Người Trung Quốc ở Iraq

HỮU NGHỊ 31/08/2014 05:08 GMT+7

TTCT - Tại sao Trung Quốc lại sớm lên tiếng tán đồng Mỹ không kích Iraq song lại hục hặc với Mỹ chuyện Thủ tướng Nouri Maliki? 11 năm sau khi chế độ độc tài của Saddam Hussein cáo chung, mọi thứ đều đảo lộn ở đây.

Công ty Trung Quốc khai thác dầu tại Iraq bằng kỹ thuật không quá phức tạp - Ảnh: New York Times

Tối thứ năm 7-8 (sáng thứ sáu giờ Bắc Kinh), Tổng thống Obama từ phòng dạ tiệc Nhà Trắng loan báo: “Hôm nay, tôi đã cho phép hai chiến dịch quân sự ở Iraq, các cuộc không kích nhắm mục tiêu đã chọn nhằm bảo vệ nhân viên người Mỹ, và mục đích nhân đạo nhằm giúp cứu hàng ngàn thường dân Iraq đang bị kẹt trên một ngọn núi không chút thức ăn, nước uống và đang đối diện với cái chết chắc chắn”.

Hôm sau, China Daily cho biết: “Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ sáu đã nói với China Daily trước khi có các cuộc không kích rằng Bắc Kinh đã chọn một “thái độ mở” đối với mọi hành động nào nhằm tạo thuận lợi cho việc đảm bảo an ninh, ổn định ở Iraq và với điều kiện tiên quyết là tôn trọng chủ quyền của Iraq… Bộ Ngoại giao cho biết thêm rằng Trung Quốc hi vọng Iraq sẽ sớm trở lại ổn định và bình thường”.

Chi tiết “trước khi có các cuộc không kích” trong bản tin trên rất đáng chú ý. Có phải do Trung Quốc được Mỹ báo trước? Không! Việc Mỹ sửa soạn không kích Iraq trở lại là việc có thể dự đoán, trước đà tiến như vũ bão của Nhà nước Hồi giáo (IS).

CNN ngày 27-6 đã bình luận rằng chuyện Mỹ không kích Iraq để giải cứu Iraq khỏi IS là nhất định rồi, vấn đề là chờ đến khi có một chính phủ mở rộng được thành lập. Coi như một đòn cân não buộc Thủ tướng Maliki sớm rời nhiệm sở sau hai nhiệm kỳ.

Thành ra, chuyện “Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu với China Daily trước các cuộc không kích” chỉ là một thủ thuật ngôn ngữ trịch thượng, ý nói “chúng tôi bật đèn xanh cho các người đấy nhé”, kèm theo nhấn mạnh “với điều kiện tiên quyết là tôn trọng chủ quyền của Iraq” hàm chứa một mâu thuẫn với Mỹ về số phận ông Maliki.

Phần của "kẻ đến sau"

Sở dĩ Trung Quốc ủng hộ việc Mỹ quay trở lại Iraq là do Trung Quốc có rất nhiều lợi ích tại quốc gia vùng Vịnh này.

Mới hôm 12-8 đây thôi, khi nội tình Iraq còn chao đảo vì Thủ tướng Maliki chưa chịu ra đi, thì China Daily chạy tít: “Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) hoàn thành đường ống dẫn dầu Iraq bất chấp xung đột” và đưa chi tiết: “CNPC, nhà sản xuất dầu khí lớn nhất đất nước, hôm qua cho biết đã hoàn thành một đường ống xuất khẩu dầu thô tại Iraq.

Đường ống dẫn dầu này là dự án xuất khẩu dầu thô đầu tiên của Iraq tái thiết sau chiến tranh, sẽ cải thiện hợp tác giữa Trung Quốc và Iraq trong lĩnh vực năng lượng…

Đường ống dẫn dầu mới, có công suất vận chuyển hằng năm là 50 triệu tấn, sẽ giúp các công ty dẫn dầu thô từ các mỏ dầu Halfaya và Burzugan ở miền nam Iraq đến cảng Al-Fao. CNPC hoạt động ở Halfaya, hiện đạt sản lượng 106.000 thùng dầu/ngày, nhưng mục tiêu đề ra sau sáu năm tới là 535.000 thùng/ngày.

Đường ống dẫn dầu mới dài 272km này là một liên doanh giữa CNPC và CNOOC… CNOOC, nhà phát triển dầu khí lớn thứ ba ở Trung Quốc, cũng đang hoạt động ở khu vực Burzugan”.

Gọi là “đường ống dẫn dầu mới” do lẽ đường ống dẫn dầu cũ được xây từ những năm 1970 với công suất 200.000 thùng/ngày đã bị hư hại trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq 1980-1988. Các hãng dầu Trung Quốc không chỉ mở đường ống dẫn dầu.

Hôm 22-7, khi chiến sự với IS đang lên đến cao điểm, China Daily loan tin: “Iraq cho biết đã thông qua một hợp đồng 607 triệu USD với Công ty Đường ống dầu khí Trung Quốc (CPP) để xây dựng một kho chứa dầu mỏ gần Nassiriya ở phía nam Iraq”.

Ở Iraq - hậu Saddam, song song với tham gia đấu thầu khai thác dầu mỏ từ năm 2009, Trung Quốc còn tập trung khai thác cơ sở hạ tầng xuất khẩu vốn là rào cản chính đối với các nước thành viên OPEC trong việc giữ xuất khẩu ổn định.

Chiến sự ảnh hưởng đến các công ty Trung Quốc, theo China Daily, khi hơn 1.000 công nhân Trung Quốc ở miền bắc Iraq đã được sơ tán trên tổng số 10.000 người ở Iraq, còn các doanh nghiệp Trung Quốc ở phía nam, bao gồm cả các dự án trong tỉnh Maysan, làm việc bình thường.

Từ Baghdad, Tim Arango của New York Times mô tả cách các công ty dầu hỏa Trung Quốc “phá giá” đầu tư vào Iraq như thế nào: “Các chuyên gia năng lượng quốc tế cho biết Trung Quốc có một lợi thế cạnh tranh so với các công ty dầu phương Tây tại Iraq.

Họ lưu ý rằng không giống như nhiều công ty dầu khí phương Tây, người Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận các hợp đồng dịch vụ với chi phí cho mỗi thùng dầu rất thấp mà không cần có hứa hẹn gì về quyền khai thác các nguồn dầu dự trữ trong tương lai. Trong khi các công ty dầu tư nhân Âu - Mỹ cần phải liệt kê trữ lượng dầu trên sổ sách kế toán của họ để đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển của các cổ đông, các công ty dầu Trung Quốc không cần phải trả lời câu hỏi đó cho các cổ đông”.

Lợi thế vô song đó đến từ nguồn vốn “không đáy” của “chủ nợ thế giới”. Badhr Jafar, chủ tịch của Crescent Petroleum - một công ty dầu khí độc lập có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và là một nhà sản xuất khí đốt lớn ở Iraq, phát biểu: “Họ cung cấp rất nhiều vốn và sẵn sàng để có được dầu một cách nhanh chóng bất chấp rủi ro. Họ không cần phải đi qua trung tâm tài chính thế giới để huy động vốn mà làm việc”.

Nhờ đó, theo nhấn mạnh của Tim Arango, các công ty Trung Quốc và công nhân của họ dễ dàng giành chiến thắng trong các vụ đấu thầu khai thác, miễn là đừng có đòi hỏi trình độ kỹ thuật quá phức tạp.

Tim Arango còn bổ sung lợi thế “bẩm sinh” của các công ty dầu Trung Quốc mà các công ty dầu Âu - Mỹ không thể nào có: “Tình hình an ninh không ổn định có thể khiến nhân viên gặp nguy hiểm. Một số công ty như Statoil của Na Uy đã bỏ đi hoặc cắt giảm hoạt động của mình.

Tuy nhiên, Trung Quốc, vốn là đối tác với các công ty châu Âu khác như BP (Anh) và công ty dầu mỏ của Thổ Nhĩ Kỳ, đã lấp đầy khoảng trống. Và họ được hạnh phúc để tập trung vào dầu mà không can dự vào các vấn đề khác của địa phương. Một quan chức Bộ Dầu Iraq cho biết: Người Trung Quốc rất đơn giản. Họ là những người thực tế. Họ chẳng dính dáng gì tới chính trị hay tôn giáo. Họ chỉ việc ăn và ngủ”.

Kẻ thù chung

Còn một lý do sống còn khác khiến Bắc Kinh tán đồng việc Mỹ không kích IS ở Iraq là do IS đang có liên hệ với các tổ chức Hồi giáo quá khích ở Tân Cương. Bắc Kinh đã nhiều lần tố cáo rằng các tay súng Hồi giáo Tân Cương đang tham chiến ở Iraq. Một khi “rảnh tay” ở Iraq, IS sẽ tham chiến ở Tân Cương là chuyện có thể dự kiến.

Cùng hòa giọng với China Daily, cũng hôm 8-8, tuần báo Phượng Hoàng, một tạp chí tin tức của Hong Kong được phát hành rộng rãi ở Trung Quốc, nêu bật mối đe dọa của IS đối với Trung Quốc. Theo tạp chí Foreign Policy 11-8, bài báo này được đưa lại rộng rãi trên các trang web tin tức của Trung Quốc khiến người dân “bình thường” trước kia còn cho rằng các cuộc thảm sát của IS ở Iraq là xa xôi, nay cảm thấy sát rạt trước cửa nhà mình.

Bài báo này trích phát biểu hôm 4-7-2014 tại Mosul, Iraq, của lãnh đạo IS là Abu Bakr Al-Baghdadi, theo đó ông này cáo buộc rằng người Hồi giáo đang bị cầm tỏa ở Trung Quốc, Ấn Độ và hơn một chục quốc gia khác, đang chờ IS cứu viện.

Tuần báo Phượng Hoàng lưu ý chi tiết Trung Quốc được đề cập đầu tiên trong danh sách của Giáo vương Baghdadi, cùng một bản đồ gọi là lãnh thổ mà IS lên kế hoạch chiếm trong năm năm tới, trong đó bao gồm một phần quan trọng của Tân Cương.

Chuyện báo chí Trung Quốc “nặn ra” tùy thích những cáo buộc hay quả quyết để giật dây dư luận là điều không xa lạ, như đã và sẽ còn thấy trên biển Đông. Từ đó có thể hiểu tại sao Trung Quốc tán đồng việc Mỹ không kích IS ở Iraq. Mỹ và Trung Quốc có thể đang tranh giành nhau Thái Bình Dương, song vẫn có một kẻ thù chung là khủng bố Hồi giáo, và nay cụ thể là IS ở Iraq.

Xúc ốc cò xơi!

Tai họa ngày nay xuất phát từ hai cuộc chiến tranh Iraq. Năm 2003, khi loan báo chiến thắng Iraq, tổng thống Bush “con” đâu ngờ rằng sẽ có ngày người đã từng chống kịch liệt chiến tranh Iraq là ông Obama nay lại phải vất vả tung máy bay F-18 trở lại Iraq từ tàu sân bay mang tên tổng thống Bush “bố”, và rằng nay Trung Quốc đã nhảy vào Iraq làm ăn và trúng đậm!

Russ, một độc giả của New York Times từ Monticello, Florida, chua chát phản hồi bài phóng sự của Tim Arango: “Hóa ra chúng ta vay bạc tỉ từ Trung Quốc, hàng ngàn người đã chết trong một cuộc chiến tranh không cần thiết, mà kết quả là Mỹ cung cấp và bảo vệ một nguồn cung cấp năng lượng mới cho Trung Quốc, để cho họ sản xuất chiếm chỗ của chúng ta.

Trong khi đó, chúng tôi đã đặt các đồng minh của Iran lên nắm quyền ở Iraq, cho phép việc chuyển giao vũ khí và máy bay chiến đấu để bảo vệ kẻ thù của chúng ta là chế độ Assad ở Syria, mở rộng ảnh hưởng của Iran, giảm chi phí quốc phòng của Iran (với việc Saddam ra đi)…

Có vẻ như Bush, Cheney, Rumsfeld, Wolfowitz đã thiết kế một thất bại chiến lược quan trọng cho nước Mỹ: tổn thất nhân mạng, khả năng quân sự, hàng tỉ đôla, ảnh hưởng và cả sự an toàn! Khi nào thì Bush, Cheney, Rumsfeld và Wolfowitz sẽ được đề cử cho các giải thưởng mà họ xứng đáng?”…

Có lẽ người lao động Trung Quốc ở Iraq chỉ biết có “ăn và ngủ” như Tim Arango nghĩ, song những “ông chủ” ở Bắc Kinh lại không thế! Ngay giữa lúc dầu sôi lửa bỏng bên ngoài Baghdad vào đầu tháng 7, một đặc phái viên của Trung Quốc tên Wu Sike đã đến Iraq và đưa ra một thông điệp ủng hộ “các nỗ lực của Iraq trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, độc lập và đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố”. Wu cam kết “Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ chính trị, tinh thần và vật chất đối với chính phủ của ông Maliki”.

Việc Trung Quốc ra mặt “động viên” Thủ tướng Maliki “bảo vệ chủ quyền quốc gia, độc lập” trước cả “đấu tranh chống khủng bố” vào lúc mà Mỹ đang khản cổ kêu gọi ông này mở rộng chính phủ cho các thành phần khác vào chẳng khác gì xúi ông này ở lại càng lâu càng tốt, đã có Bắc Kinh đứng sau!

Bởi thế, hôm 8-8, trả lời phỏng vấn của “ông thế giới phẳng” Thomas Friedman, Tổng thống Obama mới trách rằng: “Trung Quốc, vốn hưởng lợi nhiều nhất về kinh tế từ chiến tranh Iraq, nên gánh vác chung với cộng đồng quốc tế gánh nặng Iraq”, China Daily 13-8 thuật lại vụ việc và hỏi ngược lại: “Trung Quốc hưởng lợi như thế có gì sai không?”!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận