Tiêu dùng góp phần làm trái đất nóng lên

TTCT - Từ nhiều năm nay, Trái đất - nơi chúng ta đang sống - nóng lên là một thực tế không thể chối cãi được. Người ta ghi nhận là từ 136 năm nay, chưa bao giờ nhiệt độ lên cao đến mức như từ 10 năm trở lại đây. 50 năm tới, nhiệt độ sẽ tăng từ 2°C đến 5°C.

Hãy làm người tiêu dùng thông minh hơn
Hãy làm người tiêu dùng thông minh hơn


Biến đổi khí hậu là hậu quả của sự tăng trưởng các hoạt động của nhân loại trên quả đất. Một cách chính xác hơn là do sự phát triển công nghệ từ giữa thế kỷ 20 đến nay đã thải ra một số lượng lũy thừa khí carbonic (CO2), lơ lửng trong khí quyển ngăn chặn khí nóng bao quanh địa cầu.

Nếu không có “hàng rào” khí CO2, những tia nắng này sẽ được phản xạ để trở về lại tầng bình lưu (không gian ngoài bầu khí quyển) và sẽ giúp cho khí hậu trở nên ổn định.

Nền “văn minh tiêu thụ”

Từ sau Thế chiến thứ hai, tất cả đều thay đổi. Xã hội tiêu thụ của Mỹ đã lan đến châu Âu. Người ta bắt đầu sống theo cách “tiêu thụ”, mua sắm quá mức cần thiết. Sự có mặt của quảng cáo trên quy mô lớn đã thêm sức cho khuynh hướng mua sắm thừa thãi này.

Ở thời đại của chúng ta, hơn 50% dân số sống trong lòng thành phố là một cơ hội tốt cho những người làm quảng cáo và cho các nhà đầu tư tài chính. Bởi vì họ là nguyên nhân của “áp lực tiện nghi” và thời thượng quy mô trên toàn thế giới, hai hiện tượng này đã đưa đến hiểm họa cho sự sống còn của nhân loại.

Máy tính và điện thoại của bạn hãy còn rất tốt, nhưng tập đoàn điện tử vừa cho ra trên thị trường một kiểu máy có một vài chức năng mới. Dưới áp lực của quảng cáo và của đám đông, nếu không mua, người ta sẽ cho bạn là trì trệ, là quê mùa, không biết sống theo thời cuộc, cuối cùng bạn phải mua sản phẩm mới này.

Với nhân loại, từ muôn thuở, một thế hệ được tính từ 20 đến 25 năm. Nhưng với công nghiệp và tài chính (hai lĩnh vực này gắn liền chặt chẽ với nhau) thì một thế hệ được tính từ 1 đến 2 năm, đôi khi còn ít hơn nữa. Như vậy, tất cả chúng ta đều ở trong “tình trạng nung nóng quá tải” thường trực của các sản phẩm.

Để sản xuất những sản phẩm thời thượng cần phải có nguyên liệu (dầu hỏa, kim loại...) và việc khai thác đã tàn phá nơi sinh sống của những người bản xứ và vì thế, trong một thời gian lâu dài dân bản xứ không thể có một đời sống bình thường trên vùng đất bị tàn phá này.

Để có thể bán trên thị trường toàn cầu, những sản phẩm và nguyên liệu này được chuyên chở bằng đường thủy hoặc đường hàng không, kéo theo ô nhiễm không khí và đại dương.

Cuối cùng, khi những sản phẩm này không còn thời thượng nữa, chúng sẽ bị vứt bỏ trong các bãi rác, sẽ làm ô nhiễm mặt đất, hoặc chúng sẽ được đốt trong các lò đốt, sẽ làm ô nhiễm không khí, hoặc chúng sẽ được gửi đi bằng đường thủy đến các nước châu Phi, nơi đây một phần kim loại được tái sử dụng, còn những phần khác và những sườn cốt bằng nhựa thì bị thải bỏ, làm ô nhiễm mặt đất.

Tiêu dùng trách nhiệm

Công nghệ dệt sợi, sản xuất y phục thời trang cũng bị chi phối bởi những nguyên tắc trên. Một ví dụ: từ ngày Thổ Nhĩ Kỳ cấm công nghệ “gọt màu” vì gây ra tình trạng nhiễm chất silic cho công nhân, Trung Quốc trở thành quốc gia thay thế, dùng công nghệ “làm phai màu” cho quần jean.

Vùng Xintang (Quảng Đông), nơi sản xuất 200 triệu chiếc quần mỗi năm, đất đai, sông ngòi bị ô nhiễm trầm trọng bởi những chất thuốc có chứa nhiều kim loại nặng để nhuộm vải sợi.

Tất cả các ngành công nghiệp đồ chơi, xây dựng nhà cửa, sản xuất ôtô, thực phẩm (thuốc trừ sâu OGM)... đều đi theo đúng cách thức nói trên. Nếu không có biện pháp kiểm soát các tập đoàn công nghiệp và tài chính đa quốc gia - những tập đoàn này còn mạnh hơn nhiều quốc gia - thì hậu quả nguy hiểm cho sự sống còn của nhân loại là quá rõ ràng.

Người ta thấy được trình độ văn minh của một xã hội qua khả năng tự giới hạn của nó” - Cornelius Castoriadis (1922-1997), nhà kinh tế học kiêm triết gia người Pháp, đã viết cách đây hàng chục năm. Nếu muốn con cháu chúng ta may mắn được sống trong một thế giới “khả sinh”, cần suy nghĩ một câu nói khác của ông: Một cá nhân muốn chứng tỏ trình độ văn minh của mình thì phải có khả năng hạn chế trong việc tiêu dùng. Điều đó gọi là tinh thần trách nhiệm.■

Phan Hồng Hạnh (chuyển ngữ)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận