Quan hệ Việt - Nga: Cần những trụ cột kinh tế mới

THANH TUẤN 13/04/2015 18:04 GMT+7

Lời mở đầu trong cuộc trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội hôm 6-4, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nhắc lại chuyện “niềm tin” trong quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Liên bang Nga, cho đây là nền tảng để thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn giữa hai bên.

Thủ tướng Nga Medvedev tham quan dinh Thống Nhất sáng 7-4 - Ảnh: Thuận Thắng

Có lẽ đúng như Thủ tướng Nga nói, niềm tin là điều cần hơn bao giờ hết trong quan hệ hai nước vào lúc này - khi cả hai đều đang đối mặt với những thách thức nội tại và khu vực. Chuyến thăm của Thủ tướng Medvedev vừa kết thúc là một phần để củng cố niềm tin đó.

Quan hệ Việt Nam - Nga vốn đặc biệt với quá trình lịch sử từ thời Liên Xô. Khi đẩy mạnh mở cửa hội nhập, Nga là nước đầu tiên Việt Nam chọn để thiết lập đối tác chiến lược (năm 2012 nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện). Các chuyến thăm cấp cao được tiến hành thường xuyên giữa hai bên. Bản thân Thủ tướng D.Medvedev trong bốn năm rưỡi vừa rồi đã ba lần tới thăm chính thức Việt Nam trên cả hai cương vị tổng thống và thủ tướng.

Về quân sự, ngoài hợp tác đào tạo, Việt Nam là một trong những bạn hàng lớn nhất của Nga về mua bán vũ khí.

Nhưng sự phát triển về chính trị đó lại không được thể hiện tương tự trên quan hệ kinh tế. Kim ngạch hai chiều tới giờ vẫn ở mức rất nhỏ là 2,5 tỉ USD (trong khi đó tổng kim ngạch quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ là 35 tỉ USD, kim ngạch Việt Nam - Trung Quốc là khoảng 60 tỉ USD, kim ngạch Việt Nam - ASEAN trong ba quý đầu năm 2014 cũng là 30 tỉ USD).

Tính đến tháng 3-2015, Nga có 106 dự án đầu tư trực tiếp với tổng vốn đăng ký khoảng 2 tỉ USD, xếp thứ 17 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên ngoài liên doanh dầu khí ở Vietsovpetro có quy mô lớn, hầu hết dự án của Nga vào Việt Nam hiện nay đều ở quy mô nhỏ và khiêm tốn.

Đầu tư của Việt Nam vào Nga trong mấy năm nay tăng mạnh, từ 100 triệu USD năm 2008 lên tới 2,5 tỉ USD của 19 dự án như hiện nay. Nga hiện đứng thứ ba trong các điểm đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.   

Phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp Việt - Nga chiều 7-4, ông Trần Bắc Hà, chủ tịch Ngân hàng BIDV, chỉ ra thực tế kim ngạch này chỉ chiếm 0,8% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam và chỉ khoảng 0,2% kim ngạch thương mại của Nga - những con số rất nhỏ. Thậm chí kim ngạch thương mại năm 2014 còn giảm 7,3% so với năm 2013.

Từ đầu năm tới nay, lượng khách du lịch Nga vào Việt Nam đã giảm tới 40%. Ở Việt Nam, một số dự án FDI đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi và đang triển khai có thể bị dừng hoặc gián đoạn vì ảnh hưởng của cấm vận.

Chủ tịch Ngân hàng Ngoại thương VTB Andrey Leonidovich Kostin tại diễn đàn doanh nghiệp hai nước thừa nhận ông đã nghe rất nhiều lo ngại từ các doanh nghiệp Việt Nam về cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nga sau các lệnh cấm vận từ phương Tây. Ảnh hưởng cụ thể là đồng rúp mất giá khoảng 60% trong 12 tháng qua và hàng tỉ USD đã bị rút ra khỏi thị trường nước này. Đại diện VTB sau đó khẳng định là “không có khủng hoảng kinh tế sâu sắc ở nước Nga và các doanh nghiệp Nga vẫn có thể thực hiện các hợp tác lớn”.

Một số khó khăn được các doanh nghiệp nêu ra như khả năng thanh toán của thị trường Nga và SNG hiện rất hạn chế, các doanh nghiệp Nga chưa đủ khả năng thanh toán theo thông lệ quốc tế nên thường trả chậm từ 6-12 tháng. Xuất hiện nhiều trở ngại thanh toán giữa hai nước vì không dễ mở thư tín dụng L/C, khó khăn từ vận tải vì đội tàu từ thời Liên Xô đã tan rã nên thường phải trung chuyển qua các cảng châu Âu rồi mới trở lại Nga.

Việc các ngân hàng lớn nhất của Nga bị cấm vận cũng khiến việc thanh toán hai chiều bằng ngoại tệ bị ảnh hưởng... Ở diễn đàn, VTB đã ký kết với BIDV bản ghi nhớ về nghiên cứu triển khai thanh toán bằng đồng nội tệ để tìm cách tháo gỡ những khó khăn này.

Trong các nước lớn, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang tập trung đẩy mạnh xây dựng các định chế kinh tế như cách tăng cường ảnh hưởng.

Với Mỹ, đó là việc thúc đẩy đàm phán hiệp định TPP đi vào nước rút với hi vọng sớm hoàn tất trong năm nay. Với Trung Quốc, ngoài FTA đã ký với ASEAN sẽ là hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) gồm ASEAN+6 hay mới đây là Ngân hàng phát triển hạ tầng AIIB để cạnh tranh với IMF, World Bank, ADB cùng các tuyến đường tơ lụa trên đất liền và trên biển. Trên khía cạnh này, ở cả khu vực và trong quan hệ với Việt Nam, Nga đã bị tụt lại.

Cuộc khủng hoảng ở Đông Âu hiện vẫn chưa có lối thoát. Lệnh cấm vận của phương Tây cũng như việc Ukraine không tham gia vào liên minh kinh tế Á - Âu (EEU) của Nga đã hạn chế nhiều sức hấp dẫn của khối này. Việc tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng Đông Âu vì vậy có ý nghĩa then chốt trong việc tăng sức hút cho EEU và là bài toán Matxcơva cần giải quyết.

Các hợp tác giao thương Nga - Việt cũng cần vượt qua chuyện Việt Nam đơn thuần là bạn hàng mua vũ khí, để thật sự là một quan hệ đối tác chiến lược bền vững, hai nước cần những trụ cột sâu và có sức mạnh hơn về kinh tế.

Tại diễn đàn doanh nghiệp Việt - Nga, Thủ tướng Medvedev đã nhắc về 17 dự án ưu tiên với tổng mức 20 tỉ USD mà hai nước dự kiến triển khai trong năm nay, trong đó có 13 dự án từ phía Nga và bốn dự án từ phía Việt Nam.

Hai bên đã ký ghi nhớ về việc khai thác chung tại mỏ Dolginskoye và Severo-Zapadnyi ở ngoài khơi nước Nga mà Thủ tướng Medvedev nói là “trường hợp hiếm” khi để đối tác nước ngoài tiếp cận khai thác ngay trên lãnh thổ Nga. Thủ tướng Medvedev hi vọng việc triển khai dự án này cùng việc chính thức ký FTA giữa Việt Nam và EEU có thể giúp tăng kim ngạch lên 10 tỉ USD vào năm 2020.

Đối với các vấn đề khu vực, Nga đã tuyên bố ủng hộ tuyên bố về ứng xử ở biển Đông DOC và hướng tới sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử COC. Với vấn đề này, một sự ủng hộ sâu hơn nữa của Nga sẽ có trọng lượng và phù hợp với tính chiến lược của quan hệ hai bên. Chỉ có tăng cường các gắn kết kinh tế và những cam kết chính trị, quan hệ hai nước mới thật sự lâu dài và bền vững.

Niềm tin sẽ chỉ vững mạnh khi hai nước có sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa trong nền kinh tế toàn cầu. Tỉ lệ kim ngạch chưa đến 1% hiện nay giữa hai bên rõ ràng là thách thức cho mối quan hệ chiến lược hai nước. Và ở các vấn đề khu vực, sự ủng hộ nhất quán của Nga đối với Việt Nam trong các vấn đề khu vực như vấn đề biển Đông là rất quan trọng và có ý nghĩa vào lúc này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận