​“Chào tổng thống, tôi là Castro!”

LÊ QUANG 28/12/2014 23:12 GMT+7

TTCT - Rõ ràng một trong những điểm sáng của thế giới cuối năm 2014 đầy rối ren chính là câu chuyện Mỹ và Cuba nối lại quan hệ ngoại giao. TTCT nhìn lại những bước đi dẫn tới kết quả này.

Ông Barack Obama chủ động tiến tới bắt tay ông Raúl Castro khi đi tới bục diễn thuyết tại lễ tang Nelson Mandela ngày 10-12-2013 - Ảnh: ap
Ông Barack Obama chủ động tiến tới bắt tay ông Raúl Castro khi đi tới bục diễn thuyết tại lễ tang Nelson Mandela ngày 10-12-2013 - Ảnh: ap

“Quả bom” được kích nổ trên kênh CNN trưa 17-12 bởi chính tay Tổng thống Barack Obama, điều mà ít ai ngờ tới trong những ngày cuối năm, và tiếp theo là lời ủng hộ nhiệt tình của cựu ngoại trưởng Hillary Clinton.

Một bước ngoặt lịch sử

Trực tiếp từ Nhà Trắng, ông Obama long trọng thông báo: “Hôm nay Hợp chúng quốc Hoa Kỳ thay đổi quan hệ của mình với nhân dân Cuba và chìa bàn tay hữu nghị cho họ...”. 

Cùng thời điểm, Chủ tịch Cuba Raúl Castro cũng lên sóng truyền hình quốc gia trong bộ quân phục quen thuộc: “Nhân dân nước tôi kính trọng quyết định của Tổng thống Obama (...). Chúng ta hãy học hỏi nghệ thuật chung sống với mọi khác biệt một cách văn minh”.

Đó cũng là một lời cảm ơn tinh tế, không chỉ về nội dung thông tin, mà còn về cách ông Obama trực tiếp khích lệ người dân Cuba bằng tiếng mẹ đẻ của họ vào cuối bài nói chuyện: “No es facil, pero todos somos Americanos (Chuyện không đơn giản, song tất cả chúng ta đều là người châu Mỹ)”. 

Hai trong những chi tiết chính trong thỏa thuận giữa hai bên là nới lỏng hàng rào cấm vận chống Cuba và tiến tới tái lập quan hệ ngoại giao bị cắt đứt trước đây 53 năm. Trên tinh thần này, một đoàn quan chức cao cấp của Chính phủ Mỹ sẽ tới La Habana bàn việc đặt trụ sở lãnh sự và sứ quán trong vài tháng tới.

Nhà Trắng cũng không loại trừ khả năng ông Obama trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ cuối sẽ sang thăm Cuba.

Những kỷ lục buồn

Hàng rào cấm vận do Mỹ dựng lên để cô lập Cuba được coi là biện pháp cấm vận thương mại kỷ lục trong lịch sử đương đại. Đây là một tổng hợp của nhiều hình thức bao vây kinh tế và tài chính nhằm lật đổ chính quyền do Chủ tịch Fidel Castro lãnh đạo từ năm 1959 (sau năm 2008 là em trai ông, Raúl Castro).

Tổng thống Dwight D. Eisenhower châm ngòi năm 1960 sau khi nhiều tỉ USD tài sản của công dân và doanh nghiệp Mỹ bị Cuba quốc hữu hóa. Từ đó trở đi, lệnh phong tỏa này nhiều lần được siết chặt, đôi khi cũng nới lỏng.  

Lệnh này về sau được nâng lên thành văn bản luật với cái tên khá khó hiểu là Cuban Democracy Act, có lẽ nhằm mục đích dạy cho Cuba một bài học dân chủ (?) và còn có tên lóng là Torricelli Act theo tên nghị sĩ Torricelli là người dự thảo năm 1992.

Năm 1996 Nghị viện Mỹ ban hành luật Helms Burton Act, gia tăng hạn chế người Mỹ buôn bán với Cuba. Tổng thống Bill Clinton vào thời của mình, năm 1999, còn cấm cả các công ty con của Mỹ giao thương với Cuba, nhưng lại mở rộng danh mục các sản phẩm Mỹ được bán qua Cuba.

Kết quả của biện pháp cấm vận này là dù vậy Mỹ vẫn đứng thứ tư trong danh sách xuất khẩu vào Cuba. 7% hàng Cuba nhập khẩu đến thẳng từ Mỹ. 

Nước Mỹ, như ta biết, không dễ hài lòng với những biện pháp ít mùi thuốc súng, ở đây họ còn giữ một kỷ lục nữa: theo thống kê của Fabian Escalante, cựu chỉ huy an ninh quốc gia Cuba, có đến 638 âm mưu lớn nhỏ nhằm ám sát Fidel Castro, bất kể của CIA hay lực lượng Cuba lưu vong nào khác trên đất Mỹ.

Trang mạng Cubadebate.cu nghiêm túc đề nghị đưa tên cựu chủ tịch Cuba vào sách Guinness với kỷ lục là người bị mưu sát nhiều nhất thế giới! 

Vai trò bất ngờ của Vatican

Ít ai để ý rằng Tòa thánh Vatican luôn coi Cuba là một trọng điểm chính trị đáng quan tâm. Giáo hoàng John Paul II khi đến quốc đảo này hồi năm 1998 đã kêu gọi: “Cuba nên mở cửa với thế giới và thế giới nên mở cửa với Cuba”.

Lần này có vẻ như hai lực lượng vô thần phải cầu viện tới bàn tay Chúa, nếu như trong bối cảnh nghiêm trọng này còn có thể khôi hài được. Nhưng có lẽ Chúa đã tạo ra một ngẫu nhiên lý thú: đúng hôm 17-12, Giáo hoàng Francis đã tự tặng mình một món quà tuyệt vời nhân sinh nhật thứ 78: nhờ sự mở đường của người mà hai kẻ thù ngày nào đã bắt tay nhau. 

Theo điều tra của tạp chí Đức Focus, quả thật Giáo hoàng Francis trong mùa hạ năm ngoái đã viết thư riêng cho ông Obama và ông Castro từ Canada. Người còn đích thân mời hai vị đứng đầu nhà nước gặp nhau bí mật tại Vatican, thoạt tiên theo thỉnh cầu của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, một tín đồ Cơ Đốc giáo, nhờ giáo hoàng can thiệp để trao đổi tù nhân.

Và sau đó chính quyền Mỹ xác nhận đã tiến hành gặp chính thức đại diện của Cuba trong năm 2013 ở Vatican và Canada để chuẩn bị cho cuộc liên lạc chính thức đầu tiên giữa hai nguyên thủ kể từ cách mạng đảo mía 1959.

Sứ mạng ngoại giao này cũng dựa trên nền tảng quan hệ mật thiết giữa giáo hoàng với Jaime Lucas Ortega, cha xứ vùng La Habana, và nhà sử học Cơ Đốc giáo Eusebio Leal Spengler vốn có ảnh hưởng lớn với chính quyền Cuba.

Ngay tại Vatican, giáo hoàng cũng có nguồn tư vấn tin cậy: một nhân viên thân cận của người, Angelo Becciu, từng là đại sứ Vatican ở Washington và sau đó chuyển đến La Habana, góp phần chuyến đi thăm Cuba của giáo hoàng hồi năm 2012.

Con đường còn rất dài trước mặt hai chính phủ nay đã khởi đầu thuận lợi.  

Dù không bên nào nói ra, cả hai nước đều tiến hành một số hoạt động bày tỏ thiện chí trước thềm các biện pháp xích lại gần nhau. Ví dụ như vụ các nhân viên y tế Mỹ và Cuba, dù không có thỏa thuận công khai cấp quốc gia, sát cánh bên nhau chống lại đại dịch Ebola trong mấy tháng qua ở Sierra Leone, Liberia và Guinea.

Hoặc chuyện Cuba thả tự do công dân Mỹ Alan Gross và một điệp viên Mỹ giấu tên, cũng như nước Mỹ trả lại ba tình báo viên Cuba thuộc nhóm Cuban Five bị tù ở Mỹ từ năm 1998. 

Theo AFP bình luận, đây rõ ràng là một biện pháp được chuẩn bị từ xa, vì ngày trao đổi tù binh cũng là ngày ông Obama lên sóng công bố chính sách mới. Cuba cũng hứa xét thả thêm 53 người bất đồng chính kiến vì lý do nhân đạo.

Một ngày trước khi lên truyền hình, ngày 16-12, Tổng thống Obama đã có cuộc điện đàm lịch sử kéo dài ngót một tiếng nhằm thống nhất mọi chi tiết mà hai người sẽ công bố vào tối hôm sau. Ông cũng cho biết: “Đức giáo hoàng đã đích thân đòi hai chúng tôi giải quyết sớm vụ Alan Gross và ba tình báo viên Cuba đang ngồi tù từ 15 năm nay”. 

Điểm kết của Chiến tranh Lạnh

Thế giới ngạc nhiên không ít khi xem hình ông Barack Obama chủ động tiến tới bắt tay ông Raúl Castro khi đang đi tới bục diễn thuyết tại lễ tang Nelson Mandela. Vị chủ tịch 82 tuổi khẽ nghiêng mình “Chào tổng thống, tôi là Castro”, sau đó họ trao đổi với nhau vài câu.

Nhà Trắng vội vã phân bua đó là một cuộc chạm trán không có quy hoạch trước. Tuy nhiên không thể phủ nhận cái bắt tay đầy tính tượng trưng từ hai bên chiến tuyến: trước con mắt công luận, chưa bao giờ nguyên thủ hai nước chính thức chào nhau. Và kết quả của ngày 17-12 dù sao cũng mang nặng ý nghĩa lịch sử.

“Tôi xin chúc mừng đồng chí Raúl về cách xử sự tuyệt vời”, báo Granma của Đảng Cộng sản Cuba trích lời ông Fidel Castro, “đặc biệt vì sự cương quyết và trang trọng khi gặp tổng thống Hoa Kỳ”.

Nhật báo Die Welt trích lời Ngoại trưởng Chile Heraldo Muñoz đánh giá sự tiếp cận đó như “bắt đầu chấm dứt chiến tranh lạnh ở châu Mỹ”, tương tự nhận định của Bộ Ngoại giao Mexico: “Quyết định đó tương thích với quan điểm lịch sử của Mexico luôn hướng đến giải quyết xung đột ở Tây bán cầu bằng biện pháp hòa bình”. 

Song cũng không nên quá lạc quan về tiến độ của quá trình bình thường hóa: Tổng thống Obama đưa ra những biện pháp đầy kỳ vọng, trong khi Đảng Dân chủ của ông chiếm thiểu số trong nghị trường. Chớ quên là lực lượng kiều dân Cuba lưu vong còn ấp ủ nhiều hiềm thù.

Nghị sĩ Marco Rubio, có bố mẹ người Cuba và đại diện cho Florida là bang có nhiều kiều dân Cuba nhất, cho rằng ông Obama đã “đưa ra một quyết định sai lầm”, và ông sẽ tận dụng ảnh hưởng của mình trong tiểu ban pháp luật của nghị viện để cản trở việc đề cử đại sứ mới sang La Habana. 

Dẫu sao, không ít người kỳ vọng ông Obama đạt thành công để thuyết phục thế giới rằng Giải Nobel hòa bình được trao sớm vào tay ông là không quá vội. 

Lật lại thế cờ?

Thật ra, năm 1959 Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower vẫn thừa nhận chính quyền Fidel Castro vừa cướp chính quyền từ tay độc tài Batista. Chỉ sau khi các nhà máy và tài sản của Mỹ ở Cuba bị quốc hữu hóa dẫn đến cuộc đổ bộ lên vịnh Con Heo của Cuba và bị thất bại năm 1961, Cuba mới ngả về phía Liên Xô. 

23 năm đã qua kể từ khi Liên Xô tan rã, Chiến tranh lạnh kết thúc cả trong ý thức hệ lẫn trong thực tế và con người, Tổng thống Obama càng có lý do để lập lại bang giao. Ông giải thích cho dân chúng Mỹ và cả những chính khách Đảng Cộng hòa:

“...Cả dân Mỹ lẫn dân Cuba đã chẳng lợi ích gì từ chính sách cứng nhắc bắt nguồn trong những sự kiện đã diễn ra trước khi đa số chúng ta ra đời... Tôi sinh năm 1961, chỉ hơn hai năm sau khi Fidel Castro nắm quyền, và chỉ vài tháng sau khi cuộc xâm lược vịnh Con Heo nhằm lật đổ chế độ của ông.

Trong mấy thập kỷ sau đó, mối quan hệ giữa hai nước diễn ra trong bối cảnh của Chiến tranh lạnh và sự quyết liệt chống lại chủ nghĩa cộng sản của nước Mỹ. Năm này qua năm khác, một rào cản ý thức hệ và kinh tế đã rắn cứng giữa hai nước chúng ta”. 

Quả là ông Obama đã vô cùng thẳng thắn khi “tự phê”: "Chúng ta sẽ kết thúc một cách tiếp cận lỗi thời mà trong nhiều thập kỷ đã thất bại trong việc thúc đẩy lợi ích của chúng ta... Mặc dù chính sách này được bắt nguồn từ ý định tốt nhất, song không một quốc gia khác tham gia cùng chúng ta trong việc áp đặt lệnh trừng phạt này”!

Chuyện bình thường hóa chỉ còn là vấn đề thời gian, êkip ông Obama đủ thủ thuật để tháo gỡ những cản trở, bằng cớ là chuỗi biện pháp tháo gỡ từng phần lệnh cấm vận kinh tế. Không gì có thể chặn được hành động thay đổi đầu tiên lớn lao như ông đã từng hô khẩu hiệu tranh cử.

Phải chăng đây chính là lật lại thế cờ năm xưa: nay ông Putin đang nắm chặt lấy bán đảo Crimea và phần đông Ukraine, lại không còn tài lực để tiếp sức cho Cuba, khi ý thức hệ không còn là “1+1=2” nữa, thì sao hai nước chỉ cách có 90 hải lý lại không bắt tay nhau, khi theo ông Obama:  

“...trong hơn 35 năm qua, chúng ta đã quan hệ với Trung Quốc - một đất nước cũng được cai trị bởi một Đảng Cộng sản lớn hơn gấp bội. Cách đây gần hai mươi năm, chúng ta thiết lập lại quan hệ với Việt Nam, nơi mà chúng ta đã kinh qua một cuộc chiến tranh đã lấy đi tính mạng nhiều người Mỹ hơn bất kỳ cuộc đối đầu nào của Chiến tranh lạnh”?

DANH ĐỨC

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận