Bán hàng đa cấp: chân tướng Vision

HOÀNG NGỌC 18/04/2004 01:04 GMT+7

TTCN - "Kiếm cả ngàn đô mỗi tháng chỉ bằng cách sử dụng các sản phẩm cải thiện sức khỏe của Vision và khuyến cáo bạn bè cũng làm...như vậy". Đó là nội dung “chào hàng” của Công ty Vision International People Group (gọi tắt là Vision) rao trên website http: //www.darton.freeservers.com/.

Làm thế nào để kiếm thêm cả ngàn đô? Theo Vision là “hãy mua các sản phẩm của Vision với giá giảm 40% rồi nhận hoa hồng lên đến 56% chỉ bằng cách sử dụng các sản phẩm của
chúng tôi và giới thiệu với bạn bè!”. Vừa mua xài, vừa được hốt bạc, còn gì ngon hơn?!
Công ty Vision giới thiệu công việc kinh doanh của mình như thế và tự giới thiệu trên Internet như sau:

“Vision International People Group là một hiệp hội của những nhà phân phối hoạt động trên cơ sở phân phối trực tiếp các sản phẩm và dịch vụ. Hiện nay Vision chính thức hoạt động tại Pháp, Ý, Bỉ, Lithuania, Latvia, CHLB Nga, CH Czech, Mông Cổ, Kazakhstan và Ukraine hướng đến mở thêm địa bàn mới cho các sản phẩm của mình”.

Hàng hóa của Vision được “đánh” từ một hãng thuốc ở Pháp tên Arkopharma, một hãng chuyên sản xuất thảo dược, bán tự do không cần kê toa. Điều kỳ dị là thay vì tập trung giới thiệu đặc tính tốt xấu (công dụng, tác dụng phụ) của các sản phẩm của mình, Vision lại giới thiệu cách “tiếp thị cách mạng kết hợp chi phí ban đầu thấp, thu nhập khó bì…” để mời gọi khách hàng gia nhập Vision và trở thành “nhà phân phối mà thu nhập chỉ có thể bị giới hạn bởi óc tưởng tượng mà thôi”.

Tại sao Vision lại “phát triển” ở những nước đã từng có nền kinh tế bao cấp? Trước hết, vì đó là những “mảnh đất còn hoang sơ” về mặt kinh tế. Hơn chục năm trước, cả ở Nga, ở Đông Âu lẫn ở VN đã từng xảy ra những “quả lừa” như vụ “nước hoa Thanh Hương”. Sau khi chiêu thức “chờ sung rụng” đã lỗi thời - bởi làm sao có “sung rụng” với lãi suất cả chục phân (%) một tháng được? - nay bèn xoay qua chiêu “cũng phải lao động mới có ăn” nghe chừng như hữu lý hơn. Lý luận kiêu như thế đủ để tự trấn an khỏi phải ngần ngừ.

Dean Vandruff trong bài “What’s wrong with multi-level marketing?” đã phân tích tại sao chiêu bán hàng đa cấp này lại thành công ở các nền kinh tế bao cấp cũ:
“Qui luật cung/ cầu đã quật ngã LX. Các nhà quản lý LX đã tìm cách quản lý cung ở cấp vĩ mô, tính ra xem người dân cần bao nhiêu khoai, bột..., song càng ra sức lại càng lủng củng vì cái nút bấm cung/ cầu. Cái tay bấm nút đó không nhanh nhạy để cùng nhịp với thực tế thị trường. Với hệ thống bán hàng đa cấp, tình hình càng tồi tệ hơn. Bán hàng đa cấp được thiết lập để vượt qua một cách mù quáng điểm bão hòa, tăng trưởng cho đến khi sụp đổ xuống vì chính sức mạnh của mình.

Thảm kịch Chernobyl tuy đã xảy ra, song trước đó ở nhà máy hạt nhân này cũng đã có một cái công tắc đóng/mở, có điều công tắc này không còn hoạt động. Ở một công ty bình thường, người giám đốc sẽ tự nhủ: “Thôi đủ rồi! Ngừng lấy thêm nhân viên vào!”. Ở một công ty bán hàng đa cấp, không có cái nút “ngưng tuyển thêm truyền tiêu”.

Vision không phải là công ty truyền tiêu duy nhất. Trước Vision cũng đã có hàng ngàn công ty khác, công ty nào cũng đều nổi cộm thành tích. Một cựu truyền tiêu sản phẩm của Công ty dược thảo Herbalife đã viết trên địa chỉ http: //www.freewebs.com/herbalifereport/:
“Có quá nhiều người phân phối và không đủ khách hàng. Herbalife chẳng đếm xỉa gì đến tình hình khu vực kinh doanh của bạn đã chật ních người cũng bán như bạn. Đa số các nhà phân phối đều tham gia cuộc chơi với ý định hốt bạc thật nhanh. Họ chẳng cần biết bán hàng cho ai, bạn sẽ ra sao, họ chỉ muốn được trả công để thuyết phục người khác bỏ tiền ra mua hàng. Từ bao năm qua, đã có bao xìcăngđan về sản phẩm Herbalife và số người bị Herbalife móc túi. Có biết bao người chết dở vì bị bỏ rơi với mớ sản phẩm phải mua vào mà không tìm ra khách hàng đê bán lại được”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận