Xây ngôi nhà vững chắc trên nền tảng song phương

ANTON TSVETOV 13/04/2015 18:04 GMT+7

Trong bài bình luận về chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Thủ tướng Nga D.Medvedev, chuyên gia Hội đồng Nga về các vấn đề đối ngoại Anton Tsvetov cho rằng Việt Nam không muốn là “nạn nhân của cuộc đối đầu lưỡng cực mới” nên thắt chặt quan hệ với Nga trong ba “hướng triển vọng”. TTCT trích giới thiệu.

Theo tác giả, trong khi vẫn duy trì quan hệ “không đơn giản” với láng giềng phương Bắc và buộc phải đa dạng hóa quan hệ đối ngoại bằng phát triển quan hệ với Washington, thể hiện qua hợp tác kinh tế với Mỹ và chuẩn bị gia nhập Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì quan hệ Nga - Việt vẫn đang phát triển theo ba hướng chính.

Trước tiên là hợp tác kỹ thuật quân sự, thừa hưởng từ quan hệ Xô - Việt và vẫn đang là hướng ưu tiên, mà thành tựu quan trọng nhất là hợp đồng cung cấp tàu ngầm Varshavyanka.

Thứ hai là hợp tác năng lượng mà nổi bật là liên doanh dầu khí Vietsovpetro, hoạt động thành công từ thập niên 1980, mặc dù còn những dự án gần đây hơn, đặc biệt là dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

Thứ ba là khu vực mậu dịch tự do giữa Việt Nam với Liên minh Á - Âu, dự kiến ký kết trong năm 2015, mà theo ông Tsvetov, là “dự án đa phương lớn nhất giữa hai phía”, cho phép thiết lập lại thuế nhập khẩu và nhờ đó giúp tăng trưởng doanh thu.

Nhưng ngay cả trong những lĩnh vực hợp tác truyền thống này cũng đã xuất hiện đối thủ cạnh tranh với Nga.

Trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân là Hàn Quốc, Nhật Bản và chẳng bao lâu sẽ là Mỹ. Trong lĩnh vực khai thác dầu khí sẽ là Ấn Độ. Còn trong lĩnh vực vũ khí, Anton Tsvetov đặt câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ bãi bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam? Một hồi chuông cảnh báo là chuyện Tập đoàn Israel Galil hồi năm ngoái đã thắng thầu Công ty Kalashnikov của Nga trong việc đấu thầu xây dựng tại Việt Nam nhà máy lắp ráp súng tiểu liên”.

Bài báo đặt ra những vấn đề gai góc mà Matxcơva phải giải quyết: “Đã đến lúc suy nghĩ xem Nga có thể cung cấp cho Việt Nam những sản phẩm nào mà những nước khác không thể cung cấp? Có thể tăng kim ngạch nhờ những hàng hóa nào? Liệu các ngành công nghiệp quốc phòng Nga có thể duy trì được mối tương quan giá cả - chất lượng của sản phẩm mình ở một mức độ hấp dẫn cho thị trường Hà Nội? Liệu những nguồn lực Nga trong những điều kiện hiện nay có thể tham gia những dự án đầu tư lớn ở Việt Nam và liệu Matxcơva có thể thu lợi gì từ nền kinh tế ngày càng tăng trưởng của đối tác này?”.

Một cách thực tiễn, tác giả bài báo chỉ ra một phép thử nhỏ về “mức độ vững vàng trong quan hệ Nga - Việt”, thể hiện qua trả lời của Hà Nội với Washington về việc sử dụng cảng Cam Ranh không lâu trước đó, dù câu trả lời này không quá “cứng rắn”. Và đặt vấn đề ngược lại: liệu Matxcơva sẽ hành xử thế nào nếu quan hệ Trung - Việt cơm không lành canh không ngọt, khi cả hai đều là đối tác chiến lược của Nga?

Bài báo kết luận: “Lịch sử phong phú của các mối quan hệ, đối thoại chính trị và kỹ thuật quân sự phát triển - đó là cơ sở nền tảng cho quan hệ song phương. Nhưng nếu không xây dựng một ngôi nhà vững chắc trên nền tảng đó thì chẳng có nơi đâu để sống”.       

PHAN XUÂN LOAN trích dịch

(từ http://russiancouncil.ru/inner/?id_4=5591&active_id_11=53#top)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận