Tiền điện, chuyện giàu-nghèo và một nửa của sự thật

TTCT- Những tranh luận về việc chia lại tiền của người “giàu” cho người “nghèo” thông qua tính tiền điện sử dụng ngày càng nóng. Trong nhiều vấn đề tranh luận, dường như có những câu chuyện mới bàn về một nửa của sự thật.

Thất thoát trong truyền tải điện là việc ngành điện cần khắc phục để giảm chi phí -TIẾN THÀNH
Thất thoát trong truyền tải điện là việc ngành điện cần khắc phục để giảm chi phí -TIẾN THÀNH

Người giàu có thể dùng nhiều điện, nhưng dùng nhiều điện không phải ai cũng giàu, điều đó có thể kiểm chứng.

Ai giàu, ai nghèo?

Trước hết là luận điểm duy trì giá bậc thang lũy tiến để tiết kiệm và giảm lãng phí. Mong muốn duy trì bậc thang để ưu đãi người nghèo và “siết” người giàu, lập luận rằng người giàu dùng nhiều, lãng phí nên phải tăng giá. 

Tôi thấy lý do này chắc chắn đúng với những người xài điện “chùa” ở cơ quan, dùng đồng hồ “lậu số” hoặc đang đi nghỉ ở khách sạn, chứ khó có thể nói rằng hộ sử dụng trên 400kwh là vì họ không biết tiết kiệm.

Với xu hướng chuyển sang dùng điện để đun nấu và làm mát trong mùa nóng như hiện nay, việc dùng điện gia tăng là tất yếu.

Nếu cần tái phân bổ thì cần gọi cho đúng tên của nó, ví dụ như chính sách áp giá cao đối với nhóm có khả năng chi trả để bù đắp cho người nghèo. Nói rằng hộ sử dụng nhiều là lãng phí và phải tăng giá để họ tiết kiệm dễ gây bất bình cho số đông.

Thứ hai, cơ sở luận của Tập đoàn Điện lực vn (EVN) hiện nay dựa vào lượng điện tiêu thụ, nhưng liệu có thể phân biệt người giàu và nghèo chỉ dựa trên số điện tiêu thụ?

Nhu cầu dùng nhiều và ít có phản ánh đầy đủ mức thu nhập không nếu so sánh nhu cầu dùng điện của các hộ gia đình chen chúc trong các hộp kính và bêtông ở thành phố mùa nóng với nhu cầu dùng điện của những hộ ở nông thôn mát mẻ, vườn ao rộng hàng trăm mét vuông không cần đun nấu bằng điện?

Nếu ở Sóc Trăng, 93% hộ dùng dưới 100 kWh/tháng, có nên coi tất cả họ là người nghèo và hộ nào dùng một vài trăm kWh ở TP.HCM là người giàu? Đương nhiên người giàu sẽ dùng nhiều điện dù họ ở đâu, nhưng với hộ dùng vài trăm số điện mặc định họ là “giàu” và phải chia sẻ có hợp lý?

Thứ ba là chính sách bù chéo giá điện hiện nay có thật sự đến các đối tượng nghèo? Tôi thấy ở nông thôn thì có, nhưng ở thành thị thì chưa chắc. Người nghèo ở nông thôn dùng điện giá rẻ bởi họ có sở hữu đất, có hợp đồng; còn người nghèo ở các thành phố và khu công nghiệp tập trung đi thuê nhà trọ giá rẻ nhưng trả tiền điện đắt. Chỉ 40% khu công nghiệp lo được nhà ở cho công nhân (số liệu năm 2015) và 20% sinh viên ở ký túc xá được trợ giá (điều tra năm 2012).

Những sinh viên tôi biết ở Hà Nội và TP.HCM phải trả tiền điện theo giá kinh doanh vì đi thuê nhà trọ. Lương người lao động làm bảo trì và bảo vệ nơi tôi ở gần 4 triệu đồng/tháng, họ chỉ dám chi 1 triệu đồng tiền thuê nhà và 200.000 đồng tiền điện, giá 2.500 đồng/kWh tại các ngõ hẻm nơi có phòng trọ cho thuê ở ven đô.

Suy rộng ra, có bao nhiêu trong số 2,2 triệu sinh viên, trên 10 triệu công nhân làm ngoài khu vực nhà nước đang đi thuê nhà và đang phải bao cấp giá điện cho các hộ nghèo khác? Số này có lẽ chẳng kém tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo của VN ở nông thôn (khoảng 4 triệu hộ năm 2015). 

Ở chiều ngược lại, không ít hộ gia đình tách hộ ảo để hưởng giá ban đầu thấp. Ngành điện cũng đã thừa nhận điều này và cách đơn giản nhất để giải quyết là bán điện đồng giá.

Đã tái phân bổ

Thứ tư, về luận điểm bù đắp cho người nghèo (90% người nghèo ở nông thôn) thì trên thực tế ngành điện đã bù chéo trong giá cơ bản, ít nhất là vùng sâu vùng xa khá lớn. Xét về hiệu quả, giá điện cung cấp cho các hộ tiêu thụ lớn và ổn định, tập trung rẻ hơn đáng kể so với các hộ phân tán ở vùng sâu vùng xa. Kéo điện lưới quốc gia đến xã vùng sâu vùng xa như miền núi và hải đảo về mặt nào đó giống dự án làm cầu tiền tỉ cho vài hộ sử dụng của ngành giao thông.

Chi phí đầu tư ban đầu lớn, bảo trì tốn kém, khi tiêu thụ ít ở xa thì hao hụt vận hành nhiều và rủi ro sự cố cũng lớn. Duy trì một mặt bằng giá điện như hiện nay thì bản chất ngành điện đã tái phân bổ chi phí giữa thành thị và nông thôn và vùng sâu vùng xa.

Nếu xét năng lượng là phúc lợi thì cần phải chia đều, nhưng nếu coi năng lượng là hàng hóa thì yếu tố kinh tế, tức là chi phí, cần làm trọng để xác định giá bán. Nhìn sang Singapore, Philippines, giá điện bán đồng giá có lý do bởi thu nhập cao, nhưng trước hết là vì họ phải mua điện về với giá cao và không ai bù cho ai cả. 

Nếu không thì các ngành năng lượng tái tạo khác như điện mặt trời, điện gió khó có đất phát triển dù ở nơi khan hiếm như Phú Quốc, Cô Tô hay Lý Sơn.

Nói tóm lại, những câu chuyện về giá điện còn dài. Theo dõi lựa chọn của cư dân mạng thì thấy đa số chọn cách tính đồng giá. Có thể còn sự thật đằng sau lựa chọn của họ mà tôi chưa biết, tuy nhiên nếu EVN cho các nhà khoa học tiếp cận cơ sở dữ liệu tiêu thụ của các hộ thì biết đâu họ lại tìm được nửa sự thật thú vị hơn nữa.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận