Có những "lỗ hổng" đáng lo

NGUYỄN QUỐC THANH 27/07/2016 22:07 GMT+7

TTCT - Từ những vụ “lùm xùm” về môi trường trong thời gian qua, cần nhìn lại công tác giám sát, đánh giá tác động môi trường (ĐTM)khi triển khai các dự án ra sao để có giải pháp phù hợp?

Ngày 16-7, Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh đã đào 10 tấn chất thải của Formosa do Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh chôn tại công viên Hưng Thịnh để đưa về kho lưu trữ -Hồ Văn
Ngày 16-7, Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh đã đào 10 tấn chất thải của Formosa do Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh chôn tại công viên Hưng Thịnh để đưa về kho lưu trữ -Hồ Văn


Tinh thần “tiên trách kỷ hậu trách nhân” liên quan đến ĐTM tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của Bộ TN-MT ngày 18-7 là đáng ghi nhận. Dẫu sao, việc nhận ra thực tiễn phát sinh để làm cơ sở thúc đẩy hoàn thiện chính sách, bịt các kẽ hở pháp luật vẫn tốt hơn so với thái độ cứ khăng khăng đã làm đúng quy trình, quy định...

Ở mỗi giai đoạn phát triển, vấn đề quản lý, kiểm soát môi trường có những yêu cầu, mức độ khác nhau.

Theo Luật bảo vệ môi trường năm 2005 và nghị định 80 (năm 2006) của Chính phủ, đối với dự án nhà máy giấy chỉ làm bản cam kết bảo vệ môi trường và trình UBND cấp huyện, nơi đặt nhà máy xác nhận. Như vậy dự án không phải tham vấn cộng đồng.

Tuy nhiên, quy định hiện hành của Luật bảo vệ môi trường năm 2014, nghị định 18 (năm 2015), trong quá trình lập báo cáo ĐTM, chủ dự án phải phối hợp với UBND cấp xã tổ chức họp tham vấn ý kiến cộng đồng, bao gồm các tổ chức và đại diện cộng đồng dân cư bị tác động. Ý kiến tham vấn phải được giải trình đầy đủ trong báo cáo ĐTM.

Gần đây, vấn đề môi trường bị xâm hại trở nên nóng bỏng bởi những gì diễn ra trên thực tế rất đáng lo ngại. Trong đó, vấn đề ĐTM được mổ xẻ nhiều và xem đây như một trong những lỗ hổng cần sớm bịt lại.

Việc sàng lọc công nghệ bẩn, phòng ngừa rủi ro môi trường ở khâu xem xét báo cáo ĐTM càng nghiêm túc thì càng có lợi. Hiện nay cho thấy điều đáng lo là khâu quản lý, kiểm soát các dự án sản xuất, đặc biệt là dự án có tính nhạy cảm về môi trường.

Theo quy định, sau khi lắp đặt xong các thiết bị, chủ đầu tư phải có báo cáo cho cơ quan phê duyệt ĐTM và trong sáu tháng phải thực hiện xong thủ tục xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường mới được hoạt động nhà máy. Trong thời gian này, chủ dự án phải tiến hành ba đợt giám sát môi trường tại ba thời điểm khác nhau.

Nếu kết quả giám sát cả ba đợt đều đạt quy chuẩn thì nhà máy được cấp giấy xác nhận để hoạt động chính thức. Ngược lại, sau khi vận hành thử nghiệm không đạt thì nhà máy phải đóng cửa, tiếp tục đầu tư các công trình bảo vệ môi trường đến khi đạt các quy chuẩn môi trường mới được cấp giấy xác nhận hoàn thành...

Mặt khác, theo quy định của Chính phủ tại nghị định 38 (năm 2015), tất cả các nguồn thải trên 1.000m3/ngày đêm đều phải đầu tư hệ thống quan trắc và giám sát tự động, được đấu nối đưa số liệu về cơ quan quản lý theo dõi liên tục 24/24.

Với quy định trên, nếu được kiểm soát chặt chẽ sẽ hạn chế đáng kể tình trạng xâm hại môi trường. Nhưng tình trạng tồi tệ về môi trường ở một số điểm nóng vừa qua, “vấn đề” là ở bộ máy thực thi các quy định và công cụ quản lý.

Cần bịt những lỗ hổng về năng lực quản lý thấp kém, khả năng kiểm soát môi trường chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là các biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực này. Đồng thời, hệ thống quan trắc và giám sát tự động, đấu nối đưa số liệu về cơ quan quản lý theo dõi liên tục 24/24 phải đảm bảo hiệu quả trên thực tế chứ không phải trang bị rồi để đó như vật trang trí, nhằm che đậy các mối nghi ngờ môi trường...■

GS.TSKH LÊ HUY BÁ (Viện môi trường, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM):

Có sự giám sát của cơ quan cấp cao hơn

Dư luận đang bức xúc trước việc Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa (viết tắt Formosa) chôn chất thải công nghiệp tại trang trại của ông Lê Quang Hòa - giám đốc Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh, và ở công viên Hưng Thịnh, P.Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Formosa là chủ nguồn thải, phải ký hợp đồng với đơn vị đủ năng lực để xử lý chất thải công nghiệp, trong khi Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh không có khả năng này nhưng vẫn nhận xử lý.

Trách nhiệm của Sở TN-MT Hà Tĩnh ở đâu khi sai phạm này kéo dài? Nếu người dân không phát hiện, hơn 100 tấn chất thải có thể sẽ mãi nằm im trong lòng đất. Cơ quan chức năng cần làm rõ quy trình luyện gang thép, luyện cốc phát sinh bao nhiêu chất thải nguy hại, Formosa ký hợp đồng với đơn vị xử lý có đúng quy định?

Việc giám sát môi trường, đặc biệt với những công trình lớn, nhạy cảm về môi trường, không chỉ trông chờ vào địa phương mà cần có sự tham gia của những cơ quan cấp cao hơn như Thanh tra Bộ TN-MT, Cục Cảnh sát môi trường.

Ngoài ra, để tránh VN trở thành “bãi rác” những công nghệ lạc hậu, phát sinh những hệ lụy về môi trường, Nhà nước cần mạnh dạn loại bỏ, không chấp thuận cho đầu tư những dự án được coi là nhạy cảm với môi trường như giấy, gang, thép... Bởi môi trường ô nhiễm không chỉ tác động đến đời sống, sức khỏe của người dân mà về lâu dài còn ảnh hưởng đến cả nòi giống. Quang Khải ghi

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận