành, liên bộ, thì sẽ đặt lại vấn đề thành lập ra các ban chỉ đạo, các hội đồng từ trung ương đến địa phương.

Việc Đà Nẵng mới đây tuyên bố xóa bỏ 75 ban chỉ đạo thể hiện tinh thần cải cách hành chính của thành phố, đồng thời cho thấy sự lãng phí, hình thức, thiếu hiệu quả của nhiều ban chỉ đạo. Các ban chỉ đạo không phải là một thiết chế hành chính nên hiệu lực hạn chế, trách nhiệm lại thường “đẩy” lên Thủ tướng, các Phó thủ tướng.

Việc phân định rõ ràng công việc cho từng cá nhân, tổ chức, cơ quan là cơ sở để xác định rành mạch trách nhiệm của mỗi thành tố trong Chính phủ.

Thông thường, công chức phải chịu trách nhiệm trước quan chức hành chính; quan chức hành chính này chịu trách nhiệm trước bộ trưởng - chính khách; bộ trưởng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, Chính phủ; Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội; Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri. Quá trình quy và áp đặt trách nhiệm sẽ được dội theo chiều ngược lại cho đến tận công chức bình thường.

Hơn nữa, còn có cơ chế áp đặt trách nhiệm pháp lý lên bộ máy hành chính bằng cách tạo điều kiện cho người dân khiếu nại, khiếu kiện; các cơ chế giải trình trách nhiệm của Chính phủ, hệ thống hành chính nhà nước trước các cơ quan dân cử, tòa án, xã hội, báo chí. Sự kiểm soát nhằm giữ gìn cho Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương trong sạch hơn, có nghĩa là mạnh hơn, hiệu quả hơn; đáp ứng đúng nhu cầu phát triển, nguyện vọng của người dân.

Cuối cùng, đầu vào của hoạt động quản lý nhà nước là tất cả nhu cầu của xã hội, công dân buộc bộ máy đó phải giải quyết, còn đầu ra là mức độ hài lòng của xã hội, của công dân về kết quả, cách thức giải quyết. Câu hỏi Chính phủ làm gì, hình hài ra sao, trách nhiệm thế nào để làm tăng mức độ hài lòng của người dân cần có câu trả lời thích đáng, xuất phát từ cái nhìn khác về mối quan hệ giữa Chính phủ với tư cách nhà cung cấp dịch vụ công và công dân với tư cách là khách hàng - thượng đế. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận