ASEAN: Tìm thắng lợi trong tương nhượng

DANH ĐỨC 30/07/2016 16:07 GMT+7

TTCT - Các thông cáo, tuyên bố chung trong hội nghị ASEAN vừa qua cho thấy tinh thần “win-win” (cùng được) đang thay tinh thần “zero-sum” (tổng bằng không, hay có kẻ được ắt phải có người thua) trong bối cảnh một mâu thuẫn không lời giải.

Trên bàn ngoại giao thì nước lớn, nước nhỏ cũng đều chỉ có một ghế ngồi, một tiếng nói. Trong ảnh: là Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN - Trung Quốc ở Côn Minh (Trung Quốc) tháng 6-2016 -straitstimes.com
Trên bàn ngoại giao thì nước lớn, nước nhỏ cũng đều chỉ có một ghế ngồi, một tiếng nói. Trong ảnh: là Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN - Trung Quốc ở Côn Minh (Trung Quốc) tháng 6-2016 -straitstimes.com

Hôm 24-7, các bộ trưởng ASEAN tranh cãi mãi mới ra được ba thông cáo và tuyên bố chung, trong đó không đề cập gì đến tuyên định ngày 12-7 của Tòa trọng tài, được thành lập theo phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982), về vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc.

Thế nhưng, trước cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã phát biểu: “Tôi rất cảm kích cách tiếp cận của ông”.

“Cách tiếp cận” các khác biệt của ông Vương Nghị mà ông Kerry bày tỏ sự cảm kích có là một với cách tiếp cận của Trung Quốc trong các cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN với nhau trước đó một ngày?

Điểm mới trong tuyên bố chung

Trong cả ba tuyên bố, thông cáo chung của các ngoại trưởng ASEAN công bố hôm 24-7 đều không đề cập đến phán quyết của Tòa trọng tài.

Tuy nhiên bù lại, lần đầu tiên các ngoại trưởng ASEAN công bố tuyên bố chung về việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, tuyên bố chung của các ngoại trưởng các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc về việc thực thi trọn vẹn và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trong Biển Đông, bên cạnh thông cáo chung quen thuộc theo lệ của hội nghị ngoại trưởng ASEAN (AMM, lần này đã là lần thứ 49).

Dù có không nhắc đến phán quyết của Tòa trọng tài, song mỗi tuyên bố chung cũng đã là những thể hiện mới và tiến bộ so với tuyên bố chung năm ngoái ở Malaysia.

Thật vậy, trong tuyên bố chung của AMM 2015, các ngoại trưởng ASEAN, khi nói đến Biển Đông, đã chỉ gồm bảy đoạn từ 150 đến 156, thì trong tuyên bố AMM năm nay vấn đề Biển Đông đã được đề cập trong tám đoạn từ 174 đến 181, trong đó có những đoạn hoàn toàn mới như đoạn 177:

“Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong khi tiến hành mọi hoạt động, bao gồm cả việc bồi đắp đất mà sau này có thể làm phức tạp thêm tình hình và làm cho căng thẳng leo thang trên Biển Đông”.

Tuyên bố chung AMM năm ngoái, đoạn 150 chỉ đề cập sơ về việc bồi đắp đất: “Chúng tôi đã ghi nhận những mối quan ngại nghiêm trọng mà một số bộ trưởng đã bày tỏ về việc bồi đắp đất trên Biển Đông, làm xói mòn niềm tin và lòng tin; làm gia tăng những căng thẳng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông”.

Một năm sau, Tuyên bố AMM lưu ý một cách cụ thể hơn rằng việc bồi đắp sau này có thể làm phức tạp thêm tình hình và làm căng thẳng leo thang, và chính vì thế mà bổ sung thêm yêu cầu kép “phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong khi tiến hành mọi hoạt động, bao gồm cả việc bồi đắp đất”.

Khi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa Biển Đông, các ngoại trưởng AMM đã đưa ra một thách thức vô cùng lớn đối với Trung Quốc: nếu phi quân sự hóa, tức rút quân đội, vũ khí, khí tài quân sự, nghĩa là Bắc Kinh phải chấm dứt tham vọng thôn tính Biển Đông và với mọi nước trong khu vực, một ngòi nổ với nguy cơ lớn sẽ được gỡ bỏ để Biển Đông không còn bị đe dọa bởi nguy cơ chiến tranh, xâm lược hay đe dọa vũ lực.

“Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa Biển Đông” như thế cũng là một cách khác tuyên bố “đường lưỡi bò” là vô hiệu! Một cách hiểu và vận dụng phán quyết của Tòa trọng tài vào thực tế: điều cơ bản và đầu tiên để triển khai tuyên định “đường chín đoạn không có giá trị pháp lý” chính là rút quân khỏi đó!

Ngoại giao là một hoạt động rất “chơi chữ” và ngôn từ, như ông tổ của ngữ học cơ cấu Ferdinand de Saussure đã vạch ra từ đầu thế kỷ trước, chính là cái ý ám chỉ (le désigné) chứ đâu chỉ là cái ý nghĩa bề nổi (le signifié). Thế cho nên việc đưa vào tuyên bố ý định “nhấn mạnh tầm quan trọng của phi quân sự hóa” Biển Đông có thể là một mong ước (và thực thi) “win-win” cho tất cả các bên, bao gồm cả Trung Quốc!

Một chi tiết mới hoàn toàn khác trong tuyên bố chung AMM năm nay là đoạn 181: “Chúng tôi tái khẳng định sự cần thiết phải thiết lập các đường dây nóng giữa các bộ ngoại giao để quản lý những tình huống khẩn cấp về hàng hải ở Biển Đông.

Chúng tôi mong đợi việc thông qua một tuyên bố chung về việc chấp hành Bộ quy tắc cho các cuộc chạm trán không lường trước (CUES) trên Biển Đông. Cả hai việc này (đường dây nóng và CUES) đều là khả thi ở Hội nghị thượng đỉnh cột mốc ASEAN - Trung Quốc.

Theo quan điểm của chúng tôi, đây là những biện pháp thiết thực có thể làm giảm căng thẳng và các rủi ro tai nạn, hiểu lầm, tính toán sai lầm”.

Ý tưởng thiết lập đường dây nóng giữa bộ ngoại giao các nước với Bộ Ngoại giao Trung Quốc để “alô” khi có vụ tàu húc tàu, đồng thời ban hành quy tắc ứng xử cho những vụ chạm trán bất ngờ đúng vào Thượng đỉnh kỷ niệm 25 năm “quan hệ đối thoại” vào tháng 9 tới, quả là một hình thức kỷ niệm thực chất gấp bội pháo hoa hay khánh thành công trình nọ, viện nghiên cứu kia...

Không gì chua chát và trớ trêu cho bằng việc “tiến tới kỷ niệm 25 năm đó” mà vẫn cứ húc tàu, bắt giữ ngư dân và giương súng ống về phía nhau.

Do đó, trong khi ASEAN phải nhượng bộ không nhắc đến phán quyết của Tòa trọng tài, tuyên bố chung đã là một bầu không khí tích cực hơn khi những nước nhỏ vẫn có thể tạo ra được sự “trói buộc danh dự” nhất định đối với siêu cường đang nổi lên Trung Quốc: muốn làm “ông lớn” thì không thể cứ “làm bậy” mãi.

Bắc Kinh thật sự cần giảm bớt sự hiện diện quân sự và ngưng các hoạt động “đe nẹt” các nước khác trên Biển Đông để đảm bảo hòa bình, ổn định và vì lợi ích của chính họ!

Để giải quyết thách thức đó, AMM năm nay đã ra thêm hẳn một tuyên bố nữa: tuyên bố chung của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN và Trung Quốc về việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), được thông qua ngày 25-7.

Trong cả hai năm 2015 và 2016, tuyên bố chung AMM của riêng các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đều nhắc tới mong muốn DOC được thực thi đầy đủ và hiệu quả. Song với những chi tiết tinh tế của ngoại giao, năm nay vấn đề này được đưa vào một tuyên bố khác của ASEAN và Trung Quốc, như một sự trói buộc danh dự nữa với Bắc Kinh.

Ngay tựa đề “Tuyên bố về việc thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC” đã cho thấy sự nhân nhượng đáng hoan nghênh của các bên. Năm 2002 ở Phnom Penh, thứ trưởng ngoại giao Vương Nghị đã ký kết DOC. 12 năm sau, thứ trưởng đã lên chức bộ trưởng vậy mà DOC vẫn chỉ cứ nằm trên giấy là điều thật đáng tiếc?!

Thế cho nên ngày 25-7, các bên, quan trọng nhất vẫn là Trung Quốc, đã “chịu” tuyên bố lại một lần nữa, kèm theo lời hứa sẽ thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả tuyên bố đã ký năm xưa!

Tương nhượng để “cùng được”

Việc ASEAN không viện dẫn phán quyết của Tòa trọng tài trong văn bản, có thể xem là một nhượng bộ (Tân Hoa xã đã dẫn lại điều này như một “thắng lợi ngoại giao” của Trung Quốc).

Thật vậy, Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc nêu trên ở điểm 2 có vẻ có lợi cho Trung Quốc: “Các bên liên quan cam kết giải quyết tranh chấp về lãnh thổ và về quyền tài phán bằng những biện pháp hòa bình, mà không cần đến việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thông qua hiệp thương hữu nghị và đàm phán chủ quyền bởi các nước trực tiếp liên quan, phù hợp với các nguyên tắc luật pháp quốc tế được công nhận một cách phổ quát, bao gồm UNCLOS 1982”.

Thật ra, điều 2 này của tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc ngày 25-7-2016 chỉ là sự lặp lại nguyên văn điều 4 của DOC năm 2002. Cho đến nay, Trung Quốc khi giải thích điều này vẫn nhất mục bám vào cụm từ “thông qua hiệp thương hữu nghị và đàm phán chủ quyền bởi các nước trực tiếp liên quan”, để từ đó bác bỏ mọi tuyên định và chế tài từ các tòa án quốc tế, “ép” các nước khác phải thương lượng song phương và không đa phương hay quốc tế hóa các tranh chấp.

Nhưng vấn đề là điều này còn rất nhiều chi tiết khác đã bị Trung Quốc vi phạm trước giờ. Tỉ như: “Cam kết giải quyết các tranh chấp mà không cần đến đe dọa hoặc sử dụng vũ lực”. Hoặc không đếm xỉa đến tình huống không “hiệp thương hữu nghị” được vì hạm đội của bên này cậy đông mà “húc” tới, cũng như phớt lờ “các nguyên tắc luật pháp quốc tế được công nhận một cách phổ quát bao gồm UNCLOS 1982”.

Thành ra, có thể thấy tuy “nhường nhịn” không nhắc tới phán quyết của Tòa trọng tài, ASEAN vẫn đạt được một số bước tiến quan trọng sau AMM ở Lào: (1) nêu ra trước công luận nhu cầu hòa bình, ổn định bên cạnh một Trung Quốc đang tăng cường quân sự, bồi đắp các đảo và cả sự hiện diện dồn dập của máy bay, tàu chiến trên Biển Đông...; (2) buộc Trung Quốc cùng tuyên bố thực thi trọn vẹn và hiệu quả DOC; (3) “mời” Trung Quốc phi quân sự hóa Biển Đông.

Vì thế, có thể nói đó là một sự nhân nhượng hai phía, một cách hành xử “win-win” thường thấy. Trung Quốc, về phần họ, cũng đã ký tuốt mọi tuyên bố chung để đổi lấy cho bằng được việc phán quyết của Tòa trọng tài không xuất hiện trong các văn kiện chính thức và cũng tự thấy đó là thành công.

Với sự phát triển của môn “kỹ thuật đàm phán”, ngày nay trên bàn ngoại giao, ít nước nào, dù hùng mạnh đến đâu, còn tham vọng “người thắng cuộc quơ hết tất cả” (The winner takes it all), cùng kết cuộc “kẻ thắng, người thua” (zero-sum) mà kết quả luôn tan nát, nhất là bên thua cuộc.

Trong một thế giới thật sự văn minh, các nhà nước và những nhà ngoại giao đại diện cho họ, phải xoay xở để tìm ra được một giải pháp win-win có thể chấp nhận được cho tất cả các bên.

Có thể hi vọng trong chiều sâu của cuộc tranh chấp cuối cùng dẫn đến kết quả là các tuyên bố chung nêu trên, dường như đã đến lúc các bên phải thôi trò “được ăn cả, ngã về không”.

Bởi thế phán quyết của Tòa trọng tài mới gọi tất cả các thực thể ở Trường Sa là “đá” (rocks), ngoài ý nghĩa pháp lý còn có ý nghĩa thực tế là để chặn nguy cơ tranh giành cho tới “tận thế” để rồi kẻ này bể đầu, kẻ kia mất mạng...!

Bằng cách vô hiệu hóa “đường lưỡi bò” coi như “xóa bài làm lại”, ai có đủ chứng cứ lịch sử, pháp lý thì cứ chuẩn bị trưng ra. Trung Quốc, bề mặt phủ định phán quyết đó, song hẳn cũng đang cân nhắc (1) hoặc chiến tranh, (2) hoặc giảng hòa và bắt tay “cộng tác”, hay (3) đối đế lắm phải ra cãi nhau trước tòa. Hội nghị ASEAN vừa qua có vẻ là một đổi chác chuẩn bị theo những chiều hướng 2 và 3.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận