​Vì một mùa thống nhất nhiều yêu thương hơn

PHẠM VŨ 02/05/2015 19:05 GMT+7

Xuất hiện giữa những loạt sách sử liệu về ngày 30-4, Sài Gòn: Sự kiện và đối thoại của một gia đình mà tác giả là bốn thành viên gia đình kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái vừa mang những trải nghiệm trong tư cách nhân chứng của người trong cuộc, vừa chất chứa những đòi hỏi, tìm tòi về sự thật, bản chất lịch sử của thế hệ lớn lên sau chiến tranh, và cả những tâm tư, suy nghiệm về hòa hợp, hòa giải.

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái. (Ảnh tư liệu trích từ cuốn sách)

Chỉ 160 trang sách, sắc thái hiện đại với tâm điểm là những cuộc đối thoại cha, mẹ - con, những tấm ảnh, những trích đoạn hồi ức, nghiên cứu, câu chuyện của người trong cuộc từ cả “bên này” lẫn “bên kia”, câu chuyện xoay quanh buổi sáng ngày 30-4, nhân chứng lịch sử Nguyễn Hữu Thái và gia đình, bạn bè ông, nhưng cuốn sách đặt ra những vấn đề của 40 năm đã qua và nhiều năm sắp tới.

Tiếp tục một hành trình

KTS Nguyễn Hữu Thái nguyên là chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963-1964). Ông nghiên cứu Việt Nam học, thỉnh giảng tại Tây Âu, Bắc Mỹ và Việt Nam, là một trong những người lãnh đạo sinh viên hoạt động tích cực trong phong trào đấu tranh đô thị miền Nam từ năm 1963-1975. 

Trước cuốn sách này, ông đã có hai cuốn sách khác: Chuyện ít biết về ngày giải phóng Sài Gòn 30-4-1975 và Hành trình của một sinh viên Sài Gòn từ chiến tranh đến hòa bình. Câu chuyện về cuộc đời và hành trình trở thành nhân chứng lịch sử của ông đã được thể hiện rất chi tiết trong đó. Điều gì thôi thúc ông tiếp tục với cuốn sách này?

- Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái: Cuốn sách này là do Thiên Nga - con gái tôi - chủ động thực hiện. Tham gia cuốn sách của con, tôi tiếp tục viết về những lý tưởng, mục đích mà mình đã đi theo từ thời sinh viên: hòa bình cho dân tộc, thống nhất cho đất nước, hòa hợp cho lòng người.

Gia đình ông Thái (từ trái qua: anh Nguyễn Hữu Thái Hòa, ông Nguyễn Hữu Thái, bà Trần Tuyết Hoa, chị Nguyễn Hữu Thiên Nga) .Ảnh tư liệu trích từ cuốn sách

Thế hệ chúng tôi, nhiều người đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh vì lý tưởng đó, nhiều người đã mất đi sau hòa bình mà vẫn chưa được thấy mục đích đời mình thành sự thật. 30-4-1975 là một dấu mốc lịch sử của thống nhất lãnh thổ, còn mục đích, lý tưởng của chúng ta vẫn còn cần một hành trình dài.

Trong sách có rất nhiều trang viết về những giằng co trong gia đình, khi mà người theo cộng sản, người theo cộng hòa, kể cả trong chiến tranh cho đến khi hòa bình. Có chân dung những nhân vật tiêu biểu trong ngày 30-4 của cả hai phía mà ông đều thân thiết, gần gũi. Tôi hiểu những mong muốn hòa hợp, hòa giải dân tộc trong ông xuất phát từ chính bản thân, có phải vì vậy mà ông đã đóng vai trò của lực lượng thứ ba trong sự kiện 30-4 và tiếp tục theo đuổi vai trò này đến hôm nay?

- Đó là mong muốn của tất cả thế hệ chúng tôi, và thế hệ con cháu tôi sau này nữa. Đó cũng là lý do vì sao dù được coi là lực lượng thứ ba nhưng những hoạt động của tôi ngả theo con đường của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam: vì Mặt trận chủ trương hòa bình, trung lập.

Những gia đình ở miền Nam, ở Sài Gòn bị chia rẽ như gia đình tôi và vợ tôi là rất nhiều. Ngày 30-4, khi đến đài phát thanh làm người dẫn chương trình để tổng thống Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh nói lời đầu hàng, sau tuyên bố của chính ủy Bùi Văn Tùng, chúng tôi đã cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát bài Nối vòng tay lớn với tất cả khát khao của bao nhiêu năm. Buổi phát thanh ấy cũng đã níu lại được nhiều người lúc bấy giờ đang trên đường bỏ đi.

Thế nhưng sau ngày 30-4, nhiều chủ trương, chính sách đã phản tác dụng với tiến trình hòa hợp, hòa giải, nhiều anh em gặp tôi đã buông lời oán trách. Tôi buồn, nhưng không cho phép mình thất vọng. Tôi thấy mình có trách nhiệm và tôi tiếp tục làm việc vì trách nhiệm ấy.

Không chỉ viết sách, báo xuất bản trong nước, ông còn thực hiện công trình nghiên cứu về hòa hợp, hòa giải ở nước ngoài (“Hòa giải dân tộc: nhận thức và hiện thực” - Nguyễn Hữu Thái - Trung tâm William Joiner, ĐH Massachusetts Boston, Hoa Kỳ - PV). Ngoài mong muốn cung cấp cái nhìn khách quan về lịch sử, ông và gia đình còn mong muốn điều gì để thúc đẩy tiến trình này?

- Ngay từ những ngày chưa có hòa bình, câu chuyện hòa hợp, hòa giải đã được thảo luận rất nhiều, sau này dường như chưa được thống nhất quan điểm và kẹt về giải pháp. Tôi mong và rất mong Nhà nước Việt Nam nên chủ động hơn, dũng cảm hơn để vượt qua chính mình, có những chính sách chân thành hơn, cụ thể hơn với từng nhóm đối tượng cả trong và ngoài nước.

Ngoài chuyện chung thì có chuyện riêng. Trước khi đưa gia đình đi định cư tại Canada theo diện bảo lãnh, tôi đã xác định là sẽ trở về. Bởi bản thân mình không thể rời xa Việt Nam, và còn bởi tôi muốn mình làm một cái neo cho con cháu còn khái niệm quê hương mà tìm về nguồn cội.

Vì vậy, từ câu chuyện của mình và gia đình, tôi mong hơn hết ngày mọi người Việt trở lại với nhau chung một mái nhà, chung một mục đích vì đất nước, không thiên kiến, không phân biệt.

Trưởng thành một tình yêu

Vậy còn với Thiên Nga, vì sao chị cũng gánh lấy gánh nặng tiếp cận, tìm hiểu lại những câu chuyện trong lịch sử, nó có vai trò thế nào trong cuộc đời chị?

- Chị Nguyễn Hữu Thiên Nga: Tôi sinh ra trong chiến tranh và lớn lên trong hòa bình, sau này lại có may mắn được đi lại, sinh sống, làm việc ở nhiều nơi trên thế giới. Tự nhiên trong tôi nảy sinh những so sánh, thắc mắc.

Giữa những bài học về lịch sử thường rất nặng nề, khô khan mà tôi học được ở trường trung học và những câu chuyện về cuộc đời của ba má tôi và bạn bè của họ là những người trực tiếp hoạt động, chứng kiến lịch sử có những độ chênh nhất định. Hồi nhỏ ở khu cư xá Bắc Hải, đám con nít Bắc - Nam cứ cãi nhau, chọc ghẹo, đánh nhau hoài.

Rồi những mâu thuẫn, tranh cãi ngay trong gia đình nội ngoại của mình, trong gia đình của các cô chú bạn bè ba má mà sau này tôi được biết. Rồi cả những phân biệt đối xử mà bản thân tôi và anh trai đã gặp phải. Ra nước ngoài, trò chuyện với bạn bè quốc tế về Việt Nam, họ lại có những cái nhìn rất thiên lệch... Những câu hỏi “tại sao?” cứ lớn dần và những câu trả lời lúc thì lờ mờ, lúc lại đậm nét trong tôi.

Vậy nên, dù đang hoạt động kinh doanh, giới thiệu văn hóa nghệ thuật, tôi ấp ủ việc viết sách. Tôi ghi lại những đoạn đối thoại với cha, mẹ mình, những câu hỏi - trả lời như cách tiếp cận lịch sử của một đứa trẻ, mong muốn giới trẻ và bạn bè mình ở nước ngoài có một cái nhìn rõ ràng hơn, cách hiểu trung dung hơn về người Sài Gòn, người Việt Nam. Đây là cuốn sách mà tôi ước mình đã được đọc khi còn trẻ.

Trò chuyện là một cách tìm hiểu, ghi lại là một cách chiêm nghiệm. Sau khi hoàn thành cuốn sách này, chị có thấy mình thay đổi gì trong cách nhìn, cách nghĩ, cách làm, dự định của mình không?

- Tôi lớn lên ở Việt Nam, nói tiếng Việt giỏi, phong cách cũng xuề xòa, nhưng vài năm nay khi thật sự bắt tay vào công việc để ở lại Việt Nam, nhiều lúc vẫn thấy mình lạc lõng, mệt mỏi, muốn buông xuôi... Tôi còn cố gắng ở đây là vì có ba má đã quyết lòng ở lại Việt Nam.

Ấp ủ cuốn sách này đã mấy năm nhưng từ hai tháng nay chúng tôi mới chạy đua, viết và tập hợp tư liệu để hoàn thành. Đúng là ngồi lại và viết ra, đọc lại mới thấm thía hơn tình yêu của ba má với Việt Nam, những gắn bó máu thịt không thể nào rời xa với đất nước.

Tình yêu với Việt Nam của tôi cũng trưởng thành hơn, vững vàng hơn, không còn bị tác động bởi những tuyên truyền phi sự thật và những khó khăn mà tôi đã và đang gặp phải ở đây.

Chị có dự định nào khác sau cuốn sách này?

- Tôi dự định sẽ tiếp tục dịch sách ra nhiều thứ tiếng khác: Anh, Pháp, Nhật và cũng đã nghĩ đến một cuốn sách nữa, đề cập thật khách quan đến những sự kiện đã xảy ra tại Việt Nam sau hòa bình mà khi đó chính tôi cũng là một nhân chứng. Tôi mong những cuốn sách dạng nhìn lịch sử cận cảnh qua nhân vật, câu chuyện, cuộc đời như vậy sẽ đến được với nhiều bạn trẻ, nhất là những bạn trẻ người Việt được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài.

Bản thân cuộc sống của một công dân quốc tế đã rất ít khái niệm về quê hương, nhìn về Việt Nam, họ lại nghe, đọc nhiều thông tin tiêu cực. Nhưng nhiều bạn sau một lần đến Việt Nam du lịch đã bắt đầu thay đổi những suy nghĩ, cái nhìn đen tối. Họ trẻ, rất giỏi, năng động, rất khát khao được đóng góp.

Nếu họ hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam, nếu chính sách ở Việt Nam cởi mở hơn, tình cảm ở Việt Nam nồng ấm hơn, tôi tin họ sẽ đến Việt Nam để làm việc, và dần dần cũng sẽ coi Việt Nam là một chốn để quay về và cống hiến khả năng của mình.

Tôi nghĩ đất nước mình, người dân mình xứng đáng có được một mùa hòa bình, thống nhất nhiều yêu thương hơn. Mục đích đó có thể là quá lớn so với cuốn sách nhỏ này, nhưng chính là điều tôi nghĩ đến khi bắt tay thực hiện nó.

Hai người lính từ hai bên chiến tuyến tại vùng giáp ranh Quảng Trị năm 1973. Đây là một trong những bức ảnh hiếm hoi về những người lính hai chiến tuyến trên chiến trường chụp chung với nhau. Ảnh:Chu Chí Thành (ttxvn)

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận