​Bài học từ chương trình cai nghiện một số nước châu Á

HIẾU TRUNG 24/11/2014 22:11 GMT+7

TTCT - Theo báo cáo Ma túy toàn cầu (WDR) năm 2012 của Văn phòng Chống ma túy và tội phạm LHQ (UNODC), khoảng 230 triệu người, tương đương 5% tổng số người trưởng thành khắp thế giới, sử dụng ma túy ít nhất một lần (thống kê năm 2010).

Người cai nghiện ở chùa Thamkrabok tại Thái Lan được uống loại thảo dược đặc biệt để kích thích nôn ọe nhằm cắt cơn nghiện - Ảnh: Wat-Thamkrabok.net
Người cai nghiện ở chùa Thamkrabok tại Thái Lan được uống loại thảo dược đặc biệt để kích thích nôn ọe nhằm cắt cơn nghiện - Ảnh: Wat-Thamkrabok.net

Trong đó, số người nghiện dao động từ 15,5 - 38,6 triệu người. Ngoài việc phá hủy sự phát triển kinh tế - xã hội, kích thích làn sóng tội phạm, gây ra bất ổn và sự lây lan của HIV/AIDS, nạn nghiện ma túy tạo ra gánh nặng tài chính cực lớn đối với xã hội.

Chỉ riêng tại Mỹ, ước tính tổn thất kinh tế do nghiện ma túy trong năm 2007 lên đến 193 tỉ USD, bao gồm 120 tỉ USD tổn thất lao động, 11 tỉ USD chi phí y tế, 61 tỉ USD chi phí pháp lý... Ngoài ra, cần tới 200-250 tỉ USD để thanh toán mọi chi phí liên quan đến hoạt động chữa trị và cai nghiện ma túy trên toàn thế giới.

Tại Đông Á và Đông Nam Á, một số nước vẫn đang áp dụng việc bắt giữ người nghiện và cưỡng chế cai nghiện trong khi một số nước khác bàn tới các giải pháp mềm nhiều hơn. 

Singapore ra mức án tử hình đối với bất kỳ kẻ nào buôn bán trên 500g cần sa, 30g cocaine, 15g heroine và trên 250g ATS. Cảnh sát Singapore có quyền buộc công dân và người nước ngoài phải xét nghiệm ma túy ngẫu nhiên, không phân biệt việc tiêu thụ ma túy trước và sau khi vào Singapore.

Người nghiện bị bắt giữ được đưa vào các trung tâm cai nghiện của chính phủ, được phân chia thành nhóm theo loại ma túy đã sử dụng.

Những người có sức khỏe tốt, tuổi từ 55 trở xuống phải trải qua quá trình cắt cơn và giải độc trong vòng một tuần. Sau đó là một tuần phục hồi sức khỏe, người cai nghiện phải tuân thủ các quy định ngặt nghèo theo thể chế nhà binh.

Sau khi các bác sĩ xác định người cai nghiện đã đủ khả năng dứt hẳn với ma túy, họ sẽ phải thực hiện các bài tập thể lực rất nặng dưới nắng trong suốt hai tuần. Đây cũng là khoảng thời gian họ phải tham gia các buổi tư vấn tâm lý theo nhóm và với gia đình.

Toàn bộ quá trình là “liệu pháp gây sốc mạnh” để giúp người cai dứt hẳn cơn nghiện và sợ không dám dùng ma túy lại nữa. Cục Chống ma túy trung ương (CNB) sẽ theo dõi người cai nghiện và thỉnh thoảng bắt họ xét nghiệm ma túy bất chợt. 

Thái Lan áp dụng phương pháp khác. Theo báo The Nation, từ năm 2011 chính quyền Bangkok bắt đầu chương trình cai nghiện tự nguyện, thu hút hơn 500.000 người nghiện trong vòng một năm. Tuy nhiên khoảng 100.000 người tái nghiện trở lại.

Người đăng ký tham gia chương trình này được đưa đến các trại cai nghiện theo kiểu nhà binh do quân đội và Ủy ban Chống ma túy (NCB) lập ra. Ước tính NCB đang điều hành khoảng 1.000 trại cai nghiện khắp cả nước. Quá trình cai nghiện kéo dài 15-90 ngày, tùy mức độ nghiện của mỗi người. 

Theo báo cáo của Mạng lưới pháp lý HIV/AIDS Canada, mỗi trại cai nghiện của quân đội Thái Lan có thể chứa 100-400 bệnh nhân. Quá trình cai nghiện cũng bao gồm cắt cơn, rèn luyện thể chất và tái hòa nhập.

Các trại cai nghiện của quân đội nhấn mạnh tính kỷ luật và các hoạt động thể chất. Quá trình cai nghiện bốn tháng bao gồm xây dựng lòng quyết tâm để ngừng sử dụng ma túy, làm việc theo nhóm, học nghề, chuẩn bị tâm lý để trở lại với xã hội. 

Tuy thế, NCB vẫn nhấn mạnh thông điệp các trung tâm coi người nghiện là bệnh nhân chứ không phải là tội phạm. NCB cho biết ước tính khoảng 70% số người cai nghiện không tái nghiện trong vòng 12 tháng và tổ chức này chịu trách nhiệm theo dõi người cai nghiện tái hòa nhập với xã hội và có thể kiểm tra họ bất chợt. 

Thái Lan đang trở thành địa điểm du khách nước ngoài đến cai nghiện. Những trung tâm cai nghiện tư nhân ra đời, như The Cabin ở Chiang Mai (có mức giá lên tới 12.000 USD/tháng) hay chùa Thamkrabok ở tỉnh Saraburi (chi phí rẻ hơn nhiều), tất cả đều coi người nghiện là bệnh nhân chứ không phải tội phạm. 

Ở Trung Quốc, đặc biệt ở các tỉnh tây nam, nơi phần lớn trung tâm cai nghiện bị mang tiếng là thường xuyên đánh đập người cai nghiện và ép họ lao động nặng nhọc, nay cũng tiến hành một số tiếp cận khác.

Tạp chí The Economist cho biết từ vài năm qua, chương trình cai nghiện mang tên dự án Ánh dương được thúc đẩy khắp cả nước, theo đó người cai nghiện được coi là bệnh nhân chứ không phải tội phạm, vì thế họ được tư vấn tâm lý và hướng dẫn học nghề. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận