Nghĩ về chiến lược phát triển công nghiệp biển

ĐỖ THÁI BÌNH 31/08/2015 17:08 GMT+7

TTCT- Vào những ngày Sài Gòn - Gia Định sôi sục không khí cướp chính quyền, mùa thu năm 1945, chi ủy Nhà máy Ba Son dưới sự chỉ huy của bí thư Tư Bầy (Đôn Văn Bầy) bàn luận sôi nổi về việc tổ chức bộ máy điều hành công xưởng trong tương lai.

Anh hùng lao động Ngô Văn Năm (1904- 1980)

Ai sẽ là người cầm đầu cơ sở công nghiệp to lớn này - một căn cứ công nghiệp hải quân bậc nhất Đông Nam Á với hơn 2.000 công nhân viên trình độ từ đại học tới sơ cấp thợ thuyền?

Người thợ cổ cồn trắng

Ba Son được gấp rút thành lập chỉ vài năm sau khi thực dân Pháp chiếm đồn Kỳ Hòa - tiền đồn bảo vệ Sài Gòn - năm 1861. Hai chiếc ụ chìm để sửa chữa tàu được gấp rút xây dựng sau đó: ụ Antoine một nghìn tấn và ụ Paviller một vạn tấn khánh thành năm 1888. Tới năm 1945, sau gần một thế kỷ tồn tại, Ba Son đã là một cơ sở công nghiệp khá hoàn chỉnh, từ khâu tạo phôi (đúc rèn), gia công cơ khí, lắp ráp tàu tới khâu hạ thủy tàu.

Các công nghiệp phục vụ như làm ống đồng, may buồm, sửa chữa lắp ráp vũ khí, chế tạo ngư lôi... cũng được hình thành. Đứng đầu Ba Son là những kỹ sư hải quân Pháp được đào tạo tại các trường khá nổi tiếng của nước này.

Toàn cảnh Ba Son bên sông Sài Gòn. Ảnh Tự Trung

Ba Son còn là cơ sở cho những công ty vận tải viễn dương Pháp như Messageries Maritime (MM - Đầu Ngựa) và Chargeur Réunis (Hãng Năm Sao) vì Sài Gòn đã được các hãng này chọn là cảng mẹ, sau cảng Marseille. Nhằm chế tạo những con tàu tốt nhất đi sang vùng viễn Đông, xưởng đóng tàu của Hãng Năm Sao trưng dụng kỹ sư Dupuy de Lôme - một nhà đóng tàu hàng đầu mà tên tuổi được ghi trong lịch sử hàng hải.

Người cầm đầu Ba Son là giám đốc Edmond Récopé - một kỹ sư hải quân - được cử sang điều hành Ba Son khi mới 29 tuổi. Chính ông là người phát minh chiếc tàu ngầm tí hon có thể mang ngư lôi với biệt danh “Vedette du comte Récopé” (chiếc thuyền máy của bá tước Récopé).

Qua các cuộc thảo luận sôi nổi, tất cả hầu như nhất trí: người cầm đầu Ba Son không ai khác là họa đồ viên Năm Dảnh - một thợ “cổ trắng” - thành viên tích cực nhất trong Hội Ái hữu Ba Son.

Năm Dảnh là tên thân mật trong gia đình khi Ngô Văn Năm còn nhỏ. Sinh ra từ một gia đình nông dân tại xã Đông Hưng Thuận - Gò Vấp (nay là phường Trung Mỹ Tây, quận 12), Năm Dảnh phải bỏ học sớm để kiếm sống sau khi người cha qua đời. Lúc này, Ba Son đang mở rộng sản xuất, cần tuyển nhiều thợ thuyền vào làm việc.

Ngoài số đào tạo tại Trường Bá Nghệ Sài Gòn (tức Cao Thắng ngày nay), công xưởng mở thêm trường dạy nghề mang tên “École des apprentis de l’Arsemal de Saigon”, tuyển dụng những học sinh tuổi 15-17, có bằng sơ học yếu lược Pháp - Việt vào học các lớp kỹ thuật từ 2-3 năm để khi ra trường bổ nhiệm làm thợ phụ hay thợ chính trong các “trại”, tức những phân xưởng trong công xưởng.

Trường dạy nghề Ba Son hằng năm tuyển sinh khoảng 200 người, mỗi năm cho ra trường gần 100 thợ kỹ thuật sắt, tiện, nguội, đồng ống, mộc... Vào trường năm 1920, theo học ngành nguội nhưng qua các môn học như vẽ kỹ thuật, hình học... Năm Dảnh tỏ ra có năng khiếu và chăm chỉ nên khi ra trường, anh được phòng nghiên cứu thiết kế (Bureau d’étude) của công xưởng để mắt tới, đưa về làm họa đồ viên của sàn phóng dạng.

Đây là nơi mà bản vẽ của các con tàu hay những chi tiết máy được vẽ to như vật thật để kiểm tra, điều chỉnh lại thiết kế. Sau đó, người ta dựa theo hình vẽ đó làm các khung, hòm dưỡng mẫu để thợ rèn uốn tôn cho đúng độ cong uốn lượn của vỏ tàu. Chỉ tới những năm gần đây, tin học phát triển, người ta mới không dùng sàn phóng dạng nữa (nó đã tồn tại vài thế kỷ từ khi loài người biết vẽ và tính toán con tàu trên giấy).

Làm họa đồ viên, Năm Dảnh có cái nhìn tổng quát về con tàu, về các quá trình công nghệ tại công xưởng, có điều kiện tiếp xúc nhiều anh em thợ thuyền. Do chăm chỉ, nghề nghiệp vững chãi, Năm Dảnh có uy tín lớn nên có điều kiện giúp đỡ anh em vào Ba Son làm việc.

Không chỉ có uy tín về chuyên môn, Năm Dảnh tham gia Hội Ái hữu Ba Son - một hình thức tổ chức công đoàn rất sáng tạo do chi bộ Đảng Ba Son giành quyền điều khiển, tránh ảnh hưởng của các thế lực quá khích cũng như sự lũng đoạn của giới chủ.

Sàn phóng dạng

Công binh xưởng kháng chiến

Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật đảo chính, hất cẳng Pháp, độc chiếm Đông Dương. Giám đốc Ba Son Colin de Verdière bỏ chạy, công xưởng do một quan năm Nhật chỉ huy. Ngày 16-8-1945, được tin phát xít Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định khởi nghĩa. Chi bộ và Hội Ái hữu Ba Son cử Đôn Văn Bầy, Phan Văn Năm và Ngô Văn Năm phụ trách ban giám đốc lâm thời sau khi tổng khởi nghĩa thành công.

Cuốn Lịch sử Ba Son (NXB QĐND ấn hành) ghi lại: “Tại Ba Son, ngay sau khi tiếp nhận lệnh tổng khởi nghĩa, dưới sự lãnh đạo của chi bộ, các đội vũ trang lập tức chiếm lĩnh các vị trí đã được phân công, sẵn sàng hành động theo các phương án đã định...

Các đồng chí Đôn Văn Bầy, Phan Văn Năm, Ngô Văn Năm gặp viên sĩ quan Nhật chỉ huy công xưởng tuyên bố: Kể từ giờ phút này, xưởng Ba Son đã thuộc quyền quản lý của nhân dân Việt Nam, người Nhật không còn quyền hành gì tại xưởng máy này!”. Cuộc khởi nghĩa tại Ba Son diễn ra trong thế áp đảo hoàn toàn của cách mạng, không một tiếng súng, không một sự chống cự nào của đối phương...”.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, giám đốc Năm Dảnh cùng phó giám đốc Tư Bầy lo ổn định sản xuất, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp.

Đặc biệt, sau ngày 23-9-1945, nhân lúc quân Pháp chưa kiểm soát được thành phố, quân Anh chưa bàn giao Ba Son cho Pháp, chi bộ Ba Son cùng Năm Dảnh chỉ đạo công nhân bí mật tháo dỡ máy móc và các thiết bị kỹ thuật thiết yếu chuyển ra vùng ven đô. Số máy tiện, nguội được di chuyển không nhiều nhưng là những thiết bị quý báu cho các công binh xưởng kháng chiến sau này.

Từ quân giới Nam Bộ đến người chỉ huy đóng Tàu không số

Khá đông công nhân kỹ thuật Ba Son có tay nghề khá như La Văn Quan, Trần Ngọc Lạc, Nguyễn Văn Vàng... cùng một số thợ khác của Sài Gòn đã hình thành nên binh công xưởng của chi đội 12 do Tô Ký (1) làm chi đội trưởng.

Với vị trí quản đốc binh công xưởng này, Năm Dảnh đã tổ chức chế tạo ba loại vũ khí chống càn: lựu đạn cần, lựu đạn phóng và địa lôi ngay những ngày đầu năm 1946. Từ binh công xưởng nhỏ bé này đã hình thành nên binh công xưởng số 1, số 2 của khu 8.

Nhiều lần Năm Dảnh giao cho một số công nhân quay trở về thành phố đang bị địch chiếm, liên lạc với anh em đang làm trong trại Hải Pháo của Ba Son để gia công những bộ phận tinh vi, chính xác của các loại súng bắn thẳng và lựu đạn đưa ra chiến trường.

Tới ngày tập kết ra Bắc, với vị trí trưởng phòng quân giới Nam bộ, Năm Dảnh đang đi kiểm tra các xưởng quân giới miền Tây đã đi thẳng ra bến để xuống tàu biển. Người con trai duy nhất của ông - Ngô Xuân Quang - cũng ra đi trên tư cách thợ học việc của một binh xưởng, cô em của Quang đi theo đoàn học sinh miền Nam...

Cả gia đình ông có năm người ra Bắc nhưng mỗi người một ngả. Ngô Văn Năm những ngày trên đất Bắc chủ yếu sống một mình và toàn bộ thời gian dành cho công việc.

Miền Bắc Việt Nam sau tháng 10-1954 vui mừng đón chào những người con Nam bộ đem theo kinh nghiệm của biển cả, của công nghiệp đóng tàu. Danh hiệu “Ba Son” với công nghiệp đóng tàu thuyền và “Bá nghệ Sài Gòn” với vận chuyển hàng hải của đội ngũ cán bộ tập kết đã được trui rèn trong chín năm kháng chiến chống Pháp là một điểm tựa vững chắc cho các nhà lãnh đạo đất nước ra những quyết sách kỹ thuật trong những năm đầu xây dựng miền Bắc và chuẩn bị cho cuộc chiến tranh thống nhất đất nước.

Ngô Văn Năm ở vào tuổi 50 được giao trọng trách tiếp quản, nâng cấp, phát triển các cơ sở cơ khí đảm bảo cho ngành giao thông vận tải đường bộ và đường thủy, gồm các xưởng sửa chữa ôtô, xưởng đóng và sửa chữa sà lan, tàu kéo rải rác tại Hà Nội, Hải Phòng, Bến Thủy của những hãng tư nhân nhỏ bé đã chạy đi Nam.

Những ngày đầu những năm 1955-1960, ông chủ yếu sống tại Hải Phòng cùng các cán bộ khác (hầu hết tập kết từ miền Nam) lo tổ chức bộ máy hàng hải non trẻ của Bộ Giao thông công chính như phòng hàng hải, phòng cơ vụ... nhằm tổ chức lắp ráp các loại sà lan, tàu kéo, tàu cuốc, tàu cá do Liên Xô, Trung Quốc, CHDC Đức viện trợ.

Lúc này các chuyên gia chủ yếu dùng tiếng Pháp để trao đổi kỹ thuật với cán bộ ta. Cục trưởng Cục Cơ khí Ngô Văn Năm đã bàn luận trực tiếp với các bạn nước ngoài bằng một thứ tiếng Pháp kỹ thuật hoàn hảo. Đó là giai đoạn bận rộn xây dựng Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng trên nền của xưởng đóng tàu số 4, đóng con tàu 1.000 tấn đầu tiên.

Nhưng có lẽ việc tập trung nhiều công sức nhất của Ngô Văn Năm chính là xây dựng một đội ngũ các con tàu vận chuyển Bắc Nam phục vụ cho cuộc chiến tranh thống nhất đất nước. Nhận được những chỉ thị tuyệt mật từ các vị lãnh đạo tối cao, ông cùng giám đốc xưởng đóng tàu 1 Trần Văn Nhận chỉ đạo việc đóng chiếc thuyền biển vỏ gỗ có sức chở 35 tấn theo mẫu của chiếc thuyền mà bà Mười Riều (2) đã bỏ tiền mua hiến cho cách mạng.

10g30 ngày 11-10-1962, Lê Văn Một cùng chính trị viên Bông Văn Dĩa điều khiển chiếc thuyền vỏ gỗ mang tên “Phương Đông 1” - chính là chiếc thuyền vận tải 35 tấn mang số hiệu thiết kế 6214 của phòng kỹ thuật do Ngô Văn Năm chỉ đạo thiết kế và thi công - rời bến K15 Đồ Sơn, vận chuyển 28 tấn vũ khí vào Nam, cập bến Vàm Lũng, Tân An, Ngọc Hiển, Cà Mau, mở đường cho “Đường Hồ Chí Minh trên biển” .

Tại Ba Son từ lâu đã hình thành nên các mối quan hệ “thợ thày”, “thợ chú”, đặc biệt là những người thợ đồng hương vùng ven đô như Gò Vấp, Hóc Môn, Củ Chi... Mối quan hệ đó giữa Năm “Dảnh”, Quang “Quít”, Năm “Cà Dom”... kéo dài thân thiết hàng chục năm qua lửa đạn kháng chiến và nay cùng cộng tác trong một đề án cực kỳ bí mật: đóng “tàu vận tải 100 tấn” vỏ thép, nhưng thực chất là một tàu vận tải chiến đấu với ký hiệu của những người thiết kế là số 6223.

Tàu đã được đóng một loạt bốn chiếc tại xưởng đóng tàu 3 của Đoàn Kim Quang, sau đó được đóng hàng loạt tại nước ngoài, là đội tàu mang tên “tàu không số” huyền thoại. Tấm hình chụp con tàu từ máy bay của không quân Hoa Kỳ ngày nay thành biểu tượng của lữ đoàn 125.

Chiếc máy mà công nhân Tôn Đức Thắng đã từng sử dụng. Ảnh Tự Trung

Một người hiền từ, uyên bác

Đó là nhận xét của tiến sĩ - kỹ sư đóng tàu Nguyễn Cảnh Thanh về người lãnh đạo của mình trong những năm tháng mà anh lo thiết kế các chiếc tàu Tự Lực sức chở 50 tấn phục vụ cho vận chuyển Bắc Nam.

Gần gũi và trực tiếp làm việc với cục trưởng Ngô Văn Năm là kỹ sư Trịnh Xương - người mở đầu cho việc thiết kế tàu thuyền của nước Việt Nam độc lập. Trịnh Xương cũng như Hồ Quang Long, Lương Văn Triết, Đào Vũ Hùng, Lê Tịnh Tiết... là những nhà kỹ thuật trẻ vừa được đào tạo từ Liên Xô, Trung Quốc trở về. Làm việc với các chuyên gia trẻ, ông Năm luôn có thái độ chân tình lắng nghe của một lão làng trong nghề đóng tàu.

Trong việc chỉ đạo đóng tàu “vận tải 100 tấn”, ông đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, bàn bạc với trưởng phòng thiết kế Trịnh Xương. Chính sự điều hành khoa học và cẩn trọng này đã góp phần tạo nên những con tàu “không số” mãi mãi được ghi trong lịch sử cuộc chiến tranh thống nhất đất nước.

Thái độ chân thành học tập suốt đời của ông khiến kỹ sư Trịnh Xương xúc động nhớ lại: “...Trong thời gian làm thợ phóng dạng tại Ba Son, thấy các kỹ sư Tây xé bỏ các bản tính bản vẽ tàu thủy, đặc biệt là các bản hướng dẫn tính stabilité (tính ổn định) cho tàu, không muốn truyền nghề cho dân bản xứ, Ngô Văn Năm đã lục lọi tìm trong thùng rác những miếng giấy rồi cố ghép lại.

Khi bước vào cuộc chiến tranh chống Pháp, anh đã có những hiểu biết nhất định về tàu thuyền từ cách học “lỏm” vất vả như vậy, để có thể đứng vững trên cương vị người tổ chức những bước đi ban đầu của nền công nghiệp đóng tàu non trẻ”. Có lẽ đó là hình ảnh đáng ghi nhớ nhất về người đầu tiên giữ vị trí đứng đầu ngành công nghiệp biển của đất nước.

Những bài học của cuộc đời Ngô Văn Năm đủ để chúng ta suy ngẫm về chiến lược phát triển công nghiệp biển mà nếu suy rộng ra, có thể tránh được những vụ việc như Vinashin.

Phát triển công nghiệp biển với kết quả cuối cùng phải là tạo nên “sức mạnh biển” của một quốc gia, trước hết là sức mạnh hải quân làm nền tảng cho các ngành kinh tế biển, thay vì đem đồng vốn to lớn đi đầu tư dàn trải, nhằm vào những loại tàu to lớn để xuất khẩu, biến các xưởng trở thành một công trường đại thủ công quản lý kém cỏi, gia công xuất khẩu như các ngành gia công dệt may, đóng giày đơn giản khác, trong khi thị trường đóng tàu thế giới đã phân khúc và cạnh tranh quyết liệt.

Những xưởng đóng tàu khác, chủ yếu là của nước ngoài, đã tập trung vào các loại tàu thiết thực, có số lượng sử dụng lớn trong nước, đã thành công trong những năm qua với đồng vốn hợp lý. Và lẽ ra cần tập trung xây dựng đội tàu vận chuyển mang cờ Tổ quốc mạnh mẽ về cơ sở vật chất và con người, thay vì vung tiền chạy đua theo các cuộc mua bán tàu thu lãi rầm rộ một thời, khiến khi thị trường thế giới sụt giảm, những con tàu trở nên hoang phế, vật vờ với số tiền vay lãi khổng lồ đè lên đầu toàn dân.

Có lẽ vì trong quá khứ, những người đứng đầu ngành công nghiệp biển như Ngô Văn Năm đã có một thời trưởng thành từ trong khói lửa và nghèo đói, lo lắng chắt chiu từng đồng vốn nên sự gắn bó quân dân trong việc đóng các con tàu phục vụ chiến tranh là nhiệm vụ hằng ngày.

Trong khi đó, tới tận hôm nay, có lẽ đang có mấy ngành đóng tàu riêng rẽ trong một công nghiệp biển nhỏ bé của nước ta, từ đóng tàu dân dụng đến đóng tàu quân dụng và đóng tàu dầu khí, tất cả đều dùng nhiều nguồn lực và yêu cầu đầu tư lớn. Các nhà máy trong cùng một ngành ít hợp tác với nhau, nói chi tới việc hợp tác để tạo nên một công nghiệp biển thống nhất mới đủ sức mạnh.

Một chiều thu vàng, ngồi nói chuyện với Ngô Xuân Quang, con trai duy nhất của người anh hùng trong căn nhà khang trang gần sân bay Tân Sơn Nhất, tôi hỏi đùa anh: “Đây có phải là “hương hỏa” của cục trưởng anh hùng?”. Anh cười: Đúng là hương hỏa, nhưng là hương hỏa của cha ông để lại. Nhà công vụ của ông cục trưởng Ngô Văn Năm đã được trả lại Nhà nước sau khi ông mất, năm 1980. ■

(1): Tô Ký (1919-1999), quê xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi (TPHCM), tham gia cách mạng năm 1936 bằng các hoạt động trong Hội tương tế ái hữu Sài Gòn - Gia Định, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1937, nhập ngũ năm 1945, được phong quân hàm thiếu tướng năm 1961. Một con đường ở quận 12, TP.HCM mang tên ông.

(2): Mười Riều (1920-2015), tên thật là Nguyễn Thị Mười, có chồng là liệt sĩ Nguyễn Văn Riều, sống tại thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu). Năm 1961, Bà Rịa tổ chức góp tiền mua thuyền ra Bắc xin vũ khí nhưng không may bị địch phục kích mất sạch tiền bạc. Không do dự, bà về nhà lấy số vàng là của hồi môn lúc cưới và số vàng tích cóp được tổng cộng 10 cây (có thông tin khác là 23 cây) để quyên góp cho việc đóng thuyền. Bà vừa mất ngày 24-7-2015.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận