Mua rau mua cả niềm tin

MAI VINH 03/05/2016 18:05 GMT+7

TTCT - Câu chuyện rau sạch chưa lúc nào khiến nhiều người quan tâm như lúc này. Ở bất cứ đâu, người tiêu dùng đều “săn lùng” chúng bằng nhiều kênh khác nhau.

Xà lách Mỹ sản xuất theo công nghệ Nhật được làm sạch trước khi đóng gói -MAI VINH
Xà lách Mỹ sản xuất theo công nghệ Nhật được làm sạch trước khi đóng gói -MAI VINH

Đà Lạt với hơn 12.500ha nông sản canh tác theo hướng công nghệ cao đang trở thành tâm điểm của những người “khát” nông sản sạch. Bằng nhiều con đường khác nhau, người tiêu dùng mua cho bằng được nông sản có xuất xứ từ Đà Lạt.

Mất lòng tin vào trung gian

Dù thực phẩm ở các chợ nhỏ gần nhà chưa gây phiền toái nào cho gia đình chị Trần Minh Nhị (Q.Tân Phú, TP.HCM) nhưng chị vẫn không có niềm tin khi mua nông sản ở đây. Chị bảo: “Bây giờ nhìn cọng rau đã thấy một trời nguy cơ, bữa nay ăn không có sao chứ ai biết ngày sau có ra sao không?”.

Để tự trấn an mình, chị Nhị nhờ bạn tại Đà Lạt giới thiệu một trang trại canh tác nhiều loại nông sản khác nhau trồng theo tiêu chuẩn rau an toàn hoặc VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam).

Và từ TP.HCM, chị Nhị lên Đà Lạt và dành hai ngày chỉ để tham quan nông trại. Chị đi soi từng ngóc ngách các khoảnh vườn, từ kho phân bón cho đến hồ chứa nước. Kiểm tra bằng mắt chưa thấy đủ, chị xin chủ vườn một bản photo kết quả phân tích các chỉ tiêu liên quan đến dư lượng trong nông sản. Chị bảo: “Mang về nhờ người am hiểu đọc giúp rồi cho ý kiến có nên mua hay không”. Chị Nhị quyết định mua sau khi nhận được lời tư vấn từ bạn bè.

Mỗi tuần, chị gửi 500.000 đồng cho trang trại để họ tự cân đối theo nhu cầu ăn uống của gia đình và gửi xe đò tuyến Đà Lạt - TP.HCM cho chị. Sợ bị trộn rau có xuất xứ khác Đà Lạt, chị buộc nhà vườn chỉ dùng dịch vụ của xe tuyến Đà Lạt - TP.HCM, không chấp nhận bất cứ hình thức vận chuyển nào khác.

Nói về chuyện quá kỹ lưỡng của mình, chị Nhị cười: “Không biết nói sao, nhưng nhìn đâu cũng thấy chuyện rau bơm hóa chất này, trộn hóa chất độc hại khác nên sợ lắm. Thôi thì đặt niềm tin vào vựa rau Đà Lạt có tiếng sạch sẽ. Dẫu thế, vẫn không được lơ là cảnh giác. Mình phải bảo vệ sức khỏe gia đình mình”.

Không có điều kiện đến tận nơi để tận mắt chứng kiến quy trình trồng nông sản công nghệ cao nên chị Lê Thúy Sang (Q.7, TP.HCM) hằng tuần chuyển tiền lên cho một người bạn tại Đà Lạt để mua giúp rau củ. Chị Sang mua chủ yếu là rau lá các loại, thỉnh thoảng nếu dự định gia đình có khách thì chị sẽ đặt mua thêm các loại củ.

Theo chị Sang, rau lá là thứ dùng nhiều nhất trong bữa ăn và dễ bị nhiễm bẩn nhất do nếu bị tưới chất bẩn thì sẽ nhiễm từ lá và cả rễ. Các loại củ quả thì đỡ hơn. Do đó, chị Sang ưu tiên mua toàn bộ rau lá cho gia đình từ các vườn tại Đà Lạt. Sau hơn một tháng mua bán qua lại, chị Sang thôi nhờ bạn và tự mua qua điện thoại.

Hiện tại ở Đà Lạt, đa số nhà vườn có cơ sở sơ chế nông sản đều nhận đơn hàng của khách hàng từ TP.HCM và các tỉnh khác để chuyển đi. Ông Trần Đức Quang, chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Xuân Hương (Đà Lạt), cho biết: “Mua nhỏ lẻ vậy thôi chứ ổn định lắm. Mỗi người mua khoảng 400.000 đồng nông sản để dùng trong một tuần, chừng 100 khách như vậy là doanh số ổn định”.

Ông Quang phân tích, người dùng giờ nghi ngại nhiều nên chịu khó bán hàng đi xa theo cách này. Khi họ tin vào rau củ của mình thì sẽ giới thiệu họ tới những cửa hàng mình đang cung cấp số lượng lớn để mua. Ông Quang kể thêm, các nông hộ trong HTX của ông cũng ý thức được chuyện này nên khách từ xa tới tham quan được tạo điều kiện chứ không cấm cản gì.

“Nếu họ muốn mua, chúng tôi sẵn sàng hướng dẫn họ những cách để chuyển rau củ về TP.HCM với giá cước hợp lý, hoặc có thể tính gộp chung giá cước vào giá rau. Nói chung, nhà vườn giờ linh động lắm, bán được ngay từ vườn thì càng thích, chứ không ham bán số lượng lớn cho thương lái như hồi trước” - ông Quang chia sẻ.

Đóng nhãn cho cà chua VietGAP trước khi chuyển vào siêu thị -MAI VINH
Đóng nhãn cho cà chua VietGAP trước khi chuyển vào siêu thị -MAI VINH

 

Nhà nông mở cửa hàng

Cẩn thận khi mua rau qua mạng

Ông Nguyễn Văn Lục, chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Lâm Đồng, cảnh báo về việc người dân mua rau từ thông tin được đăng tải thiếu kiểm chứng trên các trang mạng. Theo ông Lục, nhiều trang mạng lợi dụng sự thiếu hiểu biết về các chứng nhận rau an toàn, VietGAP, GlobalGAP, Organic để bán hàng chất lượng thấp, không rõ nguồn gốc với giá cao. Ông Lục nói: “Điều dễ nhận biết đối với nông sản được cấp các chứng nhận liên quan đến rau sạch là trên từng bó rau, củ đều có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng. Đối với chứng nhận từ VietGAP trở lên, nông sản phải được đóng gói đúng quy cách và phải được làm sạch cơ bản trước khi đến tay người tiêu dùng. Nếu nông sản chào bán qua mạng không đảm bảo yếu tố nhãn mác thì đích thị không phải nông sản được cấp các chứng nhận an toàn”.

Nông sản Đà Lạt muốn có mặt trong những chuỗi siêu thị lớn đều phải có chứng nhận VietGAP. Ở Đà Lạt, chuyện nông sản sản xuất có chứng nhận VietGAP hoặc tối thiểu là rau an toàn trở nên phổ biến.

Đối với các nhà vườn, đó gần như là mục tiêu đầu tiên phải đạt được khi bước vào lĩnh vực trồng rau. “Việc đầu tiên trước khi các siêu thị lớn đặt mối quan hệ làm ăn là kiểm tra hồ sơ sản xuất của doanh nghiệp cung ứng rau. Phải có chứng nhận VietGAP và các giấy phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật dưới ngưỡng cho phép của Bộ Y tế.

Nhà cung ứng chúng tôi cũng chịu áp lực lớn bởi các siêu thị còn hợp đồng với các trung tâm phân tích để họ lấy mẫu phân tích ngẫu nhiên” - ông Nguyễn Công Thừa, tổng giám đốc HTX Anh Đào (Đà Lạt), kể về quy trình cung cấp rau sạch cho các siêu thị lớn.

Theo ông Thừa, bất kể loại rau nào muốn chuyển vào kênh siêu thị cũng phải dán nhãn, kể cả khoai tây, cà rốt và nhiều loại củ khác. Nhãn này có thể giúp truy xuất nguồn gốc, tức có thể truy lại toàn bộ lý lịch sản xuất ra bó rau ấy.

Ông Thừa nhận định kênh siêu thị gần như đã ổn định, dù vậy cũng chỉ có khoảng 40% người dân ở các thành phố lớn tiếp cận rau sạch từ kênh này. Một lượng lớn thị dân vẫn mua rau tại chợ truyền thống.

Khi các vụ “treo đầu dê bán thịt chó” ở một số siêu thị, cửa hàng bán rau sạch bị phanh phui, người tiêu dùng lại có khuynh hướng mua trực tiếp tại các trang trại hoặc mua online. Từ nhu cầu của người mua, các nhà sản xuất tiến ra đô thị mở cửa hàng.

An Phú Đà Lạt là một ví dụ, đã mở cửa hàng Thế giới nông sản tại Q.Gò Vấp (TP.HCM), chuyên cung cấp rau do chính trang trại này trồng tại Đà Lạt. Ông Nguyễn Thành Nguyên, chủ trang trại, cho biết: “Khách mua nông sản tại cửa hàng sau khi đi Đà Lạt tham quan trang trại. Một số khách khó tính hơn thì đặt mua rau tại bộ phận sản xuất ở Đà Lạt, rau sạch tại Đà Lạt sẽ được đóng gói chuyển về TP.HCM. Cửa hàng tại TP.HCM sẽ đi giao”.

Ông Nguyên cho biết thêm từ ngày có cửa hàng, doanh số bán hàng của công ty tại các siêu thị tăng lên. Ông nói: “Người dùng quen với rau mình bán từ cửa hàng, như một địa điểm kiểm chứng, nên khi vào siêu thị đã chọn mua rau có gắn nhãn của trang trại”.

Những trang trại như Dalat GAP, HTX Anh Đào, Tân Tiến, Kim Bằng, vườn hoa Bạch Cúc... đều lần lượt mở cửa hàng ở TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội. Ông Nguyễn Công Thừa nhấn mạnh: “Các cửa hàng chưa nhấn mạnh đến doanh số, tự thu tự chi là được. Quan trọng đây là cách các trang trại tạo cơ hội để người dân so sánh được rau canh tác theo hướng an toàn, sạch, với các loại rau không rõ nguồn gốc đang được bán tràn lan”.

Tại các cửa hàng này, nông sản thế hệ mới có hình dáng nhỏ hoặc canh tác theo phương pháp thủy canh cũng được bày bán. Bà Nguyễn Thị Huệ, chủ trang trại Kim Bằng (Đà Lạt), cho biết đa số người dân tiếp cận nông sản thủy canh và thế hệ mới qua kênh cửa hàng lẻ.

Các siêu thị vẫn dè dặt với loại nông sản này do giá cao và còn quá mới. Ông Lê Văn Cường, giám đốc Công ty Dalat GAP (P.8, Đà Lạt), đã thành lập 12 chi nhánh khắp Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM. Sau một thời gian dài cung cấp rau cho các bếp ăn của người Nhật, hiện ông đã tính đến việc bán rau cho người tiêu dùng lẻ.

Theo ông Cường, không cần đơn hàng lớn, chỉ cần mỗi ngày vài chục ký thì công ty đã có thể giao đến tận bếp. “Hay nhất là các bà nội trợ cùng ghi chung đơn hàng để có số lượng tương đối lớn để người bán dễ chuẩn bị nguồn rau với giá thấp hơn khi mua số lượng nhỏ và riêng lẻ” - ông Cường nói.

Việc các chủ trang trại hay HTX mở cửa hàng rau ở các đô thị lớn là phản ứng nhanh nhạy trên quy luật cung - cầu của thị trường. Khuynh hướng này là thông điệp rất rõ ràng cho các siêu thị, nhà phân phối, bán lẻ “treo đầu dê bán thịt chó” gây mất lòng tin nơi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc nhà nông đi làm phân phối, bán lẻ chưa chắc đã là hay bởi đây là hai chuyên ngành khác nhau. Phân phối, bán lẻ đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất cao, không chỉ ở khâu bảo quản, logistics, an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn ở khâu dịch vụ, chăm sóc khách hàng... Đừng để người tiêu dùng mất lòng tin một lần nữa.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận