Chính phủ đang xoay xở bù đắp ngân sách thiếu hụt như thế nào? 

LÊ THANH 29/10/2015 02:10 GMT+7

TTCT - Vay khó khăn, nợ đến hạn trả cận kề, trong khi nguồn thu cho ngân sách bị co lại, Bộ Tài chính vừa phải vay Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỉ đồng để điều hành thu chi ngân sách. Ông Nguyễn Minh Tân, phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), thừa nhận điều hành ngân sách năm nay là năm khó nhất.

Nguồn thu từ dầu, khí sụt giảm ảnh hưởng đến thu ngân sách    -L.N.M.
Nguồn thu từ dầu, khí sụt giảm ảnh hưởng đến thu ngân sách -L.N.M.

Trao đổi với TTCT, ông Nguyễn Minh Tân cho biết:

- Tính đến hết tháng 9, thu ngân sách đạt 75% dự toán. Đây là mức khá, nhưng việc điều hành ngân quỹ để đáp ứng các nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương vẫn đang gặp nhiều khó khăn do công tác huy động vốn từ phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp thiếu hụt ngân sách không đạt như dự kiến.

Đây là vấn đề khó nói của Bộ Tài chính. Năm 2015, bên cạnh việc huy động bù đắp bội chi ngân sách 226.000 tỉ đồng, Bộ Tài chính còn phải huy động thêm 200.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ để đầu tư những công trình giao thông vận tải, y tế… và cả để đảo nợ. Do đó, nhiệm vụ huy động trong năm nay lên tới khoảng 430.000 tỉ đồng. Trừ số vay ngoài nước thì nhiệm vụ huy động vốn trong nước còn xấp xỉ 400.000 tỉ đồng.

Theo nghị quyết số 78/2014/QH13 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015, kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ phải từ năm năm trở lên. Trong bối cảnh thị trường trái phiếu chính phủ hiện nay người mua chủ yếu là các ngân hàng thương mại, khi thị trường tín dụng tăng trưởng cao thì các ngân hàng đâu có mặn mà đầu tư vào trái phiếu chính phủ với kỳ hạn dài, mà chỉ thích mua kỳ hạn ngắn 1-2 năm.

Thực tế đến ngày 30-9 Kho bạc Nhà nước mới huy động được 127.000 tỉ đồng, bao gồm cả 1 tỉ USD trái phiếu ngoại tệ quy đổi ra tiền đồng Việt Nam, đạt 51% kế hoạch năm. Do đó, Bộ Tài chính phải đi tìm các nguồn vốn khả dụng khác thay thế.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng Bộ Tài chính đã có tờ trình Quốc hội báo cáo tình hình và đề xuất cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ. Nếu được chấp thuận, chúng tôi sẽ tổ chức thực hiện ngay việc đa dạng hóa kỳ hạn phát hành này. Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh việc huy động vốn nhàn rỗi của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Quỹ tích lũy trả nợ... Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phát hành tiếp khoảng 1 tỉ USD trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ trực tiếp cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN.

Ngân sách thiếu hụt tạm thời

Thưa ông, có phải chi vượt thu quá nhiều khiến ngân sách khó khăn?

- Bội chi NSNN hiện ở mức bình thường, trong phạm vi Quốc hội cho phép. Năm nay, dự toán bội chi ngân sách là 226.000 tỉ đồng. Chín tháng đầu năm, trong khi thu đã đạt xấp xỉ 75% dự toán mà bội chi mới chỉ xấp xỉ 141.000 tỉ đồng, cũng chỉ cỡ 62,4% dự toán năm, cho thấy tiến độ chi vẫn thấp hơn tiến độ thu, không có gì phải đáng lo ngại.

Ông nói không đáng lo, nhưng cũng nhận định chưa năm nào điều hành ngân sách căng như năm nay?

- Thật sự năm nay là khó khăn nhất. Những khó khăn này xuất phát từ cả yếu tố chủ quan và khách quan. Chủ quan như tôi nói ở trên là quy định nghị quyết 78 của Quốc hội về kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ đã ảnh hưởng đến tiến độ huy động vốn. Còn nguyên nhân khách quan là giá dầu thô giảm nhanh và sâu quá khiến nguồn thu ngân sách hụt giảm mạnh.

Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã tính toán và xác định việc giá dầu thô giảm có tác động tích cực và tiêu cực đến hoạt động của nền kinh tế nói chung, NSNN nói riêng. Tác động tích cực đến nền kinh tế thì rất dễ nhìn thấy, giá xăng, dầu giảm làm giảm chi phí đầu vào của sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên do toàn bộ số thu từ tiền bán dầu thô được nộp vào ngân sách trung ương, nên việc giá dầu thô giảm 40-50% so với dự toán đương nhiên số thu ngân sách trung ương hụt đi đáng kể.

Nói cho đầy đủ thì phần thuế nội địa chỉ vào ngân sách trung ương khoảng 40%, còn 60% của ngân sách địa phương. Dẫn tới tuy tổng thu NSNN vẫn đạt khá, khả năng thu ngân sách năm 2015 vượt dự toán Quốc hội giao nhưng thu ngân sách trung ương co lại, có thể xảy ra thiếu hụt, còn ngân sách địa phương lại vượt dự toán.

Chính vì ngân sách trung ương thiếu hụt tạm thời nên dẫn tới việc Bộ Tài chính phải vay của Ngân hàng Nhà nước.

Huy động vốn rất căng thẳng như vậy thì Bộ Tài chính sẽ lấy nguồn nào để trả đúng hạn khoản vay 30.000 tỉ đồng của Ngân hàng Nhà nước?

- Theo quy định của Luật NSNN và Luật ngân hàng nhà nước, trong quá trình điều hành, trường hợp xảy ra tình trạng thiếu hụt tạm thời thì ngân sách được tạm ứng từ Ngân hàng Nhà nước và phải hoàn trả trong năm. Bộ Tài chính sẽ tìm nguồn để hoàn trả đúng hạn là ngày 31-12 năm nay. Chúng tôi dự kiến lấy từ nguồn phấn đấu tăng thu.

Tình hình hiện nay cũng đã có những yếu tố sáng sủa hơn, qua theo dõi diễn biến giá dầu thế giới mấy tuần gần đây, chúng tôi thấy giá dầu ổn định hơn. Vào cuối năm, nhu cầu tiêu thụ chất đốt ở các nước xứ lạnh là rất lớn, vì thế giá dầu khó có thể lao dốc thêm được nữa.

Cộng với việc quyết liệt thu hồi nợ đọng thuế từ nay đến cuối năm sẽ đảm bảo có nguồn để trả nợ cho Ngân hàng Nhà nước. Con số 30.000 tỉ đồng so với tổng thu ngân sách thì không có vấn đề gì. Chúng tôi tính toán đảm bảo có nguồn trả nợ đúng hạn cho tất cả khoản vay khác chứ không chỉ của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân sách trung ương có cắt giảm hỗ trợ cho 50 địa phương thuộc diện được trợ cấp hay không?

- Những gì ghi trong dự toán mà Quốc hội đã thông qua thì phải chấp hành, nói cách khác là ngân sách trung ương vẫn phải đảm bảo nguồn để địa phương duy trì phát triển an sinh xã hội, kinh tế… trên địa bàn.

Chỉ thị số 06 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công, cắt giảm tối đa các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, đi công tác nước ngoài...; tạm giữ lại tại Kho bạc Nhà nước 10% dự toán chi thường xuyên tám tháng cuối năm của đơn vị sử dụng ngân sách và 50% dự phòng ngân sách các cấp.

Tổng số kinh phí 10% dự toán chi thường xuyên tám tháng cuối năm của các đơn vị sử dụng ngân sách đã tạm giữ lại theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ khoảng 4.000 tỉ đồng, trong đó ở trung ương khoảng 700 tỉ đồng, còn địa phương 3.300 tỉ đồng. Việc sử dụng khoản tạm giữ lại này Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý, trên cơ sở đó đã có văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể.

Còn đối với ngân sách trung ương, như chúng tôi đánh giá, khả năng thu ngân sách trung ương đạt dự toán là rất khó. Nên toàn bộ khoản tiết kiệm 10% chi thường xuyên của các bộ, cơ quan trung ương, cộng với một phần dự phòng của ngân sách trung ương sẽ sử dụng để bù đắp thiếu hụt. Nói tóm lại sẽ cắt giảm chi ngân sách trung ương khoảng 4.100 tỉ đồng.

Nhiều ý kiến đề nghị cần phải cắt giảm chi thường xuyên thêm nữa...

- Chi thường xuyên mỗi năm đều được xem xét cắt giảm, yêu cầu tiết kiệm đến mức tối đa. Mấy năm nay dù lạm phát, giá cả tăng nhẹ, nhu cầu chi của các đơn vị sử dụng ngân sách tăng lên nhưng mức bố trí chi thường xuyên cơ bản không tăng.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện còn yêu cầu các đơn vị tiết kiệm thêm, năm 2015 cắt giảm chi thường xuyên của các bộ, cơ quan trung ương khoảng 700 tỉ đồng. Còn những khoản chi khác như lương, phụ cấp, an sinh xã hội… làm sao có thể cắt giảm được.

Về điều chỉnh chính sách tiền lương, dù khó khăn nhưng Bộ Tài chính đã kiến nghị cho phép sắp tới đây điều chỉnh đối với người về hưu, trợ cấp mất sức lao động thấp và trợ cấp đối với số giáo viên mầm non về hưu trước năm 1995 để mức lương hưu đạt mức lương cơ sở.

Sẽ vay thêm 3 tỉ USD

Từ đầu năm tới nay, mỗi tháng ngân sách chi hơn 10.000 tỉ đồng để chi trả nợ và viện trợ. Tính đến hết tháng 9, tổng số tiền chi trả nợ và viện trợ lên đến 114.000 tỉ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản chi này gây sức ép mức nào lên ngân sách?

- Chi trả nợ tăng là điều không thể tránh khỏi, đã vay thì đến thời điểm nào đó sẽ phải trả. Hiện nợ công của Việt Nam đang tiệm cận ngưỡng an toàn (65% GDP), dự kiến đến năm 2016 - 2017 nợ công sẽ khoảng 64% GDP, sau đó đi xuống.

Khách hàng đổ xăng tại một cây xăng ở quận Phú Nhuận, TP.HCM  -HỮU KHOA
Nguồn thu từ dầu  khí và xuất nhập khẩu giảm, thu nội địa tăng có sự góp sức lớn từ người tiêu dùng - HỮU KHOA

Nguồn để trả nợ cho những năm tới được lấy từ đâu?

- Đương nhiên phải có kế hoạch để đảm bảo trả nợ đúng hạn. Khi xây dựng dự toán hằng năm đã phải tính toán, cân đối vay ở đâu, nguồn ở đâu để trả. Mặc dù vậy, đây là bài toán không hề đơn giản.

Được biết Bộ Tài chính đang xem xét nghiên cứu phát hành trái phiếu quốc tế 3 tỉ USD? Liệu khoản vay này có dùng để bù đắp thiếu hụt ngân sách trong năm nay?

- Kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế 3 tỉ USD dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2016 và nằm trong đề án dài hơi đến năm 2020 nhằm tái cơ cấu nợ trong nước. Đây là việc làm cần thiết vì trong thời gian qua để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương chủ động tăng vay nợ cả trong và ngoài nước, chuyển mạnh sang vay trong nước để tập trung đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội.

Tuy nhiên, do thị trường vốn, thị trường trái phiếu trong nước quy mô còn nhỏ, thanh khoản thấp nên việc tập trung huy động vốn trong nước dẫn đến cơ cấu danh mục nợ Chính phủ chưa thật sự bền vững, kỳ hạn còn lại của danh mục nợ trong nước ngắn trong khi bố trí cho mục tiêu đầu tư dài hạn, dẫn đến áp lực vay mới để trả nợ đến hạn trong ngắn hạn là rất lớn, trong khi đó các nguồn tài chính trong nước khác đã được huy động đến mức tối đa, không thể huy động để tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu chính phủ.

Bên cạnh đó, nhu cầu huy động vốn cho NSNN trong giai đoạn tới vẫn ở mức cao, nên việc tiếp cận thị trường vốn quốc tế nhằm giảm áp lực vay trong nước cũng rất quan trọng.

Vì vậy thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xây dựng đề án phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường vốn quốc tế đến năm 2020 nhằm tái cơ cấu các khoản nợ theo nguyên tắc không làm tăng dư nợ Chính phủ, duy trì các chỉ số an toàn về nợ công trong giới hạn quy định và đáp ứng được mục tiêu cơ cấu nợ hợp lý.

Căn cứ vào đề án được cấp thẩm quyền phê duyệt, Bộ Tài chính sẽ chủ động thực hiện phát hành trái phiếu khi thời điểm thuận lợi nhằm mục đích có được những khoản vay với lãi suất hợp lý, kỳ hạn dài hơn, thay vì năm năm thì vay 10-15, thậm chí 30 năm.

Trần lãi suất huy động USD chỉ 0-0,25%/năm, tại sao Bộ Tài chính không vay ngoại tệ trong nước mà lại phải vay nước ngoài khi mỗi năm kiều hối về trên 10 tỉ USD?

- Việc vay ngoại tệ trong nước có thuận lợi là đơn giản trong tổ chức thực hiện. Các ngân hàng đang dư thừa USD cũng có lợi, vì với trần lãi suất huy động ngoại tệ như vậy thì lãi suất cho vay 3-3,6%/năm là tỉ lệ lý tưởng, một trời một vực. Các ngân hàng sẽ không do dự cho ngân sách vay vì có lợi nhuận cao và không có bất cứ rủi ro nào.

Song việc phát hành trái phiếu chính phủ bằng đồng USD ở trong nước được xem là “đôla hóa” nền kinh tế, ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách tiền tệ, lãi suất và tỉ giá. Ngoài ra, khả năng huy động một khối lượng đủ lớn cũng không dễ.

Thế nên đối tượng mà Bộ Tài chính muốn vay ngoại tệ không phải là cá nhân đơn lẻ, mà là các ngân hàng thương mại có giao dịch ngoại hối lớn dư thừa ngoại tệ thì tham gia đầu tư trái phiếu chính phủ.

Ngoài việc huy động vốn như đã nói ở trên, việc phát hành trái phiếu quốc tế sẽ giúp thiết lập mức lãi suất chuẩn thấp để giảm chi phí huy động vốn nước ngoài trong tương lai, tăng cung ngoại tệ cho nền kinh tế, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và ổn định kinh tế vĩ mô.

Đây cũng là một trong những biện pháp đo thử định giá tín nhiệm quốc gia trên thị trường vốn quốc tế, tạo ra tín hiệu tốt đối với các nhà đầu tư quốc tế về việc Việt Nam tham gia thị trường thường xuyên.

Cảm ơn ông! ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận