​VIỆC DÂN SỰ CỐT Ở NƠI DÂN

NGUYỄN ĐỨC LAM 19/01/2015 20:01 GMT+7

TTCT - Pháp luật thành văn chỉ là một phần hiển hiện của nền văn hóa pháp lý, ví như phần nổi của một tảng băng chìm. Điều thật sự khó là nắm được cái hồn, cái “tinh thần pháp luật” ẩn đằng sau những văn bản pháp luật đó là gì, cách nghĩ ra sao khi xây dựng một đạo luật và cả hệ thống pháp luật.

Minh họa: SA LEM

Đến hẹn lại lên, 10 năm một lần, kể từ khi ban hành vào năm 1995, Bộ luật dân sự (BLDS) Việt Nam tiếp tục được sửa đổi (*). Với hơn 700 điều, mặc dù có dung lượng khá khiêm tốn so với BLDS nhiều nước, đó vẫn là một khu rừng rậm rạp, chằng chịt, dễ lạc vào mà không có lối ra.

Phải chăng để có cái nhìn bao quát, xuyên suốt về BLDS, chúng ta thử tìm hiểu xem đằng sau các điều khoản, câu chữ, thuật ngữ “rậm rịt” của luật ẩn giấu triết lý nào, chủ thuyết nào, tư tưởng nào, hay nói cách khác tinh thần nào soi rọi chúng?

Phân loại luật tư - luật công

Trước hết, triết lý của BLDS xuất phát từ sự phân loại pháp luật thành luật tư và luật công, vốn là của người La Mã, sau trở thành một trong những đặc điểm nổi bật của hệ thống pháp luật dân luật (civil law system) và hiện đã được các hệ thống pháp luật khác tiếp nhận.

Hạt nhân của việc phân loại này là quyền lợi được chia thành quyền lợi công và quyền lợi tư. Pháp luật xác lập và giới hạn quyền lợi công được gọi là luật công. Còn pháp luật xác lập và giới hạn quyền lợi tư được gọi là luật tư.

Pháp luật dân sự (mà BLDS là một phần trong đó) thuộc lĩnh vực luật tư, với điểm quan trọng xuyên suốt, bao trùm là phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tự do ý chí, công bằng giữa các chủ thể, ghi nhận cao nhất quyền tự quyết của các chủ thể trong các quan hệ dân sự. Đồng thời, tài sản và sở hữu cá nhân phải được quan tâm hàng đầu.

"Ngay cả một nhà làm luật nhìn xa trông rộng nhất cũng không thể thấy hết được mọi vấn đề nảy sinh trong thực tế. Vì vậy, việc xây dựng pháp luật dân sự cần chú trọng dành một khoảng không gian đủ rộng cho đời sống dân sự diễn ra nhộn nhịp"

Trong cổ luật Trung Quốc và cổ luật Việt Nam đến trước thế kỷ 19 không phân biệt luật công, luật tư, chỉ có luật hình. Thế nhưng, nhìn sang Trung Quốc đương đại, hệ thống pháp luật cũng đã được phân biệt thành luật công và luật tư, luật dân sự được xác định là luật tư gốc.

Còn ở Việt Nam, tiến trình phát triển của luật tư vốn manh nha từ Quốc triều hình luật đời Lê, được du nhập thời Pháp thuộc, nhưng rồi bị đứt gãy trong vài thập niên thời kỳ kinh tế tập trung quan liêu bao cấp.

Luật tư bị quá xem nhẹ, nhà nước can thiệp nhiều vào đời sống dân sự, không đảm bảo tài sản của người dân làm ra hay tích lũy trong cuộc sống của mình, dẫn đến những hậu quả tiêu cực trong đời sống xã hội.

Từ sau năm 1986, quan niệm như vậy dần được thay đổi nhưng vẫn sống dai dẳng trong thực tiễn pháp lý Việt Nam, ví dụ hình sự hóa các quan hệ dân sự, hoặc không ít quy định của pháp luật dân sự như về hợp đồng vẫn dành nhiều đất cho cơ quan nhà nước can thiệp vào đời sống dân sự.

Dự thảo BLDS lần này đã có ý đồ làm rõ hơn bản chất luật tư trong BLDS, ví dụ thay đổi cách thức quy định phạm vi điều chỉnh của BLDS. Trong tài liệu kèm theo dự thảo, lần đầu tiên khái niệm luật tư, luật công được thể hiện chính thức. Nhưng quan trọng hơn, không chỉ dừng ở câu chữ, ở một điều khoản, mà tinh thần này cần được thể hiện rõ nét ở các phần, chương, điều của BLDS.

Ứng biến với dòng chảy dân sự

Luật tư điều tiết các quan hệ xã hội có độ ổn định cao, luôn gắn bó với đời sống thường nhật của xã hội và ít bị ảnh hưởng nhất bởi các trào lưu chính trị. Hơn nữa, ngay cả một nhà làm luật nhìn xa trông rộng nhất cũng không thể thấy hết được mọi vấn đề nảy sinh trong thực tế.

Vì vậy, việc xây dựng pháp luật dân sự cần chú trọng dành một khoảng không gian đủ rộng cho đời sống dân sự diễn ra nhộn nhịp. Các quy tắc luật dân sự được thiết lập theo hướng khái quát cao từ cuộc sống, “nén chặt” các nguyên tắc chung nhất, tránh quá sa vào chi tiết.

Cùng với số lượng khổng lồ những quy phạm chi tiết có những quy định mang tính mở (những điều khoản chung, những nguyên tắc). Đây là nguyên lý cơ bản bảo đảm cho các BLDS như của Pháp, Đức, Nhật vừa ổn định lâu dài, vừa đáp ứng kịp thời sự thay đổi điều kiện thực tế.

Mặt khác, vai trò sáng tạo của tòa án trong việc áp dụng những điều khoản luật giúp cho luật ứng phó với sự biến chuyển cuộc sống.

Ví dụ, trên cơ sở điều 242 của BLDS Đức quy định về nguyên tắc “thiện chí và trung thực”, thực tiễn xét xử của tòa án đã cho ra đời hàng loạt quy tắc pháp lý mới và một số lượng án lệ khổng lồ. Tương tự, thẩm phán Pháp cùng với nhà làm luật cùng phát triển, mở rộng các quy định của BLDS Pháp và đem lại những tư tưởng pháp lý mới cho bộ luật này, “thích ứng một cách nhân bản và tự do nhất các văn bản luật với những yêu cầu của công lý, lý trí cuộc sống đương đại”.

Không phải ngẫu nhiên mà BLDS Pháp, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha buộc thẩm phán không được từ chối xét xử với lý do pháp luật không có luật. Như vậy, thẩm phán là người giải thích luật và đưa ra giải pháp pháp lý đối với những vụ việc cụ thể mà luật chưa dự liệu được, dựa trên án lệ và tập quán để giải quyết các vụ việc đó.

Đối chiếu với Việt Nam, theo đánh giá của giới luật, BLDS hiện hành chưa đủ độ trừu tượng hóa, các nguyên tắc căn bản của BLDS chỉ được liệt kê chứ chưa được thể hiện đầy đủ, rõ nét qua các điều luật. Mặt khác, thừa những điều luật điều chỉnh các trường hợp cụ thể vừa không cần thiết, vừa có thể hạn chế các quy định có hiệu lực tổng quát.

Ví dụ, cách quy định ở nhiều điều khoản có tính chất liệt kê quyền, nghĩa vụ là nguyên nhân hạn chế quyền tự do thỏa thuận. Các ví dụ về những điều luật cụ thể đi ngược hoặc hạn chế các nguyên tắc cơ bản không phải là ít trong BLDS 2005.

Hơn nữa, pháp luật Việt Nam không cho phép thẩm phán áp dụng, giải thích một cách rộng mở như ở các nước, đồng thời thẩm phán lại được quyền từ chối xét xử khi không có quy định của luật.

Để xây dựng BLDS mới, cần loại bỏ tính tuyên ngôn trong những quy định về các nguyên tắc chung, đồng thời làm tăng thêm tính ứng dụng của chúng, nhất là khi BLDS được xem là bộ luật gốc của hệ thống luật tư. Bên cạnh các quy định cụ thể, chi tiết điều chỉnh các quan hệ dân sự đảm bảo sự an toàn pháp lý, cần có các quy định mang tính “mở” nhiều hơn để dành đất cho thẩm phán thích ứng với những diễn biến, chuyển động không ngừng của cuộc sống.

Đặc biệt, cần ủng hộ quy định trong dự thảo BLDS mới, theo đó, trong những trường hợp không có quy định của luật, thẩm phán có nghĩa vụ pháp lý không được từ chối và được trao quyền dựa trên các nguồn khác như án lệ, tập quán, lẽ công bằng để thụ lý, xét xử.

Như vậy quyền lợi của người dân mới được đảm bảo, hệ thống pháp luật vận hành và phát triển, công lý được thực thi, thể hiện tinh thần cải cách tư pháp, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm công lý của người dân. Để đảm bảo tính khả thi của các quy định này, cần quy định rõ các nội dung về áp dụng tập quán, áp dụng quy định tương tự của pháp luật và lẽ công bằng trong BLDS làm căn cứ để tòa án áp dụng.

Khơi dòng lợi ích

Với tư cách luật tư, việc khơi dòng lợi ích, các nguồn lực trong xã hội là tinh thần của các BLDS điển hình trên thế giới. Để làm được điều này, các BLDS đó đều có triết lý công nhận và bảo đảm tự do, bình đẳng (về mặt pháp lý) của tất cả chủ thể tham gia giao dịch dân sự, quyền tự chủ xây dựng các mối quan hệ trong đời sống của mình và tự chịu trách nhiệm về chúng.

Bên cạnh đó, mục đích, ý nghĩa và các hình thức tối ưu của sở hữu luôn là một trong những vấn đề quan trọng nhất khi xây dựng BLDS, phải trả lời một cách đúng đắn nhất.

Chẳng hạn, nhà soạn thảo BLDS Pháp hướng tới tự do cá nhân, đặc biệt là tự do tiến hành các hoạt động kinh tế, và quyền sở hữu tư nhân, đặc biệt là sở hữu đất đai. Tự do khế ước là nguyên tắc chủ đạo của bộ luật này.

BLDS Pháp cũng bảo hộ chặt chẽ quyền tài sản tư đó, vì thế không phải ngẫu nhiên mà có người gọi đây là “Bộ luật của những người hữu sản”. Tinh thần đó cũng có tính chất xuyên suốt trong BLDS Đức, phù hợp với các giao dịch dân sự diễn ra rất nhiều trong cuộc sống hằng ngày, khơi dòng cho nhiều nguồn lực trong xã hội.

Ở nước ta, các chuyên gia cũng khuyến cáo, pháp luật hợp đồng trước hết phải bảo vệ tự do khế ước, tạo niềm tin cho tự do cạnh tranh, đặt nhiều niềm tin hơn nữa vào sức mạnh của tự do cạnh tranh, tự do khế ước. Đồng thời, BLDS cần thật sự ghi nhận, quy định rành mạch, đầy đủ quyền tài sản vốn rất phức tạp với nhiều định dạng, biến thể khác nhau.

Ví dụ, các quyền của các chủ thể pháp lý càng rõ ràng, càng bất khả xâm phạm thì họ mới yên tâm đầu tư, mới tự lo bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài sản của mình. Có nghĩa là khơi được dòng lợi ích và khi đó pháp luật ắt sẽ được xã hội, cộng đồng, người dân dùng đến một cách tự nhiên.

Việc dân sự cốt ở nơi dân

Pháp luật thành văn chỉ là một phần hiển hiện của nền văn hóa pháp lý, ví như phần nổi của một tảng băng chìm. Điều thật sự khó là nắm được cái hồn, cái “tinh thần pháp luật” ẩn đằng sau những văn bản pháp luật đó là gì, cách nghĩ ra sao khi xây dựng một đạo luật và cả hệ thống pháp luật.

Thiết nghĩ, từ cách phân loại luật tư - luật công, cách thiết kế BLDS theo tính “mở”, cho đến tinh thần khơi dòng lợi ích qua sự bảo đảm tự do, bình đẳng, quyền tài sản của công dân - tất cả điều này đều đọng lại ở triết lý: “Việc dân sự cốt ở nơi dân”. Sửa đổi BLDS lần này là dịp thích hợp để tìm hiểu, suy ngẫm và chuyển “tinh thần pháp luật” đó vào ngữ cảnh Việt Nam phục vụ lợi ích của chính chúng ta.

 

-------------------------------------------------

(*): Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến người dân về những thay đổi trong Bộ luật dân sự (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 5-1 đến hết 5-4-2015.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận