Việt Võ Đạo muốn vươn lên tầm thế giới

PHÁC THÀNH thực hiện 04/09/2004 23:09 GMT+7

TTCN - Năm 1970 nhận nhiệm vụ ra Qui Nhơn – Bình Định, võ sư Nguyễn Văn Chiếu đã làm được điều tưởng chừng không thể: phát triển môn Vovinam còn non trẻ ngay trên miền đất võ này.

Gặp gỡ võ sư Nguyễn Văn Chiếu:

Phóng to
Võ sư Nguyễn Văn Chiếu

Từ đây Vovinam phát triển dọc theo dải đất miền Trung, ngay trong lòng các đô thị Đà Nẵng, Pleiku, Tuy Hòa, Nha Trang, Cam Ranh...

Khi ấy ông chỉ vừa mới 20 tuổi. Sau năm 1975, ông là người khôi phục phong trào Việt Võ Đạo tại địa bàn Q.8, TP.HCM, đi từ không đến có, từ tự phát đến phát triển có tổ chức. Hiện ông là phó ban điều hành Vovinam Việt Võ Đạo VN kiêm trưởng ban chuyên môn; và là chủ tịch Hội Việt Võ Đạo TP.HCM. Ông cũng được bầu làm giám đốc kỹ thuật Hiệp hội Vovinam Việt Võ Đạo Intercontinental với 15 thành viên quốc tế.

* VN đã có môn võ dân tộc - cổ truyền, lại có thêm môn Vovinam Việt Võ Đạo, được coi là môn võ dân tộc - hiện đại. Sự tồn tại song song này cũng là nét độc đáo của nền võ thuật nước nhà. Vovinam đã có bước phát triển vững chắc, song thưa võ sư, không phải ai cũng hiểu rõ nguồn gốc xuất phát của môn phái?

- Môn Vovinam Việt Võ Đạo do cố võ sư Nguyễn Lộc sáng lập tại Hà Nội. Ông sinh năm 1912 tại Sơn Tây, lớn lên trong thảm cảnh đất nước bị thực dân Pháp cai trị. Với tinh thần yêu thích võ thuật, cùng với ước vọng dùng võ thuật xây dựng một thế hệ thanh niên mạnh khỏe quật cường, cổ xúy lòng yêu nước, ông bỏ công sức tìm tòi một phương pháp tập luyện phù hợp thể chất vốn nhỏ bé nhưng lại nhanh nhẹn, dẻo dai của người VN. Vovinam là sự kết hợp tuyệt vời các môn võ và vật dân tộc với việc chắt lọc và đưa vào những tinh hoa của các môn võ khác trên thế giới. Tuy nhiên yếu tố dân tộc vẫn chủ đạo, điều này thể hiện rõ trong hệ thống, bài bản tập luyện.

Phóng to

Bùi Thị Tuyết Nga và Từ Quốc Đinh trong tiết mục biểu diễn tại Liên hoan võ thuật do Hàn Quốc tổ chức

Khởi đầu ông huấn luyện thể nghiệm cho một số thân hữu và đưa lớp môn sinh này biểu diễn ra mắt quần chúng tại Nhà hát lớn Hà Nội. Đó cũng là cột mốc đánh dấu sự ra đời chính thức của Vovinam năm 1938. Chương trình biểu diễn thành công và gây được sự hưởng ứng mạnh mẽ của tầng lớp thanh thiếu niên. Lớp võ đầu tiên được khai giảng tại Trường Sư phạm Hà Nội vào mùa xuân 1940. Từ hạt giống ban đầu này nhiều lớp võ Vovinam liên tục được mở ra ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Từ thập niên 1950, Vovinam đã được phổ biến rộng khắp tại Sài Gòn, Gia Định, Biên Hòa, Đà Lạt...

* Là môn võ còn non trẻ nhưng có sự phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, Vovinam được công nhận là một môn võ đặc sắc và đầy nội lực. Võ sư có thể nói rõ hơn nguyên lý vận động và bản sắc riêng của bổn phái?

- Đặc trưng nổi bật nhất của Vovinam là tính thực dụng. Thay vì phải mất thời gian luyện tấn, tập đi quyền rồi mới học phân thế, võ sinh Vovinam được hướng dẫn ngay các thế khóa gỡ, phản đòn căn bản, song song với những kỹ thuật gạt đỡ, đấm, đá, chém, phương pháp té ngã... ngay từ các buổi tập đầu tiên. Trên cơ sở các kỹ thuật riêng lẻ đó xây dựng nên nguyên tắc “một phát triển thành ba”. Đó là các đòn cơ bản ghép thành bài quyền đơn luyện, từ đó lại ghép thành bài song luyện. Khi chiến đấu, đòn thế Vovinam luôn được tung ra theo thế liên hoàn. Lối ra đòn này nhằm chiếm thế thượng phong và luôn nắm lấy thời cơ chủ động.

Hệ thống kỹ thuật Vovinam còn được đặt trên nền tảng “nguyên lý cương nhu phối triển”, bao gồm những thế nhu nhuyễn, các đòn cương mãnh và ngay trong từng đòn thế cũng chứa đựng sự kết hợp cương nhu, giống như sự giao hòa giữa âm và dương trong thiên nhiên và xã hội. Nguyên lý này còn thể hiện trong đời sống tinh thần và cách hành xử của võ sinh Vovinam Việt Võ Đạo. Cương tượng trưng cho đức dũng, nhu biểu tượng cho lòng nhân của người võ sĩ.

* Điều gì kéo người tập đến với môn Vovinam, khi mà các môn võ ngoại đang lấn lướt ở các sân chơi thể thao? Ở nước ngoài, Vovinam có mặt ở khắp nơi nhưng xem ra không được mạnh lắm?

- Bước ban đầu, Vovinam thu hút được người tập là nhờ khích lệ được tinh thần dân tộc. Nhưng phải thừa nhận rằng Vovinam là một môn võ rất đặc thù, dễ tập luyện với một chương trình thống nhất, xuyên suốt, đi từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp lên cao. Điều kiện huấn luyện cũng không đòi hỏi cơ sở vật chất cao như phải có mái che, thảm tập. Chỉ cần một sân bãi rộng, thoáng là có thể mở được lớp tập. Vovinam còn là môn võ đạo, luôn chú trọng đến việc giáo dục con người. Đến với Việt Võ Đạo, võ sinh được dạy một cách căn bản điều gì nên làm, điều gì nên tránh.

Đối với các võ sinh nước ngoài, họ thường chú trọng nhiều hơn về kỹ thuật, với những nét hay, lạ, độc đáo. Các đòn thế đặc biệt như chém quét, chém triệt, chỏ triệt, triệt ngã cùng các thế tung bay kẹp cổ... đã làm mê hoặc không ít võ sinh các môn phái khác đến xin thọ giáo. Đến nay Vovinam đã có mặt tại hơn 20 quốc gia thuộc châu Âu, châu Phi, châu Úc, châu Mỹ, với hơn 20.000 người theo tập. Tuy chưa đông nhưng đây cũng là lực lượng khá mạnh làm cơ sở cho các giải đấu và hình thành các tổ chức quốc tế. Nên nhớ là Vovinam phát triển trên thế giới hoàn toàn bằng con đường tự phát, không có sự hỗ trợ của Nhà nước; khác với các môn judo, taekwondo, wushu được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ phía chính phủ các nước.

* Có một khoảng trống lớn trong không gian hoạt động của Vovinam ở vùng Đông Nam Á và châu Á. Vì sao Vovinam không bám rễ được ở vùng đất vốn rất gần gũi này? Sẽ lấp dần chỗ trống bằng cách nào để Vovinam có một chỗ đứng trong khu vực?

- Như đã nói, Vovinam phát triển ra nước ngoài bằng sự “tự lực cánh sinh”. Ban đầu do các du học sinh mở lớp huấn luyện tại châu Âu năm 1973. Sau này số người Việt ra định cư nước ngoài ngày càng nhiều, các võ đường Vovinam mọc lên ngày càng đông ở nhiều nước. Tại các nước gần ta, người Việt sinh sống không nhiều và chắc cũng không có môn đồ tâm huyết ở những nơi đó, nên Việt Võ Đạo chưa “cắm rễ” được là chuyện bình thường.

Trong kế hoạch, thông qua mối quan hệ, mới đây chúng tôi đã cử người qua Campuchia tiếp xúc với Bộ Nội vụ, bàn việc hợp tác dạy Vovinam cho lực lượng cảnh sát. Nếu mọi diễn biến tốt đẹp, Vovinam sẽ đưa đoàn sang nước bạn biểu diễn, gây ấn tượng và thiện cảm, để thu hút nhiều đối tượng theo học. Từ bàn đạp này, chúng tôi sẽ hướng sang các nước Đông Nam Á khác. Không có lý do gì mà với pencak silat, wushu họ làm được, còn ta thì không.

* Một đời theo đuổi nghiệp võ, gắn bó với sự thịnh suy của Vovinam, võ sư tâm đắc điều gì nhất? Cái gì đã làm được, cái gì chưa làm xong?

- Có thể nói phong trào Vovinam ngày nay có mặt rộng khắp tại 30 tỉnh thành cả nước. Số lượng môn sinh khoảng trên 30.000 người thuộc các đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, công an, quân đội. Đó là một bức tranh thành công.

Trên bình diện quốc tế, nhiều võ sư, huấn luyện viên, vận động viên Vovinam được ngành TDTT cử đi tham dự nhiều cuộc liên hoan võ thuật truyền thống quốc tế và biểu diễn tại Thái Lan, CHLB Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Ý, Tây Ban Nha... Những tiết mục biểu diễn hấp dẫn, đầy hào hứng và mang tính nghệ thuật cao đã gây tiếng vang lớn và góp phần giúp bạn bè năm châu hiểu thêm về đất nước và con người VN.

Bản thân tôi cũng đã được mời sang cả chục nước từ châu Âu tới châu Phi để tập huấn cho các môn sinh cấp cao. Nhiều đoàn môn sinh nước ngoài đã về đất tổ Vovinam chiêm bái tổ đường, tham dự hội diễn Vovinam Việt Võ Đạo quốc tế tại TP.HCM nhiều năm liền.

Chúng tôi luôn bám sát định hướng hoạt động của Nhà nước, đồng thời tiếp nối sự nghiệp của các bậc thầy đi trước, giữ vững Vovinam đi đúng hướng đến ngày hôm nay. Có thể nói mọi sinh hoạt đã đi dần vào nề nếp và ai có lòng với môn phái nhìn thấy cũng vui mừng. Tuy nhiên Vovinam vẫn có những mặt yếu cần khắc phục là những vướng mắc nội bộ, và cần sớm ổn định tổ chức với việc tiến tới thành lập liên đoàn quốc gia.

* Với qui mô phát triển trong và ngoài nước như hiện nay, mô hình “ban điều hành Việt Võ Đạo” là chiếc áo cũ đã chật không còn hợp nữa. Việc phải xây dựng một tổ chức ở cấp vĩ mô là một nhu cầu bức thiết. Nhưng cơ hội và thách thức để Vovinam vươn lên một tầm cao mới vẫn còn ở phía trước?

- Võ thuật là bộ phận quan trọng cấu thành nền văn hóa của một quốc gia. Các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều tích cực truyền bá môn võ của mình ra nước ngoài không ngoài mục đích xây dựng lòng tự hào dân tộc, tạo dựng lòng tin để thúc đẩy sự phát triển đất nước. Từ góc độ đó có thể thấy Việt Võ Đạo ngày nay đã trở thành tài sản vô hình của quốc gia. Thứ tài sản này có thể chuyển hóa thành tài sản hữu hình như thu ngoại tệ từ việc huấn luyện, đào tạo cho người nước ngoài, thúc đẩy du lịch và giao lưu văn hóa.

Nếu chỉ dừng lại ở mức một “tổ chức yếu” như hiện nay thì Vovinam có thể sẽ bị tiêu vong. Ở trong nước, các võ sinh còn độ tuổi nhập môn sẽ chạy theo các môn võ ngoại để được thi đấu SEA Games, Asiad, Olympic hoặc giành những suất đi nước ngoài. Về đối ngoại do không có tổ chức tương ứng, mọi quan hệ với phái đoàn các nước chỉ dừng lại ở mức tham quan, du lịch, về với đất Tổ nhưng không được coi trọng, họ sẽ bỏ sang các võ phái khác. Lúc ấy VN sẽ tự đánh mất một tài sản văn hóa vô cùng quí giá.

Việc phải sớm thành lập một liên đoàn quốc gia đã trở thành sự sống còn của môn phái Vovinam. Trên cơ sở đó việc vận động thành lập một tổ chức Việt Võ Đạo quốc tế đặt dưới sự quản lý của Ủy ban TDTT là trong tầm tay, vì các nước có lực lượng Vovinam luôn mong đợi và thúc đẩy sự hình thành đó. Chỉ trên nền tảng này, Việt Võ Đạo mới có những bước tiến vững chắc ra các đấu trường khu vực và thế giới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận