17 giây "chơi với lửa"

DUY VĂN 29/11/2015 18:11 GMT+7

TTCT - Máy bay đánh bom Nga SU-24 bị tên lửa không - đối - không từ chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ hôm 24-11 ở biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ đã mở đầu cho những diễn biến khó lường trong cuộc chiến địa chính trị của thế kỷ 21.

Một người dân biểu tình trước Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Matxcơva. Trên tấm biển ghi: Những phi công tiêu diệt bọn khủng bố để người dân chúng tôi và quý vị không phải chết đã bị sát hại -AP
Một người dân biểu tình trước Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Matxcơva. Trên tấm biển ghi: Những phi công tiêu diệt bọn khủng bố để người dân chúng tôi và quý vị không phải chết đã bị sát hại -AP

Cho đến ngày 25-11, câu hỏi trực tiếp đầu tiên được đặt ra vẫn là máy bay Nga có vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ để bị nước này bắn hạ? Và đến sáng 25-11 (giờ VN), Hãng tin Nga RT đã đăng một lá thư mà Thổ Nhĩ Kỳ gửi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon và 15 thành viên của Hội đồng bảo an LHQ bị rò rỉ.

Bản tin nói rõ: “Nếu thật sự máy bay Nga vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ (mà Nga đã bác bỏ) thì việc vi phạm này kéo dài không quá 17 giây trước khi một chiếc Su-24 bị bắn hạ”. Thư do đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại LHQ Halit Cevik viết, Wikileads và Al Jazeera thu được và tung lên Internet.

Một điều khá mâu thuẫn thấy được trong thư: tuy máy bay Nga vi phạm không phận chỉ 17 giây, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã “10 lần cảnh báo trong suốt 5 phút”! (www.rt.com/news/323343-turkey-un-syria-russian-plane/)

Ai vi phạm không phận?

Trước đó, theo báo Nga Novaya Gazeta, Ankara cung cấp quỹ đạo bay của chiếc F-16 của mình và chiếc SU-24 của Nga, và NATO đã công nhận “bằng chứng” này sau cuộc họp khẩn tối 24-11. Theo đó, chiếc máy bay Nga vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ trên “một dải đất hẹp luồn vào lãnh thổ Syria chiều rộng không quá 2.000m”.

Tuy nhiên, khẳng định của Ankara rằng đã nhiều lần cảnh báo máy bay Nga là đáng ngờ, vì liệu điều đó có thể xảy ra không vì “chỉ cần có 6 giây để thoát khỏi phần không phận vi phạm này”.

Tờ này cũng cho biết: theo chiều gió (thổi rất mạnh từ phía nam) và địa hình của căn cứ Hmeimim, muốn hạ cánh máy bay phải chọn cú lượn vòng từ phía bắc, tức từ phía biên giới Syria - Thổ và có thể đã có vài giây lượn qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Những “nút thắt” này đã diễn ra trong tháng 9 khi những chuyến xuất kích đầu tiên của máy bay Nga được thực hiện.

Novaya Gazeta viết: “Ankara đã biết quá rõ điều này nên ngày 24-11, chiếc F-16 của Thổ đơn giản là rình bắn hạ máy bay ném bom Nga? Trong trường hợp này, quyết định tấn công máy bay Nga đã được Thổ Nhĩ Kỳ thông qua từ cấp cao nhất” (1).

Về phần mình, Matxcơva đã chứng minh ngược lại. Bộ Quốc phòng Nga đã công bố sơ đồ bay của hai chiếc máy bay Nga và Thổ. Theo đó, chiếc Su-24 bị bắn trên bầu trời Syria khi còn cách biên giới Thổ 1km.

Một thông tin thú vị được tổ chức Trung tâm nghiên cứu toàn cầu Globalresearch (Canada) cung cấp cũng trong ngày 24-11. Dưới tựa đề “Nga vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ vì Thổ Nhĩ Kỳ “dịch chuyển” biên giới”, trang này đã dẫn lại một bài báo từ ngày 7-10-2015 của Hãng SyrianFreePress, ngay sau khi có những cáo buộc đầu tiên từ Ankara về việc Nga vi phạm không phận:

Thổ Nhĩ Kỳ đã duy trì một vùng đệm 5 dặm bên trong Syria kể từ tháng 6-2012, khi một tên lửa phòng không Syria bắn hạ máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ đi lạc vào không phận Syria. Theo quy định sửa đổi có hiệu lực sau đó, không quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đánh giá bất kỳ mục tiêu nào sắp tới trong vòng 5 dặm của biên giới Thổ Nhĩ Kỳ là một kẻ thù và hành động phù hợp”.

Bài báo ngày 7-10 này bình luận: “Nếu Syria cũng thay đổi các quy định của mình và “dịch chuyển” biên giới phía bắc của họ lên gần Biển Đen, liệu bất kỳ máy bay nào ở phía đông Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vi phạm không phận Syria? Không ai chấp nhận sự vô lý này...”.

Sáng 25-11 (giờ VN), Reuters dẫn một nguồn giấu tên từ văn phòng tổng thống Mỹ nói rõ: máy bay Nga bị bắn rơi trên không phận Syria sau một cú lượn ngắn vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ, nhận định được đưa ra căn cứ vào những dữ liệu đo đường nhiệt của chiếc Su-24. Nếu thông tin này là đúng, nhận định của phía Nga về việc Thổ Nhĩ Kỳ “rình” bắn hạ máy Nga là có cơ sở.

Báo mạng Newru sáng 25-11 đưa tin: “Lần đầu tiên kể từ chiến dịch Syria, chính quyền Nga thừa nhận tổn thất binh sĩ”. Theo đó, Matxcơva thừa nhận một binh sĩ từ chiếc F16 bị bắn rơi đã chết sau khi nhảy dù, người còn lại vẫn “đang được tìm kiếm”.

Nga đã cử hai máy bay trực thăng đi tìm và một trong hai trực thăng này đã bị hỏa lực từ mặt đất tấn công, một lính thủy đánh bộ chết trong vụ tấn công này. Đây là tổn thất thứ hai được Nga chính thức thừa nhận.

Một nguồn tin nội bộ quốc phòng Nga cho biết Matxcơva không cho máy bay tiêm kích tháp tùng các máy bay ném bom Nga đơn giản vì tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) không có không quân. Và điều này cũng có nghĩa Matxcơva không lường trước được “cú đâm sau lưng” (như Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi tên cú bắn hạ máy bay Nga) của liên minh!

Sự cố này đương nhiên gây thêm khó khăn cho Nga. Cuộc cấm vận kinh tế kéo dài cùng với chi phí cho cuộc chiến chống IS chắc chắn đang tác động không nhỏ vào ngân sách Nga. Ngay sau sự cố, Bộ Quốc phòng Nga đã tuyên bố từ nay về sau “tất cả các hoạt động chiến sự của máy bay Nga sẽ được thực hiện chỉ với sự yểm trợ của máy bay hộ tống.

Ngoài ra, tàu tuần dương Matxcơva được trang bị hệ thống phòng không Fort sẽ vào vùng biển Lakatia và tiêu diệt tất cả các mục tiêu đe dọa tiềm năng máy bay Nga”.

“Đụng độ lợi ích Nga - Thổ Nhĩ Kỳ”

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ châm ngòi cho cuộc khủng hoảng này? Tờ Komsomolskaya Pravda dẫn lời chuyên gia chính trị Iraq Ramazan Osmanov giải thích: “Erdogan đã nắm được chính quyền sau bầu cử, ông ta cần chiến tranh để làm gì?

Bốn năm trước, ông Erdogan đã ký với Hoa Kỳ một thỏa thuận về việc hỗ trợ chính trị, quân sự để bí mật tiến hành chiến tranh chống Assad. Chính nhờ qua Thổ Nhĩ Kỳ mà IS nhận được vũ khí, tiền bạc (của Arabia Saudi và Qatar), các tay súng.

Và chỉ qua Thổ Nhĩ Kỳ, IS mới có thể bán phá giá dầu. Cũng chính Thổ Nhĩ Kỳ là nơi chữa trị cho các tay súng IS. Sự can thiệp của Nga đã làm thay đổi mọi thứ. IS mất nguồn thu. Không quân Nga đánh bom không chỉ vào các cơ sở công nghiệp dầu, mà còn kiểm soát từng mét biên giới Syria - Thổ.

Vì những nguyên nhân này mà Tổng thống Erdogan cho bắn hạ máy bay Nga, lấy cớ là để cứu người Turkman và lập vùng đệm cho người tị nạn. Hoa Kỳ đã hứa giúp cho cuộc phiêu lưu này. Lợi ích của Nga và Thổ đang đụng độ nhau trên chiến trường Syria”.

Giá dầu tăng, giá cổ phiếu giảm

Vụ chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay đánh bom SU-24 của Nga đã khiến các thị trường tài chính chao đảo và giá dầu tăng do nguy cơ quan hệ giữa Ankara và Matxcơva có thể xấu đi nghiêm trọng. Giá dầu thô Brent tăng 3,57% lên 46,64 USD/thùng do nguy cơ xung đột Nga - Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm chiến sự ở Trung Đông hiện nay lan rộng, theo Australian Financial Review.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Matxcơva mất 3,4%, còn Thổ Nhĩ Kỳ giảm 4,3% giá trị. Chỉ số của châu Âu Euro Stoxx 50 mất 1,04%, FTSE 100 của Anh giảm 0,45%, DAX của Đức là 1,43% và CAC 40 của Pháp mất 1,41%. Nhà phân tích rủi ro Ege Seckin của HIS nói trong khi vụ bắn rơi máy bay nhiều khả năng không làm nổ ra chiến tranh giữa hai nước, một cuộc khủng hoảng ngoại giao là không thể loại trừ do cả hai bên đều “không chấp nhận nhượng bộ”, và như thế là đủ để gây ra lo ngại cho thị trường toàn cầu. L.P.

Bài bình luận trên Reuters hôm 24-11 của nhà bình luận Mỹ Josh Cohen có thể giúp lý giải vấn đề từ góc độ địa chính trị (2). Bài báo viết lúc đầu khi ông Putin vừa khởi động cuộc không kích chống IS trên lãnh thổ Syria, phía Mỹ đã cười cợt khả năng chiến thắng của Nga.

Giám đốc tình báo Mỹ James Clapper đã cho rằng ông Putin “bốc đồng” và chiến dịch của Nga ở Syria không phải là “chiến lược dài hạn”. Cựu đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul chế nhạo ông Putin là “thiên tài chiến lược”, cho rằng lãnh đạo Nga “không thể phục hồi quyền uy của Assad trên toàn lãnh thổ”.

Tuy nhiên theo Josh Cohen, chính nhờ “chiến thuật sắc sảo và vụ tấn công Paris mà Syria đang trở thành thắng lợi lớn của ông Putin” qua bốn điểm chỉ ra sau đây:

1/ Mới đây là tại diễn đàn LHQ, ông Putin phát biểu rằng điều Nga lo ngại nhất là khoảng không quyền lực ở Trung Đông đang dần bị khủng bố chiếm lĩnh. Nga không có kế hoạch sử dụng bộ binh vì mục tiêu chỉ là “ổn định chính quyền hợp pháp” ở Syria để ngăn ngừa một cuộc lật đổ bất hợp pháp.

Và ông Putin đã đạt được mục tiêu này khi giúp chính phủ Assad giành lại quyền kiểm soát những vùng trung tâm Syria và Aleppo. Nhờ đó, lãnh thổ chủ chốt người Alawite của chế độ Assad không phải đối mặt hiểm họa bị chiếm đóng.

2/ Nga không chỉ thiết lập một số cơ sở quân sự ở tây Syria mà còn mở rộng cơ sở hải quân ở Tartus - sự hiện diện hải quân độc nhất bên ngoài Nga hiện nay, và là điểm tiếp liệu then chốt cho hạm đội Biển Đen Nga.

Về chính trị, ông Putin đã kết nối được với ba trung tâm quyền lực do người Shiite cầm đầu trong khu vực gồm Iran, Iraq, Hezbollah và với Syria. Chính việc Nga quyết định liên minh với người Shiite ở Trung Đông đã khiến Nga tăng ảnh hưởng đối với người Hồi giáo Sunni và Israel.

Một số nhân vật then chốt của thế giới Hồi giáo Sunni gần đây đã đến Matxcơva, trong đó người quyền lực nhất - quốc vương Saudi Salman bin Abdulaziz Al Saud - cũng sẽ sớm đến Kremlin để thảo luận về cuộc chiến Syria.

3/ Sau một thời gian dài khăng khăng “Assad bắt buộc phải ra đi”, Tổng thống Barack Obama đã có phần dịu giọng với kế hoạch lập một chính quyền mới ở Syria trong 18 tháng theo một thỏa thuận đạt được ở Vienna.

4/ Hợp tác ở Syria có thể giúp ông Putin đạt được một mục tiêu địa chính trị tối hậu: chấm dứt cuộc cấm vận Nga liên quan đến khủng hoảng Ukraine. Cựu thủ tướng Pháp Francois Fillon mới đây đã kêu gọi Pháp chấm dứt cấm vận chống Nga để hai nước có thể hợp tác tốt hơn trên mặt trận chống khủng bố sau vụ tấn công ở Paris.

Liệu những “chiến thắng” này của ông Putin có làm không hài lòng ai đó, khiến sự cố máy bay xảy ra là điều không khó hình dung. Giám đốc Quỹ hòa bình xuyên quốc gia Jan Oberg, sau khi đọc bản tin RT về sự cố 17 giây, đã viết trên trang FB của tổ chức này: “17 giây. Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của NATO, đã chơi với lửa vì 17 giây. Tính bằng giây! Thảo nào NATO kêu gọi bình tĩnh sau cú phản ứng sai lầm”. ■

(1): http://www.novayagazeta.ru/politics/70875.html

(2): http://blogs.reuters.com/great-debate/2015/11/24/in-syria-the-jokes-on-washington/

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận