Báo chí - Nghị trường: Đi tìm lợi ích kép

NGUYỄN ĐỨC LAM 13/11/2014 22:11 GMT+7

TTCT - Báo chí đã và đang là một phần thiết yếu trong đời sống nghị trường. Nhưng ở VN, cả hai đều mới bắt đầu tiến tới chuyên nghiệp, do vậy đều cần tự hoàn thiện mình, cùng thúc đẩy nền dân chủ.

Các nhà báo phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII - Ảnh: Việt Dũng
Các nhà báo phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII - Ảnh: Việt Dũng

Ba tuần Quốc hội vào kỳ họp mới vừa qua là ba tuần của những câu hỏi đa chiều không chỉ về những chủ đề nghị sự lớn của đất nước mà còn về không khí thảo luận ở nghị trường, chất lượng phát ngôn và cả... tác nghiệp của báo chí.

Trước những sự việc liên quan đến tác nghiệp báo chí ở Quốc hội, nhiều người không khỏi đặt ra những câu hỏi như: Vậy báo Tây đưa tin về nghị trường như thế nào? Báo giới quan hệ với các nghị sĩ ra sao? Nghị viện đối xử với báo chí thế nào?

Lúc nào, ở đâu phóng viên có thể phỏng vấn nghị sĩ, chờ ngoài hành lang hội trường hay “canh” ở cửa toilet để phỏng vấn được không? Nghị sĩ và cánh phóng viên muốn “nhậu” một bữa vô tư, không vụ lợi với nhau được không? Và nhiều câu hỏi nữa.

Truyền xung lực cho nhau

Báo chí và nghị viện luôn có mối quan hệ thật mật thiết, có tính chất hai chiều, phụ thuộc lẫn nhau. Báo chí đã và đang là một phần thiết yếu trong đời sống nghị trường và đối với Việt Nam, dấu ấn của báo chí ngày càng đậm nét trong quá trình Quốc hội “thực hành dân chủ”. Nhưng cả đôi bên đều mới bắt đầu chặng đường tiến tới chuyên nghiệp, do vậy đều cần tự hoàn thiện mình, cùng thúc đẩy nền dân chủ.

Thực tiễn các nước cho thấy nghị viện có thể dựa vào sức lan truyền của báo chí để truyền thêm xung lực cho hoạt động nghị trường, qua đó cả đôi bên đều làm chính trường sôi động hơn.

Vào năm 1956, một hạ nghị sĩ Mỹ tổ chức một loạt cuộc điều trần về an toàn ôtô, nhưng báo chí không quan tâm và Quốc hội Mỹ cũng bỏ qua, dự luật chìm vào quên lãng. Chín năm sau, hai nghị sĩ khác đưa vấn đề này ra điều trần, được các báo đưa tin trên trang nhất, góp phần lớn vào sự ra đời của đạo luật 1966 về an toàn của ôtô.

Như vậy, khi một vấn đề được nghị viện đưa ra bàn, với sự trợ giúp của báo chí, vấn đề đó có cơ may được phổ biến rộng rãi, tạo hiệu ứng mạnh hơn nhiều.

Ở Việt Nam, đầu thập niên 1990, khi hoạt động của Quốc hội đổi mới theo hướng dân chủ, nghị trường cởi mở, các đại biểu nêu quan điểm, ý kiến khác nhau... thì thu hút được sự chú ý của công chúng và báo chí. Do người dân quan tâm đến Quốc hội, báo chí cũng có nhiều người đọc hơn khi đưa tin về các hoạt động từ nghị trường, thậm chí có những kỳ họp số phát hành còn tăng ở một số tờ báo.

Ở chiều ngược lại, khi được báo chí quan tâm, tập trung đưa tin, viết bài, phỏng vấn, hoạt động của Quốc hội, những bài phát biểu, câu chất vấn của đại biểu có tiếng vang, lan rộng hơn, từ đó thúc đẩy vấn đề vướng mắc được giải quyết nhanh hơn, hiệu quả hơn, chất lượng hoạt động và vai trò của Quốc hội tăng dần.

Hình ảnh, lời nói, phong cách, thái độ, hành động của một số đại biểu Quốc hội sau khi được báo chí mô tả, tường thuật, phỏng vấn quyết định việc họ ở trong lòng người dân - cử tri thế nào.

Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông từng được một bác nông dân giữa trưa nắng đạp xe mang đến nhà cho một con vịt. Bác giải thích giản dị vì qua báo chí thấy đại biểu Cuông đã làm được nhiều việc cho dân. Còn khá nhiều ví dụ tương tự.

Mười năm trước, vấn đề về không gian tác nghiệp cho báo chí tại nghị trường đã được đặt ra - Ảnh: Việt Dũng
Mười năm trước, vấn đề về không gian tác nghiệp cho báo chí tại nghị trường đã được đặt ra - Ảnh: Việt Dũng

Chuyện về những cái hành lang

Hành lang của tòa nhà nghị viện có thể rộng hay hẹp, nhưng hành lang pháp lý cho báo chí là một câu chuyện vẫn đang trong quá trình “tiến hóa”. Mới đây, chủ tịch Quốc hội Kenya phải lên tiếng khẳng định báo chí được Đạo luật về quyền (Bill of rights) bảo vệ, không một nhà báo nào bị cản trở đưa tin về các hoạt động nghị trường.

Để giúp phóng viên có cơ sở hành nghề ở nghị trường, nhiều nghị viện ban hành bộ quy tắc ứng xử dành cho báo chí; quy định về đăng ký tác nghiệp, cấp thẻ, về phạm vi hoạt động, sử dụng các trang thiết bị, truyền hình các phiên họp...

Nghị viện New Zealand ban hành quy chế phỏng vấn nghị sĩ, quay phim, chụp ảnh trong tòa nhà nghị viện. Có những quy định thú vị như không được phỏng vấn nghị sĩ ở thang máy, thang bộ, toilet hay cửa toilet, tầng hầm, bãi đỗ xe vì gây bất tiện, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của cá nhân nghị sĩ và toàn thể nghị viện. 

Nhưng ở Việt Nam, nhiều khía cạnh cụ thể trong tác nghiệp của báo chí ở nghị trường chưa được điều chỉnh rõ ràng, làm cả hai bên đều vướng trong ứng xử. Một mặt, có không ít đại biểu Quốc hội phàn nàn tại sao trong các phiên họp, ống kính truyền hình dường như chỉ thường xuyên hướng vào một số người.

Sở dĩ như vậy vì một phần do báo chí chú ý nhiều đến những đại biểu nói hay, nói lạ, phần khác do chưa có những quy định chi tiết như ở các nước, theo đó việc phát hình ảnh các hoạt động ở nghị viện phải công bằng đối với các nghị sĩ.

Mặt khác vì không có quy định chi tiết, rành mạch, vừa chặt chẽ vừa tạo điều kiện như ở nhiều nước, các phóng viên nghị trường Việt Nam chẳng những ngồi bệt để tác nghiệp mà còn đầy thắc mắc không vui về hành lang hẹp, cái “cửa” khó vào, chẳng thể biết rõ được phỏng vấn ở đâu.

Nghị viện nhiều nước từ lâu đã tạo điều kiện cho báo chí dự và đưa tin, từ việc đăng ký, cấp thẻ, đi lại, phòng họp báo riêng, lô báo chí ở tầng lửng trong hội trường chính đến phòng làm việc cho báo trong tòa nhà nghị viện.

Chẳng hạn vào đầu những năm 1980, số lượng nghị sĩ của cả Thượng viện và Hạ viện Úc đều tăng, dẫn đến tình trạng thiếu phòng làm việc cho nghị sĩ ở tòa nhà cũ. Trong khi chờ xây tòa nhà mới, chủ tịch hai viện đã tính đến phương án chuyển báo chí ra ngoài tòa nhà nghị viện để lấy chỗ cho các nghị sĩ.

Thủ tướng Úc đã phản đối vì e ngại điều đó sẽ làm báo chí “giận”. Cuối cùng các nghị sĩ ra ngoài, báo chí ở lại. 

Vẫn biết khi điều kiện vật chất, hậu cần có hạn, ví dụ phòng họp báo chật, lô báo chí không chứa được nhiều người, phóng viên tác nghiệp trong những điều kiện tối thiểu, nhưng như Hiệp hội Nghị viện các nước Khối thịnh vượng chung khuyến cáo đó không phải là cớ để nghị viện hạn chế sự tiếp cận của báo chí, mà phải tìm cách tốt nhất để báo chí đưa tin. 

Giữ mối quan hệ trong tầm tay

Giữ mối quan hệ cá nhân giữa nghị sĩ và báo chí cho hài hòa, đúng đắn là một việc làm khó khăn. Nói như chủ tịch Quốc hội Nam Phi, báo chí và nghị sĩ cần giữ một khoảng cách vừa bằng một tầm tay, nhưng không gần đến mức cho tay vào túi nhau.

Dĩ nhiên, không có gì tốt đẹp nếu hai bên đối đầu hay nghi ngại nhau, nhưng cũng không hay nếu giữa nghị sĩ và báo chí có mối quan hệ quá gần gũi.

Chính vì vậy, ngay cả khi không vì lợi ích riêng tư gì, cả hai bên đều giữ gìn, tránh có những hành vi làm công chúng nghi ngờ, liệu có gì khuất tất hay không, ví dụ như đi “nhậu” vui vẻ với nhau một bữa, nhất là trong bối cảnh nhạy cảm, khi nghị sĩ liên quan trực tiếp đến một dự luật hay dự án đang hoặc sắp trình ra nghị viện.

Để xây dựng hình ảnh, các chính trị gia trên thế giới thường tận dụng cơ hội xuất hiện trước công chúng và báo giới. Chẳng hạn, mỗi nghị sĩ Đức đều có các phóng viên “ruột”, mỗi tháng ít nhất các nghị sĩ trả lời phỏng vấn một lần.

Cũng như vậy, không ít đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tận dụng cơ hội để xuất hiện trên báo, trả lời những vấn đề báo chí nêu, coi đó là một nhiệm vụ không thể không làm trước dân, nhằm cho cử tri biết mình có thật sự làm việc vì cử tri hay không.

Theo chiều ngược lại, từ phía báo giới cũng cần xác định các chuẩn mực hành nghề, tránh khai thác thái quá các chi tiết đời tư của dân biểu và chính trị gia, nhất là phụ nữ.

Một thống kê cho thấy báo chí Úc khi đưa tin, viết bài về nữ chính khách, thông tin về đời tư chiếm 68%, về đời sống công cộng chỉ có 32%; tỉ lệ này đối với các quý ông là 54% và 46%.

Năm 2006, khi bà Julia Gillard được Công Đảng Úc bầu làm lãnh đạo đảng để tranh cử, báo giới tốn không ít giấy mực về gia đình, nhà cửa, ăn mặc, kiểu tóc của bà, đến nỗi bà phải gọi đó là “màn hài kịch”. Các chuẩn mực khác của nghề nghiệp như tính chính xác của trích dẫn, kinh nghiệm và kiến thức về nghị trường... vẫn là những thách thức đáng kể khác cho báo giới.

Edmund Burke, triết gia đồng thời là hạ nghị sĩ nổi tiếng người Anh thế kỷ 18, trong một phiên họp nghị viện đã nhìn lên lô báo chí rồi nói: “Trên đó là quyền lực thứ tư, và họ nắm giữ quyền lực nhiều hơn mọi quyền lực khác”.

Không chỉ nhìn nhận thích đáng vai trò của báo chí, câu nói này cũng cho thấy báo chí và nghị viện luôn có mối quan hệ thật mật thiết, có tính chất hai chiều, phụ thuộc lẫn nhau.

Báo chí đã và đang là một phần thiết yếu trong đời sống nghị trường và đối với Việt Nam, dấu ấn của báo chí ngày càng đậm nét trong quá trình Quốc hội “thực hành dân chủ”. Nhưng cả đôi bên đều mới bắt đầu chặng đường tiến tới chuyên nghiệp, do vậy đều cần tự hoàn thiện mình, cùng thúc đẩy nền dân chủ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận