Vở kịch nhiều vai diễn

BS VÕ XUÂN QUANG 06/05/2016 02:05 GMT+7

TTCT - Trong khi việc điều trị ung thư là vấn đề của y tế chuyên khoa và các bệnh viện, việc phòng và chống ung thư là công việc của tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu và gồm có 2 phần: dự phòng ung thư và tầm soát phát hiện sớm.

 


Để thành công, việc phòng chống cần có sự tham gia chủ động và tích cực của nhiều thành viên. Có thể xem đây là một vở kịch, muốn thành công thì phải có đạo diễn giỏi ( Bộ Y tế), diễn viên giỏi ( bác sĩ và bệnh nhân) , dàn nhạc hay (hệ thống thông tin tuyên truyền), kịch bản phải phù hợp  (vai trò của các hội chuyên khoa) và có nhà tài trợ mạnh( bảo hiểm y tế).

Vai trò của bác sĩ gia đình

Nhiệm vụ chính của bác sĩ gia đình không nhằm vào điều trị bệnh mà là phòng bệnh và tăng cường sức khỏe cho cộng đồng. Từ các phòng khám gia đình, người dân được cập nhật các kiến thức về ung thư và được giới thiệu về các chương trình tầm soát.

Bác sĩ gia đình được huấn luyện các kỹ năng cơ bản để phát hiện sớm một số ung thư : khám vú, khám họng, khám tiền liệt, khám trực tràng, khám phụ khoa.

Phòng khám gia đình là nơi thực hiện các xét nghiệm định kỳ truy tìm ung thư : thử phân tìm máu ẩn của ung thư tiêu hóa, PAP cho ung thư cổ tử cung. X quang phổi và siêu âm bụng định kỳ cũng giúp phát hiện ung thư phổi và gan.

Nói cách khác, trong phạm vi hoạt động của bác sĩ gia đình, hầu hết các ung thư thường gặp nhất ở nam (gan, phổi, dạ dày, đại tràng, hầu họng) và nữ (vú, phổi, gan, cổ tử cung, dạ dày) đều có thể được phát hiện sớm nếu bệnh nhân làm đúng quy trình.

Mặt khác, bác sĩ gia đình là người theo dõi tình trạng sức khỏe liên tục nên sẽ dễ dàng nhận ra sự bất thường của cơ thể người bệnh từ sự biến động của các thông số sinh học. Việc liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa khi cần thiết sẽ giúp bệnh nhân có cơ may tìm thấy bệnh sớm hơn. Cần chú ý là tuy bác sĩ gia đình tuy không có đủ kiến thức sâu cho từng chuyên khoa nhưng có thể áp dụng các hướng dẫn lâm sàng từ các hội chuyên khoa để đảm bảo kết quả tốt nhất.

Vấn đề hiện nay của chúng ta là chưa có bác sĩ gia đình, bệnh nhân không tìn vào bác sĩ gia đình và chưa có chính sách thanh toán/thu nhập phù hợp cho bác sĩ gia đình. Đây là một bài toán nhỏ lồng trong một bài toán lớn, mà Bộ Y tế cũng đã đặt ra và đi những bước đầu tiên.

Người dân cần ý thức được lợi ích của việc dự phòng ung thư, tầm soát ung thư sớm và hợp tác với bác sĩ để chăm lo cho chính mình và gia đình. Việc giữ chế độ sống lành mạnh ( giữ cân nặng hợp lý, ăn uống sạch, hạn chế rượu, thuốc lá và vận động) là trách nhiệm cá nhân. Giữ lịch khám định kỳ và thông báo ngay với bác sĩ về các thay đổi của bản thân, đó là cách tốt nhất để phát hiện ung thư sớm.

Vai trò của các hội chuyên khoa

Mỗi nước có các đặc điểm khác biệt về tần suất bệnh, đặc biệt về độ tuổi và các yếu tố rủi ro.  Tổ chức y tế thế giới hay các hiệp hội đưa ra các hướng dẫn trong phòng chống ung thư thường dựa vào tổng hợp cơ sở dữ liệu chung, trong đó chủ yếu là từ các nước đã phát triển.

Trong nhiều trường hợp, các hướng dẫn này là không phù hợp hoặc không đúng trong bối cảnh nước ta. Nhiệm vụ của các hội chuyên khoa là xem xét tình hình thực tế để đưa ra những điều chỉnh phù hợp.

Cần chú ý là khi chương trình phòng chống ung thư được áp dụng ở cấp quốc gia, mỗi sự thay đổi sẽ đem lại hiệu quả rất lớn về chuyên môn cũng như kinh tế.

Một ví dụ, các chương trình phòng chống phương Tây đặc biệt nhấn mạnh vấn đề béo phì bệnh lý và các hướng dẫn để giảm cân. Việc này không áp dụng ở Việt Nam vì tỷ lệ béo phì bệnh lý hiện nay không đang kể và không phải là yếu tố quan trọng trong hình thành ung thư ở ta.

Ví dụ thứ hai: các khuyến cáo ở Âu Mỹ đề nghị bắt đầu nội soi tầm soát ung thư đại trực tràng từ 50 tuổi. Tuy nhiên, nghệ sĩ Trần Lập đã mất ở tuổi 40 và căn bệnh ung thư có lẽ đã có từ nhiều năm trước. Đây không phải là trường hợp cá biệt, vậy áp dụng tầm soát từ tuổi 50 có phù hợp không? Cần phải nhìn vào tháp tuổi của bệnh ung thư đại trực tràng ở Việt nam và xác định lại độ tuổi thích hợp.

Vai trò của bảo hiểm y tế

Cho đến nay, việc khám định kỳ và tầm soát ung thư có vẻ là đặc quyền, đặc lợi của dân cư các thành thị. Không chỉ do vấn đề nhận thức nhưng chi phí y tế cũng là một vấn đề lớn đối với tầng lớp lao động và dân cư vùng nông thôn.

Chỉ khi nào các dịch vụ y tế ban đầu này bao phủ khắp các vùng đất nước thì mới có thể đảm bảo được hiệu quả của việc phòng chống ung thư. Việc thanh toán bảo hiểm cho khám định kỳ và các xét nghiệm cơ bản sẽ giải quyết cơ bản việc này.

Trên thế giới,  việc bảo hiểm thanh toán cho khám định kỳ và các xét nghiệm tầm soát ung thư đã là hiển nhiên. Các công ty bảo hiểm cũng nhận thấy việc tầm soát giúp họ tiết kiệm chi phí đáng kể hơn là phải chi trả khi bệnh nhân đến bệnh viện khi đã trễ. Đáng tiếc, cho đến nay thì quy định bảo hiểm và mô hình bác sĩ gia đình vẫn chưa làm được .

Vai trò của thông tin tuyên truyền

Câu chuyện về “top 2” nêu trên là một ví dụ cho thấy vai trò của truyền thông trong giáo dục người dân về ung thư. Thay vì nêu lên được ý nghĩa của việc khám sớm và tầm soát ung thư, thông tin lệch lạc đã đưa người dân vào cơn giận dữ đối với thực phẩm bẩn.

Dù sao, để mô hình bác sĩ gia đình hoạt động và để người dân ý thức được trách nhiệm của mình trong việc phòng chống ung thư, việc định hướng thông tin là cần thiết. Để làm được việc đó, các kênh thông tin chính thức từ Bộ Y tế và các ngành chức năng cần đóng vai trò chủ đạo thay vì để cho các báo giấy và báo mạng mặc sức tung hoành.

Vai trò của Bộ Y tế

Với tư cách là người chỉ huy, Bộ Y tế là người xây dựng và triển khai mô hình bác sĩ gia đình, cho phép và giúp đỡ các hội chuyên khoa xây dựng các hướng dẫn phòng chống ung thư được cập nhật trong phạm vi chuyên môn của mình, định hướng hệ thống thông tin tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức của người bệnh về các vấn đề liên quan, xây dựng các chính sách chi trả phù hợp trong bảo hiểm y tế .

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận