Ngoài ấm, trong lạnh

THANH TUẤN 27/09/2015 17:09 GMT+7

TTCT- Bất chấp những kỳ vọng qua chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này, giới phân tích cho rằng thành quả đạt được sẽ hạn chế.

Chủ tịch Tập Cận Bình nói chuyện với ông Rupert Murdoch, chủ Tập đoàn truyền thông News Corp, tại cuộc gặp ở Đại sảnh đường nhân dân tại Bắc Kinh ngày 18-9 -Reuters
Chủ tịch Tập Cận Bình nói chuyện với ông Rupert Murdoch, chủ Tập đoàn truyền thông News Corp, tại cuộc gặp ở Đại sảnh đường nhân dân tại Bắc Kinh ngày 18-9 -Reuters

Đây là lần đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Mỹ cấp nhà nước kể từ khi trở thành người đứng đầu Trung Quốc (ông Tập có đến Mỹ hội đàm với ông Obama ở Sunnyland, California năm 2013, nhưng không tới Nhà Trắng và không phải thăm cấp nhà nước), và Bắc Kinh đã ra sức đánh bóng chuyến đi ngang tầm quan trọng như chuyến thăm lịch sử của Đặng Tiểu Bình năm 1979.

Washington đón tiếp lãnh đạo Bắc Kinh với những lễ nghi ngoại giao cao nhất: bắn 21 phát đại bác, quốc yến ở Nhà Trắng tối 25-9 do Tổng thống Barack Obama và phu nhân Michelle chủ trì… Có mặt trong bữa tiệc đón ông Tập ở Seattle tối 22-9 có cựu ngoại trưởng Henry Kissinger, kiến trúc sư trưởng của chuyến thăm lịch sử của Nixon năm 1972.

“Quan hệ kiểu mới”

Trả lời báo giới trước khi ông Tập lên đường, ông Dương Khiết Trì, ủy viên Quốc vụ viện phụ trách đối ngoại, nhấn mạnh chuyến thăm sẽ thúc đẩy quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông nhấn mạnh tới “quan hệ kiểu mới” giữa các nước lớn tới ba lần trong cuộc phỏng vấn của Bloomberg. Đây là khái niệm được ông Tập Cận Bình đưa ra ở trang trại Sunnyland cách đây hơn hai năm.

Nhưng bất chấp mọi hào nhoáng, thực tế mối quan hệ hai bên đã có vô số rạn nứt bên dưới. Đã gần một năm rưỡi nay, Washington không còn dùng khái niệm mà Bắc Kinh đưa ra trong các tuyên bố chung nữa.

Chặng đầu của ông Tập dừng ở Seattle để gặp gỡ các doanh nghiệp công nghệ Mỹ, hàm ý về hợp tác, diễn ra chỉ vài tuần sau khi Washington cân nhắc trừng phạt kinh tế các nước đã sử dụng các công cụ tin học tấn công vào hệ thống mạng của Mỹ - ám chỉ trực tiếp đến Trung Quốc, nước bị cáo buộc tiến hành một loạt vụ tấn công quy mô lớn để ăn cắp thông tin và bí mật thương mại trên hệ thống mạng của Mỹ.

(Sau thông tin Nhà Trắng đang lên phương án trừng phạt các doanh nghiệp và cá nhân Trung Quốc vì hacking, Bắc Kinh đã vội cử một quan chức cấp cao tới Mỹ để làm việc với giám đốc FBI và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice với hi vọng Washington không có các bước làm xấu mặt ông Tập ngay trước chuyến đi. Nếu thực hiện thì đây sẽ là lần đầu tiên Bộ Tài chính Mỹ phong tỏa ngân hàng với các cá nhân và công ty vì hacking).

Với giới phân tích, cuộc gặp hôm 25-9 tại Nhà Trắng sẽ chủ yếu giải quyết các chuyện bề nổi. Các vấn đề căng thẳng nhất như an ninh mạng, căng thẳng ở Biển Đông hay nhân quyền các bên sẽ không thể tìm được tiếng nói chung. Thay vào đó, ông Obama và ông Tập dự kiến sẽ tuyên bố thỏa thuận về biến đổi khí hậu, chống phổ biến vũ khí hạt nhân và một thỏa thuận về cách thức ứng xử khi có đụng độ ở trên không giữa quân đội hai bên.

Jeffrey Bader, cựu cố vấn về chính sách châu Á của ông Obama tại Hội đồng an ninh quốc gia (NSC), gọi đây là ba vấn đề lớn nhất trong quan hệ giữa hai nước. “Không vấn đề nào có giải pháp trong tương lai gần. Nhưng chính quyền vẫn muốn đối thoại và khẳng định từ Bắc Kinh rằng họ sẽ không làm vấn đề trầm trọng hơn” - ông Bader, giờ làm tại Viện Brookings, nói.

Cuộc gặp thượng đỉnh khó khăn

Đó là cách gọi của báo giới Mỹ vì không nhiều người kỳ vọng vào những đột phá lớn. “Hi vọng lớn nhất của họ là đưa ra một số ý tưởng chung mà Mỹ và Trung Quốc vẫn có thể hợp tác và cùng làm chung với nhau. Rất khó để có các trao đổi nồng ấm và cởi mở trong bối cảnh lúc này” - Orville Schell, giám đốc Trung tâm quan hệ Mỹ - Trung tại Asia Society ở New York, nói.

Thách thức của Trung Quốc với sự chi phối của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương đã được thể hiện rõ vào đầu tháng này với màn duyệt binh lớn ở Bắc Kinh, khi Trung Quốc cho diễu hành tên lửa có khả năng tấn công tàu sân bay. Cũng trong tuần đó, tàu hải quân Trung Quốc đi qua vùng biển ở ngay eo biển Bering khi ông Obama có chuyến thăm Alaska gần đó.

Trung Quốc đã phản đối việc Mỹ tiến hành các chuyến bay tuần tra ở Biển Đông, trong khi Mỹ cũng cực lực chống việc Bắc Kinh quân sự hóa các điểm đảo chiếm trái phép ngoài biển.

Giáo sư Shi Yinhong của Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nói với New York Times: “Ông Tập luôn ám ảnh với chuyện đối đầu chiến lược với Mỹ. Rất khó để có tiến triển về chiến lược lúc này”.

Hai nhà lãnh đạo có thể sẽ tiếp tục đàm phán về câu chuyện an ninh mạng bằng cách tái khởi động nhóm làm việc mà hai bên từng có (bị Bắc Kinh đình chỉ sau khi Mỹ truy tố năm quan chức quân đội Trung Quốc hack vào hệ thống mạng của các công ty Mỹ) hoặc khởi động những kênh liên lạc mới.

Giáo sư Jie Dalei của Đại học Bắc Kinh cho rằng ông Tập có thể muốn khởi động lại kênh làm việc này để thể hiện chuyến đi có kết quả. “Nhưng tôi không kỳ vọng có hiệp định gì vì khoảng cách hai bên là quá lớn” - ông nói.

Bonnie Glaser, chuyên gia cao cấp về Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington DC, phân tích rằng hiện vẫn còn nhiều khác biệt giữa hai bên. “Trung Quốc hiện muốn Mỹ hứa là sẽ không bắt giữ năm sĩ quan này nếu họ đến các nước khác mà Mỹ có hiệp định dẫn độ, nhưng Mỹ thì từ chối” - bà nói với Bloomberg.

Chính quyền Obama từ tuần trước đã có động thái đẩy mạnh trong cuộc chiến với vấn đề an ninh mạng khi tuyên bố Mỹ đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt đối với tình báo kinh tế.

Tổng thống Mỹ dự kiến cũng nêu vấn đề Trung Quốc xây lấn đảo ở Biển Đông và yêu cầu chấm dứt hoạt động xây dựng này (Bắc Kinh từng tuyên bố đã chấm dứt, nhưng thực tế là tiếp tục xây dựng đường băng ở đảo Vành Khăn và bãi đá Subi). Washington muốn gây sức ép để Bắc Kinh sớm kết thúc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhưng đây là điều Trung Quốc đến giờ vẫn lần lữa.

Một vấn đề mà Trung Quốc cũng muốn đạt được là đàm phán về thỏa thuận đầu tư song phương nhưng tiến độ đàm phán đến giờ vẫn chậm và không có nhiều hi vọng đột phá lớn gì về thỏa thuận trong chuyến đi. Đã có những căng thẳng giữa hai bên về việc Bắc Kinh can thiệp thô bạo vào thị trường tiền tệ (phá giá ba lần) để đẩy giá cổ phiếu.

Mong muốn của Bắc Kinh từ chuyến đi là một sự thừa nhận lớn hơn của thế giới về sự trỗi dậy trở lại của một Trung Quốc hùng bá trên trường thế giới. Với Washington, mong muốn của họ là giữ được vùng ảnh hưởng ở Tây Thái Bình Dương, nơi họ đã chi phối kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Cuộc bầu cử ở Mỹ đang nóng dần từng ngày với rất nhiều ứng viên lên tiếng coi Trung Quốc như là đối thủ số 1 tìm cách làm suy yếu vị trí và ảnh hưởng của nước Mỹ.

Không khí lúc này khá xấu, khác xa hai năm trước. Vào lúc này có rất nhiều điều nghịch trong quan hệ hai bên trong khi những điểm sáng, những lĩnh vực hợp tác thì còn quá mập mờ. Mục tiêu lúc này là kiểm soát những mảng quan hệ tiêu cực đó” - giáo sư Niu Jun của Đại học Bắc Kinh nói.

Bản thân ông Tập lúc này có rất nhiều thách thức. Một mặt ông phải thể hiện với nội bộ Trung Quốc rằng ông bảo vệ lợi ích của Trung Quốc, mặt khác phải trấn an Washington rằng Bắc Kinh không muốn làm rối loạn trật tự thế giới (lấy dần ảnh hưởng của Mỹ). Bắc Kinh sẽ lại một lần nữa lên tiếng ủng hộ “quan hệ kiểu mới” giữa các nước lớn với Mỹ.

Bà Glaser của CSIS đánh giá: “Tôi nghĩ là sẽ có ít kết quả từ lần gặp này so với cuộc gặp thượng đỉnh lần trước”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận