Nơi rừng không còn gỗ

NGUYỄN QUANG TUỆ 14/04/2013 02:04 GMT+7

TTCT - Chư Prông cách TP Pleiku của tỉnh Gia Lai hơn 40km. Từ huyện lỵ này vào trung tâm xã Ia Kly chưa đầy chục cây số đường nhựa.

Phóng to
Nhà mồ và tượng mồ ximăng ở làng Lân, nét mới này làm ngỡ ngàng không ít người - Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

Phóng to
Trước mỗi nhà thường có một quan tài ximăng (ảnh chụp tại làng Pó) - Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

Ia Kly có năm làng Jrai thuần nông (làng Lân, làng Pó, làng Klah, làng Nú và làng Thung) với độ 500 hộ, khoảng 3.000 nhân khẩu. Ngoài làm lúa nước, làm rẫy mì, bắp, những năm gần đây bà con còn trồng thêm cà phê, tiêu hoặc cao su...

Tượng nhà mồ bằng gỗ sẽ là dĩ vãng

Theo phong tục, mỗi cộng đồng Jrai ở đây có riêng một khu nghĩa địa ở phía tây của làng. Đó là nơi quan trọng, là địa điểm diễn ra lễ bỏ mả - một nghi lễ quan trọng và thiêng liêng của người bản địa. Đây cũng chính là nơi mà tất cả tài năng văn hóa, văn nghệ bẩm sinh của đồng bào được thể hiện, thông qua các điệu múa, lời hát, cồng chiêng, nhạc cụ hay những sắc màu thổ cẩm, tượng mồ, nhà mồ, ẩm thực... Người Jrai coi bỏ mả là tết của dân tộc mình.

Người Jrai quan niệm chết tức là bắt đầu một cuộc sống mới. Cái chết gắn liền với lễ bỏ mả. Và dù có nói thế nào đi chăng nữa, sự kết thúc cuộc đời một con người cũng không thể thiếu cái quan tài, nhà mả và tượng mồ bằng gỗ. Sống giữa đại ngàn, người Jrai bao đời nay chỉ với rìu, rựa đã khéo léo tạo nên những cỗ quan tài nguyên khối từ các thân cây tự nhiên, những mái nhà mồ huyền bí, những pho tượng dung dị mà kỳ diệu.

Sự thật ấy từ lâu đã trở thành nếp nghĩ không chỉ trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây nguyên, mà còn in đậm trong suy nghĩ của những người yêu mến miền đất này. Nghĩa là ở một góc độ nào đó, nói đến Tây nguyên là nhớ tới rừng, nhà mồ, tượng mồ...

Phóng to
Ximăng đã thay thế gỗ... - Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

Rừng cạn kiệt lắm rồi

Nhưng hôm nay ít nhất còn một sự thật khác không được ngọt ngào như vậy. Chúng tôi đến Ia Kly vào những ngày đầu tháng 4, đất trời nóng như rang, cây cối trân mình chịu hạn dưới cái nắng đổ lửa. Ở hầu hết các làng trong xã, la liệt những quan tài ximăng nằm ngay các lối đi.

Ông Rơlan Yik người làng Lân bảo: “Hết sạch gỗ phải làm thế này thôi, nhiều năm nay đã như vậy rồi. Mỗi cái quan tài thế này giá không dưới 1 triệu đâu”.

Chúng tôi ra nghĩa địa của làng Lân rồi sang nghĩa địa làng Klah, đâu đâu cũng gặp những nhà mả ximăng lợp tôn, những tượng mồ ximăng đủ loại. Nói đùa với người dẫn đường, anh Rơchăm Pher - một công chức ngành văn hóa huyện, rằng: Phá rừng quá nên hết cây chứ gì nữa? Pher thành thật: “Nói thế oan cho làng quá. Rìu rựa chúng tôi có phá cũng chẳng được bao nhiêu. Mà các anh chị biết rồi đấy, chúng tôi không bao giờ chặt rừng ông bà tổ tiên để lại...”.

Không chỉ là Ia Kly, không chỉ là Chư Prông hay Gia Lai. Theo bản tin ngày 2-4 của Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM, quý 1 năm nay cả nước tiếp tục có thêm gần 460ha rừng bị cháy và bị chặt phá. Các tỉnh có diện tích rừng bị cháy lớn là Gia Lai, Bình Phước, Lâm Đồng và Đắk Lắk.

Cho dù những thông tin về phá rừng, về lâm tặc luôn tràn ngập khắp nơi mỗi ngày một tăng, chúng tôi vẫn không dám nghĩ rằng Tây nguyên nay đã hết rừng. Song điều đó có vẻ lại đúng với Ia Kly, khi mà ngay cả những người Tây nguyên chính gốc, là chủ nhân của đại ngàn, đến giờ đã không còn có thể kiếm được gỗ để làm quan tài, dựng nhà mả và đẽo tượng mồ khi mỗi lần phải đưa tiễn ông bà, cha mẹ mình về với làng ma.

Rừng nơi đây đã cạn kiệt đến mức nào!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận