​Độc lập là làm sao?

DANH ĐỨC 21/09/2014 05:09 GMT+7

TTCT - “Ngày 18-9-2014, quý vị sẽ được yêu cầu bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề: Scotland có nên là một quốc gia độc lập?

Scotland đòi độc lập qua cái nhìn của The Economist
Scotland đòi độc lập qua cái nhìn của The Economist

Chính phủ Scotland tin rằng quý vị sẽ bỏ phiếu “Có”.

Nếu Scotland bỏ phiếu “Đồng ý” trong cuộc trưng cầu ý dân này, chính phủ sẽ đàm phán để Scotland độc lập vào ngày 24-3-2016”.

Chính phủ Scotland tâm tình với dân chúng như thế trong cuốn hướng dẫn Tương lai của Scotland.

Độc lập là gì cho người Scotland? Chính phủ Scotland giải thích ngay trang đầu: “Độc lập có nghĩa là chúng ta sẽ có một chính phủ từ sự lựa chọn của chúng ta: một chính phủ luôn lấy nhân dân Scotland làm đầu. Đó là điều mà độc lập có thể mang lại cho Scotland, và chính là lý do cho phép tin rằng người dân Scotland, từng cá nhân một và cả tập thể, sẽ được hưởng lợi từ nền độc lập”. 

Nhân dân Scotland có thể có được ngay mọi quyền cần thiết để xây dựng một đất nước tốt đẹp hơn, công bằng hơn, bằng cách tin vào chính chúng ta và bỏ phiếu Độc lập 
Blair Jenkins (người điều hành phong trào “Yes Scotland”)

Lấy nhân dân làm đầu

Nguồn gốc sâu xa của cuộc trưng cầu ý dân này là từ “Lịch sử Scotland khởi sự từ trào Kenneth Mac Alpin lên ngôi vào đầu những năm 840, đã trải qua bao phen phải chống trả người Anh, đặc biệt trong giai đoạn 1296-1424 khi Scotland đã hun đúc xong biên giới lãnh thổ và bản sắc dân tộc của mình.

Xu hướng này càng tăng bởi chiến tranh, mà đỉnh cao là Tuyên ngôn Arbroath năm 1320 bác bỏ yêu sách của các vua Anh cứ đòi chiếm ngai vàng của Scotland”, (nguồn: Early Scottish History and the Union). 

Một chi tiết tối quan trọng trong đoạn trích trên: “...Scotland đã hun đúc xong biên giới lãnh thổ và bản sắc dân tộc của mình”. Để là một quốc gia phải có biên giới lãnh thổ và bản sắc dân tộc.

Mostafa Rejai và Cynthia H. Enloe trong Nation-states and State-nations từng giải thích: “Dân tộc là một nhóm xã hội dựa trên một công đồng sinh quán hoặc nhóm chủng, thuộc phạm trù tâm lý - văn hóa; trong khi quốc gia hàm chỉ một cấu trúc chính trị độc lập trên một lãnh thổ riêng biệt, thuộc phạm trù chính trị - pháp lý”.

Thành ra, không thể chỉ nói đến giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà không nói đến bảo vệ lãnh thổ quốc gia!

Có những dân tộc vẫn còn đầy bản sắc song đâu còn lãnh thổ để là một quốc gia, như các dân tộc da đỏ cùng một số dân tộc khác, không đầy một “ngôi sao nhỏ” trên những lá cờ nhiều sao, hoặc chỉ có mỗi một dúm đại biểu ở quốc hội trung ương, như chính trường hợp Scotland. 

Lật lại chừng đó lịch sử đủ để hiểu tại sao Chính phủ Scotland hiện tại nhấn mạnh với dân chúng rằng “Độc lập có nghĩa là... một chính phủ... luôn lấy nhân dân Scotland làm đầu”.

Chính phủ Scotland hiện tại, do Đảng Dân tộc Scotland (SNP) lãnh đạo, đủ sòng phẳng để giải thích với dân chúng rằng: “Một lợi ích khác của độc lập là, cho dù đảng nào đắc cử sau này chăng nữa, cũng chỉ những người bức xúc nhiều nhất cho Scotland mới sẽ đưa ra những quyết định tốt nhất liên quan đến Scotland.

Một quốc hội độc lập hoàn toàn do nhân dân Scotland bầu lên sẽ thay thế hệ thống hiện nay của Westminster (cung điện Westminter, Quốc hội Anh), mà trong đó các đại biểu bầu lên của Scotland chỉ chiếm 9% tổng số 650 đại biểu”. Với chỉ một dúm đại biểu trong Hạ viện Anh, làm sao có những quyết định tối hảo cho Scotland? 

Ba ngày trước cuộc trưng cầu ý dân, Thủ tướng Anh David Cameron phải vất vả can gián:

“Nhiệm vụ của tôi là làm rõ những gì có thể là hậu quả cho lá phiếu “Có”. Độc lập đâu có phải là “cứ thử ly thân xem sao”, mà sẽ là một cuộc ly dị đau đớn. Nếu quý vị không ưa tôi, tôi cũng đâu có ở đây mãi đâu.

Nếu quý vị không ưa chính phủ này, họ cũng đâu tồn tại mãi đâu. Song nếu quý vị ra khỏi liên hiệp thì sẽ là mãi mãi!

Chúng tôi muốn quý vị ở lại bằng tất cả đầu óc, con tim và tâm hồn. Xin đừng lẫn lộn tạm thời với dài hạn. Đừng nghĩ rằng “Tôi bực các chính sách này quá rồi. Thôi bỏ đi”, để rồi không bao giờ quay lại”.

Ông Cameron cũng không quên cảnh báo 63% dân xứ Wales và xứ Anh cho biết sẽ không cho dân xứ Scotland tiếp tục chung đồng bảng Anh và chung quỹ hưu trí.

Và không phải cống nạp thiên hạ

Rõ ràng đã có những nỗi bực dọc, mà đối với Chính phủ Scotland là không thể tha thứ được để rồi nay phải ra riêng. Chính phủ Scotland giải thích tiếp bằng những lý lẽ thực tiễn hơn:

“Độc lập, sẽ không còn cứ nghiêng quá đáng về sự phát triển của London cùng khu vực đông nam nước Anh. Độc lập rồi, các quyết định về hạn mức và phân bố ngân sách sẽ được đưa ra tại dây, ở Scotland.

Độc lập có nghĩa là đảm bảo thuế suất và các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội sẽ được ấn định theo ý người Scotland. Suốt 32 năm qua, Scotland, tính theo đầu người, đã đóng thuế nhiều nhất ở Liên hiệp các vương quốc Anh và Ireland này.

Quyền tự chủ sẽ cho phép các Chính phủ Scotland trong tương lai cải cách hệ thống phúc lợi xã hội của chúng ta nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của chúng ta.

Độc lập có nghĩa là sẽ không thể áp đặt các chính sách như “thuế phòng ngủ” (giảm trợ cấp nhà ở đối với nhà ở xã hội còn có phòng để trống)... Bãi bỏ “thuế phòng ngủ” sẽ tiết kiệm được trung bình 50 bảng Anh/tháng cho 82.500 hộ gia đình người Scotland...”.

Ngay trong một quốc gia cùng một gốc gác, những tị nạnh ngân sách, thuế khóa và bảo hiểm xã hội đã là những mầm mống bất đồng âm ỉ, huống hồ là ở những quốc gia không cùng máu mủ như đã thấy biến thành những bạo lực ly khai như ở Ukraine, và nay bằng lá phiếu ở Scotland. 

Trong khi ông Cameron cố thuyết phục rằng những trục trặc đó chỉ là tạm thời và sẽ được sửa đổi thì đối với Chính phủ Scotland, đó chính là chủ quyền quốc gia: “Độc lập là làm chủ tài nguyên của chính chúng ta. Độc lập xong, Scotland có thể để dành tài nguyên dầu hỏa cho các thế hệ mai sau.

Đã ước tính ra rằng trong biển Bắc, tính theo trị giá, hiện còn chừng đó dầu hỏa bằng số dầu hỏa đã được khai thác. Na Uy hiện đang để dành dầu hỏa trị giá đến 470 tỉ bảng Anh đấy thôi!...”.

Nếu Na Uy ở bên kia biển Bắc còn có chừng đó “của để”, tại sao Scotland, vốn dẫn đầu xuất khẩu dầu hỏa toàn cõi EU, lại không độc lập để giành lại trọn nguồn dầu hỏa biển Bắc mà để dành cho con cháu? 

Có gì quý hơn độc lập?

Blair Jenkins, người điều hành phong trào “Yes Scotland” (Scotland độc lập), phản bác ông Cameron:

“Thay vì tin lời ông ấy để đổi lấy thêm được vài ba quyền khác, nhân dân Scotland có thể có được ngay mọi quyền cần thiết để xây dựng một đất nước tốt đẹp hơn, công bằng hơn, bằng cách tin vào chính chúng ta và bỏ phiếu “Độc lập”. Bài diễn văn của ông Cameron vẫn chỉ là điệp khúc hù dọa và dụ khị suông cũ rích mà ông Cameron là người dàn dựng”.

Chưa hẳn là ông Cameron hù dọa khi căn dặn: “Nếu bỏ phiếu “Độc lập”, dân chúng Scotland sẽ mất một lực lượng quân sự đã được xây dựng qua bao thế kỷ... Và độc lập có nghĩa là biên giới Scotland với Anh, cùng các lộ trình hàng hải đến Bắc Ireland, sẽ trở thành những biên giới quốc tế”.

Đây là một trả lời cho hô hào của Chính phủ Scotland: “Thuế chúng ta đóng sẽ không dùng để chi cho các vũ khí hạt nhân và chúng ta có thể cho rút vĩnh viễn các tên lửa Trident ra khỏi Scotland”. Được yên bình quen rồi nên chưa quen ngó trước ngó sau, chưa quen nhớ ra rằng có các cửa ngõ nay cần tự đóng.

Tất nhiên, vẫn có một bộ phận dân chúng không muốn tách ra khỏi Liên hiệp các vương quốc Anh và Ireland. Một ngày trước trưng cầu ý dân, số người trả lời “Không nên” dẫn 4 điểm so với số người trả lời “Nên”, theo Reuters.

Có thể do họ đã gắn chặt vào biên giới lãnh thổ chung rồi. Đồng hóa và bị đồng hóa luôn có thể diễn ra, vấn đề là xem sự đồng hóa đó như thế nào, nhất là những người đang lãnh lương hưu. Bởi thế cựu thủ tướng Anh Gordon Brown không ngớt cảnh cáo: “Bỏ phiếu “Độc lập” tức là ném lương hưu đi đó nhé”.

Khó mà trách họ: họ đã làm lụng cả đời đóng thuế và bảo hiểm xã hội cho Chính phủ Anh, nay họ phải được lãnh lương hưu đã đóng. Còn nếu Chính phủ Anh không trả thì đó là quỵt nợ.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận