​Phía sau khởi nghiệp: Học từ cay đắng  

VŨ THÁI HÀ 20/02/2015 20:02 GMT+7

TTCT - Tinh thần kinh doanh - mà việc khởi sự kinh doanh là biểu hiện đầu tiên - cần phải được đón nhận với tất cả sự nâng niu, trân trọng, không phải bằng lời nói mà bằng những ứng xử cụ thể; tất cả là để làm giảm đi khả năng thất bại và dừng bước, khích lệ sự dấn thân. Một xã hội nhận thức đầy đủ hơn về rủi ro và đáp ứng với nó tốt hơn chắc chắn sẽ làm được điều đó.

 

Khởi sự kinh doanh đối với một người là một việc lớn, thành công với nó là một ước mơ, hơn thế nữa là một khát khao. “Không bao giờ là muộn” là lời khuyên đầy khích lệ đối với những ai muốn bắt đầu và đó là sự thật. Tuy nhiên, lại còn một sự thật khác: cho dù chúng ta bắt đầu ở tuổi nào chăng nữa thì xác suất phải “dừng cuộc chơi” là rất cao.

Tại sao “dừng cuộc chơi”?

Nguyên nhân thành công của các khởi nghiệp, nếu có, thường được kể ra một cách rất “vi mô” với rất nhiều chi tiết, đại để: trong những năm đầu tiên, các sáng lập viên chỉ được ăn bao nhiêu tô mì gói, cùng lúc đó phải nhịn bao nhiêu ly cà phê, và phải làm việc mỗi ngày 25 tiếng để cho công ty của họ sống sót, chưa kể quãng đường mà họ phải rong ruổi trên chiếc xe máy cũ rích để đi giao hàng mỗi ngày là rất xa, xa đến mức phi lý.

Câu chuyện thành công nào mà chẳng say mê, người kể say mê đã đành, người nghe lại còn say mê hơn, nên chẳng ai buồn đặt câu hỏi về những phi lý đầy lãng mạn mà nó mang theo.

Thất bại thì lại khác. Câu chuyện thất bại thường chẳng có chút lãng mạn nào, nếu như không muốn nói là nó luôn chất chứa ít nhiều bi phẫn.

Thật ra, không quá khó khăn để lý giải một thất bại trong cuộc đời, bởi thất bại là một mặc định: không cần phải làm gì cả thì thất bại vẫn đến với chúng ta một cách tự nhiên; nói khác đi, cuộc đời đã có sẵn rất nhiều nguyên nhân khiến chúng ta thất bại, việc còn lại chỉ là chọn cái nào mà thôi.

Bởi chẳng ai thích xấu xí, nên khi nói về thất bại, chúng ta vẫn có xu hướng chọn những nguyên nhân đẹp. “Lúc đó ý tưởng sản phẩm của chúng tôi đi trước thị trường quá xa!”. Hay “Quỹ đầu tư không hiểu được tiềm năng của thị trường!”. Có khi là “Không ai hiểu ý tưởng kinh doanh của chúng tôi, vì nó quá mới!”.

Đấy là vài ví dụ cho nguyên nhân “dừng cuộc chơi” của các khởi nghiệp mà chúng ta thường nghe được. Dĩ nhiên còn có những trần tình khác, chẳng hạn như: “Làm đến đấy cũng đã thỏa mãn ý chí rồi, nên thôi, không làm tiếp nữa!”, và thỉnh thoảng là: “Hết tiền, đành chịu!”.

Nói vậy nhưng chưa chắc đã là vậy! Sau hơn chục năm ở trong môi trường có cơ hội tiếp xúc với các khởi nghiệp khá nhiều, tôi được nghe những câu chuyện khác, mỗi chuyện là một bất ngờ. Có bạn trẻ nung nấu ý tưởng của mình, chuẩn bị sản phẩm rất chu đáo từ khi còn học đại học và đã khởi sự ngay khi vừa ra trường thì bỗng dưng bỏ dở mọi thứ. “Ý tưởng chưa chín lắm!” là câu chia sẻ chính thức, còn những lúc thân tình thì lại khác: “Bố mẹ bắt em tìm việc làm cho ổn định!”.

Có anh bạn rất giỏi chuyên môn, suốt mấy năm trời lần nào gặp nhau cũng nói về chuyện chuẩn bị rời chỗ làm hiện tại để mở công ty làm dịch vụ, khách hàng tiềm năng đã chuẩn bị, năng lực đã sẵn sàng, tha hồ mà phát huy. Bẵng đi một thời gian không thấy nhắc đến ý định ấy nữa, ai hỏi thì bảo: “Đi làm quen rồi, ngại thay đổi quá!”, chỉ ở chỗ gần gũi mới kể: “Vừa nói ra, bà xã bảo: Anh có bị làm sao không đấy? Đang yên đang lành...”.

Có những dự định “chết” từ trong trứng nước, có những kế hoạch dừng lại ngay ở bước đầu tiên, nhưng lại có những công ty đã bắt đầu đứng được trong thị trường mà vẫn phải dừng lại bởi vì: “Mệt quá ông ạ! Việc vẫn tốt, tôi làm tôi biết, chỉ năm nữa thôi là ổn, nhưng ngày nào về nhà vợ chồng cũng...”.

Hóa ra chẳng phải năng lực, chẳng phải thị trường, cũng chẳng phải kế hoạch kinh doanh mà chính những ông bố, bà mẹ, những người vợ, người chồng, với tất cả lòng yêu thương đã giữ chặt ước mơ được góp mặt với đời của chúng ta lại, không cho nó được tung cánh!

Nhắc đến nguyên nhân của sự yếu kém trong khởi nghiệp, người ta có thể nói đến hàng loạt lý do, từ điều kiện vĩ mô đến điều kiện vi mô, từ nguyên nhân xã hội đến nguyên nhân cá nhân. Khi chuyển hết về cùng một hệ quy chiếu thì ta có thể nhận ra rằng thành công hay thất bại của một khởi nghiệp phụ thuộc vào khả năng chịu đựng rủi ro. Chính khả năng ứng xử trước rủi ro là nhân tố quyết định, nếu yếu kém thì sẽ làm khởi nghiệp hoặc không được bắt đầu hoặc dừng lại quá sớm.

 

Rủi ro nói đến ở đây cần được hiểu với nghĩa rộng, là tất cả nhân tố có thể làm cho người khởi nghiệp từ bỏ hoặc “dừng cuộc chơi” giữa chừng. Từ ý tưởng kinh doanh, vốn, nhân lực, năng lực cá nhân của người khởi nghiệp cho đến phương pháp làm việc của họ đều chất chứa rủi ro; tình hình kinh tế nói chung, mức độ tăng trưởng và các biến động kinh tế chính trị quốc tế cũng vậy, đều có thể tác động đến khởi nghiệp.

 

Đáng tiếc, tất cả điều kiện ấy chưa bao giờ là ổn định và khả năng dự báo chúng với một độ chắc chắn vừa phải cũng đã là một bài toán quá lớn, chưa bao giờ có lời giải đủ tốt. Trong khi đó, ứng xử trước rủi ro lại đòi hỏi phải chấp nhận một thực tế như vậy trước tiên.

Ôm giấc mơ đôi khi bị trói chặt bởi những ràng buộc nhân danh “quan tâm và yêu thương” ấy, chúng ta nhìn về nơi xa để xem xét những mô hình, những cách thức khác.

Israel là một ví dụ. Từ một quốc gia “khởi nghiệp”, được hình thành trở lại một cách “nhân tạo” sau hàng ngàn năm ly tán của dân tộc Do Thái, Israel đã vươn lên mạnh mẽ, tăng trưởng “50 lần trong vòng 60 năm”, đưa mức sống của người dân từ mức “ngang bằng người Mỹ những năm 1800” vào những năm đầu thập niên 1950 lên mức hàng đầu thế giới ở thời điểm hiện tại.

“Một quốc gia nhỏ bé có thể làm được gì?” là câu hỏi mà người Israel đặt ra cho chính họ. Đất đai khô cằn, tài nguyên thiên nhiên không có, đến cả nguồn nước cũng không, diện tích nhỏ, cộng đồng dân số nhỏ và hình thành một cách ô hợp, đấy là những đặc điểm mà người ta nhớ đến khi nói về Israel, chưa kể đến sự bất ổn dai dẳng do vị thế địa chính trị.

Trong điều kiện như vậy, trả lời cho câu hỏi “làm được gì” là một điều vô cùng thử thách, nhưng người Israel đã làm được. Tinh thần khởi nghiệp là chìa khóa thành công của họ. Chấp nhận đương đầu với thử thách, cố gắng sống sót trong điều kiện khắc nghiệt để rồi phát triển mạnh mẽ nhờ đổi mới và sáng tạo là con đường mà đất nước Israel và các doanh nghiệp của họ đã đi qua và sẽ còn tiếp tục (1).

Vấn đề là vấn đề nào?

Khi mà những tranh cãi xung quanh chuyện Việt Nam có làm được hay không làm được ốc vít cho Samsung chưa lắng xuống thì chúng ta phải thừa nhận một thực tế không hề dễ chịu: giá trị kinh tế mà gần 90 triệu người Việt Nam tạo ra mỗi năm là quá nhỏ so với quy mô của quốc gia, dấu ấn mà chúng ta để lại là cực kỳ mờ nhạt. Đây là một thực tế rất khó khước từ: Việt Nam chưa bao giờ có một cộng đồng doanh nghiệp mạnh và có sức sống đủ bền bỉ.

“Đất nước ta giàu đẹp, rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu” từng là thông điệp giáo dục của một thời và dư âm của nó vẫn còn vang vọng. Liệu rằng ý muốn cố gắng của chúng ta có vì thế mà mai một? Xã hội truyền thống Việt Nam vốn không trọng tầng lớp thương nhân, người làm thương nghiệp chỉ được xếp ở hạng cuối cùng trong bốn hạng sĩ - nông - công - thương.

Bản thân xã hội truyền thống đó cũng lại kỳ thị, coi thương nhân là những kẻ không đáng tin, bởi “thật thà đâu phải lái buôn”. Chưa hết, những năm dài sống dưới một nền kinh tế nặng về thực hiện các kế hoạch cố định và chắc chắn đã lại tiếp tục tước đi của chúng ta khả năng khởi xướng những gì mới mẻ và đương đầu với những gian nan dọc đường, là những thứ tối cần thiết cho khởi sự kinh doanh.

Đây là bối cảnh mà chúng ta có: hạt giống của tinh thần kinh doanh vốn chưa đủ mạnh mẽ được gieo vào một thửa đất tràn ngập những ánh nhìn cảnh giác và e dè. Chả trách tại sao hạt giống ấy lại khó nảy mầm, chứ chưa mong gì đến chuyện mọc lên vững vàng và đơm hoa kết trái! Tinh thần kinh doanh đã gặp phải rủi ro lớn nhất, rủi ro của mọi rủi ro, đó là mức độ chấp nhận của chính chúng ta!

Tương lai phía trước

Mọi chuyện bắt đầu với quan niệm của xã hội đối với những thang bậc giá trị, và có lẽ cũng sẽ kết thúc cùng với nó. Tinh thần kinh doanh - mà việc khởi sự kinh doanh là biểu hiện đầy đủ nhất - cần phải được đón nhận với tất cả sự nâng niu, trân trọng, không phải bằng lời nói mà bằng những ứng xử cụ thể; tất cả là để làm giảm đi khả năng thất bại và dừng bước, khích lệ sự dấn thân. Một xã hội nhận thức đầy đủ hơn về rủi ro và đáp ứng với nó tốt hơn chắc chắn sẽ làm được điều đó.

Hẳn nhiên, sự thay đổi của kinh tế và xã hội là tất yếu và vẫn đang diễn ra, những giá trị truyền thống nào không còn phù hợp sẽ bị đào thải một cách tự nhiên, nhưng vẫn còn đó câu hỏi: Chúng ta đang thay đổi với tốc độ nào?

Cho đến khi mỗi cá nhân trong chúng ta còn chưa đồng ý rằng bản thân mỗi người phải là một kẻ tác tạo, có khát khao tìm kiếm những giá trị mới và khẳng định chúng bằng việc trao đổi thành công với những giá trị khác thì tinh thần kinh doanh vẫn còn chịu nhiều thử thách nặng nề.

Chúng ta rất nên đặt vấn đề khác đi, bởi khi thất bại đã là mặc định thì việc đồng ý với nó không còn là chuyện phải làm nữa, mà cái cần tính đến là dấn bước để đổi thay. Chí ít thì mỗi khi có ai đó nói về dự định kinh doanh của họ thì chúng ta hãy chịu khó lắng nghe và đừng ném về phía họ những tiếng thở dài. 

Nếu người ta vẫn đang nghiên cứu xem một con bướm đập cánh ở nơi này có thể làm bão nổi lên ở nơi khác cách nó nửa vòng trái đất hay không thì chúng ta cũng có quyền hi vọng một thay đổi nhỏ như vậy sẽ ươm mầm cho những biến chuyển lớn trong một tương lai không xa.       

 

(1): Theo Quốc gia khởi nghiệp, Dan Senor & Saul Singer, NXB Thế Giới, 2014

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận