Hương thời gian thanh thanh, màu thời gian tím ngát (*)

LƯU VĨ LÂN 07/02/2016 23:02 GMT+7

TTCT - Vào lúc mà đường phố đã chuẩn bị xong cho lễ hội đón giao thừa với dàn pháo bông đã lên nòng, với đường hoa xuân tấp nập, lộng lẫy, đèn hoa giăng kết khắp nẻo và hàng chục ngàn trang giai nhân tài tử chuẩn bị cho thời khắc “Final countdown” đưa tiễn Ất Mùi đón Bính Thân, thì tôi lại thầm mơ một giao thừa lặng lẽ như câu hát: Anh đến thăm em đêm ba mươi, còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi, anh nói với người phu quét đường, xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em… Sao giao thừa xanh trong đôi mắt trong? Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết.

Tranh: Cao Thị Được
Tranh: Cao Thị Được

Từ lâu rồi tôi đã ngộ ra: Giao thừa! Người phương Tây khui sâmbanh nổ trào, tụ tập, reo mừng, tung hoa giấy, pháo bông đầy trời... Còn chúng ta, trong cái thời khắc của mình, chúng ta cũng vui, nhưng là một nỗi vui trầm ngâm: nhang khói bên bàn thờ gia tiên, hương án cúng trời lập lòe trước mỗi căn nhà, tiếng chuông chùa ngân nga, những bóng người chậm rãi đi hái lộc, ngay cả thời còn đốt pháo đón giao thừa thì dường như người Việt càng lặng lẽ hơn bên tiếng pháo ran trời.

Tiếng pháo như làm cho họ trầm ngâm hơn! Tôi gọi đó là niềm vui cổ kính của một dân tộc cổ kính. Và tất cả dường như cô đọng trong “tiếng lòng” của họ, vì cái quan trọng không chỉ là Tết mà còn là “lòng mình đang Tết”.

Tiếng lòng được ướp hương thời gian

Chuẩn bị giao thừa Bính Thân, tôi lần giở lại cảm xúc cũ hồi giao thừa Giáp Thân 2004, đúng một con giáp trước, và gặp lại những ghi chép về mạch cảm khái của niềm vui cổ kính ấy, mà vẫn thấy đúng đến tận giờ: “...

Hầu hết mọi tâm hồn Việt đều bần thần ngây ngất trước một mảng tường rêu xanh bên một mái ngói cổ xiêu vẹo, một cảnh chùa thâm trầm buồn đến thảng thốt nhưng lại làm cho những tâm hồn ấy hân hoan...

Dường như người Việt muốn chiết lấy từ mọi vật thứ tinh dầu thời gian, khi họ có đủ một lượng tinh dầu thời gian lưu cữu như thế, họ đem ướp mọi thứ mình yêu mến vào hương thời gian ấy, kể cả niềm vui. Nên chả trách niềm vui của họ thâm trầm là thế, tĩnh tại là thế và say nồng là thế. Một dân tộc cổ kính, một niềm vui cổ kính. Đó là gia tài của chúng ta”.

Và tôi kịp nhận ra chính các áng văn, ngôn ngữ, hồn thơ, tứ nhạc... mà tôi xem là “tiếng lòng” của đất nước đã được người Việt ướp lâu nhất trong chất tinh dầu thời gian ấy và giúp hình thành nên một loại di chỉ phi vật thể vốn là bằng chứng lớn nhất về sự tồn tại của dân tộc.

Chẳng phải vậy sao, khi mà nhìn suốt dòng lịch sử ta gặp vô số những trước tác quan trọng và ta nhanh chóng nhận ra chất nghệ sĩ, thi sĩ của dân tộc này, vì chẳng có ở đâu vua làm thơ, tướng quốc làm thơ, tu sĩ làm thơ như vậy:

vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Thánh Tông... đều có ngự tập, vua Lê Thánh Tông là một danh sĩ, vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều có những thi tập; các danh tướng Lý Thường Kiệt với Nam quốc sơn hà Nam đế cư, Trần Quốc Tuấn với Hịch tướng sĩ, các tướng quốc như Nguyễn Trãi, các nhà văn hóa như Nguyễn Du, các danh tăng cũng đều là thi sĩ: Khánh Hỉ thiền sư từ cả ngàn năm trước đã có Ngộ Đạo thi tập, Bảo Giác thiền sư với Viên Thông tập, tám trăm năm trước Huyền Quang thiền sư đã có Ngọc Tiên tập, rồi Pháp Loa thiền sư...

Cho nên, gần đây ta thấy bên cạnh một vài di sản vật thể thì nước Việt lại có khá nhiều di sản phi vật thể được thế giới công nhận. Không cần là nhà nghiên cứu, bạn chỉ cần lật bảng liệt kê những tác giả và tác phẩm ở phần cuối cuốn sách kinh điển Việt Nam văn học sử yếu của cụ Dương Quảng Hàm sẽ gặp một danh sách những di sản phi vật thể khổng lồ, được sáng tác suốt một ngàn năm qua.

Chẳng lạ, bởi từ một phong thổ không giàu có và một nền kiến trúc gỗ dễ bị gặm nhấm bởi mối mọt, các tài sản hữu hình khó tồn tại dài lâu, nhưng dấu vết của dân tộc lại được gửi gắm ở một “càn khôn” khác, nó nằm trong “tiếng lòng” của họ: trong những áng thiên cổ hùng văn, trong thi tập, trong kinh sách, trong ngôn ngữ, trong ca dao, tục ngữ...

Cho nên, nói không sợ sai, lịch sử của dân tộc này nằm trong những áng văn. Ở đó ta sẽ gặp tiếng lòng của họ liên tục thầm thì suốt cả ngàn năm qua.

Đoạt giáo Chương Dương độ/Cầm Hồ Hàm Tử quan/Thái bình tu nỗ lực/Vạn cổ thử giang san (Chương Dương cướp giáo giặc/Hàm Tử bắt quân thù/Thái bình nên gắng sức/Non nước ấy nghìn thu). Là tiếng lòng của danh tướng Trần Quang Khải thổn thức tám thế kỷ trước khi lấy lại được Thăng Long.

Hay cái bảng lảng với một bông hoa cúc vừa nở giữa ngày xuân ở vùng núi non hiu quạnh hồi tám trăm năm trước qua tiếng thở nhẹ của nhà sư Huyền Quang: Thân thế nào hay có với không/Một giường lạnh ngắt kẻ ngồi trông/Giữa non năm cuối quên ngày tháng/Mách tiết trùng dương cúc nở bông.

Rồi vào năm 1936, ta thử nghe Vũ Đình Liên thổn thức tiếng lòng cổ điển ấy: Gió không thổi, nước sông trôi lạnh giá/Thuyền đi trong bóng tối lũy thành xưa/Trên chòi cao, tự ngàn năm sực tỉnh/Trong giăng khuya bỗng vẳng tiếng loa mơ/Lòng ta là những hàng thành quách cũ/Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa.

Cái mạch cảm khái dài từ ngàn năm trước cho đến tận giờ ta nào thấy có khác chi, đó là một thứ “tiếng lòng bất tận” kéo dài cả ngàn năm và dường như không khác, không dời, không đổi gì mấy.

Cổ kính hóa hiện đại và Hiện đại hóa cổ kính

Tôi là người viết lách nên tôi trú ngụ trong ngôn ngữ, trong đó tôi yêu nhất chất nhạc trong tiếng Việt, nhưng vì chỉ viết văn xuôi, không vần, kén điệu, nên dù có khao khát mấy tôi cũng không thể làm cho câu chữ rung lên giai điệu như những nhà thơ, những nhạc sĩ viết ca khúc.

Nên với tôi, họ luôn là thần tượng vì đã giúp tạo ra cho cảm xúc một chỗ trú ngụ tròn vẹn. Nhưng, may mắn nhất cho thế hệ mình, tôi được sống cùng thời đại với rất nhiều tuyệt phẩm thơ phổ nhạc, sự kết tinh của nhạc và thơ, một sự kết hợp kỳ diệu làm cho chất nhạc trong tiếng Việt được chiết lọc ra và chuyển tải trọn vẹn cái hồn cổ kính lung linh của dân tộc này. Họ giúp chuyển cái cổ kính vào hiện đại và lại làm cho cái hiện đại đẫm ướt hương thời gian.

Paris có gì lạ không em/Mai anh về mắt vẫn lánh đen/Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm/Chả biết tay ai làm lá sen. Nguyên Sa hỏi. Ngô Thụy Miên họa và giai điệu valse phương Tây nhẹ nhõm, thánh thót, dập dìu đẩy cái cảm xúc cổ kính ấy lơ lửng giữa làn sương trắng: hương cốm nồng nàn khi ủ trong lá sen, như lòng mình chỉ đợi một bàn tay sen ôm lấy để bừng hương.

Rằng xưa có gã từ quan/lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau/Thôi thì em chẳng còn yêu tôi/leo lên cành bưởi khóc người rưng rưng/... Mai ta chết dưới cội đào/khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu. Phạm Thiên Thư nhớ chàng Từ Thức lạc Thiên Thai bằng một nhịp điệu lục bát thuần Việt, hồn hậu và nghịch ngợm đã được Phạm Duy đẩy lên đến tận đỉnh sầu, nơi mà giọt lệ trở nên long lanh, trong vắt và tinh tuyền như cõi vô tận.

Rồi cái tinh thần cổ kính Việt ấy đã chuyển hóa cho một cuộc gặp gỡ tương giao với những tinh hoa cổ điển của các nền văn hóa khác. Đêm thánh vô cùng, giây phút tưng bừng/Đất với trời se chữ đồng (Silent night, Holy night/All is calm, all is bright). Bài Silent night do Frank Xaver Gruber sáng tác năm 1818 được chuyển dịch toàn bích bởi ý niệm cổ xưa Việt nhưng ôm được cái thần của đêm Thánh theo tinh thần Kitô giáo: “Đất với trời se chữ đồng”.

Hay Ave Maria, một tuyệt phẩm của Schubert với lời của nhà thơ Walter Scott ra đời đã 200 năm, được Việt hóa đồng cảm một cách lạ thường: Dâng về Maria/Đây những linh hồn đầy ưu tư/Khép nép trong lòng mẹ ôi hết ưu phiền/Đàn con xin mẹ âu yếm cho lành duyên/Hãy ban cho hương đời đã tan vỡ trong ngày qua/Và đưa tới nơi mơ hồ. Những “linh hồn ưu tư” “khép nép trong lòng mẹ”: là tình yêu thương đậm chất mẹ Maria. Âu yếm cho “lành duyên”, “hương đời” tan vỡ: là những hình ảnh đậm chất Việt.

Rồi Le Beau Danube bleu, bài valse thành Vienne nổi tiếng của Johann Strauss II sáng tác năm 1866 đã rộn ràng trong Việt ngữ: Một dòng xanh xanh xanh/Một dòng tràn mong manh/Một dòng nồng ý biếc/Một dòng sầu mấy kiếp.../Một dòng còn quyến luyến/Một dòng nhớ, quay về miền đời lúc mơ huyền.

Làm được thế, ta đành phải mượn một khái niệm hiện đại trong kinh tế: phải đủ vốn đối ứng. Văn hóa, ngôn ngữ Việt phải có đủ nội lực tương xứng để ứng tác được với những tác phẩm kinh điển đỉnh cao như thế của nhân loại.

Tiếng nước tôi

Rời khỏi năm cũ khi ta vừa kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du và tác phẩm đỉnh cao của tiếng Việt: Truyện Kiều. Cũng vậy, gần 100 năm trước, năm 1924, nhân kỷ niệm ngày giỗ của Nguyễn Du, cụ Thượng Chi Phạm Quỳnh đã viết: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn.

Tiếng ta còn, nước ta còn”. Ông còn nhấn thêm: “Một nước không thể không có quốc hoa, Truyện Kiều là quốc hoa của ta; một nước không thể không có quốc túy, Truyện Kiều là quốc túy của ta; một nước không thể không có quốc hồn, Truyện Kiều là quốc hồn của ta”.

Xem thế mới thấy cái sự tôn kính của các bậc tiền nhân với “tiếng lòng, tiếng nước”. Đó cũng là rung động của chúng ta trong câu hát quen thuộc của thời hiện đại: Tiếng nước tôi, bốn ngàn năm ròng rã buồn vui/Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi. Và vào cái thời khắc chuyển giao của trời đất này, khi mà Nguyễn Du và Truyện Kiều sẽ được “ngâm” sâu hơn nữa trong “tinh dầu thời gian”, tôi chợt nhớ đến nỗi buồn tàn phai của cụ trong câu thơ:

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như (**)

(Ba trăm năm nữa ta đâu biết

Thiên hạ còn ai khóc Tố Như).

Nỗi buồn ấy cũng được cụ Đào Duy Anh họa lại trong bài thơ Đáp Nguyễn Du:

Bác bảo ngày sau ai khóc mình?

Mà nay bốn bể lại lừng danh

Cho hay hết thảy đều mây nỗi

Còn với non sông một chút tình.

May quá, vì nỗi buồn hoang phế, tàn phai, quên lãng... vốn là hệ lụy thường thấy của dòng thời gian ấy, trong văn hóa lại có tác dụng ngược lại: càng lâu, càng chín muồi, càng đậm đặc, càng cổ kính và càng quý giá đối với chúng ta.■

(*): Lời bài thơ Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ viết cách nay 80 năm.

(**): Tố Như là tên chữ của Nguyễn Du.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận