​Cổ phần hóa bệnh viện, tiến hay lùi?

LAN ANH 24/04/2015 21:04 GMT+7

Cổ phần hóa bệnh viện công, một biện pháp thay đổi mô hình hoạt động, đa dạng hóa chủ sở hữu, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ. Câu chuyện sôi động cách đây mười năm nay được khơi lại với nhiều ý kiến trái chiều.

Bệnh nhân nằm điều trị tại khoa nội, Bệnh viện Giao thông vận tải trung ương - Ảnh: Nguyễn Khánh

Bệnh viện Giao thông vận tải T.Ư (viết tắt là BVGTVT), bệnh viện công đầu tiên đã hoàn thành phương án cổ phần hóa (CPH) đến nay đã hoàn tất phương án, chuẩn bị trình lên Thủ tướng và các bộ liên quan xem xét.

Là đơn vị y tế trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, dù có cả thiên thời - dịch vụ y tế cung không kịp cầu, địa lợi - nằm ở vị trí đắc địa ngay trung tâm Hà Nội, với khoảng 450 cán bộ y tế, nhưng công suất giường bệnh của bệnh viện này chỉ đạt khoảng 60%, hình ảnh trái ngược so với tình trạng quá tải triền miên của các bệnh viện tuyến T.Ư khác ở Hà Nội.

GIÁ TRỊ BỆNH VIỆN, TÍNH CHƯA RA

Điều quan trọng nhất trong quá trình CPH các đơn vị nhà nước là khi định giá, các công ty tư vấn khó tìm thấy cơ sở để tính giá trị thương hiệu, giá đất (mặt bằng) ngay tại vị trí đơn vị đặt trụ sở cũng luôn là vấn đề. Câu chuyện này không là ngoại lệ đối với BVGTVT.

Ông Lê Tuyên Hồng Dương - phó giám đốc BVGTVT - cho biết theo phương án đã được tính toán, giá trị phần cơ sở vật chất hiện tại của bệnh viện là 160 tỉ đồng, sau khi tòa nhà mới xây với quy mô 200 giường bệnh hoàn thành, tổng giá trị cơ sở vật chất của bệnh viện nâng lên được khoảng 450 tỉ đồng.

Giá trị này chưa bao gồm mặt bằng vì dự tính sau khi CPH, bệnh viện sẽ thuê mặt bằng của Nhà nước (vị trí hiện tại). Điều đáng nói là đơn vị tư vấn CPH chưa tính được giá trị thương hiệu của bệnh viện.

NHÀ ĐẦU TƯ CHIẾN LƯỢC CÓ THỂ GIỮ 51% CỔ PHẦN BỆNH VIỆN 

Theo nghị quyết đại hội đại biểu người lao động bất thường Bệnh viện Giao thông vận tải T.Ư cuối tháng 3 vừa qua, trong số 459 người lao động hiện nay có 334 người đăng ký mua cổ phần theo cam kết làm việc lâu dài tại công ty cổ phần. Tổng số cổ phần người lao động đăng ký mua là gần 1,2 triệu cổ phần. Tổng số cổ phần dự kiến bán cho nhà đầu tư chiến lược là trên 5 triệu cổ phần, tương ứng 30% vốn điều lệ. Nhà nước sẽ nắm 30% cổ phần trong công ty, số còn lại sẽ thực hiện bán đấu giá cổ phần. 

Tuy nhiên trong trường hợp chọn được nhà đầu tư chiến lược có năng lực tốt, có cam kết và chiến lược cụ thể về việc nâng chất lượng khám chữa bệnh sẽ kiến nghị giảm số cổ phần đấu giá công khai để tăng cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược ở mức tối đa bằng 51% vốn điều lệ.

“Hiện nay có bốn nhà đầu tư đang có ý định mua cổ phần và trở thành nhà đầu tư chiến lược của bệnh viện, trong đó có một tập đoàn của Singapore. Tập đoàn này đã có kinh nghiệm quản lý bệnh viện ở Singapore và Malaysia, đồng thời có tiềm năng tài chính.

Ngoài ra, có ba đơn vị trong nước, trong đó có Tập đoàn T&T và các đơn vị đã và đang đầu tư vào y tế, nhưng mới chỉ đầu tư ở mức độ phòng khám...” - ông Dương cho biết. Cũng theo ông Dương, bệnh viện cần nhất ở nhà đầu tư chiến lược là năng lực quản lý, điều hành bệnh viện.

Theo nghị quyết hội nghị đại biểu người lao động bất thường của BVGTVT cuối tháng 3 vừa qua, bác sĩ, y tá, hộ lý, người lao động của bệnh viện này đều có thể đăng ký mua cổ phần và trở thành “đồng chủ nhân” bệnh viện.

Trong gần 460 cán bộ bệnh viện tính đến thời điểm này, có gần 430 người được mua cổ phần ưu đãi giảm giá (với giá bán bằng 60% giá bán cho nhà đầu tư chiến lược), ngoài ra các bác sĩ, y tá của bệnh viện có thể đăng ký mua thêm cổ phần với giá bán là giá thành công thấp nhất cho nhà đầu tư chiến lược (dự kiến là 10.000 đồng/cổ phần).

Bộ chủ quản của BVGTVT dường như rất sốt sắng với kế hoạch CPH bệnh viện này, rất có thể việc CPH sẽ bắt đầu ngay cuối năm nay.

Theo ông Nguyễn Tiến Quyết - giám đốc Bệnh viện Việt Đức, khi tính toán giá trị bệnh viện, quan trọng nhất phải tính đến là thương hiệu bệnh viện, tiếp sau là các tiêu chí: trình độ cán bộ, sự phát triển khoa học và tiếp cận kỹ thuật y khoa trong bệnh viện, nguồn nhân lực và truyền thống bệnh viện, cơ sở vật chất hiện có của bệnh viện.

“Riêng Bệnh viện Việt Đức, giá trị thương hiệu phải gấp 10 lần so với vốn đầu tư, bởi phải mất cả trăm năm và nhiều thế hệ thầy thuốc mới có được một Bệnh viện Việt Đức hôm nay. Vấn đề giá trị đất đai và cơ sở vật chất cũng phải tính đến khi liên doanh liên kết. Điều kiện bắt buộc là nếu liên doanh liên kết thất bại, nhà cửa thuộc về đơn vị đầu tư nhưng đất đai phải thuộc về bệnh viện cũ, tức vẫn thuộc về Nhà nước” - ông Quyết nói.

MÔ HÌNH NÀO?

Nhìn ra các nước láng giềng ASEAN, bệnh viện cổ phần vẫn đang là mô hình hiệu quả, thu hút nhiều bệnh nhân nước ngoài, trong đó có cả bệnh nhân Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng trong điều kiện Nhà nước không đủ ngân sách đầu tư xây dựng bệnh viện, trang bị cơ sở vật chất hiện đại và thu hút bác sĩ, chuyên gia giỏi, CPH là giải pháp cần phải triển khai để thu hút nhà đầu tư chiến lược có kinh nghiệm quản lý bệnh viện, dùng thu nhập cao để lôi kéo nguồn nhân lực chất lượng cao... tạo điều kiện đổi mới hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Nhưng nhiều lần trao đổi với lãnh đạo Bộ Y tế về CPH bệnh viện, phóng viên TTCT nhận ra rằng một số lãnh đạo của Bộ Y tế không ủng hộ việc CPH bệnh viện công, thay vào đó là mô hình “công ra công, tư ra tư” trong bệnh viện.

Ở cấp độ nhà quản lý bệnh viện cũng có nhiều ý kiến khác. Theo ông Nguyễn Tiến Quyết, không nên CPH mà nên tổ chức bệnh viện theo hình thức công ra công, tư ra tư, trong đó công vẫn đóng vai trò chủ đạo trong nghiên cứu khoa học, đầu tư phát triển kỹ thuật, chữa trị các trường hợp bệnh nặng, chăm sóc sức khỏe người nghèo...

“Tôi cho rằng chủ trương của Chính phủ cho phép đổi mới tài chính y tế công, trong đó cho phép liên doanh liên kết là đúng trong giai đoạn hiện nay, nhưng về chuyên ngành thì các bệnh viện dù mô hình hoạt động nào cũng phải đặt dưới sự quản lý của Bộ Y tế” - ông Quyết nói.

Ngoài BVGTVT, hiện ngành giao thông còn có nhiều bệnh viện đặt rải rác ở Hà Nội, Huế, TP.HCM... với hiệu suất hoạt động “xìu xìu” như BVGTVT T.Ư, nên các bệnh viện này cũng nằm trong diện cần được CPH. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc rất nhiều vào tiến trình CPH ở BVGTVT.

Đổi mới hoạt động, đổi mới cơ chế tài chính của các bệnh viện công nhằm hình thành một mô hình hoạt động hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ của ngành y tế, tránh nửa vời, lẫn lộn giữa kinh doanh và phục vụ công ích là việc phải làm. Mô hình “công ra công, tư ra tư” trong một bệnh viện hay công ty cổ phần bệnh viện đều có những ưu điểm khuyết điểm, vấn đề quan trọng là quyết tâm đổi mới.

SẼ CÓ NHIỀU BỆNH VIỆN LIÊN DOANH, LIÊN KẾT

Đây là ý kiến của ông Nguyễn Nam Liên, vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Y tế, về câu chuyện cổ phần hóa (CPH) bệnh viện công và nhiều hình thức đổi mới tài chính bệnh viện mà Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện từ cuối năm 2014. Ông Liên nói:

- Với phương án CPH bệnh viện công, Thủ tướng đã cho phép và sẽ thông qua hội đồng CPH. Các bệnh viện công còn lại sắp tới sẽ hoạt động theo nhiều hình thức như: bệnh viện bảo đảm hoàn toàn chi phí thường xuyên, bệnh viện đảm bảo một phần chi thường xuyên; riêng nhóm bệnh viện lao, phong, tâm thần, kinh phí do Nhà nước đảm bảo nhưng thực hiện theo mô hình Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ.

Trước đây, các bệnh viện này được phân bổ kinh phí theo quy mô giường bệnh, tức là cấp kinh phí theo đầu vào, nhưng tới đây là tính trên kết quả đầu ra, tức là điều trị, khám, chữa được bao nhiêu bệnh nhân, mỗi bệnh nhân chi phí ra sao...

Thưa ông, mô hình mới này sẽ có gì khác so với hiện nay? Việc tính toán giá trị thương hiệu bệnh viện công như thế nào khi sắp tới sẽ có nhiều mô hình liên doanh, liên kết, CPH bệnh viện?

- Một số bệnh viện sẽ hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, tự làm và tự đảm bảo chi phí hoạt động. Có một nhóm bệnh viện như tôi nói ở trên là hoạt động theo cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ và đánh giá chất lượng khám chữa bệnh.

Nghị định 93 của Chính phủ giao bệnh viện và nhà đầu tư thương thảo giá trị thương hiệu bệnh viện trong liên doanh, và giá trị ấy được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đánh giá, xem xét, nhưng cơ bản nhất vẫn là hai bên thỏa thuận. Theo nghị định 85, Chính phủ giao Bộ Y tế, Bộ Tài chính có hướng dẫn về tính toán giá trị thương hiệu bệnh viện.

Ngoài mô hình CPH tại Bệnh viện Giao thông vận tải T.Ư, có mô hình liên doanh liên kết nào sắp được triển khai?

- Hiện nay có một số mô hình ở bệnh viện Việt Đức, Tai mũi họng T.Ư, Phụ sản T.Ư, T.Ư Huế đã và sắp đi vào hoạt động - là mô hình mới - theo hình thức bệnh viện vay vốn đầu tư. Bên cạnh đó có bệnh viện công ở Đồng Nai kết hợp với tư nhân triển khai mô hình liên kết, bệnh viện ở Nghệ An cũng đang xây dựng phương án...

Cái được của những mô hình mới này là các hình thức vay vốn đầu tư hoặc liên doanh liên kết giúp bệnh viện có cơ sở vật chất đầy đủ hơn phục vụ người bệnh. Theo lộ trình về giá dịch vụ y tế, trước năm 2016 kết cấu lương vào giá dịch vụ, năm 2018 sẽ tính thêm hai cấu phần giá dịch vụ y tế, lúc đó giá dịch vụ sẽ gồm 6/7 cấu phần, đến năm 2020 sẽ tính đầy đủ 7/7 cấu phần.

Nhưng các mô hình mới đầu tư bằng vay vốn hay liên doanh liên kết thì được phép tính đúng tính đủ giá dịch vụ từ thời điểm đi vào hoạt động. Những đơn vị nào đủ điều kiện cũng có thể áp dụng mức giá dịch vụ này trước lộ trình kể trên.

Với bệnh viện công, viện phí vẫn phải được cơ quan quản lý nhà nước giám sát. Tôi cho rằng những hình thức bệnh viện công vay vốn phát triển giống như mô hình ở Việt Đức, Phụ sản T.Ư sẽ không nhiều, mà nhiều hơn cả sẽ là mô hình liên kết công - tư.

LAN ANH thực hiện

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận