GPS và Glonass: Một cuộc đối đầu!

HIẾU TRUNG 05/06/2014 22:06 GMT+7

TTCT - Từ ngày 1-6 này, Nga sẽ dừng hoạt động 11 trạm mặt đất trên lãnh thổ Liên bang Nga của hệ thống định vị vệ tinh Mỹ GPS. Đồng thời, Nga sẽ không tham gia dự án không gian quốc tế từ năm 2020.

Đó là những trả đũa của Nga nếu người Mỹ không cho phép Nga lắp ráp các trạm của hệ thống định vị GLONASS trên lãnh thổ Mỹ!

Trong nhiều tháng qua, Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Lầu Năm Góc đã mở một chiến dịch vận động dữ dội nhằm ngăn chặn Washington cho phép Nga triển khai hệ thống định vị GLONASS trên đất Mỹ.

Từ năm 2012, chính quyền Matxcơva đề nghị Washington cho phép Cơ quan Hàng không vũ trụ Nga (Roscosmos) đặt tám trạm kiểm soát của hệ thống định vị GLONASS trên đất Mỹ. Những trạm kiểm soát này sẽ giúp cải thiện đáng kể độ chính xác của hệ thống GLONASS, được đánh giá là đối thủ của Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) mà quân đội Mỹ phát triển từ năm 1973.

Ước tính từ năm 2001-2011, Nga đã đầu tư 4 tỉ USD vào GLONASS. Chi phí từ năm 2012-2020 sẽ lên tới 11 tỉ USD. Theo báo The New York Times, Bộ Ngoại giao Mỹ xác định việc cho phép Roscosmos xây dựng các trạm kiểm soát GLONASS tại Mỹ sẽ giúp cải thiện mối quan hệ giữa chính quyền Tổng thống Barack Obama với chính phủ của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hiện đang xấu đi tồi tệ do vụ Snowden, chiến tranh Syria và cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trên thực tế, Washington và Matxcơva đã đàm phán trong gần một thập kỷ qua về cách hợp tác phát triển dịch vụ định vị vệ tinh. Rất nhiều điện thoại thông minh và các hệ thống định vị dân sự bán tại thị trường Mỹ sử dụng dữ liệu từ vệ tinh của cả hai quốc gia.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết kể từ tháng 5-2012, các quan chức ngoại giao và kỹ thuật Mỹ đã thảo luận nhiều lần về đề xuất của Nga và yêu cầu các quan chức điện Kremlin cung cấp thêm thông tin về hệ thống GLONASS. Một số quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Nhà Trắng không hề xem GLONASS là “một mối đe dọa”. Tuy nhiên, CIA và Lầu Năm Góc có suy nghĩ trái ngược.

Cuộc chạy đua không gian

Nga muốn đặt trạm GLONASS ở Việt Nam

Theo Itar-Tass, mới đây Chính phủ Nga đã đệ trình Duma quốc gia dự luật triển khai trạm kiểm soát GLONASS ở Việt Nam. Điện Kremlin cho biết muốn xây dựng tại Việt Nam các trạm mặt đất của GLONASS và chia sẻ thông tin thu thập được với phía Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác song phương. Việt Nam và Nga từng ký kết thỏa thuận liên chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và sử dụng không gian vũ trụ vì mục đích hòa bình.

Theo RIA Novosti, hệ thống định vị toàn cầu GLONASS của Nga được phát triển từ năm 1976. Vệ tinh GLONASS đầu tiên được đưa lên quỹ đạo vào năm 1982 và hệ thống vệ tinh GLONASS được hoàn thiện vào năm 1995. Tuy nhiên trong giai đoạn khó khăn kinh tế 1989-1999, ngân sách dành cho GLONASS bị cắt giảm tới 80%.

Trong thập niên 2000, Tổng thống Putin xác định việc phục hồi và phát triển GLONASS là ưu tiên hàng đầu. Tính đến năm 2010, GLONASS đã phủ sóng trên toàn bộ lãnh thổ Nga và đến tháng 10-2011, hệ thống 24 vệ tinh bắt đầu cung cấp dịch vụ toàn cầu.

Một cựu quan chức Văn phòng Không gian và công nghệ tiên tiến Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá Nga không muốn phụ thuộc vào hệ thống GPS của Mỹ.

“Điện Kremlin cho rằng Nga đang đánh mất lợi thế công nghệ so với Mỹ trên một thị trường cực kỳ quan trọng. Hãy nhìn tất cả những gì GPS đã làm với điện thoại thông minh và tàu thủy, máy bay. Nga tin rằng hệ thống GLONASS của họ cũng sẽ có ảnh hưởng lớn đến các ngành công nghiệp khác” - quan chức trên nhấn mạnh. Quả thật, từ một sản phẩm của Bộ Quốc phòng Mỹ, GPS ngày nay đã trở thành dịch vụ định vị không thể thiếu xét về cả lĩnh vực quân sự và dân sự.

Không chỉ lái tên lửa định vị Mỹ tới các mục tiêu cần diệt, GPS còn giúp người sử dụng điện thoại thông minh tìm được những quán ăn hay rạp chiếu phim gần nhất. Và không chỉ có người Nga muốn giảm sự phụ thuộc vào GPS. Trong thời gian qua, các nước Liên minh châu Âu (EU) đã đầu tư phát triển hệ thống định vị Galileo trị giá 5 tỉ euro, gồm 30 vệ tinh, dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay.

Chính phủ Ấn Độ đang thử nghiệm hệ thống định vị IRNSS 270 triệu USD trong khi Trung Quốc đã đưa lên quỹ đạo hệ thống Bắc Đẩu với 10 vệ tinh. Dự kiến hệ thống Bắc Đẩu sẽ cung cấp dịch vụ định vị toàn cầu từ năm 2020.

Các nhà quan sát phương Tây nhận định Nga không chỉ lo ngại nguy cơ GPS chiếm lĩnh thị trường định vị vệ tinh. Một lý do khác khiến Matxcơva không muốn phụ thuộc vào hạ tầng GPS là do điện Kremlin đánh giá sự thống trị của GPS tạo ra những lợi thế quân sự chiến lược cho Mỹ. Trong tình huống xấu nhất, người Mỹ có thể làm sai lệch các tín hiệu, gửi thông tin sai lệch tới cho lực lượng vũ trang Nga.

Trong thời điểm căng thẳng Mỹ - Nga đang leo thang vì khủng hoảng Ukraine, Matxcơva khó có thể chấp nhận một nguy cơ quân sự lớn đến vậy. Chính vì vậy, Nga quyết tâm phát triển GLONASS bất chấp chi phí khổng lồ.

Giáo sư Bradford Parkinson thuộc ĐH Stanford, kiến trúc sư trưởng của GPS, cho biết Nga cần triển khai các trạm kiểm soát ở nhiều nước để đảm bảo độ chính xác của GLONASS. Các trạm kiểm soát này có chức năng truyền dữ liệu đến các vệ tinh để tăng sự chính xác của việc xác định địa điểm. Hồi đầu năm Nga đã đặt một trạm kiểm soát ở Brazil.

Truyền thông Nga cho biết Matxcơva cũng sắp đạt thỏa thuận với Tây Ban Nha, Indonesia và Úc về việc lập các trạm kiểm soát GLONASS ở các nước này và chỉ còn chờ cái gật đầu của Mỹ. Nga có tham vọng triển khai tất cả 50 trạm kiểm soát GLONASS ở 36 quốc gia trên thế giới.

Đe dọa quân sự hay kinh tế?

Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ những cản trở từ CIA và Lầu Năm Góc đã buộc các quan chức Nhà Trắng phải trì hoãn đưa ra quyết định cuối cùng về các trạm GLONASS cho đến khi các cơ quan Mỹ đạt được sự thống nhất.

Tình báo Mỹ và Bộ Quốc phòng lo ngại các trạm GLONASS sẽ giúp Nga cải thiện đáng kể độ chính xác của các loại vũ khí định vị bằng vệ tinh, đặc biệt là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Họ còn cho rằng các trạm kiểm soát này sẽ tạo điều kiện cho quân đội Nga theo dõi các cơ sở quân sự Mỹ ngay trên đất Mỹ, qua đó sẽ tìm được các bí mật quân sự Mỹ.

CIA đã gửi báo cáo cho Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định sự hiện diện của các trạm GLONASS trên đất Mỹ “sẽ dẫn tới các vấn đề tình báo và an ninh”. Một số nghị sĩ Mỹ thuộc các ủy ban tình báo và quân lực cũng công khai bày tỏ sự nghi ngờ đối với hệ thống định vị của Nga.

Giữa tháng 5-2014, hạ nghị sĩ Mike Rogers, chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, đã yêu cầu Bộ Quốc phòng đánh giá tác động từ đề xuất của Nga tới an ninh quốc gia Mỹ. Ông Rogers cũng đặt vấn đề này trong lá thư gửi tới Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, Ngoại trưởng John Kerry và giám đốc tình báo quốc gia James Clapper.

Nhưng tất nhiên Mỹ không chỉ lo nguy cơ quân sự từ GLONASS. Bởi hệ thống định vị của Nga sẽ cạnh tranh trực tiếp với các dịch vụ dân sự của GPS. Hạ nghị sĩ Rogers cũng nói thẳng: “Tôi muốn hiểu tại sao Mỹ lại muốn hỗ trợ đối thủ của GPS như GLONASS khi mà sự phụ thuộc của thế giới vào GPS là một lợi thế rõ ràng dành cho nước Mỹ ở nhiều cấp độ”.

Giới chuyên gia công nghệ cho biết ở thời điểm hiện tại, độ chính xác của GLONASS chưa bằng GPS. Nhưng với những khoản đầu tư lớn của Nga, chắc chắn khoảng cách này sẽ được thu hẹp trong thời gian tới. Trên thực tế, ở các nền kinh tế mới nổi như Nam Phi, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, Nga đã quảng bá GLONASS như sự thay thế cho GPS.

Sẽ không dễ để Washington lắc đầu từ chối Matxcơva dù CIA và Lầu Năm Góc có phản đối mạnh mẽ đến đâu. Bởi theo báo Moscow Times, mới đây Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin tuyên bố Nga sẽ tắt các hạ tầng GPS của Mỹ trên đất Nga nếu Washington không cho phép Matxcơva triển khai các trạm kiểm soát GLONASS trên đất Mỹ.

Kể từ năm 1995, Nga đã là chủ nhà của 11 trạm GPS mặt đất, có chức năng truyền dữ liệu trắc địa tới các trung tâm dữ liệu toàn cầu của GPS, qua đó giúp cải thiện độ chính xác của dịch vụ GPS.

“Tôi hi vọng các cuộc đàm phán sẽ dẫn tới sự hợp tác. Nếu không các trạm GPS tại Nga sẽ ngừng hoạt động hoàn toàn kể từ ngày 1-9 tới” - ông Rogozin đe dọa. Nếu kịch bản này thành hiện thực, độ chính xác của hệ thống GPS sẽ bị ảnh hưởng đáng kể dù giáo sư Bradford Parkinson khẳng định Nga sẽ không thể tắt các hoạt động của GPS.

Trong một thế giới phẳng và có độ tương tác cao như hiện nay, sẽ rất khó để Mỹ bảo vệ lợi thế độc tôn trong các lĩnh vực, trong đó có dịch vụ định vị toàn cầu. Bởi suy cho cùng, dù có là đối thủ cạnh tranh thì Nga và Mỹ vẫn không thể thiếu nhau.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận