​Thói quen tiêu dùng cứu chăn nuôi được bao lâu?

TRẦN MẠNH 14/07/2015 19:07 GMT+7

TTCT - Thói quen dùng thịt tươi và mua chủ yếu từ các chợ truyền thống của người tiêu dùng VN chính là lá chắn rất quan trọng hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước thời gian vừa qua. Nhưng lợi thế này còn được bao lâu?

 

Thịt gà công nghiệp không được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng bằng thịt gà ta - Ảnh: HỮU KHOA

Theo các chuyên gia, dù mức thuế nhập khẩu thịt gà vẫn còn cao (15-20%) nhưng thịt gà công nghiệp của VN ngày càng khó cạnh tranh hơn so với nguồn nhập khẩu, đặc biệt là thịt gà Mỹ. Các cường quốc chăn nuôi Mỹ, Canada, Úc và New Zealand đều là thành viên của TPP.

Bởi vậy khi TPP trở thành hiện thực, thịt nhập khẩu sẽ còn tràn vào mạnh mẽ hơn, ngành chăn nuôi trong nước thật sự điêu đứng. Không chỉ thịt gà mà thịt heo, thịt bò ngoại được dự báo thống trị thị trường VN trong một thời gian ngắn.

Theo ước tính của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), sau TPP, xuất khẩu thịt heo của Mỹ sang VN sẽ tăng gấp 43,2 lần năm 2014, giá trị sẽ tăng từ 2,3 triệu USD lên 100 triệu USD.

MÂU THUẪN TRONG PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI

TS Đoàn Xuân Trúc, tổng thư ký Hội Chăn nuôi VN, cho biết manh mún, tự phát, nguy cơ dịch bệnh dẫn đến năng suất nuôi thấp, giá thành cao là những thách thức lớn đối với ngành chăn nuôi khi VN hội nhập sâu. Dù có rất nhiều chính sách hỗ trợ ngành chăn nuôi ban hành thời gian qua nhưng người dân không thể tiếp cận được, chưa kể có những chính sách gây khó khăn cho người chăn nuôi và doanh nghiệp muốn đầu tư vào ngành nông nghiệp.

Điển hình là quy định về xử lý nước thải trong chăn nuôi. Theo quy định của Bộ Tài nguyên - môi trường, những trang trại heo có quy mô trên 1.000 con thì nước thải sau xử lý phải đạt tiêu chuẩn loại A (có thể đổ vào các vực nước được dùng làm nguồn nước sinh hoạt). Theo người nuôi, nước thải loại A là một yêu cầu quá khắt khe. Muốn đạt yêu cầu đó phải đầu tư rất lớn vào hệ thống xử lý, chiếm 25-30% tổng vốn đầu tư cho dự án chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Ngọc, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, cho hay với quy định này, gần như tất cả trang trại heo quy mô trên 1.000 con đều vi phạm pháp luật và đứng trước nguy cơ bị phạt bất cứ lúc nào.

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2014 VN nhập khẩu trên 90.000 tấn thịt gà và phụ phẩm gà các loại. Trong năm tháng đầu năm 2015, VN đã bỏ ra số tiền gần 54 triệu USD để nhập khẩu thịt gà các loại, bằng 52% tổng giá trị nhập khẩu của cả năm 2014. Thịt gà Mỹ nhập về nhiều, chiếm tới 65% giá trị nhập khẩu (34,8 triệu USD) và có giá ngày một rẻ hơn và rẻ nhất trong số các quốc gia xuất khẩu thịt gà vào VN.

Còn ông Lê Bá Lịch, chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN, cho rằng nhiều chính sách chăn nuôi không hiệu quả, thậm chí còn cản trở. Trong khi cơ cấu tiêu dùng của xã hội đã thay đổi, cơ cấu sản xuất chưa thay đổi kịp để đáp ứng. Ví dụ, nhu cầu về các loại thịt đỏ (trâu, bò, cừu...) tăng lên nhanh chóng trong thời gian qua nhưng VN vẫn tập trung vào phát triển heo và gà.

Vẫn còn quan điểm cho rằng VN không có lợi thế phát triển đại gia súc nên không đề xuất chủ trương dành đất cho nuôi bò. Sau nhiều năm quyết tâm đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, nhưng đến nay ngành chăn nuôi mới chỉ chiếm 27% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. 

Đến giữa năm 2015, chỉ có 393 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi trên tổng số 500.000 doanh nghiệp trong cả nước.

Theo ông Lê Bá Lịch, với cơ chế, chính sách đầu tư cho chăn nuôi như hiện nay, chăn nuôi sẽ rất khó khăn. Điểm yếu cố hữu của doanh nghiệp vẫn là chi phí lớn, quản trị yếu, công nghệ thấp, khó tiếp cận được nguồn vốn, thông tin thị trường mù mờ... 

“Hầu như các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước chưa chuẩn bị hành trang cho hội nhập. Họ lo lắng và không hiểu rõ nội dung, công cụ bảo vệ thị trường nội địa trước hàng nhập khẩu diễn ra như thế nào” - ông Lịch nói.

CHỦ ĐỘNG CHUYỂN ĐỔI

Cách đây hai năm, khi ngành nuôi gà công nghiệp của VN bước vào khủng hoảng thừa do không thể cạnh tranh được với gà giá rẻ nhập khẩu, ông Âu Thanh Long, giám đốc Công ty TNHH Duy Cường (Đồng Nai), đã ngưng mở trang trại mới. 

Đánh giá TPP sẽ tạo ra cơ hội đầu tư từ các công ty Nhật Bản vào VN, ông Long quyết định hợp tác với một đơn vị của Nhật Bản nuôi gà chất lượng cao để xuất khẩu trở lại Nhật Bản. Công ty ông sẽ chịu trách nhiệm xây dựng chuồng trại, quản lý chăn nuôi, phía đối tác Nhật Bản cung cấp quy trình kỹ thuật và giám sát chất lượng.

 

Sau thời gian triển khai, đến nay các sản phẩm chăn nuôi từ liên doanh này đã đạt tiêu chuẩn vào Nhật Bản và hai bên đang xúc tiến để xuất khẩu. “Nếu chịu khó đầu tư thì VN hoàn toàn có thể xuất khẩu gà được như Thái Lan, đem về mỗi năm hàng tỉ USD” - ông Long nhận định.

Công ty chăn nuôi CP Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa, Đồng Nai) cũng đã xác định tương lai của ngành thịt VN sẽ là xuất khẩu và TPP là cơ hội để nâng cao năng lực sản xuất cũng như chất lượng trước khi đưa sản phẩm chăn nuôi của VN ra thế giới. 

Ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg, phó chủ tịch Tập đoàn CP Thái Lan phụ trách thị trường VN, cho rằng tham gia TPP sẽ đem lại lợi thế cho ngành chăn nuôi VN, không nên quá lo lắng. Với lợi thế giá nhân công rẻ, nếu đầu tư công nghệ chế biến chất lượng cao, theo vị doanh nhân này, thịt gà của VN hoàn toàn có thể xuất khẩu sang một số thị trường thuộc khối TPP.

Tập đoàn CP đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thịt tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa (Hà Nội) với công suất 64.000 con gia cầm/ngày bằng công nghệ từ Hà Lan, Đức, Thụy Sĩ. Gà thịt từ hệ thống các trang trại chăn nuôi gia công của CP được đưa vào quy trình chế biến theo nguyên tắc không ngược đãi động vật của Liên minh châu Âu. Hệ thống giết mổ được thiết kế theo nguyên tắc một chiều nhằm tránh nhiễm khuẩn trước và sau khi giết mổ.

"THỊT NÓNG", ƯU THẾ CỦA NGÀNH CHĂN NUÔI

Ông Nguyễn Xuân Dương, cục phó Cục Chăn nuôi, cho rằng tương lai của ngành chăn nuôi còn nhiều lợi thế khác để phát triển. Trong đó, thói quen sử dụng thịt nóng, thịt tươi hay các giống đặc sản... của người tiêu dùng sẽ giúp VN có thêm thời gian chuẩn bị và xây dựng hàng rào kỹ thuật cũng như tổ chức lại sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong các sản phẩm chăn nuôi, thịt heo đang là loại thực phẩm được người tiêu dùng VN dùng nhiều nhất. Mức tiêu thụ thịt heo bình quân đầu người là 14,1kg/năm (năm 2012) và đang có xu hướng tăng. Hiện nay nguồn cung ứng thịt vẫn chủ yếu đến từ các hộ sản xuất trong nước, tỉ trọng thịt nhập khẩu rất nhỏ. Cụ thể, tỉ trọng thịt heo nhập khẩu trong tổng tiêu dùng loại thịt này năm 2014 chỉ ở mức 0,16%, thịt bò 6,82% và thịt gà 5,7%.

Điều này có thể được lý giải dựa trên thị hiếu của người tiêu dùng VN, vốn hầu hết vẫn sử dụng loại thịt tươi và được mua chủ yếu từ các chợ truyền thống. Đây chính là lá chắn rất quan trọng hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước thời gian vừa qua. 

Theo Cục Chăn nuôi, hiện mỗi năm cả nước sản xuất được 5,2 triệu tấn thịt hơi (tương đương 3,5 triệu tấn thịt xẻ), trong đó có 77% thịt heo, 16% thịt gia cầm và 7% thịt đỏ (trâu, bò, dê, cừu) và các loại thịt khác. Hầu hết lượng thịt này đến tay người tiêu dùng dưới dạng tươi sống.

Nhưng “lá chắn” này sẽ tồn tại được bao lâu? Thói quen tiêu dùng không thể coi là bất biến, hơn nữa các sản phẩm nhập khẩu đang có nhiều lợi thế về mặt chất lượng, giá cả và độ tin cậy về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu các sản phẩm chăn nuôi trong nước không đáp ứng được yêu cầu này, chuyện người tiêu dùng chuyển sang sử dụng thịt đông lạnh không là điều ngạc nhiên.    

KHÁC BIỆT TỪ ĐẶC SẢN

Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, VN có một thế mạnh cần khai thác và phát triển, đó là đặc sản. Khắp VN, vùng nào cũng có nhiều giống vật nuôi bản địa, nếu sử dụng các lợi thế về điều kiện tự nhiên sẵn có, bảo tồn, hỗ trợ phát triển trang trại lớn, chắc chắn đầu ra cho các mặt hàng này không khó.

Ức vịt Gò Công (dạng nguyên liệu) bán giá 780.000 đồng/kg tại nhà hàng Pháp Trois Gourmands, Q.2, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH 

Ví dụ, ngành nuôi gà công nghiệp phát triển rất nhanh tại VN thời gian qua nhưng đến nay thịt gà công nghiệp chỉ chiếm 25-30% thị phần tiêu thụ thịt gà của VN, còn lại là các giống gà địa phương, gà lông màu bán chăn thả. Thịt gà công nghiệp cũng chỉ chiếm lĩnh được các bếp ăn công nghiệp, trường học, bệnh viện và quán cơm, trong khi ở bữa ăn gia đình hay tiêu dùng gà nguyên con vẫn là gà lông màu chăn thả hay các giống gà địa phương khác chiếm đa số.

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, đặc sản trong nông nghiệp VN là khác biệt gần như tuyệt đối so với các thành viên khác trong TPP. Vì vậy, đặc sản là thứ cần được giữ gìn cẩn thận và phát triển. Còn theo ông Lê Bá Lịch - nguyên cục trưởng Cục Chăn nuôi, để biến tiềm năng đặc sản kia thành hiện thực, cạnh tranh được hàng ngoại nhập cần có những kế hoạch hành động cụ thể và quyết liệt.

Ông Lịch cho hay trâu, bò là lợi thế của các tỉnh miền núi phía Bắc, các huyện miền núi, trung du khu vực miền Trung, Tây nguyên; con vịt gắn liền với vùng trồng lúa nước đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, các huyện ven biển, cần dựa vào lợi thế đó mà phát triển.

Về mặt chính sách, ông Nguyễn Xuân Dương cho biết bên cạnh khuyến khích đầu tư chăn nuôi quy mô công nghiệp hiện đại vẫn có những chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi quy mô nông hộ, phát huy sản phẩm đặc sản theo lợi thế của từng vùng sinh thái. Dù bị đe dọa của dịch cúm gia cầm nhưng chăn nuôi thủy cầm, đặc biệt là vịt, sẽ vẫn là mảng độc đáo và phát triển đầy sức sống trong thời gian tới...

CHĂN NUÔI NHỎ BỊ TÁC ĐỘNG LỚN

Theo báo cáo “Cấu trúc ngành chăn nuôi và lợi ích người chăn nuôi nhỏ VN” của OXFAM tháng 6-2015, từ năm 2006 số lượng heo tăng, ổn định ở mức 26-27 triệu con. Do dịch bệnh liên tiếp, đến năm 2012 số lượng heo của cả nước có khoảng 26,5 triệu con. Tổng đàn gà đạt 223,7 triệu con năm 2012, tốc độ tăng trưởng bình quân 3,3%/năm giai đoạn 2000-2012.

Báo cáo này nhận định: ngành chăn nuôi VN tăng trưởng nhanh và chuyển từ quy mô chăn nuôi nhỏ sang các hộ và trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Chăn nuôi tăng liên tục về sản lượng, đầu con không tăng nhưng trọng lượng/con tăng thể hiện quá trình chuyển dịch từ giống truyền thống sang giống nhập ngoại. Số lượng hộ chăn nuôi nhỏ giảm nhanh, nguyên nhân do gặp rủi ro dịch bệnh, kém cạnh tranh về giá so với trang trại quy mô lớn, không được sự hỗ trợ từ chính sách ngành hiện nay của Nhà nước.

KIM NGẠCH NHẬP KHẨU HEO GIỐNG CỦA VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2005-2012

Theo Cục Chăn nuôi, trong tám tháng đầu năm 2014 Việt Nam chi khoảng 1,52 triệu USD cho nhập khẩu 1.686 con heo giống, tăng 89% so với cùng kỳ năm 2013

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của OXFAM cũng đưa ra những khuyến nghị đáng chú ý rằng ngành chăn nuôi VN ngày càng phụ thuộc hơn vào thị trường nước ngoài: nhập khẩu giống, nhập khẩu thức ăn và thuốc thú y ngày càng tăng. Ngoài ra, sản phẩm thịt chịu sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của thịt nhập khẩu và sản phẩm thịt tiêu thụ trong các hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, chuỗi thức ăn nhanh, nhà hàng, khách sạn). Giống heo ngoại chiếm đến 49%, giống lai 43%, còn lại giống nội địa; gà ngoại 33%, gà lai 35%, gà nội 7%, còn lại gà chuyên trứng. Nhập khẩu giống ngoại, nhập khẩu thức ăn và thuốc thú y cũng tăng theo thời gian.

Các nhà nghiên của OXFAM cho rằng TPP sẽ ảnh hưởng đến người chăn nuôi nhỏ nhiều hơn so với người chăn nuôi quy mô lớn. Các trang trại chăn nuôi quy mô lớn sẽ không bị ảnh hưởng mà còn phát triển thêm để thay thế các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ bị mất đi. Như vậy TPP sẽ làm lợi cho các hộ chăn nuôi lớn và về tổng thể ngành chăn nuôi sẽ không bị sụt giảm nhiều về sản lượng, tuy giá sản phẩm chăn nuôi sẽ giảm đôi chút. Trong khi đó các chính sách hiện hành thúc đẩy và hỗ trợ chăn nuôi quy mô lớn, không có tác động nhiều đến người chăn nuôi nhỏ. Các chính sách hiện hành không khuyến khích cũng không hạn chế và thắt chặt đối với chăn nuôi quy mô nhỏ. Các chính sách chủ yếu hướng tới thúc đẩy quy mô chăn nuôi lớn và chăn nuôi tập trung. Như vậy chính sách còn bỏ ngỏ một đối tượng chiếm tỉ trọng lớn và chủ đạo trong ngành chăn nuôi.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận