EU và nỗi lo làn sóng tị nạn mới

PHAN XUÂN LOAN 11/05/2016 03:05 GMT+7

TTCT - Cơn đau đầu của Liên minh châu Âu (EU) chưa dịu đi sau cuộc gặp ngày 29-4 giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Phó chủ tịch Ủy ban EU phụ trách điều phối Frans Timmermans với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tại Gaziantep (Thổ Nhĩ Kỳ). Thổ Nhĩ Kỳ đã đòi “con cá rô” ngay tại cuộc họp, sau khi “thả con săn sắt” mới vài tháng trước...

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu thăm một trại tị nạn người Syria ở Nizip (gần biên giới Syria) -DPA
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu thăm một trại tị nạn người Syria ở Nizip (gần biên giới Syria) -DPA


Không chỉ thế, ngày 3-5 Ankara đã ra chỉ thị bãi bỏ chế độ visa cho các nước EU, sẽ có hiệu lực “cùng lúc với việc EU hủy bỏ chế độ visa cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào các nước Schengen”. Theo lịch thì ngày 4-5 EU thảo luận việc này.

Phần thưởng cho “người gác cổng”

Có mặt tại cuộc làm việc, các nhà báo Đức của tờ Spiegel mô tả: “Cho đến chiều tối, cuộc gặp còn diễn ra khá hòa hợp... trong không khí gia đình. Thậm chí ông Davutoglu còn mang tới một chiếc bánh cho ngài Tusk, vừa kỷ niệm sinh nhật hôm trước. Nhưng đến 10g tối, cuộc đối thoại bắt đầu chuyển sang hướng EU mở cửa hơn trong việc cấp visa cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ”.

Ông Timmermans nhắc cho bên kia nhớ: “Ủy hội chúng tôi phải chứng minh được rằng các ông đã đáp ứng hết các điều kiện”, nếu không thì sẽ “gặp vấn đề” với các thành viên EU. Khi đó, theo Spiegel, “mặt ngài Davutoglu tối sầm: Chúng tôi đã thực hiện cam kết rồi, số người tị nạn đã giảm, giờ đến lượt EU phải thực hiện cam kết của mình và việc bỏ chế độ visa phải được tiến hành”.

Theo thỏa thuận giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ có hiệu lực từ ngày 20-3-2016, Thổ Nhĩ Kỳ có nhiệm vụ “trấn giữ” người tị nạn từ Syria (không để họ từ Thổ Nhĩ Kỳ vượt biển Aegean vào Hi Lạp và qua đó vào EU), thu xếp các thủ tục để nhận lại từ EU những người Syria mới đến, cho họ tái định cư trên đất Thổ, đồng thời theo tỉ lệ 1/1, cứ một người Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ nhận về, EU cũng sẽ nhận một người tị nạn Syria (những ai đã đến Thổ Nhĩ Kỳ trước khi có thỏa thuận) đến giới hạn là 72.000 người (theo số chỗ định cư mà EU có thể chu cấp).

Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận được tổng cộng 6 tỉ euro (cho đến năm 2018) chi tiêu cho việc bố trí định cư người tị nạn. Đồng thời, EU sẽ cho phép công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào EU và lưu lại trong 90 ngày không cần visa.

Tổng cộng, EU đưa ra 72 điều kiện Thổ Nhĩ Kỳ cần thực hiện mà nếu hoàn tất, việc miễn visa sẽ được tiến hành từ cuối tháng 6. Đến nay, chính quyền Erdogan đã thực hiện được 50/72 điều khoản, trong số đó có những vấn đề liên quan đến việc cho người tị nạn hồi hương hay cải cách trong nước, tuy nhiên một số vấn đề được cho là có tính quyết định nhiều khả năng bị “chìm xuồng”.

Chẳng hạn như luật chống khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ mà EU cho rằng quá chung chung khiến ông Erdogan có thể “điền vào chỗ trống” bất cứ ai Ankara muốn dán nhãn khủng bố, kể cả một số nhà báo như thời gian qua. Hay một số điều khoản về nhân quyền.

Cựu phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ertugrul Yacinbayir vì thế nói với Spiegel rằng “họ không bao giờ thực hiện hết các yêu cầu của EU đâu”. EU cũng hiểu thế yếu của mình nếu muốn Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục làm “người gác cổng”, nên nhiều khả năng phải chấp nhận nhượng bộ, kể cả khi Ankara không thực hiện hết 72 điều kiện. Một ủy viên trong Ủy hội châu Âu đã than thở: “Không có trắng và đen ở đây, chỉ có thể là màu xám”.

Tránh vỏ dưa...

Cho đến nay, điều các chính khách EU lo ngại nhất vẫn là sự nhân nhượng của EU với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị các đảng cánh hữu EU khai thác: ở Đức là Đảng Alternative for Germany (AfD), ở Áo là Đảng Tự do Áo (FPÖ) và ở Pháp là Mặt trận bình dân (FN). Bà Marine Le Pen, thủ lĩnh FN, nói thỏa thuận EU - Thổ Nhĩ Kỳ đi ngược lại ý kiến đa số người dân EU, và là một “sự phản bội”.

Các tổ chức nhân quyền thì chỉ trích EU đã nhắm mắt làm ngơ những giá trị của mình khi “trao thưởng” cho Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp thành tích nhân quyền của Ankara (gần đây nhất là vụ bắt giam các nhà báo đối lập và cấm cửa một số nhà báo nước ngoài).

Ở Đức, bà Merkel sẽ gặp khó khăn khi đảng đồng minh của bà, Liên minh xã hội Thiên Chúa giáo (CSU), tiếp tục phản đối chính sách nhập cư của chính phủ. Ngay cả trong đảng của chính mình, Liên minh dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU), bà Merkel cũng không nhận được sự ủng hộ hoàn toàn.

Chuyên gia phụ trách chính sách đối nội CDU ở quốc hội, Wolfgang Bosbach, nhắc lại: “Chính quyền liên bang Đức trước nay luôn chống lại việc miễn visa cho người Thổ vì sợ nạn nhập cư lậu gia tăng không phải là không có nguyên nhân”. Nguyên nhân đó, theo ông, là cuộc khủng hoảng ở những khu vực đông người Kurd chống lại chế độ Ankara.

Việc miễn thị thực cho Thổ Nhĩ Kỳ có thể dẫn tới một làn sóng người Kurd xin tị nạn ở Đức. Nhờ không cần visa, họ có thể bay thẳng tới Đức như một du khách và sau khi hạ cánh sẽ đệ đơn xin tị nạn, đa số là thành công. Hiện có khoảng 11.000 người quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ đang sống ở Đức sau khi nộp đơn xin tị nạn chính trị như thế.

Nếu Tổng thống Erdogan tiếp tục leo thang căng thẳng với người Kurd ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ thì con số người tị nạn xin vào Đức sẽ đông thêm. Bộ trưởng nội vụ bang Bavaria Joachim Hermann lo ngại: “Việc cho người Thổ và người Kurd tự do vào Đức... có nguy cơ khiến xung đột giữa họ được nhập khẩu và giải quyết trên nước Đức”.

Gareth Jenkins, một chuyên gia Anh chuyên về Thổ Nhĩ Kỳ, cảnh báo với việc miễn visa, những người Thổ sau khi vào EU có thể hoặc xin tị nạn, hoặc “biến mất” vào nền kinh tế ngầm EU, đặc biệt là ở Đức và Hà Lan, nơi người Thổ vốn có nhiều họ hàng. Mà “tiềm năng” nhập cư này không nhỏ: hiện có khoảng 400.000 người tị nạn trong các khu vực người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ do nội chiến ở đây!

Yêu cầu “thắng gấp”?

Nhưng tất cả những lo ngại trên mới là bề nổi của tảng băng. Một trong những nguyên nhân khiến EU phải “lụy” Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ vì làn sóng người tị nạn, mà còn vì thành phần của đợt nhập cư ồ ạt vừa qua.

Lo ngại về việc các thành viên Hồi giáo cực đoan có thể trà trộn vào làn sóng này đã được khẳng định hồi đầu năm nay, khi người đứng đầu Cơ quan an ninh nội địa Đức Hans-Georg Maassen nói trên Đài ZDF rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã cài bọn khủng bố vào EU theo dòng người tị nạn.

Hồi đầu tháng 2, Berlin đã bắt một cặp vợ chồng người Algeria bị tình nghi khủng bố, giả dạng người Syria để xin tị nạn ở Đức. Trong những lời lẽ cứng rắn hơn, tướng NATO Philip Breedlove nói làn sóng người tị nạn Trung Đông và Bắc Phi đang “che đậy” phong trào khủng bố và tội phạm vào EU, rằng bọn khủng bố đang “lan nhanh như ung thư” trong những người tị nạn.

Vậy liệu nỗi lo này có giảm khi một làn sóng nhập cư khác, có thể không ồ ạt bằng trước đây, nhưng thành phần cũng khó đoán định như thế, vào EU chính từ Thổ Nhĩ Kỳ?

Một bộ phim tài liệu mà kênh Nước Nga Ngày Nay (RT) vừa giới thiệu ngày 27-4 “In the name of the profit” đã chứng minh mối quan hệ vì lợi nhuận giữa IS với Thổ Nhĩ Kỳ.

10 ngày sau khi thị trấn của người Kurd ở Syria, Shaddadi, được giải phóng khỏi IS, nhóm làm phim của RT đã vào thị trấn và tìm được các tài liệu xác nhận mối liên hệ này. Họ điều tra được đường dây IS đưa dầu từ Raqqa và Aleppo vào Thổ Nhĩ Kỳ và mua lại vũ khí từ Thổ, nhiều hộ chiếu của các tay súng IS có dấu nhập cảnh Thổ, nhiều cẩm nang in ở Thổ Nhĩ Kỳ hướng dẫn cách chiến đấu chống chính quyền Syria...

Quan trọng hơn, nhóm làm phim RT đã tìm thấy các biên lai mà các tay súng IS sử dụng để tính toán lợi nhuận sau những chuyến buôn lậu dầu qua biên giới. “Họ đi với dầu và về với súng ống” - một công nhân vị thành niên làm việc trong nhà máy lọc dầu địa phương xác nhận (IS đã bắt người dân ở thị trấn này làm việc cho chúng).

Một tay súng IS bị bắt đã thú nhận dầu được bán sang Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi một tay súng khác người Saudi Arabia xưng tên Muhammed Ahmed Muhammed còn khẳng định: “Đi qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ rất dễ, chẳng khác nào băng qua đường vậy. Người ta bảo tôi IS đã xóa mất biên giới, không còn biên giới nữa. Tôi không tin cho đến khi tận mắt thấy”.

Dĩ nhiên, cho đến nay Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phủ nhận có liên can hay bất cứ sự thông đồng nào với IS. Bộ phim của RT dẫu sao cũng lý giải được một phần vì sao không ít chuyên gia an ninh EU lo ngại trước quyết định miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Riêng ở Đức, một cuộc thăm dò hồi tháng 3 cho thấy 49% người được hỏi phản đối sáng kiến này. Thế nhưng khó khăn là ở chỗ Quốc hội Đức không có quyền ngăn chặn. Đó là công việc của Hội đồng châu Âu, cơ quan quyền lực đại diện lãnh đạo 28 nước thành viên, và Nghị viện châu Âu.

Để xoa dịu những chỉ trích và trấn an những hoài nghi, Đức và Pháp đang xây dựng một cơ chế mà tờ Politio gọi là “thắng khẩn cấp”. Theo đó, kế hoạch miễn visa “sẽ bị đình hoãn nếu người Thổ Nhĩ Kỳ tràn vào EU xin tị nạn quá đông, hoặc xin vào với tư cách du khách và không chịu trở về”. Mỗi thành viên EU đều có thể xin “thắng gấp” nếu cần!■

Theo nhà nghiên cứu ở London Kenan Malik, tuy con số người tị nạn tràn vào EU năm 2015 là rất đông (trên 1 triệu người, so với 280.000 người của một năm trước đó), nhưng nếu so sánh về thực lực dân số và kinh tế thì EU đang “cố đẩy vấn đề càng xa càng tốt”: EU có 500 triệu dân, GDP bình quân đầu người là 27.500 USD. Thổ Nhĩ Kỳ có 75 triệu dân, với GDP bình quân đầu người là 9.000 USD.

Với 1 triệu người tị nạn, tỉ lệ người tị nạn so với dân số EU chỉ là 0,2%, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ với dân số chỉ bằng 1/7 EU nhưng đang chứa 2,7 triệu người tị nạn Syria. Ở Lebanon, số người tị nạn Syria là 1,3 triệu, chiếm 20% dân số nước này.

Nếu theo tỉ lệ tương ứng với Lebanon, EU phải nhận tới 100 triệu người tị nạn! Pakistan và Iran mỗi nước cũng đang gánh khoảng 1 triệu người tị nạn. “Một trong những nước nghèo nhất thế giới đang phải gánh nặng nhất liên quan tới việc giúp đỡ người tị nạn. Nếu những nước này cũng có thái độ như EU, rõ ràng sẽ có khủng hoảng!” - Kenan Malik kết luận.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận