Brazil rung chuyển vì cáo buộc tham nhũng

HỮU NGHỊ 24/08/2015 17:08 GMT+7

TTCT - Một làn sóng biểu tình mới đã diễn ra hôm chủ nhật 16-8 ở Brazil đòi Tổng thống Dilma Rousseff ra đi. Một kết cuộc buồn cho bà Rousseff, bởi người từng vào tù ra khám vì đấu tranh chống chế độ quân phiệt trong thập niên 1960 nay lại bị cáo buộc tham nhũng.

Sắc màu Brazil trên đại lộ Paulista ở trung tâm tài chính Sao Paulo trong cuộc biểu tình toàn quốc ngày 16-8 đòi Tổng thống Dilma Rousseff ra đi - Ảnh: Reuters

Các cuộc biểu tình đã nổ ra tại hơn 200 thành phố, từ thủ đô Brasilia đến các thành phố Belo Horizonte, Recife, Salvador de Bahia, Belem hoặc São Paulo, thành trì phe đối lập.

Biểu tình phản đối bà Rousseff từng nổ ra thường xuyên trong nhiệm kỳ trước vì lý do kinh tế và để phản đối việc chi tiêu quá độ cho World Cup 2014. Còn lần này là để điều tra về vai trò của bà trong vụ tham nhũng lên đến 4 tỉ USD ở Công ty dầu hỏa quốc doanh Petrobas.

Tổng thống không được ưa chuộng nhất kể từ NĂM 1985!

Tái đắc cử và thắng sát nút trong cuộc bầu cử tháng 10 năm ngoái với 51,6% số phiếu, bà Rousseff, 67 tuổi, hiện là tổng thống không được ưa chuộng nhất kể từ khi chấm dứt chế độ quân sự ở Brazil vào năm 1985. Tỉ lệ tín nhiệm dành cho bà đã giảm chỉ còn 8%, so với 13% trong cuộc thăm dò dư luận hồi giữa tháng 4.

Uy tín của bà Rousseff tụt giảm sau khi vụ Petrobas giúp phát hiện 13 nghị sĩ thượng viện, 22 dân biểu hạ viện, 2 thống đốc bang cùng viên tổng quản lý tài chính Đảng Người lao động cầm quyền và cả một lô viên chức phủ tổng thống đã nhận “lại quả” của Petrobas những 4 tỉ USD suốt 10 năm. Tổng cộng 53 viên chức sẽ phải ra tòa, còn bà Rousseff bị cho là có dính líu vì lúc đó bà là chủ tịch Petrobas suốt thời gian diễn ra vụ chung chi này!

Ngay từ khi học trung học, Dilma Rousseff đã tham gia phong trào cánh tả vào năm 1964. Năm 1967, Rousseff tham gia cánh COLINA đấu tranh vũ trang trong khuôn khổ Đảng Xã hội Brazil, bị bắt giam trong khoảng thời gian từ năm 1970-1972, thậm chí bị tra tấn trong các nhà tù của quân đội. Sau khi ra tù, Rousseff cùng chồng Carlos Araújo tham gia thành lập Đảng Lao động dân chủ ở Rio Grande do Sul.

Đến năm 2000, bà Rousseff rời đảng này để gia nhập Đảng Công nhân. Con đường hoạn lộ của bà mở rộng từ ấy: năm 2002, bà tham gia Ủy ban chính sách năng lượng của tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva. Từ đó, bà trở thành chủ tịch Petrobas và nếm mùi kim tiền.

Không có vùng cấm

Ngày 20-3-2014, cảnh sát liên bang bắt giữ Paulo Roberto Costa, cựu lãnh đạo bộ phận lọc dầu và cung ứng vật tư của Petrobas, sau khi một cuộc điều tra cho thấy Costa đã được một tay đổi tiền chợ đen từng có tiền án là Alberto Youssef biếu một chiếc xe Range Rover. Thế là công tố vào cuộc cùng với cảnh sát.

Ngày 22-8-2014, Costa buộc phải thỏa thuận với các công tố viên, đồng ý tường trình vụ tham nhũng và khai tên các đối tượng liên can để đổi lấy một bản án nhẹ hơn (ngày 22-4-2015, Costa bị tuyên án 7,5 năm tù giam, song chỉ phải thi hành án có 1 năm tù giam nhờ cộng tác tốt, đưa một lô viên chức Petrobas khác vào khám).

Đến ngày 14-11-2014, cảnh sát liên bang bắt giữ 18 người, trong đó có cựu giám đốc dịch vụ kỹ thuật của Petrobas là Renato Duque cùng một số giám đốc điều hành. Bốn tuần sau, ngày 11-12-2014, các công tố viên ở Curitiba chính thức truy tố 36 người, trong đó có 22 người từ các công ty kỹ thuật OAS, Camargo Correa, UTC Engenharia... Trong một cuộc họp báo được truyền hình toàn quốc, công tố viên Deltan Dallagnol tuyên chiến với tham nhũng tại Brazil. Đến ngày 29-12-2014, Petrobas buộc phải cấm 23 nhà cung cấp bị nêu tên trong cuộc điều tra tham gia đấu thầu.

Ngày 6-2, Tối cao pháp viện Brazil tuyên bố sẽ điều tra các chủ tịch thượng viện và hạ viện nước này cùng 12 thượng nghị sĩ và 22 hạ nghị sĩ có liên can đến vụ Petrobas, tất cả trong liên minh cầm quyền của Tổng thống Rousseff! Đến ngày 15-4, vòng vây siết chặt: cảnh sát bắt thủ quỹ của Đảng Công nhân, đưa cuộc điều tra đến sát giới thân cận tổng thống. Ngày 26-5, Nestor Cervero - nguyên vụ trưởng Vụ quốc tế của Petrobas - bị tuyên 5 năm tù vì tội rửa tiền. Đến ngày 19-6, cảnh sát bắt các giám đốc hai công ty xây dựng lớn nhất Brazil là Odebrecht SA và Andrade Gutierrez do liên quan các vụ lại quả.

Những phanh phui của tuần báo Veja hôm 26-6 nhắm thẳng vào Tổng thống Rouseff: những lời khai tự biện hộ của Ricardo Pessoa, nguyên giám đốc Công ty cơ khí UTC Engenharia, cho biết tiền khai kê giá lên của hợp đồng đã được quyên góp cho chiến dịch tái tranh cử năm 2014 của bà Rousseff, cáo buộc mà bà và đảng của bà bác bỏ.

Sang đến ngày 28-7, cảnh sát bắt giữ hai giám đốc điều hành có liên quan trong việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân cho Tập đoàn Điện lực Eletrobras tại Angra dos Reis, phía tây Rio de Janeiro, kéo ngành điện của Brazil vào vụ bê bối. Một ngày sau, các công tố viên cáo buộc Renato Duque, cựu trưởng bộ phận dịch vụ của Petrobas, đã “ưu ái” Công ty Saipem SpA của Ý trong một hợp đồng đường ống dẫn khí dưới biển ngoài khơi Lula và Cernambi. Hơn một chục công ty nước ngoài được cho là đã hối lộ giám đốc điều hành Petrobas.

Uy tín của bà Rousseff tụt giảm sau khi vụ Petrobas giúp phát hiện 13 nghị sĩ thượng viện, 22 dân biểu hạ viện, 2 thống đốc bang cùng viên tổng quản lý tài chính Đảng Người lao động cầm quyền và cả một lô viên chức phủ tổng thống đã nhận “lại quả” của Petrobas những 4 tỉ USD suốt 10 năm
 

Ngày 3-8, cảnh sát bắt giữ cựu bộ trưởng Jose Dirceu, một trong những thành viên cao cấp nhất của Đảng Công nhân cầm quyền. Dirceu đã là tham mưu trưởng của cựu tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva từ năm 2003-2005. Gần đây nhất, hôm 6-8, các công tố viên trình bày kết tội công khai chống lại Jorge Zelada, cựu giám đốc bộ phận quốc tế Petrobas và năm người khác, nói rằng họ đã ủng hộ Công ty khoan dầu Vantage Drilling (Mỹ) trong một hợp đồng giàn khoan. Hsin Chi Su, giám đốc điều hành của Hãng tàu Đài Loan TMT, cũng bị buộc tội.

Qua chuỗi điều tra cùng quyết định tống giam và truy tố liên tục trên, có thể thấy thái độ dứt khoát của cảnh sát và công tố Brazil, vốn hoàn toàn độc lập với phủ tổng thống hay chính phủ nước này. Riêng Brazil, chức trách của lực lượng cảnh sát liên bang (Departamento de Polícia Federal) cũng được ấn định trong đoạn 1, điều 144 Hiến pháp nước này.

Theo đó, họ được giao nhiệm vụ điều tra hình sự các vi phạm đến trật tự chính trị và xã hội, tài sản, dịch vụ và lợi ích của chính phủ liên bang Brazil cùng những cơ quan và công ty, cũng như các tội phạm xuyên liên bang hay quốc tế cần đến một sự áp chế đồng nhất ở Brazil...

Nhà nghiên cứu luật hiến pháp Michel Temer nhận xét ở Brazil không chỉ tam quyền phân lập, mà còn có “đệ tứ quyền” do công tố viện đảm trách với danh xưng là Bộ Công (Ministério Público), có quy chế độc lập với cả ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp. Từ sự độc lập của cảnh sát liên bang và của Bộ Công, việc điều tra chống tham nhũng ở Brazil không bị làm khó như tại một số nơi khác.

Một đạo luật chống tham nhũng phòng ngừa hơn

Đạo luật chống tham nhũng hiện hành ở Brazil từ ngày 28-1-2014, tuy chưa phải là lý tưởng song cũng đã lấp đầy một số khoảng trống pháp luật. Đến nay, chưa có đạo luật chuyên biệt nào ấn định độ can dự của những công ty, tập đoàn đối với hành vi tham nhũng của các nhân viên của mình, trái lại chỉ những cá nhân bị trừng phạt vì các vi phạm.

Nay với luật mới, cả công ty lẫn cá nhân liên can cùng chịu trách nhiệm pháp lý, phạt vạ đối với các công ty có thể lên đến 20% tổng thu nhập của công ty đó. Trong trường hợp không thể xác định tổng thu nhập của công ty, phạt vạ có thể từ 6.000 real (tức 2.500 USD) lên đến 60 triệu real (25 triệu USD) và không được thấp hơn số lợi lộc mà công ty này hưởng được từ sự đút lót. Từ đó, cám dỗ móc ngoặc sẽ bớt đi.

Còn chuyện liên quan đến Tổng thống Dilma Rousseff, nếu quả thật đúng như thế, sẽ là một kết cuộc buồn không chỉ cho một nữ anh hùng đấu tranh, mà cho cả một giai đoạn đầy lý tưởng.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận