Chúng ta đang đối diện với ung thư như thế nào?

BS VÕ XUÂN QUANG - LAN ANH 24/04/2016 16:04 GMT+7

TTCT - Số người mắc ung thư mới ngày càng tăng. Số người chết vì ung thư không giảm. Ung thư đang gây nên nỗi lo sợ cho toàn xã hội. Nhưng phòng chống, tầm soát như thế nào dường như tất cả đều đang còn lúng túng.

Với nhiều người, ung thư là án tử, là dấu chấm hết -Thuận Thắng
Với nhiều người, ung thư là án tử, là dấu chấm hết -Thuận Thắng


Sự qua đời của ca sĩ Trần Lập mới đây một lần nữa làm dấy lên nỗi băn khoăn lo lắng về căn bệnh ung thư. Không hẹn mà gặp, tất cả mũi dùi đều chĩa về thức ăn “bẩn”.

Điều ít ai để ý, căn bệnh ung thư trực tràng của Trần Lập là một trong những loại ung thư có thể phòng ngừa được và trong nhiều trường hợp, cái chết có thể được ngăn chặn chỉ bằng một test thử phân đơn giản, trị giá vài chục ngàn đồng. Mặc dù vậy, một câu hỏi đang cần được trả lời ngay là thực trạng bệnh ung thư ở nước ta như thế nào và chúng ta đã làm gì để giảm bớt những cái chết đau xót như thế?

Trầm trọng ở mức nào?

Ngày nay, ra ngõ thì gặp bệnh nhân ung thư... Câu nói đó quá đúng và một sự thật không thể chối cãi là số lượng bệnh nhân ung thư gia tăng mỗi ngày.

Tuy nhiên Việt Nam không phải là nơi có tỉ lệ ung thư mới mắc cao. Một số bài báo mạng đang lan truyền với tốc độ chóng mặt, làm hoang mang dư luận bằng những thông tin cho biết Việt Nam thuộc top 2 thế giới về tỉ lệ mắc ung thư, bệnh nhân ung thư ở Việt Nam nhiều nhất thế giới, tỉ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam cao nhất thế giới...

Đây là những thông tin sai lạc, gây tác động tiêu cực, thực hư ra sao?

Các số liệu dùng để so sánh được trích từ Globocan, một dự án của Tổ chức Y tế thế giới (IARC/WHO) thống kê các số liệu về ung thư trên toàn cầu, cụ thể từ 184 nước. Do quy mô của nó, Globocan chỉ cung cấp số liệu cập nhật sau vài năm, gần đây nhất là từ năm 2012.

Trên thực tế, việc nhận định Việt Nam thuộc top 2 mắc ung thư là một sự ngộ nhận khá nghiêm trọng. Theo Globocan 2012, ở Việt Nam tỉ lệ bệnh ung thư đã loại trừ nhóm ung thư da không melanoma (1) (đã chuẩn hóa theo tuổi và trên cả hai giới) là 140,4, xếp 106/184 nước được khảo sát. Con số này thể hiện trên bản đồ ung thư thế giới là thuộc nhóm 3 (137,5 - 172,3 ca/100.000 dân).

Sự ngộ nhận nói trên xuất phát từ việc nhập nhằng giữa tỉ lệ mắc mới và tỉ lệ tử vong do ung thư. Cũng theo Globocan 2012, ở Việt Nam tỉ lệ tử vong do ung thư là 108,7/100.000 dân, xếp thứ 49 trong 184 nước, thuộc nhóm 2 (99,6 - 116,8 ca/100.000 dân).

Sự nhầm lẫn này có ý nghĩa khá quan trọng. Nếu quả thật nước ta có tỉ lệ mắc bệnh mới cao, có nghĩa là cần chú ý tầm soát các yếu tố rủi ro gây ung thư, các chương trình dự phòng ung thư và hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu. Ngược lại nếu tỉ lệ tử vong cao, đó là hậu quả của việc phát hiện bệnh trễ và khả năng điều trị tận gốc quá thấp. Trong hai trường hợp, trọng tâm đối phó của ngành y tế sẽ hoàn toàn khác biệt.

Thực tế thời gian vừa qua, vấn đề thông tin và tuyên truyền phòng chống ung thư đã bị lệch lạc. Thay vì nhấn mạnh việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư để cải thiện thời gian sống và tỉ lệ tử vong, chúng ta đang tập trung vào vấn đề thực phẩm bẩn như là nhân tố làm bùng phát ung thư, một hiện tượng chưa được chứng minh.

Một vấn đề khác cũng làm sai lệch nhận thức về bệnh ung thư ở nước ta là cách dùng từ “top 2”. Nhóm 2 hoàn toàn khác với “top 2”. Việc dùng từ “top 2” làm người ta nghĩ rằng tỉ lệ mắc ung thư ở Việt Nam đứng thứ hai thế giới (thật ra là 106/184).

Ung thư đang là nỗi lo sợ của cả xã hội -Thuận Thắng
Ung thư đang là nỗi lo sợ của cả xã hội -Thuận Thắng

 

Phòng được những gì?

Kết quả sàng lọc phát hiện sớm: tỉ lệ phát hiện ung thư vú là 63,7/100.000 phụ nữ (trong khi ghi nhận ung thư vú nói chung là 21-40/100.000 dân). Kết quả phát hiện ung thư cổ tử cung qua khám sàng lọc là 22,6/100.000 phụ nữ (5-16/100.000 dân). Tỉ lệ có tổn thương bất thường ở khoang miệng, chủ yếu viêm nhiễm, chiếm 10-13% số được khám sàng lọc, tỉ lệ phát hiện ung thư khoang miệng qua khám sàng lọc là 15/100.000 dân (ghi nhận chung cho kết quả 5-9 ca ung thư khoang miệng/100.000 dân). (Nguồn: viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư cung cấp)

Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư đã được thành lập từ năm 2007, trực thuộc Bệnh viện K Hà Nội. Cũng đã có quy hoạch về mạng lưới phòng chống ung thư (2009-2020) với nhiều quyết định, chỉ thị cho các ban, ngành liên quan.

Trên thực tế, những tiếng nói yếu ớt về việc phòng chống ung thư chìm nghỉm trong những ồn ào về tai biến y khoa, sa sút y đức và vấn nạn quá tải. Chỉ đơn giản chuyện thống kê con số mỗi nơi đưa ra mỗi khác. Từ nhiều năm trước, đã có dự đoán mỗi năm có khoảng 150.000 ca mắc và 100.000 ca tử vong do ung thư.

Tuy nhiên con số mới nhất (theo ước tính từ nghiên cứu Action triển khai ở các bệnh viện Bạch Mai, Ung bướu TP.HCM và K) có 118.000 ca bệnh/năm và hơn 90.000 ca tử vong.

Cuối năm 2015, Bệnh viện Bạch Mai tham gia dự án sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú cùng các bệnh viện chuyên khoa và có khoa ung bướu ở Hà Nội, TP.HCM. Trong số trên 1.600 phụ nữ từ 40 tuổi trở lên được tầm soát tại Bệnh viện Bạch Mai, có 6 trường hợp được phát hiện mắc ung thư ở giai đoạn rất sớm.

Theo ông Trần Văn Thuấn - phó giám đốc Bệnh viện K, viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, chương trình sàng lọc phát hiện sớm ung thư được triển khai lần đầu ở Việt Nam từ năm 2008, đến nay đã có khoảng 530.000 người được tham gia sàng lọc, phát hiện bệnh sớm, nhưng chủ yếu ở hai loại ung thư là ung thư vú và ung thư cổ tử cung ở phụ nữ, hai loại ung thư khác cũng được triển khai sàng lọc sớm là ung thư khoang miệng và đại trực tràng.

Theo ông Thuấn, hạn chế của chương trình là mới triển khai ở thành phố lớn, chưa theo dõi được thời gian sống thêm của các trường hợp nghi ngờ, chưa có chính sách bảo hiểm y tế cho việc sàng lọc, phát hiện sớm.

Tuy nhiên, chương trình phòng chống ung thư quốc gia và các quỹ hỗ trợ sàng lọc sớm ung thư (ví dụ: chương trình sàng lọc sớm ung thư vú có tên We care for her) hoàn toàn có thể mở rộng sàng lọc sớm những loại ung thư phổ biến, có phương pháp sàng lọc đặc hiệu và chi phí rẻ. Theo ông Thuấn, các loại ung thư như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư đại trực tràng, dạ dày, vòm, tuyến tiền liệt đáp ứng các yêu cầu này.

Tuy vậy, số người được tham gia sàng lọc quá nhỏ bé so với số người mắc bệnh mới và chết vì ung thư. Hơn nữa, những vấn đề rất cơ bản trong phòng chống ung thư trên thế giới vẫn chưa được áp dụng hoặc bỏ qua trong hệ thống chăm sóc y tế của ta. Điều này được thấy khá rõ trong đánh giá về tầm soát ung thư ở Việt Nam của Tổ chức Y tế thế giới (WHO):

- Khám vú thường quy để tầm soát ung thư vú: không phổ biến khi khám.

- Chụp nhũ ảnh định kỳ tìm ung thư vú: không phổ biến khi khám.

- Tìm máu ẩn trong phân định kỳ: không phổ biến khi khám.

- Làm nội soi đại tràng định kỳ tìm ung thư đại tràng: không phổ biến khi khám.

- Làm PAP định kỳ tìm ung thư cổ tử cung: không phổ biến khi khám.

- Chích ngừa HBV: 59%.

- Chích ngừa HPV: không.

- Chiến lược để hạn chế tác hại của rượu: không.

- Chiến lược để khuyến khích hoạt động thể chất: không.

- Chiến lược để hạn chế việc sử dụng thuốc lá: .

Có thể nói đánh giá của WHO khá gắt gao, nhưng có lẽ đã phản ánh đúng thực tế về việc phòng chống ung thư của ta hiện nay là hầu như chẳng có gì.

Việt Nam có những thiết bị và những xét nghiệm hiện đại nhất, chi phí thấp và dễ tiếp cận nhưng bệnh nhân không biết cách để tìm đến sử dụng chúng. Nguyên nhân chủ yếu vì Việt Nam không có mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu hiệu quả để theo dõi định kỳ và liên tục, giúp phát hiện sớm các tổn thương.

Trên thực tế, có khoảng 1/3 tổng số ung thư có thể phòng ngừa được qua điều chỉnh ba yếu tố là chế độ ăn lành mạnh, giữ cân nặng lý tưởng và hoạt động thể chất đều đặn.

Người Việt Nam có ưu thế về việc kiểm soát cân nặng (tỉ lệ béo phì là 3,5%, so với Mỹ là 35%) cũng như chế độ ăn hợp lý (nhiều chất xơ, ít thịt đỏ và ít mỡ). Tuy nhiên, yếu tố nguy cơ về bia rượu và thuốc lá lại bị bỏ qua.

Tỉ lệ người Việt Nam hút thuốc lá vẫn ở mức cao và đang dẫn đầu về mức tiêu thụ bia ở vùng Đông Nam Á, (đứng thứ 3 châu Á). Rượu bia và thuốc lá lại có giá cả “hợp lý” để người dân có thể tiếp cận với số lượng lớn thật dễ dàng.

Đặc biệt, yếu tố hóa chất độc hại là rất đặc trưng ở Việt Nam, không được đề cập trong các báo cáo của WHO, có lẽ vì chẳng có xứ nào khác có tình trạng thức ăn bẩn tràn lan bất chấp đạo đức và pháp luật như thế.

Trong tình hình đó, đã có những dự báo về việc bùng phát ung thư thời gian tới. Ở hội thảo phối hợp đa ngành trong phòng chống ung thư quốc gia tổ chức ngày 8-12-2015 tại Hà Nội, số liệu được công bố là vào năm 2000 số ca mắc ung thư là 68.810, lên tới 126.307 ca vào năm 2010 và ước tính vào năm 2020 là 190.000 ca. Vì thế, đã đến lúc cần nghiêm túc xây dựng một chương trình phòng chống ung thư hiệu quả và phù hợp thực tế hơn.

Trong khi việc điều trị ung thư là vấn đề của y tế chuyên khoa và các bệnh viện, việc phòng và chống ung thư là công việc của tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu, gồm hai phần: dự phòng ung thư và tầm soát phát hiện sớm.

Để thành công, việc phòng chống cần có sự tham gia chủ động và tích cực của nhiều thành viên. Có thể xem đây là một vở kịch, muốn thành công phải có đạo diễn giỏi (Bộ Y tế), diễn viên giỏi (bác sĩ và bệnh nhân), dàn nhạc hay (hệ thống thông tin tuyên truyền), kịch bản phải phù hợp (vai trò của các hội chuyên khoa) và có nhà tài trợ mạnh (bảo hiểm y tế).■

Ghi chú:

(1): Ung thư da không melanoma không được đưa vào thống kê ung thư vì số lượng của nó quá lớn ở các nước Âu Mỹ và diễn tiến khá thuận lợi. Việc đưa loại ung thư này vào sẽ làm số liệu thống kê giữa các vùng quá khác biệt.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận