Mỹ - Saudi Arabia: Đồng sàn mà dị mộng

HỮU NGHỊ 27/04/2016 17:04 GMT+7

TTCT - Đồng minh, thân hữu, nước Mỹ đã và đang có rất nhiều. Thường thì quan hệ tùy thuộc Mỹ nhiều hơn, do lẽ Mỹ là đệ nhất cường quốc giữ vai trò lãnh đạo thế giới, theo cách nói quen thuộc của Nhà Trắng. Cũng có nơi, có lúc quan hệ này là tương thuộc (anh cần tôi, tôi cần anh). Song đến mức bất cần như Saudi Arabia thì hiếm thấy!

 


Nội vụ bắt đầu với một dự luật do hai thượng nghị sĩ Charles E. Schumer và John Cornyn đệ trình ngày 17-9-2015: “Công lý chống lại những kẻ hỗ trợ khủng bố”.

Theo đó (1), sẽ chỉnh sửa luật miễn trừ pháp luật cho các chủ thể nước ngoài sao cho những kẻ hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố không thể vin vào quyền miễn trừ của họ, trong những trường hợp tấn công khủng bố giết hại người Mỹ trên đất Mỹ và (2) chỉnh sửa luật miễn trừ sao cho các khiếu kiện dân sự chống lại những người nước ngoài hỗ trợ khủng bố, buộc họ có thể phải chịu trách nhiệm giải trình trong các tòa án Mỹ nếu họ đã góp phần vào một cuộc tấn công giết hại người Mỹ.

Theo hai thượng nghị sĩ này, “từ các vụ tấn công 11-9, một số quyết định tòa án đã ngăn trở một cách không đích đáng các kiện cáo liên quan đến khủng bố...

Do các quyết định đó mà người Mỹ đã không thể kiện các nước ngoài cùng những tổ chức hỗ trợ các cuộc tấn công khủng bố. Nếu dự luật được thông qua, các nạn nhân của vụ 11-9 có thể thực thi pháp luật bằng cách cho phép họ kiện các nước này, tỉ như Saudi Arabia và Qatar, vốn đã tài trợ các nhóm khủng bố như Al-Qaeda”.

Bộ ngoại giao "ngoảnh mặt"

Trong cuộc họp báo trưa thứ hai, ngày 18-4, tại Bộ Ngoại giao Mỹ, một nhà báo hỏi người phát ngôn John Kirby: “Saudi Arabia nói rằng họ sẽ bán hết số tài sản Mỹ mà vương quốc này đang làm chủ trị giá mấy trăm tỉ USD, nếu như quốc hội thông qua một đạo luật cho phép quy trách nhiệm Saudi Arabia các vụ tấn công 11-9. Xin hỏi lập trường của Bộ Ngoại giao về vấn đề này?”.

Câu trả lời của người phát ngôn Kirby cho thấy thế kẹt của chính quyền Obama: “Tôi nghĩ rằng ngoại trưởng đã bày tỏ quan ngại của chúng tôi về đạo luật đặc biệt này và về tiền lệ mà đạo luật này có thể mở ra. Quý vị hãy tham khảo các phát biểu của ngoại trưởng trong buổi điều trần trước quốc hội về vấn đề này”.

Ông Kirby cũng đã úp mở thái độ của Chính phủ Mỹ “cho chìm xuồng” dự luật đau đầu trên: “Còn về lập trường của Chính phủ Saudi Arabia đối với đạo luật đang còn treo này, đề nghị quý vị tham khảo Chính phủ Saudi Arabia xem phản ứng của họ là sao.

Điều tôi có để nói với quý vị là chúng tôi vừa tỏ rõ, qua điều trần của ngoại trưởng, các quan ngại của chúng ta về tiền lệ có thể có cùng tác hại tiềm tàng đối với các lợi ích của chúng ta ở nước ngoài, tại nhiều nước”.

Để dẫn chứng cho ông Kirby, ở phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ tháng 2 vừa rồi, Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry đã nói: “Dự luật, trong hình thức hiện nay, sẽ khiến Hoa Kỳ bị kiện cáo, tước đi quyền miễn trừ luật pháp của chúng ta và tạo nên một tiền lệ kinh khủng”.

Tiền lệ khủng khiếp mà Ngoại trưởng Kerry nói đến là việc các nước khác sẽ trả đũa nhắm vào công dân và công ty Mỹ vì những vụ việc liên quan đến an ninh các nước này.

Bằng ngôn ngữ ngoại giao nhưng vẫn rất rõ ràng, ông Kirby gián tiếp giải thích tại sao chính quyền Obama muốn “cho chìm xuồng” vụ này: “Tôi chỉ muốn nói rằng Saudi Arabia là một đối tác rất thân cận trong nhiều lĩnh vực...

Chúng ta là đối tác với họ chống lại chủ nghĩa khủng bố ở khu vực đó. Và họ đóng góp cho liên quân chống IS ở Iraq. Nói vậy không có nghĩa là chúng ta cứ luôn âu yếm nhìn họ trong mọi vấn đề, song riêng trong lĩnh vực chống chủ nghĩa khủng bố thì còn khối việc cần làm, rằng sự cộng tác đã diễn ra và sẽ còn tiếp tục diễn ra”.

Tất nhiên các nhà báo đâu chịu chấp nhận cách giải thích qua loa như thế. Một câu hỏi khác nhắm thẳng vào quan hệ Mỹ - Saudi Arabia trong lúc này, sau những phát biểu đe dọa của Saudi Arabia:

Thế ông có thừa nhận rằng căng thẳng giữa Mỹ và Saudi Arabia hiện đang ở mức cao nhất từ trước tới giờ và điều này xảy ra ngay trước chuyến thăm sắp tới của tổng thống (đến Saudi Arabia)?”. Buộc lòng, người phát ngôn Kirby phải né tránh kết luận quy chụp dễ gây mích lòng ấy: “Tôi sẽ không đánh giá quan hệ đó như thế!”.

Song cánh nhà báo Mỹ không tha: “Ông không đánh giá như thế, vậy ông đánh giá như thế nào?”. Ông Kirby đành chọn câu trả lời là “chén bát trong chạn còn sứt mẻ nữa là...!” mà nhiều người phát ngôn khác cũng thường đưa ra trong hoàn cảnh này:

Như tôi từng nói, ngay cả bạn bè tốt nhất cũng có chuyện để bất đồng. Song điều tốt lành là người ta có thể tranh luận và có thể bất đồng về bất cứ vấn đề nào, chúng tôi không ngại ngùng gì điều đó. Nhưng điều đó không làm thay đổi thực tế chủ yếu Saudi Arabia vẫn tiếp tục là một đối tác then chốt của chúng ta chừng nào chúng ta còn phải tiếp tục đối đầu chủ nghĩa khủng bố trong khu vực và trên thế giới”. Quá rõ để thấy rằng lần này Mỹ đang “nhịn” Saudi Arabia hết sức!

Từ “Giơ tay cho nắm" đến “nắm chặt kh6ng buông”

Perry Cammack và Richard Sokolsky trên National Interest ngày 13-4 đã bình luận về “cuộc tình đơn phương” trước đây của quan hệ Mỹ - Saudi Arabia: “Hoàng gia Saudi Arabia đã phụ thuộc từ mấy thập kỷ qua vào Mỹ trong lĩnh vực an ninh đối ngoại.

Sự phụ thuộc này là tự nhiên trong quan hệ bất đối xứng giữa hai nước. Hoàng gia Saudi Arabia luôn băn khoăn về các cam kết an ninh của Mỹ, tìm kiếm sự bảo đảm gắn kết liên tục của Mỹ và luôn phải nhạy cảm với bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Mỹ đang giảm bớt sự ủng hộ một cách vô điều kiện”.

Quan hệ tùy thuộc đó mà Cammack và Sokolsky mô tả không xa lạ gì. Nhiều nước khác trên thế giới cũng đã hoặc đang ở trong một mối quan hệ như thế với Mỹ, khiến họ phải không ngớt “cân đo” lại những thăng trầm trong quan hệ song phương.

Trong lịch sử Saudi Arabia cận đại, không ít lần quan hệ giữa vương quốc này và Mỹ đã đi đến chỗ căng thẳng bực dọc: lần thứ nhất là việc khai sinh ra quốc gia Israel năm 1948 với sự chúc phúc của Mỹ, rồi đến thái độ của Mỹ trong trận chiến cấm vận dầu hỏa năm 1973...

Song với thời gian, nhờ sức mạnh kim tiền từ dầu hỏa của Saudi Arabia cũng như sự nổi lên của một thế lực khu vực mới được coi là thù địch với Mỹ từ tháng 12-1978 là Iran, quan hệ song phương đã ấm lên nhanh chóng. Lần hồi Saudi Arabia trở thành một thế lực khu vực và là đồng minh không thể thiếu của Mỹ ở vùng Vịnh.

Tuy nhiên, các thỏa thuận hạt nhân với Iran mà Mỹ nhất mực tìm kiếm cùng với năm cường quốc khác vào năm 2015 đã lại khiến Saudi Arabia phật ý.

Tháng 5-2015, để bày tỏ sự mích lòng với thỏa thuận hạt nhân Iran, quốc vương Salman của Saudi Arabia đã đợi đến giờ chót mới loan báo sẽ không sang Washington dự hội nghị thượng đỉnh các nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh, chỉ cử thái tử cùng bộ trưởng nội vụ và quốc phòng sang, “mở đường” cho lãnh đạo ba nước khác trong khu vực cũng không sang!

Báo chí Mỹ đồng thanh gọi đó là “một hội nghị thượng đỉnh không thượng đỉnh”.

Saudi Arabia hẳn nghĩ họ là trụ cột hiện nay của Mỹ trong việc ngăn chặn sự bành trướng của Iran ở Trung Đông, từ Lebanon, Syria, Iraq đến Yemen.

Riêng ở Yemen, từ năm 2015 Saudi Arabia đã lãnh đạo một liên quân chín nước Ả Rập ủng hộ một phe, chống lại phe bên kia do Iran “chống lưng”, một “trọng trách” lẽ ra trong các thập kỷ trước phải do Mỹ đích thân đảm nhiệm. Với vai trò lớn lao như thế của Saudi Arabia ở khu vực, Mỹ sẽ không thể gây phương hại quá nhiều quan hệ song phương.

Đó là điều mà người phát ngôn Kirby thể hiện khi trả lời câu hỏi truy vấn của các nhà báo: “Ông có dự kiến rằng vấn đề của dự luật này, vấn đề 28 trang báo cáo (những trang bị đục bỏ trong một báo cáo về vụ 11-9 từ thời tổng thống Bush bị coi là chỉ ra sự liên quan của Saudi Arabia tới vụ khủng bố) sẽ phủ bóng đen lên hay sẽ là một phần cuộc đối thoại sắp tới của tổng thống ở Saudi Arabia? Hay chính quyền Mỹ và vương quốc đã thỏa thuận xong về các vấn đề này?”.

Sau một đoạn dài vòng vo, người phát ngôn Kirby né một câu trả lời thẳng: “... Còn việc vấn đề cụ thể đó có được nêu ra hay không thì tôi không thể nói”. Cánh phóng viên cố dồn: “Vậy ông Kerry có đọc 28 trang đó chưa?”. Câu trả lời của người phát ngôn vẫn là “chạy làng”: “Tôi cũng chả rõ nữa, Justin à!”.

Về bản báo cáo gây nhiều tranh cãi và tò mò đó, từ tháng 12-2013 nhiều báo Mỹ, như tờ New York Post (NYP), đã tiết lộ sau vụ 11-9, công chúng được phổ biến rằng thủ phạm là Al-Qaeda đã hành động một mình, không có nhà nước nào hỗ trợ, song trong báo cáo có 28 trang nêu lên sự dính líu của Saudi Arabia. 28 trang này đã bị tổng thống Bush ra lệnh “đục bỏ”.

Có một thực tế không chối cãi là 15/19 kẻ tham gia vụ khủng bố là công dân Saudi Arabia. Chính quyền Saudi Arabia bác bỏ mọi dính líu.

Thế nhưng nhiều cựu quan chức CIA lẫn FBI quả quyết rằng chính các quan chức Saudi Arabia chứ không chỉ vài triệu phú - kể cả các quan chức ngoại giao và tình báo cao cấp, ở ngay trong sứ quán nước này tại Washington - đã hỗ trợ các tên khủng bố về tiền bạc lẫn hậu cần!

Chẳng hạn, NYP nói một số thông tin trong đoạn báo cáo bị “kiểm duyệt” rò rỉ ra ngoài cho thấy có các cuộc gọi trước vụ 11-9 giữa một trong những kẻ khủng bố với Đại sứ quán Saudi Arabia ở Mỹ và một khoản tiền 130.000 USD được chuyển từ tài khoản của gia đình đại sứ Saudi Arabia ở Mỹ khi đó, hoàng thân Bandar, cho những kẻ tấn công người Saudi Arabia ở San Diego.

Việc Riyadh phản ứng quyết liệt về dự luật mới ở Mỹ càng khiến nghi ngờ về việc đằng sau những kẻ tổ chức vụ 11-9 không chỉ là Al-Qaeda thêm phần có cơ sở.

NYP dẫn lời một điều tra viên thuộc Lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp chống khủng bố Mỹ (JTTF) than phiền rằng thay vì điều tra Bandar, Mỹ lại bảo vệ ông này khi Bộ Ngoại giao cử một đội an ninh riêng bảo vệ Bandar 24/24 giờ, không chỉ ở tòa đại sứ mà cả nhà riêng của ông ở McLean, Virginia.

Nguồn tin của NYP nói JTTF muốn thẩm vấn và tạm giam một số nhân viên sứ quán, nhưng sứ quán Saudi Arabia đã phản đối lên tổng chưởng lý Mỹ, rốt cuộc những đối tượng này chỉ bị trục xuất.

Cựu đặc vụ FBI John Guandolo thậm chí cho rằng Bandar phải là một nghi can chính của vụ 11-9. “FBI đã bị cấm thẩm vấn những người Saudi Arabia chúng tôi muốn thẩm vấn, theo lệnh từ Nhà Trắng” - Mark Rossini, cựu đặc vụ FBI khác, tiết lộ.

Quả là một mối quan hệ kỳ dị!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận