Vì sao Nhật Bản biếu tàu chiến cho Philippines?

DANH ĐỨC 27/05/2012 10:05 GMT+7

TTCT - “Chính phủ Nhật Bản đang xem xét tài trợ ODA cho Philippines (mua) 10 tàu tuần duyên dài 40m và biếu không hai tàu lớn hơn” - Bộ trưởng ngoại giao Philippines Albert del Rosario loan báo hôm chủ nhật vừa qua. Quả là một trớ trêu lịch sử nếu nhớ rằng đúng 70 năm trước, Philippines đã rơi vào tay quân viễn chinh Nhật!

Phóng to
Một nhóm lãnh đạo của Philippines đi kiểm tra khu vực bãi cạn Scarborough vào ngày 17-5-1997. Đây cũng là địa điểm đang xung đột với Trung Quốc từ hơn tháng nay - Ảnh: Reuters

Bộ trưởng quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cũng đã khẳng định tin trên. Phó đô đốc Edmund Tan, chỉ huy trưởng phòng vệ duyên hải, đơn vị sẽ nhận số tàu tuần duyên này, cho biết việc mua, tặng tàu chiến đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục (chờ cơ quan viện trợ của Nhật duyệt chi). Thật ra ngay từ đầu tháng 3-2012, tức trước khi nổ ra vụ xung đột trên bãi cạn Scarborough giữa Philippines và Trung Quốc mà cho đến nay vẫn chưa kết thúc, Nhật Bản đã có ý định cung cấp số tàu này, dự trù vào cuối năm, theo inquirer.net. Nay với những loan báo dồn dập trên, có thể nghĩ rằng việc giao nhận sẽ sớm hơn.

Ân cừu đảo lộn!

Chuyện Trung Quốc mượn cớ bảo vệ ngư dân và khảo sát địa chấn không phải là lần đầu. Trong hai chục năm qua, họ đã bao lần bước qua các vùng mỏ dầu của Philippines và đánh cá trái phép nhằm làm dấy lên một sự tố cáo ngược ngụy tạo...

Lịch sử thỉnh thoảng có những trớ trêu: những kẻ thù cũ nay lại chung sức, còn những người cùng chung chiến tuyến cách đây 70 năm lại đối đầu nhau kịch liệt! Vào ngày 8-5-1942, liên quân Philippines - Mỹ được lệnh đầu hàng quân Nhật, đến ngày 12-5 những binh sĩ Mỹ cuối cùng ở Philippines còn tử thủ cũng đã đầu hàng trên đảo Mindanao, kết thúc cuộc chống trả dai dẳng nhất trên chiến trường Thái Bình Dương.

Đế chế Anh tại Malaysia, Singapore nhanh chóng lần lượt đầu hàng từ tháng 2 trước đó, quân đội Hà Lan trên đảo Java cũng buông súng vào tháng 3... Đến khi Thế chiến thứ hai kết thúc vào tháng 5-1945, riêng ở Philippines quân Nhật đã mất trên nửa triệu binh sĩ; 60 năm sau mới chỉ tìm được 370.000 di hài và nay vẫn đang cất công tìm kiếm hài cốt.

Đúng 70 năm sau, những kẻ thù cũ nay lại góp công, góp của hà hơi tiếp sức cho hải quân Philippines trước một mối hiểm họa mới vốn từng là nạn nhân của quân đội Thiên hoàng như Philippines năm 1942. Tháng 7-1937, cũng chính đạo quân đó đã tràn vào Trung Quốc thôn tính năm tỉnh phía tây và thành lập một “Mãn Châu quốc”, sau đó chiếm luôn Bắc Kinh, Thượng Hải, rồi thì Nam Kinh vào tháng 12 năm đó...

Vậy mà ngày nay, hai cựu nạn nhân của quân đội Thiên hoàng lại chĩa nòng pháo chiến hạm vào nhau và ra rả đe dọa nhau. Nay phe này cảnh cáo: “Lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ cộng tác mật thiết với các cơ quan chính phủ hữu quan, bao gồm cơ quan ngư chính và hải giám, nhằm cùng nhau đảm bảo quyền và lợi ích trên biển của Trung Quốc. Lực lượng vũ trang Trung Quốc vẫn luôn kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ của mình dưới sự điều động thống nhất của tổ quốc” (1). Phe kia cũng la làng không kém: “Đây là lần thứ năm Trung Quốc đột nhập vào lãnh thổ Philippines kể từ tháng 6-2011. (Tàu) Trung Quốc đã đối đầu với tàu quân sự và dân sự Philippines tại các địa điểm sau: dải Recto, rặng đá ngầm Rajah Soliman, quần đảo Quinno, bãi Escoda và lần này là dải Panatag/Scarborough.

Bốn địa điểm đầu chỉ cách đảo Palawan ở cực bắc của Philippines có vài chục kilômet, song cách điểm gần nhất của Trung Quốc trên đảo Hải Nam 2.000km; còn đảo Scarborough thì cách Zambales (một tỉnh trên đảo Luzon ở Trung bộ Philippines) 220km, song lại cách Hong Kong đến hơn 800km. Chuyện Trung Quốc mượn cớ bảo vệ ngư dân và khảo sát địa chấn không phải là lần đầu. Trong hai chục năm qua, họ đã bao lần bước qua các vùng mỏ dầu của Philippines và đánh cá trái phép nhằm làm dấy lên một sự tố cáo ngược ngụy tạo...”(2).

Đổ thừa cấp dưới

Cứ thế hai đồng nạn nhân cũ của quân đội Thiên hoàng cách đây 60 năm ra rả tố cáo nhau, đe dọa nhau và mang tàu bè ra thị uy. Thật ra đây không phải lần đầu tiên hai bên sát phạt nhau. Năm 1995, cũng từ một sự cố đánh cá như vụ năm nay mà bốn cụm “chỗ trú chân cho ngư dân” (Trung Quốc) bỗng dưng mọc lên ở đảo đá ngầm Vành Khăn (Mischief), rồi cả đảo thuộc về Trung Quốc luôn, sau đó được giải thích như sau: “Vụ chiếm cứ này do cấp thấp ra lệnh, chính quyền Trung Quốc không hay biết và cũng không đồng tình” (3).

Cách giải thích đổ thừa cấp dưới này nay đang được tái diễn qua những bình luận cho rằng hiện “có chín con rồng đang làm dậy sóng biển”. Đó là Cơ quan thực thi luật hải quan, Sở ngư chính, Cơ quan quản lý an toàn hàng hải, Cơ quan hải giám Trung Quốc... Chính vì “sự sinh sôi số lượng các cơ quan - chứ không phải bản thân chính phủ trung ương - mà chính sách của Trung Quốc mới bị “co giãn” như bây giờ”. Hoặc “động cơ khiến các cơ quan chồng chéo nhau này duy trì căng thẳng trên biển Đông là nhằm mục đích... thu hút tiền ngân sách”!

Trong một chế độ trung ương tập quyền vô cùng, “tập trung dân chủ” như Trung Quốc, nói rằng các cơ quan ấy tự biên tự diễn quả là dị thường! Cũng dị thường như việc tàu cá Trung Quốc bị Triều Tiên bắt giữ rồi thả ra cho có vẻ đồng đều: mắc chi mà các nước khác la lối dữ vậy!

Thủ tướng Noda mấy lần bị từ khước!

Trong bối cảnh đang đôi co một cách tuyệt vọng ở bãi cạn Scarborough với mỗi một chiếc tàu phế thải của tuần duyên Mỹ bán “xôn”, chiếc BRP Gregorio del Pilar, bị bao vây tứ phía bởi nào là tàu cá, tàu ngư giám, đầu tháng 5 Tổng thống Philippines Aquino đã cầu cứu tứ phương xin giúp đỡ và được Nhật đáp ứng.

Thật ra, Thủ tướng Nhật Noda cũng có khá nhiều cơ hội để đồng cảm với Tổng thống Philippines Aquino. Mới hôm 14-5 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã từ chối gặp riêng Thủ tướng Noda nhân dịp ông này sang Bắc Kinh dự hội nghị tay ba lần thứ 9 giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Họp chung thì gặp, cũng bắt tay đàng hoàng, nhưng gặp riêng ông Noda thì không chịu mà lại gặp riêng ông Lee Myung Bak, tổng thống Hàn Quốc! Thông tấn xã Nhật Kyodo giải thích rằng có thể do hai bên đang tranh chấp quần đảo Senkaku.

Tháng 12 năm ngoái, ông Noda cũng bị một vố tương tự. Theo dự trù, ông Noda sẽ sang Bắc Kinh gặp ông Hồ Cẩm Đào bắt đầu từ hôm 12-12, song đến hôm 6-12 Bắc Kinh yêu cầu ông hoãn lại đến 28-12 hãy qua, theo Asahi. Ông Noda không đồng ý, đổi lại ngày qua Bắc Kinh, theo ý ông sẽ là 25-12.

Giải thích cho những đình hoãn này có thể là do vào tháng 12-2011 đó, tàu tuần duyên Nhật rượt đuổi suốt sáu giờ mới chặn đứng được một tàu cá Trung Quốc xâm phạm! Song chừng đó vẫn chưa hết: trong chuyến đi Bắc Kinh tháng 12 đó, Thủ tướng Noda đã được “Trung Quốc nhắc rằng Nhật Bản nên “nghe lời” Trung Quốc nhiều hơn và “độc lập” hơn đối với Mỹ” (4).

Hậu quả của những bảo ban đó là mới hôm 30-4 năm nay, ông Noda sang Mỹ bàn bạc tăng cường hợp tác quốc phòng an ninh chung, và nay tỏ ra hào phóng trước sự “túng thiếu” của hải quân Philippines.

__________

(1) http://news.xinhuanet.com/english/china/2012-04/27/c_131555352.htm
(2) http://pinoypolitikas.blogspot.com/2012/04/china-make-5th-invasion-to-philippines.html#.T7njZtx1Bqw
(3) http://community.middlebury.edu/~scs/docs/Chinese%20Territorial%20Assertion%20The%20Case%20of%20the%20Mischief%20Reef.htm
(4) http://www.forbes.com/sites/stephenharner/2012/04/27/the-noda-obama-summit-and-u-s-defense-rebalancing-toward-asia/

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận