Kinh doanh là quá trình “phá hủy sáng tạo”

LƯU VĨ LÂN 17/05/2016 21:05 GMT+7

TTCT- Joseph Schumpeter, nhà kinh tế học theo trường phái Áo nổi tiếng của thập niên 1930, là người đầu tiên đặt BẠN - doanh nhân - vào trung tâm của mọi tiến trình kinh tế và chỉ ra kinh doanh là một cuộc “dấy loạn”, là khởi phát những con sóng lăn tăn trên mặt hồ bình lặng của trật tự sống cũ, để dần dà hình thành một con sóng thần tạo ra một kỷ nguyên mới. Ông gọi đó là quá trình “phá hủy sáng tạo”.

minh họa
minh họa


Trong thời kỳ của thôi thúc khởi nghiệp, bạn đang tìm tòi những hướng đi? Không phải là một lời khuyên mà chỉ là lưu ý của một người đọc sách, xin nhắc bạn, nếu muốn là doanh nhân và dấn thân vào kinh doanh thì phải đọc về con người này.

Kẻ hủy diệt tử tế

Từ xưa, trật tự xã hội cũ trong một ngôi làng, một bộ tộc, một công quốc nhỏ... đã luôn cân bằng: tầng lớp trên cai quản, tầng lớp dưới làm việc; nông dân trồng trọt, thợ thủ công sản xuất ít hàng hóa...

Trong một thị trường cũng thế: cung và cầu thông qua giá cả đã gặp nhau và tạo ra một trạng thái cân bằng. Hình thái này được Schumpeter gọi là “Dòng chảy vòng vòng buồn bã của đời sống kinh tế”.

Ông nói: trong tình trạng cân bằng giả tạo đó, doanh nhân chẳng có vai trò gì vì tình trạng cân bằng này là tự động và vĩnh cửu. Đối với ông, phát triển là một tiến trình động, là một “disturbing” (làm xáo trộn) một nguyên trạng cũ (status quo). Nó phải khuấy động, xáo trộn, phá hủy trạng thái “vòng vòng buồn bã” đó.

Và ông nhấn mạnh: “Doanh nhân là tác nhân chính gây ra tình trạng phá vỡ cân bằng trong một nền kinh tế cạnh tranh”.

Chẳng cần nhiều lý thuyết hay ngó đâu xa, hãy nhìn diễn biến đời sống quanh mình, chúng ta đã thấy bao nhiêu là thí dụ về “phá hủy sáng tạo” ngay trong hai thập kỷ vừa qua: chỉ ở những năm 2000 đây thôi, không ai không biết về nhãn hiệu Kodak hay Fujifilm bởi tết nhất, cưới hỏi gì cũng phải nhắc tới nó - các cuộn phim nhựa cốt lõi cho việc chụp ảnh cả trăm năm trước đó.

Ở Sài Gòn thời khó khăn, nó được tuồn lậu từ nước ngoài về và được tính bằng “chỉ vàng”. Vậy mà chỉ 10 năm sau đó, đến khoảng năm 2010, thương hiệu có tên tuổi hàng thế kỷ ấy bị xóa sổ hoàn toàn vì máy ảnh kỹ thuật số.

Ta cũng thấy sự “phá hủy” diễn ra theo nhịp điệu dồn dập trong ngành bưu chính: trước năm 1990, thư và điện tín vẫn là công cụ chính của thư tín. Qua đầu thập niên 1990, máy fax và thư fax đã xóa dần “thư và tín” ấy, đến năm 2000 thì thư điện tử, email hay tin nhắn đã xóa sổ tất cả những thứ trên.

Còn viễn thông liên lạc thì khỏi bàn: 10 năm trước, những cái tên khổng lồ tưởng như không bao giờ chết như: Nokia, Motorola, Ericsson... nay chỉ còn là một hoài niệm. Gần hơn nữa, trong giai đoạn bùng nổ làm ăn hồi những năm 2000, các chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh Việt (phở, bánh cuốn, bún bò...) phát triển hồ hởi, nhưng dần teo tóp sau một thập niên thử nghiệm.

Vậy cần phải xem thử cái mình định làm trên thương trường có gây “disturbing” gì cho thị trường hiện tại không? Nếu không thì hãy khoan vào vì mình chẳng có gì mới. Một bạn trẻ tôi quen biết bắt đầu cuộc đời bằng chức phụ bếp trong một nhà hàng thuộc khách sạn lớn. Anh quen biết nhiều chủ nhà hàng, nhiều đầu mối cung cấp thức ăn cho nhà hàng.

Anh thấy các nhà hàng đi chợ mỗi sáng để mua nguyên liệu cho nấu nướng khá vất vả, chạy hết đầu này đến chợ nọ, anh vội đứng ra thầu cung cấp mọi thứ cho họ: mấy ký tôm, mấy ký cua, mấy ký cá, thịt, các loại rau, những loại phụ liệu cho nấu nướng các loại ẩm thực khác nhau như Tây, Tàu, Ấn, Nhật... Chỉ cần đêm trước gọi điện là sáng hôm sau hàng được giao tận cửa bếp nhà hàng.

Dòng chảy đều đặn của quy trình “đi chợ - nấu - bán” của nhà hàng đã bị anh “disturbing” và thế là anh chiếm được một chỗ đứng kha khá trong thương trường.

Ở Little Saigon bên Mỹ, tôi được mời vào một cửa hàng rộng, lấp lánh kính, đèn như một cửa hàng McDonald's lớn mang tên Việt rất tức cười Tèo Sandwich. Nhưng trên quầy kệ là cả một rừng thức ăn Việt đóng gói tiện lợi để ăn nhanh tại chỗ hay mang về: hộp bánh cuốn Thanh Trì chả lụa, hộp xôi gấc, hộp rau câu, hằng hà sa số loại chè, các loại bánh ít, bánh ú, cơm rượu... hầu như thứ quà Việt gì mà bạn nhớ ra ở đó đều có.

Khách là người Việt và một số người Mỹ ra vào nườm nượp để mua về hay ngồi tại chỗ ăn và trò chuyện... Tèo Sandwich thành công vượt bậc, trong khi gần đó người bạn khác của tôi bỏ nhiều trăm ngàn USD nhượng quyền một thương hiệu nổi tiếng nhưng đã cũ là Lee Sandwich thì chỉ sống cầm hơi.

Minh họa
 

Chuẩn bị đối đầu với “kẻ hủy diệt”

Trong tác phẩm mang tên Capitalism, Socialism and Democracy, Schumpeter viết: Vấn đề hay ho nhất không phải là cách chủ nghĩa tư bản duy trì cấu trúc hiện tại, mà là cách nó tạo ra và phá hủy cấu trúc đó. Ông cho đó là cốt tử của phát triển kinh tế.

Khi bước vào thương trường, bạn phải chuẩn bị để gặp vô số lực cản không đến từ bản thân kinh doanh, mà đến từ bên ngoài. Bởi người ta biết tính chất “dấy loạn” của những thứ bạn làm.

Một khu phố đang đều đặn sống với nhà cửa, hàng quán có sẵn từ vài năm qua bỗng sáng nay xuất hiện cửa hàng cà phê của bạn, lập tức có nhiều thắc mắc: nó có kéo mất khách quán cà phê bà Tám đầu kia không? Nó đẹp quá, trẻ trung quá có làm mấy đứa nhỏ ra đó “ngồi đồng” không? Nó có gây ồn ào, để xe chiếm đường, kẹt hẻm không...?

Cái dòng chảy yên ả của đời sống kinh tế quen thuộc của đoạn phố này đã bắt đầu bị bẽ gãy. Nếu cửa hàng bạn thành công, sẽ có nhiều người muốn làm tương tự bên cạnh và có thể nơi đây sẽ từ một khu dân cư yên bình trở thành một con phố cà phê huyên náo: làm ăn dễ hơn nhưng bản chất đời sống đã đổi thay mãi mãi. Ai biết đến khu làng đại học Thủ Đức được quy hoạch từ những năm 1970 của chính quyền Sài Gòn vốn sang trọng, êm đềm với những khu biệt thự giữa những con đường thẳng thớm tràn ngập cây xanh, tương tự câu chuyện trên, nay đã thành một xóm cà phê và quán nhậu tưng bừng huyên náo.

Chuyện nhỏ là thế, chuyện lớn cũng thế. Khi máy tính cá nhân ra đời, một loạt thứ đã bị giết chết: máy đánh chữ biến mất, máy fax kết thúc, công nghệ in, thiết kế thay đổi hoàn toàn; khi nó kết hợp với viễn thông thì điện thoại để bàn tiêu vong; khi nó kết hợp với Internet, rồi mạng xã hội... là cả xã hội đổi thay.

Doanh thương mạnh như thế, chả trách từ ngàn xưa nghề “thương” phải sắp cuối cùng trong “sĩ, nông, công, thương” và các triều đại phong kiến luôn tìm cách hủy diệt sức hủy diệt của nhà buôn. Trong cộng đồng yên ả sĩ - nông - công ấy bỗng xuất hiện một nhà buôn từ phương xa, mang đến những món hàng mới lạ bắt đầu làm xao xuyến, những tư tưởng kỳ lạ nhưng thú vị ở các xứ khác làm lòng người bấn loạn.

Rồi thái độ tự chủ, độc lập của thương nhân do có tiền của riêng, tự do riêng... làm người ta nhìn lại thân phận của mình. Đây là cái “nguy hiểm” nhất của doanh thương: nó di động khắp nơi, đi nhiều biết nhiều nên nó giúp chuyển tải những ý tưởng mới có thể làm thay đổi nhận thức xã hội.

Thứ nữa, nó giàu nhanh và mạnh nhanh; nó độc lập vì tự tạo ra tài sản cho mình, không nhờ sự ban phát nào cả nên nó đòi hỏi quyền của mình. Cuộc cách mạng dân chủ tư sản hồi thế kỷ 17 chính là như thế khi giới doanh thương thành đạt, giàu có, tài giỏi cứ bị đám quan lại phong kiến xem thường, hành hạ và vòi vĩnh... Và thế là cuộc cách mạng lật đổ đã diễn ra.

Nhưng bạn sẽ gặp những lực cản không chỉ từ phía các “triều đại”, mà cả từ những doanh thương khác. Nếu ngành sản xuất máy đánh chữ, fax, điện thoại biết trước hiện thực này, họ sẽ chống đến cùng... ngành máy tính. Cũng vậy, dù đường sắt là ngành kỹ nghệ giúp khai phá nước Mỹ, nhưng nay sao nó yếu hơn hẳn so với châu Âu?

Vì chỉ riêng Los Angeles vào năm 1938 là thành phố sạch nhất trên bờ Thái Bình Dương nhờ hệ thống đường tàu điện lớn nhất thế giới, với hơn 1.000 đoàn tàu đi qua trung tâm thành phố mỗi ngày. Ngành ôtô Mỹ mạnh lên, không để cho đường sắt “disturbing” mình nên Hãng xe GM liên kết với Hãng dầu Standard Oil và Hãng lốp xe Firestone bỏ tiền mua đứt công ty đường sắt và hủy nó đi. Từ đó, Los Angeles trở thành thành phố xe hơi.

Như một phản ứng hạt nhân, khi sự cân bằng của hạt nhân bị bẻ gãy, một năng lượng khổng lồ sẽ bùng phát, quá trình của hàng ngàn, hàng vạn doanh nhân trong một nền kinh tế cạnh tranh, cùng tạo ra những sáng tạo mới bẻ gãy những cân bằng tĩnh, buồn bã của một thị trường cũ, lỗi thời; đồng thời cũng sẽ tạo ra một luồng của cải khổng lồ, một sức sống mới cho xã hội như thế.

Nhưng bên cạnh sáng tạo để cái mới ra đời thì trước hết phải chấp nhận cho cái cũ ra đi. Cho nên mới gọi là “phá hủy - sáng tạo”. Đây là điều sẽ gây phản kháng, tất nhiên!

Cũng tất nhiên, ai chủ động tạo ra và kiểm soát được phản ứng hạt nhân này mới có năng lượng khổng lồ ấy, ai không dám và không kiểm soát được thì mãi mãi thiếu sức sống. ■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận