Họ đã kiếm tiền thế nào?

LAN CHI - HUY ĐĂNG 22/07/2016 02:07 GMT+7

TTCT - Tại các quốc gia phát triển, không có chuyện các hội dễ dàng ngửa tay xin tiền từ chính phủ. Họ đều áp dụng mô hình gây quỹ và chi tiêu rất rõ ràng, minh bạch.

SSA và các VĐV của tuyển bơi lội Singapore nhận gói tài trợ trị giá 1,6 triệu USD từ một nhãn hàng quần áo thể thao -Straits Times
SSA và các VĐV của tuyển bơi lội Singapore nhận gói tài trợ trị giá 1,6 triệu USD từ một nhãn hàng quần áo thể thao -Straits Times


Để gây quỹ, các hội hay tổ chức phi lợi nhuận phải chứng minh được rằng họ có khả năng thực hiện các cam kết đã đề ra. Những điều quan trọng nhất đối với các hội là phải có mục tiêu và tầm nhìn rõ ràng, có ban lãnh đạo tâm huyết và lực lượng nhân viên, người tình nguyện có năng lực cũng như có cơ sở và thiết bị đầy đủ.

Các hội phải có tính pháp lý rõ ràng, tuân thủ các quy định thuế, đặc biệt phải có các chương trình đem lại lợi ích cụ thể, thiết thực cho cộng đồng.

Vì những mục tiêu cụ thể

Các hội tại Mỹ thường có nhiều nguồn thu hút ngân sách khác nhau. Ví dụ như Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) đã chi tiêu hơn 4 tỉ USD từ năm 1946 đến nay cho các dự án nghiên cứu chống ung thư và các hoạt động liên quan.

ACS không nhận tiền tài trợ từ một cá nhân hay tổ chức, mà nguồn ngân sách chủ yếu xuất phát từ tiền quyên góp của các cá nhân, trung bình 50 USD/người. Ước tính quyên góp của các cá nhân, tổ chức, tập đoàn chiếm tới 95% ngân sách ACS. Chỉ khoảng 1% ngân sách ACS xuất phát từ hợp đồng và tài trợ của các cơ quan Chính phủ Mỹ, 4% còn lại từ các khoản đầu tư của ACS.

Các chương trình nhận tài trợ của chính phủ đều phải được công khai, minh bạch hoàn toàn, được xét duyệt hết sức nghiêm ngặt. Và ACS công khai rất rõ ràng mọi khoản chi tiêu.

Tính đến năm 2014, khoảng 17% tổng ngân sách của tổ chức này được rót vào các dự án nghiên cứu chống ung thư và đào tạo nhân lực ngành y tế. Năm 2014, ACS chi khoảng 144 triệu USD cho hoạt động này.

Ở ACS có hơn 60 chuyên gia nghiên cứu ung thư, tuy nhiên phần lớn số tiền dành cho các dự án nghiên cứu được chuyển tới hơn 800 chuyên gia hoạt động trên khắp nước Mỹ ở những dự án chống ung thư cụ thể. Tiền nghiên cứu của ACS đã giúp hỗ trợ nhiều chuyên gia y tế phát triển sự nghiệp, bao gồm 47 nhà khoa học đoạt giải Nobel.

Phần lớn số tiền còn lại trong ngân sách được ACS rót vào các dịch vụ y tế hỗ trợ công chúng và hàng chục nghìn bệnh nhân. Mọi khoản chi tiêu của ACS được công khai trên trang web của tổ chức, bao gồm cả các bản kê khai thuế hằng năm.

Những hội hoạt động và gây quỹ theo mô hình tương tự ở Mỹ rất nhiều. Ủy ban Olympic Mỹ (USOC) cũng không hề nhận được tiền ngân sách từ chính quyền liên bang để thực hiện các chương trình Thế vận hội.

Thay vào đó, tổ chức này và các vận động viên Mỹ phải dựa vào nhiều nguồn tài chính tư nhân để theo đuổi giấc mơ chinh phục các đỉnh cao thể thao. USOC cung cấp ngân sách cho các liên đoàn thể thao quốc gia dựa trên thành tích của các vận động viên và khả năng gây quỹ ở các nguồn khác nhau.

Một số liên đoàn có nhiều nhà tài trợ doanh nghiệp sẽ đủ sức hỗ trợ đầy đủ nguồn lực cho các vận động viên. Tuy nhiên những liên đoàn khác, ví dụ như trượt băng tốc độ, chỉ có thể cung cấp địa điểm luyện tập, huấn luyện viên và đồng phục cho vận động viên.

Nguồn tiền từ người dân

Do đó, các vận động viên Olympic Mỹ phải huy động nguồn tài trợ từ công chúng. Trang web TeamUSA.org có mục Contribute kêu gọi công chúng quyên góp tiền cho các vận động viên, bắt đầu từ mức 50 USD. Mọi khoản quyên góp dành cho TeamUSA đều được miễn thuế 100%.

Với Olympic 2016 tại Rio de Janeiro (Brazil), nhiều vận động viên Mỹ đã gây quỹ được hàng chục nghìn USD qua các trang web gây quỹ từ cộng đồng (crowfunding) như RallyMe.com hay GoFundMe.com.

Đồng thời, USOC cũng vừa khai trương trang web crowfunding TeamUSARegistry để huy động nguồn tài chính hỗ trợ các vận động viên tham gia tranh tài tại Olympic. Trang web liệt kê đầy đủ mọi chi phí mà các vận động viên phải bỏ ra để luyện tập và thi đấu, ví dụ 100 USD để mua giày chạy, 250 USD cho mũ bảo hiểm, 15 USD cho một bữa tối đủ dinh dưỡng...

Đây là cách để USOC giúp công chúng hiểu rõ việc trở thành một vận động viên Olympic khó khăn như thế nào. Toàn bộ số tiền quyên góp đều được rót vào quỹ TeamUSA, tạo điều kiện cho USOC hỗ trợ chi phí sinh hoạt, luyện tập và thi đấu của các vận động viên.

Và USOC cũng phải công khai mọi khoản chi. Ước tính hằng năm USOC chi khoảng 93% ngân sách cho chương trình hỗ trợ các liên đoàn thể thao và vận động viên. Các bản kê khai thuế của USOC cũng được đăng tải đầy đủ trên trang web TeamUSA.

Theo nghiên cứu của Viện Quản lý phi lợi nhuận (NMI) thuộc ĐH Stanford, trong điều kiện kinh tế Mỹ còn gặp nhiều khó khăn, việc các đoàn, hội tìm kiếm ngân sách là không hề dễ dàng. Tuy nhiên NMI khẳng định các đoàn, hội và tổ chức phi lợi nhuận càng công khai minh bạch về hoạt động, mục tiêu và cơ chế gây quỹ thì càng dễ huy động được nhiều nguồn lực tài chính hơn.

Kiếm tiền giỏi như thể thao Singapore, Thái Lan

Theo công bố của trang web sportsingapore.gov.sg, bắt đầu từ năm 2010 Chính phủ Singapore cam kết một khoản ngân sách bền vững cho các hiệp hội thể thao quốc gia Singapore (NSAs) vào khoảng 50 triệu USD/năm.

Với một quốc gia giàu có như Singapore, số tiền này thật ra là nhỏ khi họ có cả thảy 33 hiệp hội thể thao quốc gia. Trong số này, những môn thể thao chính của họ như cầu lông, bóng đá, bơi lội, bóng bàn, bắn súng... cũng chỉ được cấp mức ngân sách cao nhất vào khoảng 1,5 triệu USD/năm.

Trong những năm đầu, số tiền này rất đáng kể bởi thể thao Singapore chỉ mới kiếm được tài trợ vào khoảng 13 triệu USD theo báo cáo năm tài khóa 2010. Nhưng càng về sau, NSAs càng tự mình đứng vững mà không cần đến ngân sách của chính phủ khi ngày càng thu hút được những nhà tài trợ.

Năm 2014, giám đốc điều hành của Hội đồng thể thao Singapore (SSC) Lim Teck Yin cho biết trong năm 2013, thể thao Singapore nhận được cả thảy 143 triệu USD từ các nhà tài trợ. Con số này lớn gần gấp 3 số ngân sách họ được chính phủ cấp.

Thể thao Singapore tìm kiếm tài trợ như thế nào? Đó là một vấn đề mang tính chiến lược với những lãnh đạo thể thao Singapore, chứ không chỉ là hô hào khẩu hiệu.

Các lãnh đạo của SSC phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội các nhà tài trợ thể thao châu Á (ASA) để có những kế hoạch mở rộng mạng lưới tài trợ cho nền thể thao của mình. Thậm chí có cả một khóa học mang tên “Tìm kiếm nhà tài trợ” (Seeking Sponsorship) được tổ chức dành cho các quan chức của NSAs. Và điều đó không hề lãng phí, vô bổ.

Điển hình như Hiệp hội Bơi lội Singapore (SSA), một trong những hiệp hội kiếm tiền tốt nhất ở Singapore. Giám đốc điều hành Edwin Ker của SSA cho biết với họ, tôn chỉ là phải “tiếp cận nhà tài trợ” chứ không chỉ “há miệng chờ sung”.

Trang sportsingapore.gov.sg dẫn lời ông Ker: “Đầu tiên, chúng tôi phải soạn thảo một danh sách các doanh nghiệp, nhãn hàng mà chúng tôi có thể tiếp cận được. Chúng tôi phân họ ra làm hai phần: đầu tiên là những nhãn hàng liên quan đến thể thao - khá dễ để thu hút những nhà tài trợ này. Với trường hợp của SSA, chúng tôi có TYR - một thương hiệu quần áo thể thao.

Khó khăn hơn là những nhãn hàng vốn chẳng liên quan gì đến thể thao. Ở đây, chúng ta cần nhìn theo một khía cạnh khác. Một nhãn hàng đề cao tinh thần tập thể sẽ thích quảng cáo bởi những môn thể thao mang tính tập thể, đại loại vậy”.

Từ vài năm qua, SSA ký được một hợp đồng tài trợ béo bở 800.000 USD/năm với hãng xe hơi Volkswagen của Đức. Đó chỉ là một trong số rất nhiều nhà tài trợ của SSA, đến từ những hoạt động làm mới không ngừng của làng bơi lội Singapore.

Khác với sự đa dạng trong việc tìm kiếm nhà tài trợ của thể thao Singapore, người Thái Lan lại chủ trương “1 doanh nghiệp, 1 môn thể thao”. Mỗi một môn thể thao được ưa chuộng tại Thái Lan lại được hậu thuẫn bởi một tập đoàn lớn.

Điển hình như môn cầu lông nhận được tài trợ lâu dài từ Tập đoàn SCG. Ông Napapat Prapaitrakul, quản lý của Học viện Cầu lông quốc gia Thái Lan, cho biết trong khoảng 8 năm qua, SCG đã đầu tư khoảng 15 triệu USD cho khâu đào tạo trẻ của cầu lông Thái.

Và đây chỉ mới là công tác đào tạo trẻ. Nhiều môn thể thao khác của Thái Lan cũng nhận được sự “đỡ đầu” tương tự từ các tập đoàn lớn ở Thái: Tập đoàn dầu khí PTT ở môn bóng đá, Tập đoàn điện lực PEA ở môn bóng chuyền...

So với Thái Lan và Singapore, Chính phủ Úc còn bỏ ít tiền hơn khi cấp ngân sách vỏn vẹn có 65 triệu USD cho cả thảy 42 hiệp hội thể thao quốc gia trong hai năm 2013-2014 (theo thống kê của trang legco.gov.hk), tức mỗi liên đoàn nhận chưa tới 1 triệu USD/năm. Ở Nhật, con số này cũng không khá hơn là bao khi chính phủ chỉ chi ra khoảng 70 triệu USD cho thể thao Nhật trong hai năm 2012-2013.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận