Những hàng rào mới - Thất bại của toàn cầu hóa quyền lực

LƯU VĨ LÂN 15/11/2015 17:11 GMT+7

TTCT - Từ bao giờ con người có ý định xây tường rào để chia cắt nhau? Vạn Lý Trường Thành để ngăn quân Mông Cổ vào Trung Nguyên; bức tường Berlin chia đôi Đông - Tây… Những tưởng đó là chuyện xưa cũ, nhưng dường như càng văn minh, càng kêu gọi hội nhập, người ta lại càng xây tường rào nhiều hơn, mà gần đây nhất là hàng rào của Hungary xây tháng 6-2015 giáp giới Serbia, Croatia trong cuộc khủng hoảng người nhập cư. Thấy gì từ những hàng rào mới này?

Lưu Nguyên Sa
Lưu Nguyên Sa

Năm 1989 bức tường Berlin được dỡ bỏ, rồi năm 1993 Liên minh châu Âu bỏ biên giới giữa tất cả các nước thành viên. Năm 1994, Mỹ, Canada, Mexico cho thông thương biên giới dễ dàng theo Hiệp ước tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA)..., người ta tuyên bố về một thế giới phẳng, một thế giới đồng nhất. Nhưng rồi cuộc khủng bố 11-9-2001 nổ ra, tâm trạng đó thay đổi...

Thế giới phẳng chằng chịt những hàng rào

Ngày 15-11-2006, Saudi Arabia tuyên bố sẽ xây một hàng rào an ninh dọc biên giới Iraq để ngăn các phần tử Hồi giáo xâm nhập. Hàng rào dài 900km, chi phí 12 tỉ đôla. Thật ra, đất nước này có không phải một mà đến hai bức tường ngăn cách, một ở phía bắc với Iraq và một ở phía nam với Yemen.

Cũng trong năm ấy có khá nhiều bức tường được dựng lên. Nổi tiếng nhất trong số này là bức tường ngăn cách Mỹ với Mexico. Bằng đạo luật H.R.6061 được tổng thống Bush phê chuẩn ngày 26-10-2006, nước Mỹ quyết định bỏ ra 1,2 tỉ đôla xây dựng một hàng rào dài 1.125km trên toàn tuyến biên giới dài 3.360km giữa hai nước để ngăn chặn làn sóng nhập cư bất hợp pháp từ Mỹ Latin vào Hoa Kỳ.

Cũng trong tháng 10-2006, Trung Quốc đã quyết định xây dựng hàng rào an ninh với CHDCND Triều Tiên. Còn Iraq thì lên kế hoạch xây dựng hàng rào quanh Baghdad để ngăn chặn quân nổi dậy xâm nhập...

Đến năm 2013, một thống kê của Đại học Quebec (Canada) cho thấy có hơn 50 hàng rào ngăn chia biên giới như vậy, tổng chiều dài hơn 29.000km, nếu trải ra sẽ bằng 2/3 chu vi của Trái đất. Năm 2003, Botswana xây một hàng rào dài 500km ngăn cách với Zimbabwe với lý do ngăn chặn dịch lở mồm long móng do gia súc đưa vào.

Nhưng Zimbabwe thì cho rằng ngăn gia súc mà hàng rào quá cao (cao hơn đầu người) như thế xem ra là lời giải thích không ổn. Brunei đã có 20km hàng rào ngăn với vùng Limbang để chặn người nhập cư.

Rồi đảo Cyprus từ năm 1974 đã có 300km rào ngăn đôi phần Cyprus thuộc Thổ Nhĩ Kỳ và Cyprus thuộc Hi Lạp. Ai Cập, để bảo vệ vùng du lịch nổi tiếng Sharm el-Sheikh nằm trên biển Đỏ phía nam tận cùng bán đảo Sinai khỏi khủng bố, cũng đã tạo ra một bức tường rào an ninh. Israel với một hàng rào dài 650km để ngăn hẳn với người Palestine vẫn đang gây tranh luận tại Liên Hiệp Quốc.

Hàn Quốc có hàng rào lâu đời ở vùng phi quân sự Bàn Môn Điếm. Morocco từ năm 1983 đã xây tường dài 2.720km ngăn hẳn với sa mạc Sahara để chặn phiến quân của mặt trận Polisario. Bắc Ireland là hàng rào ngăn hai cộng đồng Cơ Đốc và Tin Lành ở Belfast. Bức tường giữa Pakistan và Ấn Độ dài 2.308km, giữa Ấn Độ và Bangladesh dài 4.096km...

DW
Những cặp mắt vô vọng, chẳng biết tương lai ra sao (DW)

“Tai họa tập thể” và sự bất lực của toàn cầu hóa

Chúng ta khó mà phán xét đúng sai của từng bức tường đang được dựng lên ấy, chỉ biết hình ảnh đó cho thấy thế giới của chúng ta đang bị căng kéo dữ dội. Nhân loại đang ngày càng mất tự tin sau những hân hoan ban đầu về toàn cầu hóa, về sự thịnh vượng do nó mang lại và về một thế giới hài hòa không còn đối kháng.

Chính sự xuất hiện những hàng rào mới cạnh những hàng rào cũ đã phản bác điều ấy: thế giới giàu có hơn nhưng sự chênh lệch giàu nghèo tăng cao, lòng khoan dung ngày càng mất đi. Không còn đối đầu Đông - Tây thì có đụng đầu của các nền văn minh: Hồi giáo và phương Tây, khủng bố, đối kháng sắc tộc, tranh giành lãnh thổ...

Từ năm 1996, hai cây bút chính trị người Pháp gốc Ai Cập Bahgat Elnadi và Adel Rifaat làm việc cho UNESCO đã chỉ ra nguyên nhân chính khiến những người bỏ xứ ra đi hàng loạt - tác nhân trực tiếp để các hàng rào được dựng lên: “Đoàn người lưu vong thường diễn ra dưới hình thức một “tai họa tập thể”, khi mà sau một cuộc chiến không cân sức..., người chiến thắng cắt đứt toàn bộ mối liên hệ liên tục của những người này với quá khứ, giam hãm họ trong một hoàn cảnh sống tồi tệ mất hết bản sắc tâm lý!”.

“...Không phải mọi người đều nhận được ưu đãi bởi con sóng thần toàn cầu hóa hiện nay. Còn lâu mới được như vậy. Chỉ có một số rất ít nắm được quyền lực, các quyền tự do và phương tiện truyền thông lớn chưa từng có trong lịch sử. Còn hàng trăm triệu đàn ông, đàn bà dần dần bị đuổi khỏi quê hương, bản quán do lụn bại về kinh tế, bị đe dọa vì chính trị hoặc chiến tranh, sẽ bị xô đẩy đến các trung tâm phát triển xa hoặc gần bất chấp ý muốn của họ”.

Hai mươi năm sau, nhận xét đó vẫn ứng nghiệm. Hàng đoàn người của một vùng đất gồm nhiều quốc gia Afghanistan, Iraq, Syria... lũ lượt kéo nhau vào châu Âu vì chiến tranh; cả một chủng tộc những người Hồi giáo Rohingya rời khỏi Myanmar vì tranh chấp sắc tộc; cả một dân tộc Palestine bị nhốt trong hàng rào ở bờ tây sông Jordan; hàng chục triệu người Mexico (có lúc đến 50.000 trẻ em Mexico đi một mình) tràn vào Mỹ để kiếm sống...

Thế mà chúng ta cứ đinh ninh rằng kiểu “tai họa tập thể” như thế chỉ diễn ra trong nạn diệt chủng Do Thái của Hitler hay Khmer Đỏ thời xa xôi, chứ không thể tồn tại giữa ánh huy hoàng của toàn cầu hóa thế này!

Như vậy, thế kỷ 21, “thời của sự to lớn” vì cái gì cũng tập trung lại: thị trường toàn cầu, thông tin toàn cầu, ngôi làng toàn cầu, quyền lực toàn cầu, can dự toàn cầu..., đồng thời cũng đã tạo ra các kiểu “tai họa tập thể” quy mô toàn cầu như đang thấy: một cuộc chiến kéo dài 15 năm tạo ra khủng hoảng đan xen giữa chiến tranh, khủng bố, vùng cấm bay, oanh kích, di cư... bao trùm cả một vùng đất chiếm gần một nửa trái đất, từ Nam Á qua Trung Cận Đông, vươn tới Bắc Phi và nay đang tỏa ra gần hết châu Âu.

Người tị nạn tụ tập tại cửa khẩu biên giới Áo ở Sentilj, Slovenia cuối tháng 10 -Corbis
Người tị nạn tụ tập tại cửa khẩu biên giới Áo ở Sentilj, Slovenia cuối tháng 10 -Corbis

Những nền văn minh lớn bị bao vây

Theo dõi đoàn người từ Trung Cận Đông lếch thếch đi bộ đến châu Âu từ mùa hè cho đến khi vào thu, đông tuyết bắt đầu rơi, người ta không khỏi ngậm ngùi tự hỏi: Tại sao những dân tộc ở nơi xuất xứ của nền văn minh nhân loại, với nào là Babylon, văn minh Lưỡng Hà, đế quốc Syria cường thịnh từ thời cổ đại... nay bị đẩy vào hoàn cảnh như vậy?

Mà tại vùng đất này, đầu thiên niên kỷ thứ hai khi văn minh Hồi giáo và Ả Rập đang cực thịnh thì châu Âu và phương Tây vẫn còn chìm trong mông muội.

Sự thăng trầm của lịch sử là điều đương nhiên, nhưng dường như một thế giới toàn cầu hóa theo ý niệm của văn minh phương Tây mà chúng ta đang chịu ảnh hưởng đã quá kiêu ngạo hoặc quá bất lực khi không chấp nhận các nền văn minh khác cùng tồn tại, đồng đẳng.

Như thế, xem ra 29.000 cây số hàng rào ngăn cách đó thật ra chỉ phản ánh một hàng rào duy nhất, đó là hàng rào vô hình được xây trong não trạng, trong tâm hồn con người. Những hàng rào thể hiện sự kiêu ngạo, thiếu tôn trọng và càng ít cố gắng hơn để hiểu, để chấp nhận những con người khác mình, những nền văn hóa khác mình. 

Ngoài làn sóng di cư hiện đại mà một nguyên nhân gần là do cuộc chiến của phương Tây ở Afghanistan, Iraq, Libya, Syria, ta còn thấy một Iran vốn là đế quốc Ba Tư văn minh của thời cận - trung đại nay cũng đang bị vây hãm kinh tế, một đế quốc Nga huy hoàng của văn minh Slave nay đang bị cấm vận thô thiển...

Dường như các chính khách của những cường quốc phương Tây quá say sưa với ảnh hưởng toàn cầu của mình mà quên mất cách hành xử khéo léo tôn trọng đối phương như các bậc tiền bối của họ.

Hãy đọc lại hồi ký của Robert Kennedy, em trai tổng thống Kennedy, trong cuộc khủng hoảng tên lửa hồi năm 1963, thuật lại kiểu hành xử tôn trọng đối phương của tổng thống Mỹ, luôn tìm cách hiểu họ để không có sự nhầm lẫn nào đưa đến một cuộc thế chiến trong câu nói: “Hãy thử xỏ chân mình vào đôi giày của họ”.

Rồi những năm 1990, khi Liên Xô sụp đổ, tổng thống Bush cha đã cẩn thận chỉ đạo từng thái độ của chính quyền Mỹ, không ăn mừng, không tuyên bố, tổ chức gì cả..., vì ông biết rõ cường quốc nguyên tử đó đang trải qua một cuộc chuyển hóa đau đớn và đừng có chọc giận.

Hồi năm 1998, có một cuộc gặp gỡ thượng đỉnh giữa tổng thống Nga Boris Yeltsin ốm yếu suy kiệt vì mổ tim với tổng thống Clinton đi xe lăn vì bị trật mắt cá chân khi chạy bộ. Người ta đồn rằng ông Clinton trẻ trung khỏe mạnh của nước Mỹ đã phải giả vờ tạo ra “sự cố cái chân gãy” để giữ thể diện cho ông Yeltsin già yếu.

Vì thế nên Ante Popovski, một nhà thơ lưu vong người Macedonia mới khóc than: “Khi con thuyền cập bến thế giới mới... Người ta hỏi anh mang theo cái gì. Anh ta mở bọc quần áo và giơ ra một nắm đất. Người ta giằng lấy nó và hòn đất vỡ tan tành. Anh ta khóc. Đó là tổ quốc tôi, anh ta nói. Và suốt đêm, anh ta nhặt nhạnh từng mảnh vụn, từng hạt!”.

Dựng rào ngay lập tức, nếu cần!

Nước cộng hòa nhỏ trong EU Slovenia là một trong những quốc gia mới nhất cho biết đang cân nhắc xây hàng rào biên giới sau khi hơn 110.000 người tị nạn và di trú tràn qua biên giới nước này chỉ trong hai tuần cuối tháng 10.

Số người này tương đương 5% dân số Slovenia và gấp 20 lần lực lượng cảnh sát đất nước. Những trại tị nạn được lập nên để cung cấp chỗ ở và thực phẩm đã không đương đầu nổi khi số người mới tới nhiều gấp 10 lần dự tính. Thủ tướng Miro Cerar thẳng thắn: “Nếu cần, chúng tôi sẽ dựng hàng rào ngay lập tức”.

Trước đó, Hungary, nước nằm trên trục đường di cư chính của người tị nạn, quyết liệt chống kế hoạch hạn ngạch bắt buộc nhận người nhập cư, đã dựng hàng rào khóa biên giới với Serbia và Croatia. Động thái này đã lái dòng người tị nạn vào Slovenia. Bulgaria, Romania và Serbia cũng cảnh báo sẽ đóng cửa biên giới nếu những nước khác dựng rào, vì lo ngại hàng triệu người tị nạn chuyển hướng về nước họ. Riêng Bulgaria đã dựng rào cách ngăn biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. (The Guardian)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận