TTCT - Ngày 24-1-2011, Madina Salamova đến đồn trình diện với đầy đủ hành lý, vì cô được báo trước vé lên máy bay của Hãng Aeroflot đã đặt, để đúng 15g35 (giờ Matxcơva) cô phải rời lãnh thổ Na Uy về Matxcơva.

Phóng to
Biểu tình phản đối chính sách nhập cư của Na Uy từ “vụ Maria Amelie” - Ảnh: stepandstep.ru

Madina Salamova sống ở Na Uy đã được hơn tám năm, để rồi trở thành nhân vật phổ biến nhất ở đất nước mà mình phải sống chui. Cô thường xuyên viết nhật ký, blog, đứng ra nhận làm những bài phỏng vấn, bình luận trên báo Aften Posten và đến mùa thu năm 2010, dưới bút danh Maria Amelie - theo tên nhân vật nữ do minh tinh màn bạc Pháp Audrey Tautou thủ vai trong phim Amelie - cô cho trình làng cuốn Người Na Uy sống chui (Ulovlig Norsk).

Tiếng nói của “những người không có tiếng nói”

Câu chuyện cuộc sống của một cô gái sống ở vương quốc Bắc Âu này mà không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào được viết rất chân thực, cảm động, nên vừa phát hành đã trở thành sách bán chạy nhất ở Na Uy, nhiều đoạn được trích đọc trên đài phát thanh. Theo nhận xét của một độc giả tên Solomon - người Ethiopia từng sống mười năm ở Na Uy không giấy tờ tùy thân, cuốn sách của Maria Amelie giúp đưa ra ánh sáng thân phận của những con người như anh và trở thành tiếng nói của “những con người không có tiếng nói” vì buộc phải sống trong tình cảnh hết sức nặng nề, phải thường xuyên chui lủi.

Với Người Na Uy sống chui, tác giả được tạp chí chính trị Ny Tid (Thời Mới, của Na Uy) phong là “Nhân vật của năm 2010” và được mời diễn thuyết trong nhiều trường đại học.

Hoàn cảnh công khai - từ không đến có, rồi lại nổi tiếng thì tránh sao được những rắc rối. Tháng 10-2010, nhà chức trách Na Uy sau khi bàn bạc với đồng nghiệp phía Nga đã ra quyết định: trong thời hạn 90 ngày trước 27-1-2011 phải trục xuất “Nhân vật của năm” về Nga. Cảnh sát địa phương ráo riết đón lõng bám đuôi nữ nhà văn trẻ và bắt cô ngay sau buổi thuyết trình ở Học viện Nansen, giải về đồn hôm 12-1-2011, rồi giữ cô ở trại dành cho người tị nạn tại Trandum. Được vài hôm, biết rằng cách ly nhân vật nổi tiếng này là việc làm vô nghĩa, họ thả cô về từ ngày 18-1 với điều kiện hằng ngày phải đến trình diện tại đồn cảnh sát của khu dân cư. “Khi tôi viết cuốn sách này, đời nào tôi lại muốn đặt nó vào tình thế khó xử như thế. Đơn giản, tôi chỉ muốn chính phủ rồi sẽ có cách sử dụng cuốn sách của tôi để thật sự mở ra một chính sách nhân văn hơn đối với dân di cư”, tác giả Người Na Uy sống chui tâm sự.

Đảng Cơ đốc đại chúng và đảng cánh tả đã phản ứng rất mạnh với hành động của cảnh sát trong vụ bắt giữ Amelie. Cùng phản ứng đó có Giáo hội Na Uy và các tổ chức như Ân xá quốc tế, Hội Giúp đỡ người dân, Hội Văn bút Na Uy và Ủy ban Helsing. Diễn biến sự việc đã khiến hàng ngàn người kéo đến trước trụ sở Bộ Tư pháp ở Oslo, ngoài ra còn nhiều đám đông nữa ở Bergen - thành phố lớn thứ hai của nước Bắc Âu này - và những địa phương khác, làm nên một cuộc biểu tình phản đối chính sách nhập cư của Na Uy. Ngoài ra, trên trang mạng Facebook đã thu thập được khoảng 25.000 chữ ký bảo vệ Maria Amelie. Những người hâm mộ Maria Amelie đồng thanh khuyến cáo nhà chức trách rằng nơi nhà văn trẻ bị bắt mang tên Fridtjof Wedel-Jarlsberg Nansen (1861-1930) - nhà nghiên cứu đại dương học đồng thời là nhà ngoại giao Na Uy từng nhiều năm làm việc tại Kavkaz, từng hết sức quan tâm đến số phận dân tị nạn, nên được xem là cao ủy tị nạn đầu tiên của Liên Hiệp Quốc. Song, Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg cho biết nếu dành cho “Nhân vật của năm 2010” sự đặc cách thì làn sóng dân di cư sẽ tràn ngập Na Uy. Năm 2009, số dân ngụ cư không hợp pháp khoảng 415.000 người, chiếm gần 8,9% dân số toàn quốc. Theo đánh giá sơ bộ, ở Na Uy hiện có hơn 10.000 người ngụ cư bất hợp pháp.

Cuối cùng quyết định trục xuất người phụ nữ gốc Kavkaz này vẫn có hiệu lực.

Phóng to
Maria Amelie cùng bạn trai xuống sân bay Sheremetievo - Ảnh: stepandstep.ru

“Nhân vật của năm” bị trục xuất

“Tôi đang lên... kế hoạch viết cuốn sách mới... Chỉ cần nhào nặn lại tất cả những gì tôi đã từng nếm trải, vì hai tuần lễ gần đây hoàn toàn là cơn ác mộng, nó như một bộ phim hành động ly kỳ”

Người bạn trai Eivin Traeal cùng một số thân hữu của Maria Amelie lập tức xin phép Nga cho nhập cảnh để sát cánh cùng cô đấu tranh cho việc trở lại Na Uy. Những người này có luận chứng của mình: Maria Amelie được bố mẹ đưa khỏi Bắc Osetia, sau đó rời nước Nga khi cô còn nhỏ tuổi và trên thực tế đã lớn lên ở Na Uy, nên ngay cả khi bố mẹ cô vì một lý do nào đó không được phép nhập cư thì theo luật định, cô vẫn phải được tạo cơ hội để sinh sống bình thường trong môi trường quen thuộc!

Câu chuyện bố mẹ Maria chạy khỏi Vladikavkaz khá ly kỳ. Hãng NRK thông báo rằng Maria Amelie có một gia đình danh giá, người chú ruột Kaurbek Salamov là nhà phẫu thuật nổi tiếng thế giới, cô ruột Zemfira là vợ của Evgeny Shaposhnikov, nguyên soái không quân, bộ trưởng cuối cùng của Bộ Quốc phòng Liên Xô. Cha của Maria Amelie - ông Hetag Salamov, sinh năm 1952, ngay khi Liên Xô bắt đầu cải tổ đã gây dựng ở Vladikavkaz một doanh nghiệp phát đạt, đa ngành: chế biến rượu vang, vodka, thực phẩm, sản xuất đồ gỗ và mở tại một thung lũng tuyệt đẹp nhà hàng “Karusele” (Đu quay) nổi tiếng. Sau đó việc kinh doanh khó khăn, gia đình chuyển về Matxcơva rồi ra nước ngoài mưu cầu cuộc sống mới. Một nguồn tin khác từ phía cộng đồng người Osetia ở Matxcơva cho biết: cha của Maria Amelie phải kéo gia đình đi di tản vì không muốn phải sống bên cạnh những nhân vật của thế giới tội phạm hung hãn nổi lên chống Nga từ năm 1992 và đang chiếm đến quá nửa số dân của nước Cộng hòa Bắc Ossetia - Alania, trong đó có vùng Chechnya nóng bỏng.

Năm 2000, vợ chồng Salamov mang con gái nhỏ rời Matxcơva sang Phần Lan, sau đó từ tháng 2-2002 đậu lại Na Uy chờ nhập tịch để định cư, tuy nhiên nhà chức trách địa phương đã khước từ tiếp nhận gia đình doanh nhân người Bắc Kavkaz này. Na Uy vốn có điều luật rất chặt chẽ đối với người ngụ cư muốn được nhập tịch hợp pháp, theo đó phải được công nhận thuộc ba diện sau: hoặc tị nạn chính trị, hoặc kết hôn với công dân Na Uy, hoặc đã có sổ lao động kèm theo quyền định cư.

Vẫn quyết trụ lại Na Uy trong tình trạng sống không công khai, gia đình Salamov cố gắng dàn xếp một cuộc sống tạm ổn, con gái đổi tên họ mới là Maria Bidzikoeva, nhanh chóng hòa nhập nơi xứ lạ và sử dụng thành thạo ngôn ngữ địa phương, rồi nhận bằng kỹ sư công nghệ của Trường đại học Tổng hợp Trondheim.

“Sống không hợp pháp ở một đất nước và yêu một công dân của nước đó là việc không khó khăn gì, song chẳng có giấy tờ tùy thân mà theo học được hết, rồi tốt nghiệp một trường đại học đó là một hoàn cảnh hết sức phức tạp, phải khôn khéo vượt qua mọi sự kiểm soát, nhưng thân chủ tôi đã làm được một cách kỳ diệu” - Brynjulf Risnes, luật sư bảo vệ quyền lợi của Maria Amelie cho biết. Còn điều đáng ngại nữa: ủy ban phán quyết quyền nhập cư người nước ngoài của Na Uy sẽ còn phải xem xét đến bố mẹ Maria Amelie - thật khó mà tránh được sự liên lụy - nhưng chưa rõ bao giờ sẽ xảy ra điều này: bố mẹ cô cũng sẽ bị trục xuất theo con.

Bộ Ngoại giao Na Uy tuyên bố sau khi bị trục xuất, Maria Amelie có thể quay trở lại Na Uy nếu như hoàn thành thủ tục đăng ký làm việc trong vòng mười tuần. Nhiều hãng tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận cô, trong đó có tuần san chuyên về thương mại Teknisk Ukeblad. Để thoát khỏi tình thế bế tắc, Maria Amelie còn một cách nữa: kết hôn. Cô đã có người yêu - Eivin Traeal, một nhà báo Na Uy, và đã chuyển đến chung sống cùng chàng trong một căn hộ nhỏ ở thủ đô Oslo. Nhưng cô gái gốc Kavkaz này không muốn “mượn đường” kiểu đó.

Trở về Liên bang Nga, nơi chôn nhau cắt rốn nhưng lại không thân thuộc, Maria Amelie không thể đậu lại ở Matxcơva vì chẳng còn ai thân thích và không có nhà ở. Cô có thể về sống tạm ở cố hương Bắc Osetia... Tuy nhiên, nữ nhà văn trẻ chỉ muốn trở lại Na Uy, nơi cha mẹ cô vẫn đang sống ở đó, và đấy cũng là nơi diễn ra toàn bộ cuộc sống có ý thức của mình. Trong thời gian tạm trú ở Nga, cô sẽ phải làm các giấy tờ tùy thân, phải lui tới Đại sứ quán Na Uy tại Matxcơva, để nếu như có giấy gọi sang Na Uy làm việc, khi đó cô sẽ trở về chốn cũ theo diện “xuất khẩu lao động”.

Theo tin mới nhất, sau khi về đến sân bay Sheremetievo lúc 18g10 ngày 24-1-2011, trong vòng một tuần, Maria Amelie đã được Liên bang Nga cấp hộ chiếu, ghi rõ họ tên thật: “Salamova Madina Hetagovna, ngày sinh: 30.08.1985”. “Thế là lần đầu tiên sau 25 năm tôi mới được là công dân. Thà muộn còn hơn không - nhà văn trẻ tâm sự, và cô thổ lộ với một hãng truyền hình - Hiện tôi đang lên những kế hoạch đẹp đẽ sao cho viết được một cuốn sách mới về những chuyện đã qua. Chỉ cần nhào nặn lại tất cả những gì tôi đã từng nếm trải, vì hai tuần lễ gần đây hoàn toàn là cơn ác mộng, nó như một bộ phim hành động ly kỳ”...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận