Phía sau cuộc tập trận NATO: “Thời điểm trident”

DUY VĂN 05/11/2015 03:11 GMT+7

TTCT - 36.000 binh sĩ cùng 140 máy bay chiến đấu, 90 tàu ngầm, tàu chiến sẽ tập trận ngoài khơi Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Cuộc diễn tập với sự tham gia của quân đội 30 quốc gia trong và ngoài NATO (Áo và Thụy Điển), được thiết kế để đối phó “một cuộc chiến tranh chiến lược quy mô lớn bên ngoài lãnh thổ các nước NATO”.

 

Giai đoạn 2 của “Thời điểm Trident 2015” (ngoài nghĩa “đinh ba”, Trident còn là tên một loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Mỹ) diễn ra từ ngày 21-10 đến 6-11-2015. Trang web NATO nêu rõ: cuộc diễn tập nhằm chuẩn bị cho các lực lượng lục, hải và không quân NATO phối hợp tham gia một cuộc chiến tranh cơ động quy mô lớn chưa từng có kể từ khi Liên Xô tan rã.

Ai bao vây ai?

Phát biểu trong buổi họp báo trước khi khai mạc tập trận, phó tổng thư ký NATO Alexander Vershbow bác bỏ rằng kẻ thù xâm lược hư cấu trong kịch bản tập trận là Nga, nhưng sau đó lại gần như xác định giả thiết này: “Không phải như thế là không có nghĩa những gì chúng tôi đang nhắm đến và kiểm tra các lực lượng của mình không giống với những thách thức mà chúng tôi đang đối phó khi xung đột với Nga”.

Một số phương tiện truyền thông đưa tin về cuộc tập trận có thể khiến ngộ nhận về cuộc tập trận như động thái trả đũa của NATO cho những diễn biến gần đây ở Syria và đông Ukraine. Nhật báo Anh The Financial Times trong bài báo “Chiến lược Syria của Nga thách thức NATO ở Địa Trung Hải” (Russia’s Syria strategy poses challenge to Nato in Mediterranean, ngày 22-10) viết: việc Nga “can thiệp vào Syria là một tuyên bố nghiêm trọng cho mưu toan thống lĩnh Cận Đông”, “việc triển khai quân đội Nga trong cuộc chiến chống quân nổi dậy chống chế độ Assad là thách thức trực tiếp cho phương Tây”.

Dẫn lời phó tổng thư ký NATO Vershbow, tờ này viết: “Kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh, không quan sát thấy sự gia tăng có mặt đáng kể của quân đội Nga ở Địa Trung Hải. Và sự sụt giảm gần đây trong đầu tư cho Hạm đội Biển Đen ở Crimea khiến nhiều nhà chiến lược quân sự bỏ qua toàn bộ các hoạt động không - hải quân mà Matxcơva quan tâm...

Thế nhưng sự hiện diện mới của Nga thật quá nghiêm trọng: toàn bộ tuyến biên giới phía nam của NATO được mở toang cho những khiêu khích từ phía Nga, nước đe dọa hạn chế “tự do hàng hải” cho phép NATO được triển khai nhanh và dễ dàng các hành động quân sự”. Bài báo dẫn một ví dụ về sự “cản trở tự do hàng hải” này: “Ví dụ với Hoa Kỳ, điều đó có thể gây khó khăn cho việc điều chuyển dễ dàng các lực lượng đến vùng Vịnh Persic. Trong những điều kiện như thế, quyết định của NATO can thiệp vào cuộc xung đột Libya năm 2011 sẽ khó lên kế hoạch hơn”.

Không khó để thấy lập luận của tướng Vershbow được The Financial Times dẫn lại, dựa trên những giả định hơn là luận chứng thực tế. Sự lớn mạnh của không, hải quân Nga (thấy được qua việc triển khai hạm đội mini ở Caribê, hôm 7-10 bắn 26 tên lửa hành trình tấn công các địa điểm Nhà nước Hồi giáo - IS - ở Syria) được cho là đe dọa biên giới phía nam của NATO, và sự lớn mạnh này đe dọa tự do hàng hải mà nếu NATO cần can thiệp vào đâu đó (như ở Libya năm 2011) sẽ gặp khó khăn.

Thật ra, lập luận này của các quan chức NATO không mới. Trước đó không lâu, hôm 10-10, trong một cuộc điều trần ở Washington, chỉ huy hải quân NATO - đô đốc Mark Ferguson từng tuyên bố Nga đang lập “vòng cung thép” từ Bắc cực đến Địa Trung Hải... bắt đầu từ “những căn cứ của Nga ở Bắc cực, từ Leningrad đến Baltic và Crimea ở biển Đen... và nay căn cứ Nga ở Syria cho họ đường ra Địa Trung Hải”.

Còn William Gortney - chỉ huy không quân Bắc Mỹ (NORAD) - cho rằng sự lớn mạnh của không quân Nga, tốt hơn cả thời Xô viết, là thách thức cho NORAD.

Tuy nhiên, cần lưu ý tới kịch bản dài vài trăm trang của cuộc tập trận được tóm tắt như sau: “Trên một lục địa hư cấu, Đông Cerasia, một quốc gia lớn xâm lược một nước nhỏ, tạo một sự đe dọa tiềm ẩn tấn công một nước thứ ba.

Nguyên nhân xung đột là ở cuộc chiến giành tài nguyên thiên nhiên, trong điều kiện tồn tại những mâu thuẫn dân tộc, tôn giáo ở các nước bị ảnh hưởng. Kết quả là xuất hiện “những nguy cơ toàn cầu cho an ninh quốc tế, bao gồm vận tải đường biển và hàng không, các đe dọa an ninh năng lượng cho các nước láng giềng, các đe dọa có tính khủng bố và an ninh mạng xuất phát từ lãnh thổ tranh chấp”.

Kịch bản được thảo ra từ năm 2013, và mùa xuân 2013 NATO tuyên bố chính thức bắt đầu chuẩn bị cho đợt diễn tập, theo đó “đối mặt với khủng hoảng, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trao cho NATO quyền can thiệp và lập lại trật tự”.

Như vậy có thể thấy cuộc tập trận quy mô rầm rộ hiện nay nằm trong một chủ định lớn hơn của NATO. Bởi câu hỏi được đặt ra là vì sao NATO phải tiến hành tập trận lớn như thế ở phía tây Địa Trung Hải, trong khi tại phần phía đông Địa Trung Hải, Nga đang không kích vào các địa điểm IS ở Syria? Liệu có phải cuộc tập trận là để đối phó với các diễn biến ở Syria và đông Ukraine?

Nhu cầu cấp thiết

Trong một cuộc họp báo cuối năm 2014, trả lời câu hỏi của nhà báo BBC John Simpson về việc “Nga đang tạo ra một cuộc chiến tranh lạnh mới” và có “những động thái nguy hiểm trên bầu trời phương Tây”, ông Putin đã phản bác: Nga không hề là kẻ tấn công mà chỉ bảo vệ quyền lợi dân tộc Nga.

Ông Putin giải thích: Từ đầu thập niên 1990, Nga đã ngừng những chuyến bay tuần tra trên những vùng cần trinh sát, trong khi máy bay Mỹ mang vũ khí hạt nhân vẫn tiếp tục những chuyến bay này. Vì lý do này mà vài năm trước Nga phải nối lại những chuyến bay tuần tra, và ngay lập tức bị dán nhãn “khiêu khích”.

Ông Putin cũng đơn cử về sự hiện diện các cơ sở quân sự, “trong khi đến cuối năm 2014 Nga chỉ duy trì hai cơ sở quân sự ngoài Nga, đó là ở Kyrgystan (theo yêu cầu của tổng thống Akayev khi đó do bị các tay súng Afghanistan đe dọa) và Tajikistan để ngăn chặn các tay súng Hồi giáo thâm nhập Nga, thì Mỹ và NATO ngày càng dịch chuyển các cơ cấu quân sự tới gần biên giới Nga hơn:

chính Mỹ đơn phương từ bỏ Hiệp ước phòng thủ tên lửa (ABM) và đặt các tên lửa của họ nhắm vào Nga không chỉ từ Alaska, mà từ Romania, Ba Lan”, hay “chi phí quân sự của Nga hằng năm là 50 tỉ USD thì người Mỹ đầu tư nhiều hơn 10 lần, khoảng 575 tỉ USD”.

Ông hỏi lại nhà báo BBC: “Vậy ai là kẻ công kích?”. Gần đây hơn, tại cuộc gặp Câu lạc bộ Valdai hôm 20-10 ở Sochi, ông Putin nhắc lại sau khi đơn phương rời khỏi ABM, mới đây Mỹ đã tiến hành thử vũ khí chống tên lửa ở châu Âu.

Rõ ràng liên minh quân sự này cần một lý do mới để duy trì sự tồn tại của mình. Lý do đó là gì?

TASS giải thích lý do này như sau: “Tổng chi phí quân sự của NATO gấp 10 lần của Nga và Mỹ là nước chịu phần lớn chi phí, đang yêu cầu các nước thành viên gia tăng đóng góp cho ngân sách của NATO bị sụt giảm mặc cho sự hiện diện của liên minh ở Afghanistan.

Và “Thời điểm Trident” chính là một chiến dịch quảng cáo của NATO cho người đóng thuế châu Âu. Liên quan đến Afghanistan, NATO dự kiến rút binh đoàn chủ lực 120.000 quân khỏi nước này. Trong điều kiện này, NATO cần tìm những khả năng mới để đào tạo và tập trung gắn kết các đơn vị của họ khi không có các cuộc xung đột quy mô lớn, và cuộc tập trận Trident nhằm phục vụ chủ đích này.

Theo sự thừa nhận của liên minh, xung đột Afghanistan đã trở thành nguồn quan trọng cho kinh nghiệm của các lực lượng NATO”.

Những cuộc tập trận gần đây nhất có thể so sánh với “Thời điểm Trident” về quy mô là cuộc tập trận tháng 3-2002 “Giải pháp mạnh” (Strong Resolve) với sự tham dự của khoảng 40.000 người. Nó được tổ chức như một cuộc “tổng dượt” trước khi NATO tham gia chiến dịch của Mỹ ở Afghanistan.

Từ mùa xuân năm 2002 đến “Thời điểm Trident”, tức trong suốt giai đoạn chính của chiến dịch Afghanistan, những bài tập quy mô lớn như thế không thể thực hiện do thiếu nguồn lực và nhu cầu cấp thiết.

Không khó hiểu khi NATO phải tìm cách giải thích cho sự tồn tại của mình: bảo vệ các đồng minh khỏi những hoạt động kiên quyết hơn từ phía Nga. Về thực chất, NATO đang muốn quay lại mục tiêu ban đầu của mình khi liên minh ra đời: đối đầu với ảnh hưởng của Nga (trước là của Liên Xô) ở châu Âu và củng cố ảnh hưởng của Mỹ cũng như sự hiện diện quân sự của họ.

Như tuyên bố của tổng thư ký NATO (1952-1957) Lord Hastings Ismay về mục đích của liên minh: “Giữ người Nga lại bên ngoài (châu Âu), giữ người Mỹ ở trong (châu Âu), giữ người Đức nằm dưới (sự kiểm soát)” (to keep the Russians out, the Americans in, and the Germans down).

Từ góc nhìn này có thể lý giải chủ ý của “Thời điểm Trident”. Với sự hiện diện của “vòng cung thép” - sự hồi sinh mạnh mẽ của không quân Nga - như lời chỉ huy hải quân NATO đô đốc Mark Ferguson, NATO đã tìm ra nhu cầu cấp thiết để trình với người đóng thuế cho sự tồn tại của mình.

Có lẽ không thừa khi nhắc một con số: Hoa Kỳ hiện đang là quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, mà theo báo cáo buôn bán phòng vệ toàn cầu của IHS là vào khoảng 23,73 tỉ USD trong năm 2014. Báo cáo viết: “Hoa Kỳ cung ứng 1/3 tất cả xuất khẩu này và là người hưởng lợi chính của tăng trưởng (xuất khẩu)”.■

Nhanh và siêu nhanh

Giai đoạn 1 của cuộc diễn tập “Thời điểm Trident” diễn ra từ ngày 3 đến 8-11-2014 với sự tham gia của Bỉ, Ý, Tây Ban Nha, Na Uy, Ba Lan và Pháp. Đợt này có 1.200 người tham gia diễn tập, kể cả đại diện các sở chỉ huy không quân NATO, các trung tâm nghiên cứu và các cơ quan của khối NATO.

Giai đoạn 2 “Thời điểm Trident” diễn ra trong hai đợt. Đợt 1: từ ngày 3 đến 16-10 trên các lãnh thổ Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bỉ, Canada, Đức; sau đó từ ngày 21-10 đến 6-11 ở Địa Trung Hải và Đại Tây Dương.

Mục đích của “Thời điểm Trident” 2015: chuẩn bị và kiểm soát khả năng các lực lượng phản ứng nhanh NATO. Hiện cơ số của lực lượng phản ứng nhanh NATO lên đến 40.000 người, trong đó các nhóm phản ứng siêu nhanh mang tên “Spearhead Forces” gồm 5.000 người. Mục tiêu của nhóm siêu nhanh là triển khai có mặt ở bất cứ điểm nóng nào trên thế giới trong vòng 48 giờ (www.jfcbs.nato.int/trident-juncture.aspx).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận