Doanh nghiệp cần một chính phủ hành động

NHƯ BÌNH 09/05/2016 19:05 GMT+7

TTCT - Hơn bao giờ hết, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ bên ngoài. Sau cuộc đối thoại với Thủ tướng Chính phủ, thông điệp hành động được DN đón nhận ra sao?

Bà Vũ Kim Hạnh -Quang Định
Bà Vũ Kim Hạnh -Quang Định

Trao đổi với TTCT, chủ tịch Hội DN hàng VN chất lượng cao Vũ Kim Hạnh chia sẻ:

- Chúng tôi cảm nhận được sự chân thành của Thủ tướng với những cam kết dành cho cộng đồng DN. Dù cuộc gặp gỡ này chỉ là một sự bắt đầu nhưng đã có dấu hiệu lạc quan cho thấy những thay đổi sắp tới là rất tích cực.

Những vấn đề như hủy bỏ giấy phép con hay không hình sự hóa mối quan hệ DN, đến việc hỗ trợ cho DN VN được Thủ tướng đề cập trực tiếp. Thủ tướng nói đi nói lại cần thiết củng cố xây dựng niềm tin cho DN.

Đại diện cho hội, bà kiến nghị điều gì?

- Chúng tôi nhấn mạnh đến yếu tố hội nhập, đặc biệt là sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) không chỉ là cuộc cạnh tranh của DN, mà còn cạnh tranh giữa thể chế, giữa chính phủ các nước.

Trong hội nhập, lãnh đạo cũng tự so với người đồng cấp ở các nước khác trong mối quan hệ phục vụ DN. Để chuyển biến từ nhà nước cai trị sang nhà nước kiến tạo, rồi nhà nước phục vụ là cả chặng đường dài. Hiện nay có vẻ như chúng ta chỉ đang ở câu chữ chứ chưa đi vào hành động.

Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI, cũng đề cập tính cấp thiết thành lập một định chế, nghiên cứu các chính sách mà các quốc gia trong khu vực thiết lập để phục vụ cho DN nước họ.

Chẳng hạn câu chuyện nóng nhất hiện nay là sự đổ bộ của hàng Thái vào thị trường VN. Người Thái phối hợp rất nhịp nhàng trong việc hỗ trợ DN đẩy hàng Thái ra bên ngoài. Hiện nay vào siêu thị người Thái đang sở hữu ở TP.HCM, khách hàng sẽ nhận được ngay những phiếu mua hàng giảm giá để phục vụ cho việc mua hàng ngay tại siêu thị. Đó là chương trình DN tự đưa ra để tăng mức độ cạnh tranh, hấp dẫn của hàng Thái.

Chúng ta cần nắm rõ chính sách của các nước ASEAN để ít nhất biết mình đang mất lợi thế chỗ nào. DN Thái đang được Chính phủ Thái ủng hộ để đi quảng bá ra bên ngoài, số lượng hội chợ Thái ngày càng tăng ở VN và không ngừng mở rộng khắp nơi. Đó là chính sách hỗ trợ đích thực từ Chính phủ Thái.

Trong khi đó, các chương trình xúc tiến hàng Việt còn manh mún, không đều đặn và thậm chí khi tổ chức, nhiều DN không nhận được sự hỗ trợ thiết thực. Cần nhìn nhận cạnh tranh của DN là cạnh tranh của cả nền kinh tế, của một quốc gia chứ không phải cạnh tranh của những người bán buôn đơn thuần.

Làm sao để hiểu nhuần nhuyễn sức mạnh của nền kinh tế và cũng chính là sức mạnh của một quốc gia thì chúng ta mới có một chính phủ hành động thật sự.

Theo bà, sự chuyển động trong hoạt động xúc tiến thương mại của VN hiện nay như thế nào?

- Các tập đoàn Thái Lan khi làm việc với tổng đại lý đang phân phối mặt hàng Thái tại VN có gợi ý: từ nay trở đi, khi AEC có hiệu lực, đừng vay vốn của VN mà hãy vay vốn của Chính phủ Thái. Những đại lý phân phối cho thương hiệu hàng Thái, DN Thái đều được Chính phủ Thái hỗ trợ với lãi suất cực kỳ ưu đãi.

Người Thái đang cho thấy quyết tâm phối hợp giữa chính phủ, DN lớn, DN nhỏ... để đẩy hàng Thái ra nước ngoài như thế nào.

Chính phủ VN không đủ sức để làm điều đó. Nên phải thay đổi thật sự cơ chế xúc tiến. Chẳng hạn, thương vụ các nước không bao giờ đi làm thay mà chỉ hướng dẫn và tư vấn, đồng thời khuyến khích công ty tư nhân càng làm tốt sẽ có thưởng.

Tại Singapore, để hỗ trợ DN, chính phủ khá minh bạch trong việc chọn đấu thầu, cung cấp dịch vụ. Vai trò của chính phủ chỉ là người hướng dẫn và giới thiệu, chính DN sẽ lựa chọn người cung cấp dịch vụ và họ thành công hay thất bại dựa trên quyết định lựa chọn của mình. Thành ra, các công ty tư vấn nai lưng ra làm vì họ biết đồng tiền của chính phủ rất thiết thực.

Theo tôi, cơ quan xúc tiến nhà nước nên dừng ở mức độ là người hướng dẫn, không nên đứng ra ôm đồm quá nhiều. Cơ quan xúc tiến khi bắt tay vào làm là theo lối hành chính, không để ý đến môi trường cạnh tranh mà hàng hóa VN phải đối mặt.

Chúng ta cần có biện pháp gì để hỗ trợ hàng Việt trong bối cảnh mới?

- Theo tôi, rất nên làm lại chương trình người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Hiện nay, Nhà nước hỗ trợ kinh phí rồi DN tổ chức bán hàng nhưng thật ra là kêu gọi sự tham gia của các nhà thương mại nên không xây dựng được hệ thống phân phối, cách làm này không còn đúng ý nghĩa ban đầu nữa. Đó là kích cầu chứ không phải xây dựng mạng lưới bán hàng.

Phải làm lại, bắt đầu từ việc hiểu những chông gai mà hàng Việt phải đương đầu. Người tiêu dùng phải cảm thông, điều này không có nghĩa là bỏ qua những yếu kém của hàng Việt, nhưng ít nhất hiểu rằng tình thế cạnh tranh mới, công ăn việc làm của nhiều gia đình, sức mạnh của doanh nghiệp, nền kinh tế... đều thuộc vào sự lựa chọn của người tiêu dùng.

Tiếp đến chúng ta truyền thông cho những nỗ lực của DN, để người dân thấu hiểu họ đang vất vả vươn lên như thế nào, từ đó người tiêu dùng quan tâm hơn trong việc lựa chọn hàng hóa. Chính sách của Nhà nước đang hỗ trợ cho hàng Việt cần được xem xét một cách hiệu quả, chứ đừng làm theo kiểu ban phát hay làm cho có.

Thứ ba, bản thân DN VN cần có sự liên kết, có thể liên kết theo chuỗi, theo quy mô hay nếu cùng ngành thì liên kết theo mắt xích để tăng sức mạnh của mặt hàng đó.

Vậy, với tín hiệu mới từ cuộc gặp gỡ với Thủ tướng, bà cảm nhận phản hồi từ DN như thế nào?

- Một buổi đối thoại chỉ đủ để DN tiếp nhận tín hiệu và hi vọng, chờ đợi chứ chưa thể thay đổi được gì. Tất cả chỉ đang ở mức lời nói. Thủ tướng cũng nói đừng để lời nói gió bay, nhưng sắp tới thực tế cho thấy có bay hay không, cần phải làm gì?

Vì vậy, bước tiếp theo của Thủ tướng sau cuộc đối thoại rất quan trọng, sẽ làm gì để mở đầu, giữ tiếp tinh thần đó, xây dựng lại được lòng tin. Tôi cảm nhận DN bao giờ cũng muốn được Chính phủ hỗ trợ, dù có chán nản thời gian qua DN cũng đã tự cứu mình. DN cần một chính phủ hành động.

Tôi nghĩ nên bắt đầu việc tháo gỡ những rào cản khó khăn. Những gì đã làm thì cần xem xét một cách thực chất. Nghiên cứu những chính sách mà các nước đang hỗ trợ cho hàng hóa nước họ để ít nhất mình không làm được như họ thì cũng hiểu được để tính toán hỗ trợ hàng Việt. Cuối cùng, cần coi lại sự liên kết của DN VN, xem lại vai trò của hiệp hội.

Xin cảm ơn bà.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận