Dạy thêm, học thêm như chuyện con rắn lột da

BÍCH ĐÀO - HẠ CƯỜNG 01/04/2013 19:04 GMT+7

TTCT - Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm - học thêm (DTHT) có hiệu lực từ tháng 7-2012 nhưng đến tháng 10 các tỉnh thành mới ráo riết triển khai.

Ở Phú Yên, sau hơn bốn tháng thực hiện thông tư, chuyện DTHT đâu lại hoàn đấy!

Phóng to
Một lớp học thêm tại nhà ở Phú Yên - Ảnh: Bích Đào

Rắn lột da

Đầu tiên Sở GD-ĐT Phú Yên cấm giáo viên dạy thêm tại nhà, trên các trang báo xôn xao chuyện bắt dạy thêm như bắt trộm. Hai tháng sau đó sở mới cho phép các trường THPT, THCS đứng ra tổ chức lớp DTHT. Nhà trường phát phiếu học thêm và thu tiền học sinh từ đầu tháng. Cuối tháng ban quản lý trả tiền cho người dạy và giữ lại 20% tính trên đầu học sinh đăng ký học giáo viên đó, có nơi giữ tới 35%. Tất cả các trường đều cho biết khoản giữ lại này chi cho cơ sở vật chất, an ninh, tạp vụ, quản lý…

Một giáo viên Trường THPT Trần Quốc Tuấn nói: “Tuy mất 20% nhưng thu nhập lại tăng lên do không thất thoát như trước kia”. Nhưng sự chặt chẽ nào lại không phát sinh điều ngoài ý muốn của người trong cuộc? Một giáo viên khác ngậm ngùi: “Trước biết học sinh nào nghèo tôi không lấy tiền, nay không làm được vậy vì việc thu - chi làm theo quy trình của nhà trường, giáo viên chẳng thể can thiệp. Em nào có nhu cầu phải làm thủ tục xin với nhà trường”.

Rồi nhu cầu DTHT tăng lên, trường không kham nổi phòng ốc, Sở GD-ĐT bắt đầu cho phép DTHT tại nhà nếu tìm được người có bằng sư phạm nhưng không ăn lương ngành giáo dục, đứng ra xin giấy phép dạy thêm. Cứ mỗi giáo viên về hưu, mỗi giáo sinh thất nghiệp, mà số này thì rất đông, “cõng” được ba giáo viên dạy thêm tại nhà. Thế mới xuất hiện tình huống dở khóc dở cười: giáo sinh bảo lãnh cho giáo viên, có khi là thầy cô của mình ngày xưa, được dạy thêm!

Giáo viên sẵn sàng chấp nhận trớ trêu này, gọi là lách luật. Có người tốt nghiệp đại học sư phạm hơn 20 năm, đã bỏ nghề, nay lại được “mượn bằng” để xin giấy phép dạy thêm. “Chuyện DTHT hiện tại như rắn lột da, tuy khoác cái áo mới chứ nội dung vẫn như cũ và có nguy cơ tràn lan hơn xưa. Mấy “ông sở” lúc thì riết quá lúc thì mở quá” - hiệu phó một trường THPT nhận xét.

Coi như hộ kinh doanh?

DTHT tại trường thì ban quản lý có sổ sách kế toán, chứng từ, con dấu… DTHT tại nhà phải đăng ký, có giấy phép, được coi như hộ kinh doanh cá thể - lời của giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên.

Đội trưởng phòng tuyên truyền Chi cục Thuế TP Tuy Hòa Phan Hoàng Danh tuyên bố: “Hiện các cơ sở dạy ngoại ngữ, dạy nghề, các trường mầm non tư thục đều khai báo như một cơ sở kinh doanh để chúng tôi tính thuế môn bài, thuế thu nhập cá nhân. Và đúng là tất cả các trường hiện tổ chức DTHT, kể cả tại nhà, phải khai báo với cơ quan thuế chúng tôi. Sắp tới chúng tôi sẽ rà soát những trường hợp này”.

Vậy DTHT hiện nay không chừng đang có hai sai phạm: một, nhà trường, cá nhân đã không khai báo với cục thuế địa phương; hai, các cơ quan thuế đã không quản lý sát sao loại hình kinh doanh này trên địa bàn của mình. Những người làm trong ngành giáo dục không thể không băn khoăn: việc dạy thêm của giáo viên tại nhà là một cách cải thiện cuộc sống bởi mức lương chính thức hiện nay sao có thể đủ trang trải cho một gia đình nhỏ.

Còn nếu xem đó như là một hoạt động kinh doanh, phát sinh lợi nhuận để đóng thuế cho Nhà nước thì cần nghiên cứu đề ra những nguyên tắc, tiêu chí rõ ràng đối với một cơ sở dạy thêm như quy mô, điều kiện cơ sở vật chất… thế nào để tránh xảy ra những chuyện đau lòng như trước đây. Áp đặt quy định nào đối với nhà giáo cũng cần cân nhắc nguyên tắc tối thiểu: “Tôn sư trọng đạo”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận