​Không còn “giấu mình chờ thời”

THANH TUẤN 14/01/2015 02:01 GMT+7

Hội nghị trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về đối ngoại cuối tháng 11-2014 đã thay đổi chiến lược đối ngoại của Bắc Kinh. Ưu tiên được tập trung vào các nước láng giềng để phù hợp với định hướng phát triển mới.

Ông Tập Cận Bình đã tiến hành một loạt thay đổi đối ngoại- Reuters

Kể từ khi Nhà nước CHDCND Trung Hoa được thành lập năm 1949, trật tự định hướng đối ngoại này mới chỉ thay đổi vài lần. Trong giai đoạn đầu, lãnh tụ Mao Trạch Đông đưa ra khung “Đệ nhất thế giới, đệ nhị thế giới, đệ tam thế giới” để nói về phe tư bản, phe cộng sản và các nước phát triển.

Khi giai đoạn cải cách mở cửa bắt đầu, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình chuyển khung này thành “các nước lớn, các nước láng giềng và các nước đang phát triển”. Thay đổi duy nhất kể từ năm 1979 tới nay là việc đưa thêm một số nhóm mới vào thứ tự trật tự này.

Thời kỳ tổng bí thư Giang Trạch Dân, ở Đại hội Đảng lần thứ 16 vào năm 2002 đã đưa thêm “các tổ chức đa phương” vào và vài năm sau đó chủ tịch Hồ Cẩm Đào đưa “đối ngoại nhân dân” vào báo cáo của Đại hội Đảng lần thứ 18.

“Ngoại giao nước lớn mang màu sắc riêng”

Như vậy khung chính sách đối ngoại tới năm 2012 bao gồm: các nước lớn (Mỹ, EU, Nhật, Nga), các nước láng giềng, các nước đang phát triển (các nước thu nhập thấp, bao gồm Trung Quốc), các tổ chức quốc tế (Liên Hiệp Quốc, APEC, ASEAN...) và đối ngoại nhân dân.

Tại hội nghị ngoại giao hồi tháng 11-2014, ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc cần có nền ngoại giao nước lớn mang màu sắc riêng: “đặc sắc Trung Quốc, phong cách Trung Quốc và khí phách Trung Quốc”. 

Trong khi các thứ tự không được nêu rõ ràng, các nước láng giềng được ông Tập Cận Bình đặc biệt đặt lên trên đầu. Những thay đổi thật sự về chính sách đã được chuẩn bị từ cách đó một năm. Chẳng hạn tháng 9-2013, Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố các nước láng giềng trở thành “phương hướng ưu tiên” trong đối ngoại. Một tháng sau đó, lần đầu tiên Trung Quốc cho tiến hành họp hội nghị trung ương trong hai ngày 24 và 25-10-2013 về chính sách đối với các nước láng giềng để xem xét lại chính sách.

Lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, hội nghị bàn tới các thay đổi sâu rộng trong chiến lược ngoại giao và cũng lần đầu tiên phân loại các nước láng giềng Trung Quốc thành “bạn” và “thù”.

Ngoại giao chu biên

Chính sách chiến lược mới của Trung Quốc được đặt tên là “Ngoại giao chu biên” (ngoại giao với các nước láng giềng), trong đó đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách với các nước xung quanh.

Trong sắp xếp này, sự phân loại các nước “bạn”, “thù” là cơ sở cho Trung Quốc triển khai chính sách của mình. Giáo sư Diêm Học Thông của Đại học Thanh Hoa - một người được cho là thân cận với ông Tập Cận Bình, hiện đứng đầu Viện Nghiên cứu quan hệ ngoại giao hiện đại và là tổng biên tập tạp chí Chính Trị Quốc Tế - trong một bài viết hồi tháng 1-2014 đã nói hội nghị về “Ngoại giao chu biên” cho thấy sự thay đổi chiến lược ngoại giao của Bắc Kinh.

Ông nói khác với Mỹ hay phương Tây, Trung Quốc sẽ dùng chiến lược khác để “đạt được sự lãnh đạo toàn cầu” và nói quá trình này bao gồm cả việc sử dụng toàn cầu hóa và vũ khí hạt nhân (răn đe). Trong hai nguyên tắc đối ngoại lớn của Trung Quốc kể từ đầu năm 1990, “giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình đã hoàn toàn bị từ bỏ, đặc biệt khi ưu tiên quan hệ với Mỹ giờ không còn là số một. Chiến lược mới của Bắc Kinh thực tế đặt Mỹ - Trung là “đối thủ chiến lược” mà có “những lợi ích chung, lợi ích bổ trợ và lợi ích mâu thuẫn nhau”.

Điều này cho phép hai nước hợp tác tích cực khi lợi ích tương đồng và hợp tác kiểu phòng ngừa khi mâu thuẫn. Trong khi hai thập kỷ trước, Trung Quốc luôn cố giữ lập trường trung lập để tránh đối đầu với Mỹ bằng mọi cách (thậm chí không công khai phản đối) thì chính sách mới giờ là tác động để các nước láng giềng “sắp xếp lợi ích phù hợp với sự vươn lên của Trung Quốc”.

Thúc đẩy đối ngoại lân bang, giảm ưu tiên các nước lớn

Viết trên Nhân Dân Nhật Báo hồi tháng 4-2014, Thứ trưởng ngoại giao Lưu Chấn Dân nói thương mại với khu vực Đông Nam Á và Đông Á giờ đạt “1.400 tỉ USD, nhiều hơn tổng thương mại với Mỹ và EU gộp lại”. Ông cũng nhấn mạnh: “Một nửa trong số 10 khách hàng thương mại hàng đầu của Trung Quốc giờ là ở châu Á” và 70% đầu tư nước ngoài của Bắc Kinh chính là ở châu Á.

Theo Timothy Heath viết trên Diplomat, lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ các tiền lệ trong lịch sử khi các nước mới vươn lên để nắm quyền chi phối ở châu Âu, châu Á thường rơi vào chiến tranh với các nước láng giềng. Nguy cơ các điểm nóng ở biển Đông và biển Hoa Đông là mối quan ngại đối với giới lãnh đạo Trung Quốc. Đây có thể coi là một trong những nguyên nhân của sự thay đổi thứ tự ưu tiên.

Chiến lược “giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình trong thời gian dài từng giúp Trung Quốc tránh được đối đầu, giờ bị coi là không phù hợp để Bắc Kinh vươn lên vị trí ảnh hưởng toàn cầu.

Viết trên Boxun, tác giả Tao Peng cho rằng có hai nguyên nhân chính dẫn đến thay đổi chiến lược: Thứ nhất, Trung Quốc đã trở thành cường quốc quân sự và kinh tế toàn cầu nên lợi ích cũng tăng ở tầm khu vực và quốc tế - điều đòi hỏi họ phải mở rộng khẳng định vị thế. Thứ hai, giới lãnh đạo Trung Nam Hải thấy có thể dùng việc đẩy mạnh các mâu thuẫn chủ quyền như là một cách để cập nhật khái niệm về chủ nghĩa dân tộc, tình yêu nước và giải quyết các bất đồng về xã hội.

Đây là lý do của chính sách đối ngoại cứng rắn và mạnh mẽ mấy năm qua. 

Ông Diêm Học Thông tuyên bố chính sách đối ngoại của Trung Quốc sẽ thể hiện rõ sự khác biệt trong đối xử với “bạn” và “thù” đối với các nước láng giềng.

Và với “một số nước láng giềng chủ chốt, Trung Quốc sẽ cố tạo dựng cộng đồng với định mệnh chung.” Bốn nguyên tắc cơ bản của đối ngoại chu biên là “Cận” (gần gũi về mặt địa lý), “Thành” (thành thật), “Huệ” (cùng có lợi) và “Dung” (dung hòa). 

Theo Thứ trưởng Lưu Chấn Dân, “sự mất cân bằng giữa an ninh chính trị và sự phát triển kinh tế ở châu Á trở thành vấn đề ngày càng lớn” (nên hiểu: kinh tế Trung Quốc đã phát triển mà vị thế chính trị, ảnh hưởng chưa tương xứng). Đề xuất của Trung Quốc về phát triển cộng đồng châu Á với “định mệnh chung” thực tế là tham vọng để giải quyết điều mà Trung Quốc coi là “mất cân bằng này.”

Hội nghị trung ương về đối ngoại cũng cho thấy một sự thay đổi nữa. Ông Tập Cận Bình đặc biệt nhấn vào một nhóm nhỏ trong nhóm các nước đang phát triển: “các nước phát triển chủ chốt” mà ông Tập kêu gọi Trung Quốc mở rộng hợp tác và “hội nhập chặt chẽ với sự phát triển của chúng ta”.

Các học giả ở Trung Quốc nói các nước này đóng vai trò đặc biệt quan trọng để củng cố cải cách trật tự quốc tế bao gồm: Nga, Brazil, Nam Phi, Ấn Độ, Indonesia và Mexico.

Theo cách tư duy này, Trung Quốc về cơ bản đã bỏ cách gọi bản thân từ lâu là “nước đang phát triển”.       

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận