Vì sao xử lý rác chưa hiệu quả?

ANH THI 05/11/2015 03:11 GMT+7

TTCT - Báo Tuổi Trẻ ngày 18-10 có bài viết “Du lịch... dọn rác ở Lý Sơn”, nói về câu chuyện rác ngập tràn ở đảo Lý Sơn dù nơi đây đã có nhà máy xử lý rác nhưng thực tế chỉ xử lý được 2 tấn/ngày… Trước đó, TTCT cũng từng đề cập chuyện nước rỉ ra từ các bãi rác, gây ô nhiễm nguồn nước ở TP.HCM.

Đã đến lúc cần đánh giá lại hiệu quả thực hiện việc đầu tư xử lý chất thải rắn trên cả nước.

Người dân huyện đảo Lý Sơn kỳ vọng vào nhà máy xử lý rác thải 30 tỉ đồng với công suất 15 tấn/ngày do Bộ Tài nguyên - môi trường làm chủ đầu tư thí điểm công nghệ, có thể giải quyết vấn đề ô nhiễm biển do rác thải tại đây, khi nhà máy được đưa vào vận hành tháng 6 năm nay.

Tuy vậy, sau khi vận hành, niềm vui đã biến thành nỗi thất vọng khi nhà máy chỉ đạt 1,5 tấn/ngày (tối đa 2 tấn/ngày), nghĩa là chỉ bằng khoảng 10% công suất thiết kế. Còn nhiều nữa những câu chuyện liên quan những bất cập trong công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt, và gần đây người dân bắt đầu có những hành động tiêu cực để phản ứng, tìm cách ngăn chặn hoạt động của các nhà máy xử lý rác ở Đồng Nai, Dung Quất…

Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặt ra nhiều mục tiêu khác nhau cho từng giai đoạn. Theo đó, đến năm 2015 phải đạt chỉ tiêu 51% lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được tái chế, tái sử dụng.

Theo Bộ Xây dựng, hiện nay cả nước phát sinh khoảng 31.500 tấn rác thải đô thị mỗi ngày, và hiện có khoảng 26 nhà máy xử lý rác trong cả nước với tổng công suất xử lý đạt 5.000 tấn/ngày, nghĩa là chỉ có gần 16% lượng rác được đưa vào các nhà máy xử lý, và hơn 84% lượng rác phát sinh phải đem chôn lấp. Đó là chưa kể trong 5.000 tấn/ngày đưa đi xử lý thì thực chất phần chất thải trả lại bãi chôn lấp có khi lên đến 50% như trường hợp của Vietstar. Như vậy, thực tế chưa đầy 16% lượng rác được tái chế, tái sử dụng.

Đến nay vẫn chưa có báo cáo nào công bố về số tiền đã được đầu tư cho việc xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, gồm vốn vay ODA, vốn ngân sách và vốn tư nhân (vốn xã hội hóa).

Nếu lấy trung bình suất đầu tư là 400 triệu đồng/tấn/ngày theo quyết định số 322/QĐ-BXD ngày 6-4-2012 của Bộ Xây dựng về việc công bố suất vốn đầu tư xây dựng và mức chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt thì ước tính tổng số tiền đã bỏ ra cho 26 nhà máy xử lý rác trong cả nước là khoảng 2.000 tỉ đồng.

Hàng ngàn tỉ đồng đã bỏ ra để xây dựng các nhà máy xử lý rác, và cũng thêm hàng ngàn tỉ đồng hằng năm để chi trả cho việc vận hành các nhà máy xử lý rác này, nhưng hiệu quả về mặt bảo vệ môi trường và tái chế chất thải vẫn còn chưa rõ.

Đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt là một trong những hoạt động đầu tư được nhận hỗ trợ và ưu đãi rất đặc biệt. Chẳng hạn, theo nghị định số 04/2009/NĐ-CP, điều 12 (Ưu đãi về huy động vốn đầu tư) quy định:

“Cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung áp dụng công nghệ xử lý có tỉ lệ chất thải phải chôn lấp sau xử lý dưới 10% được Nhà nước hỗ trợ 50% vốn đầu tư xây dựng, trong đó 40% từ ngân sách trung ương và 10% từ ngân sách địa phương; 50% còn lại được vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam”.

Như vậy, về nguyên tắc có thể hiểu là doanh nghiệp xử lý chất thải rắn sinh hoạt có thể không cần một đồng vốn nào vẫn có thể đầu tư khi mà họ có thể được Nhà nước hỗ trợ 50% và được vay ưu đãi 50% vốn đầu tư.

Ưu đãi thì quá đặc biệt, nhưng thực tế triển khai đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt lại rất chậm chạp và luôn chực chờ thất bại, phải chăng rác thải của Việt Nam quá phức tạp nên không ai xử lý nổi? ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận