Phối hợp chính sách là vấn đề lớn

THANH TUẤN GHI 17/06/2015 02:06 GMT+7

“Việt Nam vẫn là quốc gia nằm trong khu vực căng thẳng về điều kiện nước” - bà Josefina Maestu, điều phối viên Liên Hiệp Quốc của văn phòng Một thập kỷ hành động cho “Nước vì cuộc sống”, chỉ ra những thách thức của Việt Nam khi trao đổi bên lề hội thảo ASEM về nguồn nước vừa diễn ra ở Bến Tre.

Người dân phải đào sâu xuống lòng con suối đã trơ đáy ở xã Phước Trung, huyện Bác Ái, Ninh Thuận để lấy nước. Ảnh: Thuận Thắng

Mỗi năm vẫn có tới 22.000 người Việt Nam tử vong vì thiếu nước sạch. Bùng nổ dân số, phát triển khu công nghiệp, đô thị đe dọa nghiêm trọng nguồn nước ở châu Á, nơi hiện chỉ có 55% dân số tiếp cận được với nước sạch. Với các nước nghèo, thách thức này càng nghiêm trọng.

Vấn đề nước không chỉ ở góc độ môi trường. Khả năng tiếp cận nước sạch và vấn đề vệ sinh cũng là thách thức lớn. Nhiều người dân ở đây vẫn không có nhà vệ sinh, chưa có nước sạch, đó là những vấn đề cần được chú tâm giải quyết. Các giải pháp không quá tốn kém và hoàn toàn có thể thực hiện được.

Trong hội thảo, tôi thấy một điều rõ ràng là chính quyền Việt Nam biết vấn đề nằm ở đâu. Họ biết vấn đề nước mặn xâm lấn, tình trạng nước ngầm giảm sút nghiêm trọng, tác động của nó tới con người ở đây; tình trạng nước biển dâng và tác động của nó đối với sinh kế của con người, tới hoạt động trồng lúa, những người nuôi hải sản...

Điểm tích cực, tôi nghĩ Việt Nam đã thấy được giải pháp cần triển khai. Chúng ta cần cả giải pháp công trình và phi công trình: trồng các giống cây chịu mặn tốt hơn, giảm tác động của nó bằng cách xây các công trình. Nhưng nên suy nghĩ cẩn thận, không nên vội về giải pháp vì đây là những chuyện lâu dài. Nếu Việt Nam định xây một công trình thì công trình đó sẽ tồn tại ở đây 25-30 năm nữa, nên cần tính toán hệ quả của việc xây dựng đó.

Câu chuyện về quy hoạch và tính hợp lý của nó đã được bàn cãi rất nhiều, các vấn đề đã được phân tích và từ đó có thể tìm ra giải pháp. Giờ là lúc Việt Nam cần hành động. Các bạn cần đảm bảo là kế hoạch có sự tham gia của các cơ quan khác nhau trong chính quyền. Thực tế rất khó để các cơ quan khác nhau phối hợp được với nhau. Việt Nam đang rơi vào nghịch lý của một nước đang phát triển: nguồn lực vô cùng hạn chế trong khi các vấn đề, các dự án thì quá nhiều. Rất khó đưa ra lựa chọn. Tôi hiểu vấn đề về nguồn lực và làm thế nào để phân bổ nguồn lực ít ỏi đó có lợi nhất cho người dân, đó là mối quan tâm lớn nhất của hệ thống chính trị. Có rất nhiều giải pháp công trình rất tốn kém nên Chính phủ sẽ phải biết sắp xếp thứ tự ưu tiên. Hiện tại, mọi người đang nói nhiều về các giải pháp “không hối tiếc”, tức là các giải pháp mềm, các chính sách linh động, không trói buộc.

Việc phối hợp giữa các nước trên cùng một dòng sông là không hề dễ, nhất là khi lợi ích quá khác nhau. Vấn đề khó nhất là phối hợp chính sách, nhất là khi ở thượng nguồn có những nước rất mạnh so với Việt Nam. Và ngay trong Việt Nam, đôi khi phối hợp chính sách giữa các tỉnh thượng và hạ nguồn cũng là một thách thức.

 

Thị trưởng Rotterdam (Hà Lan) Ahmed Aboutaleb cho rằng không nên nhìn vấn đề biến đổi khí hậu tách rời, mà cần nhìn tổng hòa để có cách tiếp cận tổng thể. Chính sách của Hà Lan giờ là tập trung không chỉ vào biện pháp chống lũ mà đồng thời với chất lượng của không gian nước, coi đây là biện pháp cân bằng giữa các biện pháp công trình và phi công trình.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, thời tiết trong mấy năm qua diễn biến rất khác thường. Đầu năm nay, ở miền Trung tháng 3 đã đột nhiên có lũ lớn khiến hơn 400.000 hộ dân với hơn 1 triệu người buộc phải di dời và tổn thất nhiều hoa màu (lũ miền Trung thường vào tháng 7-8). Cùng lúc, một số tỉnh miền Trung như Ninh Thuận đang chịu đợt hạn được coi là nghiêm trọng nhất trong nhiều chục năm qua khi không còn đủ nước cho sinh hoạt cũng như cho chăn nuôi gia súc. 122.000ha đất ở đây đang thiếu nước nghiêm trọng. Lãnh đạo tỉnh Bến Tre chỉ ra thực tế xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên ở đây từ tháng 1-5 hằng năm: “Xâm nhập mặn ở mức 4‰ vào sâu tới 50km và 1‰ vào sâu tới 70km”. Các đánh giá kịch bản biến đổi khí hậu năm 2050 ở tỉnh từng nói đến “nguy cơ xâm nhập mặn sẽ vào sâu tới 50km”, nhưng theo ông “thực tế diễn ra rồi”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận