Kiểm soát trông chở vào nhiều kênh 

VĨNH HÀ THỰC HIỆN 24/01/2016 17:01 GMT+7

TTCT - “Trung bình mỗi năm có 30.000 đầu sách nộp lưu chiểu về Cục Xuất bản, in và phát hành. Tuy nhiên kinh phí chi cho việc đọc để kiểm soát chỉ khoảng 1 tỉ đồng/năm, tương đương 1.000 đầu sách. Vì vậy việc kiểm soát phải trông chờ vào nhiều kênh khác như báo chí, phản ảnh của người dân...” - ông Chu Văn Hòa, cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin - truyền thông), trao đổi với TTCT.

Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng xem sách tại đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM)-Như Hùng
Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng xem sách tại đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM)-Như Hùng


Theo ông Chu Văn Hòa, bình quân bản sách/người tại Việt Nam đã tăng từ 3,2 bản (năm 2013) lên 4,1 bản năm 2014 và 2015, và đây “là mức tăng trưởng mang tính nhảy vọt” do các năm trước tăng trưởng bình quân chỉ từ 0,2-0,4 bản sách/người/năm.

Thưa ông, ngành xuất bản có thống kê được con số thực mà người dân bỏ ra mua sách là bao nhiêu không? Trong tổng doanh thu hơn 2.000 tỉ đồng năm qua của ngành xuất bản, ước tính bao nhiêu cho xuất bản sách?

- Hiện tại chúng tôi chưa có số liệu thống kê về số tiền mà người dân bỏ ra để mua sách trong năm. Tổng doanh thu hơn 2.000 tỉ đồng của hoạt động xuất bản năm 2014 là căn cứ số liệu báo cáo hoạt động xuất bản của các nhà xuất bản trên cả nước, bao gồm sách, bản đồ, tờ rời, lịch các loại... Trong đó, xuất bản sách chiếm khoảng 80% tổng doanh thu.

Doanh thu này bao gồm cả việc xuất bản sách giáo khoa? Các dòng sách khác chiếm tỉ lệ ra sao? Năm qua, dòng sách nổi trội, xét cả về chủ đề và số lượng xuất bản là gì?

- Chúng tôi không tách riêng doanh thu của sách giáo khoa và các dòng sách khác, chỉ thống kê từ số liệu các nhà xuất bản cung cấp.

Năm 2015 mảng đề tài về tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật và phục vụ các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đất nước được xem là một trong những mảng đề tài nổi trội trong cơ cấu xuất bản năm 2015 vì đây là năm có nhiều sự kiện chính trị lớn...

Ngoài ra, còn có các xuất bản phẩm phục vụ các nhiệm vụ trọng tâm khác như tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp; tuyên truyền học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tuyên truyền bảo vệ chủ quyền, biển đảo...

Bên cạnh dòng sách trên, mảng sách phổ biến thông tin, kiến thức về hướng nghiệp, kỹ năng sống, kỹ năng lập nghiệp để thành công cũng được chú ý. Các loại sách này có nội dung phong phú, trình bày đẹp và hấp dẫn người đọc nên năm 2015 đã tăng cả về số cuốn và số bản so với năm 2014.

Riêng sách văn học, năm 2015 xuất bản được khoảng 3.400 cuốn với 7.199 triệu bản, chiếm khoảng 12% tổng số sách toàn ngành. Tuy nhiên, chưa thật sự có nhiều tác phẩm nổi trội và đáng lưu ý hơn là trong những tháng đầu năm, tiểu thuyết ngôn tình của nước ngoài chiếm tới gần 50% tổng số tiểu thuyết được xuất bản. Hiện tượng này đã được cơ quan quản lý chấn chỉnh và xử lý kịp thời.

Ngành xuất bản hiện có những hình thức hợp tác xuất bản nào? Ngành xuất bản có thực hiện các hình thức hợp tác như các ngành khác không?

Năm 2015, Cục Xuất bản, in và phát hành đã thực hiện 43 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với các NXB, cơ sở in, cơ sở phát hành xuất bản phẩm, ban hành 18 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền trên 1,2 tỉ đồng, đình chỉ hai tổ chức vi phạm, tiêu hủy 10.394 bản xuất bản phẩm vi phạm. Ngoài ra cục còn chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự 2 vụ việc.

- Hiện tại, hoạt động xuất bản có những hình thức hợp tác như ký kết các chương trình xuất bản với các nước có mối quan hệ truyền thống với Việt Nam. Cụ thể là với Nga, Trung Quốc, Lào, Cuba, nội dung là trao đổi xuất bản phẩm và ưu đãi bản quyền, trao đổi đoàn, hợp tác đào tạo, cung cấp thông tin...

Bên cạnh đó là tham gia các triển lãm - hội chợ sách quốc tế như ở Mỹ, Nga, Đức, Cuba... để giới thiệu, quảng bá sách và hoạt động xuất bản của Việt Nam với các nước, tìm kiếm các cơ hội mở rộng hợp tác kinh doanh với các đối tác nước ngoài; tham gia các hoạt động giao dịch, trao đổi, thương thảo mua bán, chuyển nhượng bản quyền xuất bản phẩm với các đối tác nước ngoài.

Ví dụ dịch cuốn sách Nhật ký Đặng Thùy Trâm ra 20 thứ tiếng. Năm 2015, cục đã phối hợp với các nhà xuất bản dịch và xuất bản các cuốn sách từ tiếng Việt sang tiếng Lào, như Trước giờ nổ súng, Đường về cánh đồng Chum; từ tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Việt như Phỏng vấn Phidel, Tìm về chân lý; dịch và xuất bản cuốn Bác Hồ với Ấn Độ từ tiếng Việt sang tiếng Anh...

Đối với các hình thức hợp tác khác thì hiện tại theo quy định, chưa áp dụng đối với hoạt động xuất bản.

Theo số liệu thống kê của Tiki và Vinabook, năm 2012 tỉ trọng doanh số bán ra khoảng 65% các nhà sách tư nhân và 35% từ các nhà xuất bản, năm 2013 là khoảng 75/25 và đến năm 2014 là 80/20. Với sự tham gia ngày càng lớn của các đơn vị tư nhân, theo ông, có thể có cơ chế thành lập các nhà xuất bản tư nhân không? Nếu có thì cần các điều kiện đi kèm như thế nào?

- Việc thực hiện liên kết xuất bản nhằm huy động được nhiều nguồn lực để đầu tư cho hoạt động xuất bản là một chủ trương đúng đắn, đã tạo nên một diện mạo mới cho ngành xuất bản. Nhiều bộ sách có giá trị được các đối tác tư nhân liên kết với các nhà xuất bản để xuất bản và phát hành, được đông đảo bạn đọc đón nhận.

Tuy nhiên, Nhà nước không cho phép thành lập nhà xuất bản tư nhân. Điều này đã quy định rất rõ tại Luật xuất bản 2012. Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước cũng quy định nhà xuất bản là đối tượng thuộc sở hữu 100% của Nhà nước, không có nhà xuất bản tư nhân hoặc cổ phần hóa.

Dư luận đề cập nhiều đến các hiện tượng sách có nội dung nhảm nhí, phản giáo dục, sai sót về nội dung kiến thức. Xin ông cho biết công tác kiểm duyệt được triển khai như thế nào?

- Theo quy định của Luật xuất bản, giám đốc, tổng biên tập nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung xuất bản phẩm của nhà xuất bản.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản, cục đã áp dụng các biện pháp nhằm chấn chỉnh hoạt động xuất bản, ngăn chặn tối đa hiện tượng sách có nội dung nhảm nhí, phản giáo dục, sai sót về nội dung kiến thức, sách in lậu, làm giả.

Đối với các cuốn sách có nội dung vi phạm, nhảm nhí, phản giáo dục hay sai sót về kiến thức..., cục đã áp dụng các biện pháp xử lý khác nhau căn cứ mức độ, tính chất, nội dung vi phạm.

Trong năm 2015, cục đã xử lý 128 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung (sai sót về sự kiện, thời gian, nhân vật lịch sử; nội dung sách có những nhận định, đánh giá về hiện thực xã hội phiến diện, chủ quan, không chính xác hoặc chưa được kiểm chứng; nội dung dung tục, phản cảm, phi giáo dục, không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam; thể hiện không đúng và không đầy đủ chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia Việt Nam...).

Chúng tôi đã ban hành một số văn bản yêu cầu rà soát quy trình, chấn chỉnh liên kết xuất bản, trách nhiệm đọc duyệt ký quyết định xuất bản, quyết định phát hành. Đặc biệt lưu ý đối với một số mảng sách hay xảy ra vi phạm như từ điển, sách thiếu nhi, sách tham khảo cho học sinh các cấp, sách sử dụng bản đồ Việt Nam, sách về tâm linh, phong thủy...

Những năm qua, hoạt động in lậu, in giả, in nối bản trái phép (gọi chung là in lậu) diễn ra với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp. Ngoài hoàn thiện cơ chế quản lý hoạt động in, cục đã tham mưu để Bộ Thông tin - truyền thông kiện toàn đoàn liên ngành phòng chống in lậu trung ương với sự tham gia của Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch..., đồng thời hướng dẫn các địa phương thành lập đội liên ngành phòng chống in lậu.

Tuy công tác này đã thu được một số kết quả nhất định, nhưng các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương gặp không ít khó khăn, trong đó có nguyên nhân là chế tài xử lý đối với những hành vi này chưa đủ sức răn đe nên chưa ngăn ngừa được tình trạng trên.

Vì thế, cục đã tham mưu để sửa đổi, bổ sung chế tài xử phạt hành chính tại nghị định số 159/2013/NĐ-CP và tham mưu để các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu bổ sung hành vi xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm lậu như đối với hành vi sản xuất và tiêu thụ hàng giả trong Bộ luật hình sự.

Để công tác phòng chống in lậu đạt hiệu quả hơn, không chỉ là trách nhiệm riêng của Cục Xuất bản, in và phát hành mà cần sự phối hợp chặt chẽ của 63 sở thông tin - truyền thông trong cả nước, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý thị trường, an ninh văn hóa... Cả bạn đọc cũng cần phải nói không với việc mua sách giả, sách lậu.

Cần hiểu như thế nào với quy định về chứng chỉ hành nghề của biên tập biên các nhà xuất bản? Vậy có quy định về chứng chỉ hành nghề cho các biên tập viên chuyên gia đối với các dòng sách khoa học, sách tham khảo chuyên môn không?

- Luật xuất bản 2012 đã có những nội dung quy định chặt chẽ hơn về vai trò, trách nhiệm, tiêu chuẩn của biên tập viên, tổng biên tập, giám đốc nhà xuất bản. Những quy định trên đảm bảo quản lý chặt chẽ và nghiêm minh hơn đối với biên tập viên, những người trực tiếp thực hiện khâu quan trọng của quy trình xuất bản, đồng thời hạn chế việc buông lỏng trách nhiệm, để xảy ra sai phạm về nội dung.

Mặt khác, chứng chỉ hành nghề biên tập còn giúp cho việc bảo toàn đội ngũ biên tập viên trong hoàn cảnh nguồn nhân lực biên tập đang rất thiếu và có phần yếu như hiện nay.

Luật xuất bản không ban hành quy định riêng về chứng chỉ hành nghề cho các biên tập viên chuyên gia đối với dòng sách khoa học, sách tham khảo chuyên môn. Các nhà xuất bản có chức năng biên tập loại sách này phải xây dựng đội ngũ biên tập viên và cộng tác viên có năng lực chuyên môn, trình độ kiến thức chuyên ngành phù hợp.

Nhiệm vụ này thuộc về trách nhiệm của lãnh đạo nhà xuất bản. Những nhà xuất bản không đủ số lượng biên tập viên cơ hữu (năm người) là thiếu một trong những điều kiện hoạt động của nhà xuất bản nên sẽ không được xét cấp đổi giấy phép thành lập. Những biên tập viên chưa tham gia lớp học và chưa được cấp chứng chỉ hành nghề biên tập cũng không được biên tập và đứng tên trên xuất bản phẩm.■

Năm 2015, Bộ Thông tin - truyền thông trình Chính phủ phê duyệt các đề án:

- Đề án “Giải thưởng sách quốc gia”.

- Đề án “Khôi phục, duy trì và phát triển mạng lưới phát hành xuất bản phẩm cấp huyện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.

- Đề án “Quảng bá xuất bản phẩm Việt Nam ra nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020”.

- Đề án “Chương trình sách quốc gia giai đoạn 2016-2020”.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận