Shangri-la “phấp phỏng” với phán quyết tòa quốc tế

THANH TUẤN 04/06/2016 00:06 GMT+7

TTCT - Đối thoại Shangri-la vào cuối tuần này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt: cả khu vực đang chờ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) về vụ kiện của Philippines đối với đường chín đoạn của Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter và người đồng cấp Malaysia Hishammuddin Hussein cùng bay trên eo biển Malacca trước Đối thoại Shangri-la 2015 để khẳng định quyền tự do đi lại ở khu vực Biển Đông-defense.gov
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter và người đồng cấp Malaysia Hishammuddin Hussein cùng bay trên eo biển Malacca trước Đối thoại Shangri-la 2015 để khẳng định quyền tự do đi lại ở khu vực Biển Đông-defense.gov


Phán quyết có thể được đưa ra bất cứ lúc nào kể từ đầu tháng 6 và sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cục diện ở Biển Đông và quan hệ quốc tế trong khu vực.

Cuộc vận động ráo riết

Trong mấy tuần vừa rồi, chuẩn bị cho sự kiện này, Trung Quốc đã đẩy mạnh chiến dịch ngoại giao để có thêm sự ủng hộ chống lại phán quyết của PCA. Cùng lúc, việc quân sự hóa trên các đảo đã bồi đắp trái phép trên biển cũng được đẩy mạnh, qua việc đưa máy bay không người lái và các trang thiết bị, vũ khí lên trên đảo.

Hôm 20-5, Bắc Kinh tuyên bố đã có ít nhất 40 nước ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trên Biển Đông. “Có hơn 40 nước đã ra tuyên bố và thể hiện quan điểm bằng các cách khác nhau (ủng hộ Trung Quốc)”, Tân Hoa xã dẫn lời bà Hoa Xuân Oánh nói trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. “Ngày càng có nhiều nước ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông”.

Dù Trung Quốc chưa công bố danh sách chi tiết “các nước ủng hộ”, những nguồn tin khác nhau cho biết phần lớn các nước này là ở châu Phi, nơi Trung Quốc có nhiều hoạt động đầu tư và ảnh hưởng.

Trong ASEAN, nơi các nước hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận - mọi quyết định phải được tất cả các thành viên đồng ý, Thủ tướng Lào đã ra tuyên bố ở Nhật Bản nói Biển Đông nên được giải quyết “song phương”, đi ngược lại lập trường của ASEAN và Việt Nam trước đó.

Cuối tháng 4, Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV và Tân Hoa xã nói Bắc Kinh đã đạt được “đồng thuận quan trọng” riêng với Campuchia, Lào và Brunei liên quan đến Biển Đông. Về cơ bản, chiến lược của Trung Quốc không gì khác là “chia để trị” với khối các nước Đông Nam Á, những động thái đã khiến Bắc Kinh nhận nhiều chỉ trích từ một số nhà ngoại giao ASEAN.

“Một khi ASEAN mắc mưu ở Biển Đông, chúng ta có thể thấy... tình cảnh các nước liên quan chỉ trích lẫn nhau” - tiến sĩ Daniel Wei Boon Chua của Đại học Nanyang nói với báo Hong Kong South China Morning Post.

Trong các nước lớn, Nga, Ấn Độ và Pakistan cũng đã bày tỏ các quan điểm ngày càng gần Trung Quốc hơn trong vấn đề Biển Đông. Tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố kế hoạch “tìm kiếm cách tiếp cận mới với an ninh khu vực” ở Đông Nam Á nhằm đoàn kết khu vực và vượt qua “tư duy cũ kỹ” với liên minh do Mỹ dẫn đầu.

Cùng lúc, Trung Quốc công bố kế hoạch hợp tác trong năm năm tới ở Biển Đông và các vùng biển lân cận mà trong đó sẽ “nhấn mạnh vào quan hệ đối tác giữa Trung Quốc và ASEAN tại Đông Á”.

Ở phía ngược lại, Mỹ, Anh và các nước đã liên tục kêu gọi Trung Quốc nên tuân theo phán quyết của PCA. Bản thân các phái đoàn Washington khi đến khu vực cũng liên tục vận động các nước ủng hộ phán quyết của tòa trọng tài. Giới quan sát cho rằng chính cuộc vận động của Mỹ cũng khiến Trung Quốc đẩy nhanh hơn cuộc vận động riêng của mình.

Trong tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tuyên bố rằng quân trang và lính Mỹ sẽ được luân phiên gửi tới Philippines và Mỹ - Philippines sẽ bắt đầu tuần tra chung ở Biển Đông.

“Phủ đầu” phán quyết của PCA

Trong phỏng vấn với SCMP, giáo sư Pang Zhongying của Đại học Nhân dân Trung Quốc cảnh báo không nên đánh giá quá cao sự ủng hộ với Bắc Kinh: “Ảnh hưởng của các nước này khá hạn chế và rõ ràng họ đánh đổi sự ủng hộ để lấy lợi ích kinh tế”.

Giáo sư quan hệ quốc tế Shi Yinhong, cũng của Đại học Nhân dân, thừa nhận lập luận của Trung Quốc về chủ quyền dựa trên chứng cứ lịch sử là không thuyết phục với các nước láng giềng, điều khiến Trung Quốc khó giành được sự ủng hộ lớn của cộng đồng quốc tế.

“Không phủ nhận được chúng tôi chủ yếu là một mình trong trận chiến ở Biển Đông..., chúng tôi nhận ra rằng không có sức mạnh quân sự sẽ không thể thắng trận chiến này trên biển - Ông Shi nói - Đây là lý do lãnh đạo hiện tại chú trọng nhiều vào sức mạnh rắn trong ba năm qua”.

J. Berkshire Miller của Viện EastWest ở New York trả lời Japan Times rằng “về bản chất, Bắc Kinh đang tìm cách bóc đi bất cứ sự thống nhất nào trong ASEAN về vấn đề Biển Đông, thông qua việc dùng quan hệ với các nước như Lào, Campuchia và Brunei. Họ muốn phủ đầu phán quyết của PCA và giảm tính pháp lý của phán quyết thông qua sự ủng hộ của các nước trong khu vực và trên quốc tế”.

Tuy nhiên việc này có thể phản tác dụng. “Vấn đề với cách vận động của Trung Quốc là hầu hết các nước ủng hộ đó đều là bạn hàng hoặc là đối tác gần gũi, vì vậy tính chính danh của một khối như vậy thật sự không mạnh” - ông nói.

Bonnie Glaser của Trung tâm nghiên cứu CSIS cũng cho rằng cuộc vận động của Trung Quốc khó mà thành công được dù Bắc Kinh đã dùng cả “cây gậy lẫn củ cà rốt”. “Bài học là lợi ích của Trung Quốc không quan trọng hơn lợi ích của các nước khác. Sức mạnh không tạo ra chân lý. Không thể dành bạn bè chỉ bằng sự dọa dẫm”.

Một cảnh tượng quen thuộc của 3-4 kỳ Đối thoại Shangri-la gần đây là cuộc đối đầu, đôi khi là đấu khẩu công khai, giữa đoàn Trung Quốc với các nước, đặc biệt là với đoàn Mỹ, Nhật mỗi khi các nước tuyên bố về chính sách mới, về “tái cân bằng” hay chuyển dịch vũ trang về khu vực.

Phái đoàn Trung Quốc thường tổ chức nhóm đông các sĩ quan quân đội và các học giả tại hội trường để “giăng” các câu hỏi, chất vấn, thách thức quan chức Mỹ. Trong trường hợp các nước có tuyên bố mạnh về Trung Quốc, phái đoàn này ngay lập tức sẽ có cuộc họp báo gấp với phóng viên trong nước sau phiên phát biểu.

Bonnie Glaser của CSIS nói các cuộc họp báo như vậy của Trung Quốc chủ yếu là vì “mục đích trong nước”, ý chỉ việc gây dư luận với người dân Trung Quốc thay vì để thuyết phục cộng đồng quốc tế.

Cuộc đối đầu tương tự dự kiến sẽ diễn ra trong đối thoại năm nay liên quan tới phán quyết của PCA. Nếu Philippines được ủng hộ trong phán quyết, đó sẽ là đòn mạnh giáng vào các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời là tiền lệ để các nước tranh chấp khác mạnh dạn đưa Bắc Kinh ra pháp đình.

Sau vụ kiện là Hội đồng bảo an?

Theo National Interest, Trung Quốc chắc chắn sẽ bác bỏ phán quyết của PCA về Biển Đông. Trang tin này cho biết sau PCA, cuộc chiến tiếp theo trên mặt trận pháp lý rất có thể sẽ diễn ra tại Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc.

Dẫu vậy, việc phớt lờ phán quyết của PCA vẫn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới uy tín của Trung Quốc, vì hành động đó tương đương với “phớt lờ luật quốc tế”, điều sẽ làm xói mòn nghiêm trọng uy tín của Công ước quốc tế về Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), vốn hàng thập kỷ qua là hòn đá tảng trong tranh chấp trên biển giữa các quốc gia, một văn bản pháp lý đã tốn công sức đàm phán nhiều năm trời của cả trăm quốc gia.

Tại Liên Hiệp Quốc, một thành viên Hội đồng bảo an có thể đề xuất hội đồng thảo luận hoặc/và ra nghị quyết về vụ việc. Nếu tranh luận được đưa ra Hội đồng bảo an, xung đột ở Biển Đông chính thức trở thành một mâu thuẫn quốc tế, với nguy cơ gây ra những va chạm ảnh hưởng tới cả cộng đồng thế giới, điều mà Trung Quốc không hề muốn.

Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích phán quyết của PCA, bao gồm gọi đó là “trò hề chính trị đội lốt luật pháp” dưới sự đạo diễn của Mỹ. Báo chí Bắc Kinh nói vụ kiện là cái bẫy của Mỹ nhằm khuấy động tư tưởng chống Trung Quốc và để kiềm chế Bắc Kinh. “Các vấn đề Biển Đông chỉ là lý do để Mỹ can thiệp vào vấn đề khu vực, gây căng thẳng và cô lập Trung Quốc”, Nhân Dân Nhật Báo viết.■

Đối thoại lần thứ 15 của Shangri-la diễn ra từ ngày 3 đến 5-6 ở Singapore. Trong những lần đối thoại đầu, các vấn đề quan tâm chủ yếu là về khủng bố quốc tế sau những gì diễn ra ngày 9-11-2001 ở Mỹ, các đoàn cấp cao cũng chưa nhiều.

Cuộc đối đầu Mỹ - Trung tại đối thoại Shangri-la bắt đầu nhen nhóm từ năm 2005 khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld khi đó chỉ trích việc Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng và không minh bạch.

Các cuộc “đụng độ” tại Shangri-la thành chu kỳ kể từ khi Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đối đầu với tướng Mã Hiểu Thiên, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, vào năm 2010 khi Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Tới năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta lần đầu công bố các chi tiết của “tái cân bằng” về khu vực, trong đó nói về việc tăng quân lực, tăng tàu sân bay, tàu khu trục...

Từ năm 2013, cuộc đối thoại bắt đầu chứng kiến những vụ đấu khẩu gay gắt giữa đại diện của Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là liên quan tới vấn đề Biển Đông. Năm 2014, tướng Trung Quốc Vương Quan Trung, khi đó là phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), đã dành ra 10 phút không nói theo bài phát biểu chuẩn bị sẵn mà phản bác những nhận xét của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel một ngày trước đó.

Năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter bay máy bay VF-22 Osprey tới eo biển Malacca để thể hiện sự quan tâm tới tự do hàng hải trước khi tới dự Shangri-la.

Năm nay, người phát biểu chính tại cuộc đối thoại sẽ là Thủ tướng Thái Lan Prayut Chanocha. Ông dự kiến sẽ nói về tình hình hiến pháp mới ở Thái cũng như khung thời gian để nước này trở lại chính quyền dân sự. Phía Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch sẽ dự đối thoại lần này.

Zhou Bo, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Quan hệ quốc phòng Mỹ - Trung của Học viện khoa học quân sự Trung Quốc, viết trên The Straits Times ngày 31-5 rằng năm 2016, tỉ lệ tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã ở mức thấp nhất kể từ năm 1990, và cho rằng Mỹ cùng Trung Quốc phải tránh cái “bẫy Thucydides”, ý nhắc tới học thuyết về việc hai cường quốc không thể tin cậy lẫn nhau (trong thuyết của Thucydides là Athens và Sparta cổ đại) dẫn tới việc chiến tranh không thể tránh khỏi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận