Những câu hỏi trước lá phiếu

NGUYỄN ĐỨC LAM 21/05/2016 16:05 GMT+7

TTCT - Không đi bỏ phiếu, bạn có thêm nửa tiếng rảnh rỗi; đi bỏ phiếu, bạn mất thêm nửa tiếng đi về, điền phiếu. Chỉ có vậy thôi, nhưng sự lựa chọn của mỗi người hợp lại sẽ quyết định “cái gì đó” thay đổi tốt hơn nhờ lá phiếu của mình.

Cử tri xem thông tin của các ứng cử viên đại biểu HĐND TP.HCM, đơn vị quận Tân Bình-Quang Định
Cử tri xem thông tin của các ứng cử viên đại biểu HĐND TP.HCM, đơn vị quận Tân Bình-Quang Định

Vài tuần qua, ngay dưới bancông chung cư tôi ở có thêm đôi loa mới được lắp trên cột điện để tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND. Sáng sáng, chiều chiều, hai phát thanh viên một nam một nữ đọc các thông tin về tiểu sử của các ứng cử viên và nhắc nhở cư dân về ngày bầu cử 22-5 đang tới, “hãy đi bỏ phiếu lựa chọn đại biểu của mình”.

Tầng 1 của khu chung cư dán lý lịch tóm tắt và ảnh của các ứng cử viên. Ở tất cả các khu dân cư trên cả nước cũng tương tự. Ngoài mối cân nhắc gạch người nào, chọn người nào, hàng chục triệu cử tri cả nước còn một câu hỏi không kém phần quan trọng: theo dõi, giám sát đại biểu thực hiện lời hứa như thế nào trong 5 năm tới?

Chọn ai?

Sau một thời gian “xôn xao” trước hiện tượng người tự ứng cử, nhất là ở Hà Nội và TP.HCM, các cử tri sẽ lựa chọn đại biểu từ danh sách được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu.

Thông thường, đối với ứng cử viên đại biểu Quốc hội, từ danh sách 5 người, cần gạch tên 2 người, chọn 3 người; đối với ứng cử viên đại biểu HĐND, có thể nhiều hơn một chút. Nhưng có thể thấy qua cách thức tổ chức các cuộc tiếp xúc, ngoài những cử tri “được mời” tới dự các cuộc này, còn khá đông cử tri chỉ biết đến ứng cử viên qua bản lý lịch cũng như tấm ảnh dán trên bản tin khu phố.

Không có dịp gặp gỡ trực tiếp với nhau, tiểu sử tóm tắt, bản chương trình hành động chứa những gạch đầu dòng đơn giản sẽ không dễ cho cử tri nếu họ muốn biết sâu hơn về ông A, bà B trong danh sách ứng cử viên, không thật rõ các ông bà ấy định làm gì và có thể làm gì cho cử tri, cho cộng đồng và cho địa phương...

Ý muốn một ngày nào đó cử tri được thấy các ứng cử viên cùng nhau tranh luận trên truyền hình, Internet, mạng xã hội, các cuộc diễn thuyết công cộng... vẫn là một niềm hi vọng. Trong điều kiện như thế khó tránh khỏi những chọn lựa theo cảm tính, thấy “lý lịch” ai sạch đẹp hơn thì chọn.

Rõ ràng, chúng ta còn phải làm nhiều hơn để chỉnh sửa, hoàn thiện quy trình ứng cử và vận động bỏ phiếu này.

Mặc dù vậy, cử tri ở ta vẫn có thể làm được nhiều điều để tự mình mang đến thay đổi tốt đẹp hơn cho chính mình. Bỏ phiếu một cách có trách nhiệm, với ý thức công dân là điều ai cũng có thể làm.

Theo Hiến pháp 2013, bầu cử là quyền công dân, có thể chọn đi bỏ phiếu hoặc không, nhưng không nên ngồi nhà chỉ vì thờ ơ, chỉ vì lười, càng không nên đưa phiếu cho người khác bỏ thay. Không đi bỏ phiếu, bạn có thêm nửa tiếng rảnh rỗi; đi bỏ phiếu, bạn mất thêm nửa tiếng đi về, điền phiếu. Chỉ có vậy thôi, nhưng sự lựa chọn của mỗi người hợp lại sẽ quyết định “cái gì đó” thay đổi tốt hơn nhờ lá phiếu của mình.

Mọi phản ứng kiểu đến điểm bầu cử bỏ phiếu chặc lưỡi “cho xong”, nể bác tổ trưởng dân phố đến nhà thúc giục, gạch đại từ trên xuống dưới hay từ dưới lên trên, hay chọn theo lý lịch, người giữ chức vụ thì chọn, không thì gạch bỏ... đều không phải là cách thực hiện quyền công dân đúng nghĩa.

Mỗi một lựa chọn, dù trong điều kiện thông tin hạn chế vẫn có thể đưa ra nếu được cân nhắc trên nền tảng hiểu về bản chất của Quốc hội - cơ quan đại diện cho các lợi ích của các nhóm dân cư khác nhau trong xã hội.

Hoặc cử tri tại đơn vị bầu cử có ứng cử viên giữ trọng trách như bộ trưởng, lãnh đạo tỉnh, có thể căn cứ vào những việc làm, kết quả trong thời gian qua của ứng cử viên ấy có mang lại cho xã hội, địa phương, đất nước hay không để quyết định lựa chọn.

Đối với đại biểu Quốc hội tái ứng cử, có thể tìm hiểu xem người đó đã phát biểu bao nhiêu lần, phát biểu những gì, để lấy đó làm một trong những nguồn thông tin quyết định việc bỏ phiếu cho ông/bà ấy tiếp tục làm đại biểu hay không.

Như vậy, nghĩa vụ của công dân trong việc bỏ phiếu không chỉ là đi bỏ phiếu mà là có trách nhiệm với lá phiếu của mình. Trong hoàn cảnh nào vẫn có thể truyền một tín hiệu dù nhỏ hay lớn, dù rõ ràng hay hàm ý, về ý thức công dân trong lá phiếu - là điều luôn cần thiết và có tác dụng.

Nếu ví bầu cử như đi dự hội nghị cổ đông của công ty, thì đi bỏ phiếu như thế để nói rằng chúng tôi cần cổ tức năm sau cao hơn, cần công ty phát triển. Khi đó, cử tri biến luật bầu cử thành luật chơi của mình, giành lấy tư cách người chơi trong cuộc chơi bày tỏ ý kiến của toàn thể nhân dân dù là dưới bất kỳ hình thức nào.

Ngược lại, nếu chỉ khoanh tay kiểu “mackeno” thì đến lúc ngập nước, thực phẩm độc hại, môi trường ô nhiễm, tội phạm gia tăng, tham nhũng... còn biết kêu ai, chỉ trích ai?

Đừng để phí phiếu của cử tri

Trong các hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử, người ứng cử thường đưa ra những cam kết sẽ làm điều này, điều kia nếu trúng cử đại biểu Quốc hội hoặc HĐND. Có nên tin vào những lời cam kết kia không? Dù tin hay không thì đó cũng là một trong những căn cứ để cử tri đối chiếu theo dõi, giám sát xem họ có những hành động thực tế, mang lại kết quả gì trong thời gian làm đại biểu.

Qua các nhiệm kỳ, có người giữ lời, nhưng không ít “lời nói gió bay” khiến lòng tin của cử tri cũng cuốn theo chiều gió. Như cố đại biểu Đàm Văn Ngụy đã đề nghị đổi họ cho một số đại biểu Quốc hội sang họ “Hứa” bởi các vị này hứa nhiều nhưng làm thì ít.

Nhiều đại biểu Quốc hội kể lại, họ từng nghe cử tri phản ảnh đã theo dõi suốt khóa và không bằng lòng với nhiều đại biểu. Có cử tri nói gay gắt: “Như thế là phí phiếu của chúng tôi”. Người khác thì nói thẳng: “Chúng tôi vẫn chờ xem giữa lời nói với hành động của các vị sau này như thế nào. Vị nào trúng cử phải thật sự có trách nhiệm, tránh tình trạng xuân thu nhị kỳ về tiếp xúc cử tri, mở sổ ghi ghi chép chép, sau đó hầu như đâu vẫn còn đó, không có hồi âm”.

Có cử tri thì nhẹ nhàng nhắn nhủ: “Em làm gì cũng nhớ đừng phụ lòng tin của người dân đã gửi gắm cho mình”. Có người giữ lại tờ báo đăng chương trình hành động của ứng cử viên để dõi theo quá trình hoạt động đại biểu trong 5 năm sắp tới, và hi vọng nếu trúng cử sẽ không để lại những lời “hứa treo”.

Tất nhiên, làm cho cử tri hài lòng là điều hết sức quan trọng, nhưng không đơn giản chút nào. Không ít đại biểu khi soi vào bản chương trình hành động đã thừa nhận những việc mình đã làm thật nhỏ bé, ít ỏi.

Xây dựng được chương trình hành động, trình bày chương trình hành động thật thuyết phục để cử tri ủng hộ và bỏ lá phiếu ủng hộ cho mình đã thật khó, nhưng cái khó thật sự chỉ đến khi họ phải chuyển lời hứa thành việc làm thiết thực, trước đôi mắt, đôi tai dõi theo của cử tri.

Để đại biểu trách nhiệm hơn, giữ lời đã hứa với cử tri, từ trước tới nay đã có không ít biện pháp được áp dụng, đề xuất được đưa ra.

Có cả các hình thức đánh giá, khen thưởng, kỷ luật tương tự ở các tổ chức khác; thực hiện quy định về việc báo cáo với cử tri về kết quả hoạt động của mình; giao cho Mặt trận Tổ quốc giám sát; tạo ra các kênh thông tin liên lạc thường xuyên (công bố đường dây nóng, email, địa chỉ hòm thư...) với cử tri; mở rộng thành phần các cuộc tiếp xúc cử tri; tạo các kênh để cử tri nêu ý kiến buộc các đại biểu thực hiện đầy đủ các cam kết; theo dõi đại biểu phát biểu ở hội trường và những công việc khác qua trang web của Quốc hội, qua báo chí...

Nhưng ràng buộc chặt chẽ nhất đối với đại biểu Quốc hội và HĐND ở Việt Nam vẫn chưa có: đó là sự phụ thuộc của đại biểu vào lá phiếu cử tri. Còn nhớ, ở Singapore vào kỳ bầu cử năm 2011, Đảng Hành động vì nhân dân (PAP) mất sáu ghế, chỉ vì cử tri ở hai khu vực bầu cử không hài lòng với chính phủ đương nhiệm lúc đó của PAP nên quay sang ủng hộ đảng đối lập.

Có đến bốn bộ trưởng đương chức thua cuộc, đặc biệt có bộ trưởng ngoại giao - một nhân vật rất sáng giá, được “quy hoạch” vào vị trí lãnh đạo PAP, đồng nghĩa với việc có thể làm thủ tướng. Vụ việc khiến PAP, dù vẫn đang rất mạnh, áp đảo trên chính trường, nhận ra bài học đáng giá: sức mạnh lá phiếu cử tri.

Chỉ khi đạt đến mức như vậy, người đại biểu khi làm bất cứ việc gì ở nghị trường cũng tự đối chiếu, thực hiện đúng những lời hứa của mình. Để cuối nhiệm kỳ không phải ngượng trước những trách cứ “hứa treo” hay “để phí lá phiếu” của cử tri.■

Khi bầu cử là nghĩa vụ bắt buộc

 

Một trong những câu hỏi thú vị được nhiều cư dân mạng Việt Nam thảo luận gần đây là về việc đi bầu cử là “quyền” hay “vừa là quyền vừa là nghĩa vụ”. 

Tại đó, các ý kiến đã viện dẫn luật và giải thích của Hội đồng bầu cử trung ương để chia sẻ thông tin và tranh luận sôi nổi - một thực tế cho thấy mối quan tâm nghiêm túc của nhiều công dân Việt Nam đối với cuộc bầu cử sắp tới.

Có những quốc gia trên thế giới quy định việc đi bỏ phiếu trong các cuộc tổng tuyển cử toàn quốc là nghĩa vụ bắt buộc với các công dân. 

Thống kê của Đài truyền hình Mỹ PBS cho thấy cả thế giới có 22 quốc gia khẳng định bầu cử là nghĩa vụ (bắt buộc), một số nước còn có chế tài mạnh tay với những ai trốn nghĩa vụ đó. Ở Úc chẳng hạn, suốt từ năm 1924, đi bầu cử cấp liên bang và cấp bang là bắt buộc với công dân từ 18 tuổi trở lên. 

Luật quy định rõ những công dân đó phải đăng ký, tới bỏ phiếu và “điểm danh” tại điểm bầu cử. Mức phạt cho việc trốn quyền công dân này là khoảng 20 USD tới cả trăm USD, tùy bang và tính chất của cuộc bầu cử. 

Để hỗ trợ người dân thực hiện nghĩa vụ này, nhà nước sẽ phải cung cấp dịch vụ bưu tín cho những ai vì lý do sức khỏe không thể tới được điểm bầu cử.

Tuy nhiên, trong 22 nước (với tổng dân số 744 triệu người) quy định bầu cử là nghĩa vụ bắt buộc thì chỉ 10 nước là có chế tài kèm theo. 

Nghĩa vụ bầu cử bắt buộc không phải chuyện mới, từ nền dân chủ Hi Lạp của thành bang Athens, các công dân đã được yêu cầu phải đi bỏ phiếu. 

Trong hài kịch Acharnians của Arstophanes (thế kỷ 5 trước Công nguyên) chẳng hạn, có một cảnh mô tả các nô lệ Athens được lệnh yêu cầu và hướng dẫn công dân của thành bang ở các khu chợ phải tới nơi bỏ phiếu để làm nghĩa vụ của mình. 

Việc quy định bỏ phiếu là bắt buộc giúp tăng tính chính danh của chính quyền được bầu lên (do lượng cử tri đi bỏ phiếu đông đảo hơn); giúp loại bỏ các nhóm chính trị cực đoan hay đại diện cho các lợi ích nhóm thắng cử; và tất nhiên, giúp tăng nhận thức của người dân về chính trị. Tuy nhiên, bầu cử thường được giải thích là một quyền hơn là một nghĩa vụ dân sự.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận