Cần phạt nặng để răn đe

TS TRẦN THỊ MAI NHÂN 13/04/2016 21:04 GMT+7

TTCT - Tại sao nhiều thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là thầy giáo xâm hại học sinh, bị phát hiện, xử lý nhưng những vụ việc tương tự vẫn tái diễn mà hành vi ngày càng nghiêm trọng hơn? Phải chăng luật pháp của chúng ta chưa xem đây là “trọng tội” và chưa xử lý nghiêm loại tội phạm này?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành quy định người đã thành niên có hành vi dâm ô với trẻ em sẽ bị phạt tù với mức cao nhất đến 12 năm tù (điều 116), tội giao cấu với trẻ em thì hình phạt cao nhất đến 15 năm tù (điều 115), tội hiếp dâm trẻ em có hình phạt cao nhất là tử hình (điều 111).

Còn bao che, nương nhẹ

Thực tế, xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có lý do nhân đạo hoặc chưa xem tội xâm hại tình dục trẻ em là “trọng tội”, nên việc xử lý loại tội phạm này của các cơ quan chức năng và các bên liên quan còn nhẹ, chưa đáp ứng sự mong mỏi của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Ðặc biệt, mới đây có trường hợp giáo viên xâm hại tình dục học sinh với tính chất, mức độ hết sức nghiêm trọng nhưng cũng chưa được xử lý đến nơi đến chốn. Theo luật sư Lê Quang Vũ, giáo viên là người có tri thức, được xã hội tín nhiệm mà phạm tội này thì sẽ bị xử nặng hơn những người có trình độ nhận thức thấp. Và “phạm tội đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc giáo dục, giữa giáo viên với học sinh cũng là tình tiết tăng nặng”.

Ở nước ta, trong nhiều trường hợp, khi vụ việc xảy ra ở một trường học nào đó, lãnh đạo nhà trường thường nghĩ đến danh dự, uy tín của trường trước tiên và tìm cách đối phó với cấp trên, với báo chí và dư luận. Và xu hướng chung là xử lý trong lặng lẽ, nghĩa là nhà trường để cho giáo viên phạm tội và gia đình học sinh bị hại tự “thương lượng”.

Hoặc nếu thông tin lỡ bay ra ngoài thì nhà trường cũng như địa phương cố gắng “xử lý” nhanh và kết thúc nhanh sự việc để giảm bớt tai tiếng.

Chúng ta cũng rất hiếm khi thấy các vị lãnh đạo nhà trường tỏ ra phẫn nộ khi giáo viên của trường xâm hại tình dục học sinh mình. Ngược lại, khi được báo chí hỏi về vụ việc, có hiệu trưởng tìm cách “né”, hoặc trả lời theo kiểu: “Từ trước đến nay thầy... rất hiền, rất tốt, chưa từng phạm sai lầm gì, sống có trách nhiệm, đạt nhiều thành tích trong công tác giảng dạy, chưa từng có điều tiếng nào”... Phải chăng đó là cách “vớt vát” uy tín cho giáo viên của mình, là cách bao che để giảm nhẹ tội cho họ?

Phạt nặng để răn đe

Ở một số nước trên thế giới, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em bị xử rất nặng. Một số bang ở Mỹ và một số quốc gia châu Âu (Ðức, Anh, Ðan Mạch, Thụy Ðiển, Ba Lan...) áp dụng hình phạt “thiến” tội phạm xâm hại tình dục trẻ em theo kiểu “tịch thu công cụ gây án”. Hàn Quốc - quốc gia đầu tiên của châu Á thông qua luật chống hiếp dâm bằng áp dụng “cung hình” (thiến) và áp dụng việc gắn vòng điện tử ở cổ chân để kiểm soát và ngăn ngừa tội phạm tình dục...

Có những quốc gia coi trường học là nơi bảo vệ quyền trẻ em. Vì vậy, giáo viên rất hạn chế những hành vi, cử chỉ liên quan đến thân thể trẻ em. Chỉ cần “có hành vi đụng chạm không đúng mực” đối với các em, giáo viên đã bị xử nặng.

Ông Robert Pimentel - giáo viên Trường tiểu học George De La Torre (bang Los Angeles, Mỹ) - bị phụ huynh tố cáo “có hành vi đụng chạm không đúng mực” đối với học sinh lớp 4 lập tức bị cảnh sát mở cuộc điều tra và bị cáo buộc 8 tội danh lạm dụng tình dục liên tục và 7 tội danh khác liên quan hành vi xâm hại trẻ em. Hiệu trưởng của trường cũng bị sa thải vì không quản lý được nhân viên, dẫn đến hành vi đồi bại trong môi trường sư phạm...

Trong khi đó, ở nước ta, những hành vi xâm hại tình dục trẻ em chưa được xử lý nghiêm. Trừ những trường hợp hành vi quá rõ ràng, hậu quả để lại đặc biệt nghiêm trọng đã bị xử lý theo pháp luật, còn nhiều trường hợp khác, nhà trường chỉ xử lý bằng hình thức khiển trách hoặc cho thôi việc, chuyển công tác.

Chẳng hạn, trường hợp ông T. (An Giang) bị tố giác là sàm sỡ học sinh lớp 3 với hình ảnh không thể chối cãi nhưng nhà trường chỉ khiển trách “vì chưa có chứng cứ “sàm sỡ” cụ thể” và cuối cùng “chuyển đi nơi khác giảng dạy để rèn luyện thêm”.

Hay trường hợp ông L.T.P.D., mặc dù ông này đã thừa nhận hành vi xâm hại tình dục nhưng khi nữ sinh N. rút đơn (có thể do thương lượng thành công) thì nhà trường không có động thái gì thêm ngoài việc đồng ý cho thôi việc theo nguyện vọng. Ðiều đáng nói là cơ quan điều tra cũng không vào cuộc để xác minh, xử lý nghiêm nên vụ việc vì thế trôi qua.

Khi giáo viên có hành vi xâm hại tình dục học sinh, nhà trường chỉ có thể xử lý kỷ luật giáo viên theo Luật giáo dục, nhưng với tư cách là một công dân vi phạm pháp luật, họ phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Dưới góc độ giáo dục, những giáo viên phạm tội xâm hại tình dục học sinh phải nhanh chóng bị loại ra khỏi môi trường giáo dục vì không đủ đạo đức và tư cách nghề nghiệp để giáo dục thế hệ trẻ.

Thiết nghĩ, các nhà làm luật cần phải điều chỉnh khung hình phạt theo hướng tăng nặng, thậm chí bổ sung những hình phạt đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nói chung và xâm hại học sinh nói riêng nhằm ngăn chặn triệt để loại tội phạm nguy hiểm này. Về phía gia đình, khi xảy ra vụ việc, phụ huynh cần bình tĩnh, nhờ luật sư tư vấn và tìm cách đưa tội phạm ra xử lý trước pháp luật, không nên che giấu và tự xử lý theo quan niệm truyền thống. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận